Cuong Huy Ngo
Biết cả, chẳng qua họ không muốn làm thôi Các sai sót, khiếm khuyết… nào đó xảy ra thông thường được coi là tồn tại khách quan, khó tránh khỏi. Vấn đề là ngoại trừ những sai sót, khiếm khuyết khó tránh khỏi thì có những sai sót, khiếm khuyết có thể tránh được nhưng vì sao vẫn tồn tại mới cần đưa lên bàn cân. Một khi như vậy, nếu liên quan nhà nước có người gay gắt quy cho lỗi kém hiểu biết, dốt nát của cán bộ, quan chức. Có nhiều người lại nghĩ khác. Trường phái này cho rằng: "Họ (quan chức) không dốt đâu. Họ biết hết. Chẳng qua họ không làm, không muốn làm, thậm chí họ muốn duy trì sự trì trệ, khiếm khuyết kia. Nước đục là cơ hội. Thay sách liên tục, sách chỉ dùng một lần, chỉ dùng một lần vẫn in giấy tốt, bìa đẹp. Ai chả biết lãng phí, ai chả biết cải tiến, sửa đổi mà chả sửa đổi được gì căn bản huống chi các GS, TS, các nhà giáo dục, những người quản lý… Đại loại vậy. Cây cầu, con đường nào cần hay chưa cần làm, phân kỳ đầu tư sao cho hiệu quả, phù hợp thì bà nông dân cũng biết nói chi người khác, chưa kể người trong nghề. Tất cả vẫn cứ xảy ra, diễn ra vì họ, những người có quyền chức, những người liên quan đến lợi ích mà tồn tại đem lại muốn thế. Thậm chí người ta còn xả nước để kẻ tự bỏ kinh phí làm sạch ao hồ phải thất bại. Nguồn lợi từ suất đầu tư khủng để làm sạch ao hồ… sẽ mất đi nếu ai đó cho không." Đấy chính là bối cảnh mà người tốt, người tài, kẻ tâm huyết khó có cơ hội cống hiến, thể hiện mình. Người ta quy hoạch băm nát và băm nát quy hoạch một địa phương hay cả thủ đô là vì vậy. Kiến trúc sư trưởng nào đóng góp được cho các đô thị, cho các miền quê đây một quy hoạch có dáng dấp khoa học, hiện đại, văn minh, hài hòa…mở đường cho sự phát triển toàn diện? Hay đều giống một khu chung cư bị dồn nén đến ngạt thở, bị dồn nén đến mức công trình phúc lợi, không gian sống bị bớt xén gần hết? Những câu hỏi đại loại như thế chờ ai đây? Bạn có thể trả lời chăng?
|
Nói thực sự nghiêm túc, tôi là một trong số rất rất nhiều người dân Việt Nam ngóng chờ hàng tháng các cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để nghe tin kỷ luật cán bộ.
“Cán bộ” là một từ ngữ rất quen thuộc ở Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhẽ ra người dân vẫn còn trọn vẹn tình cảm quý trọng đối với từ này nếu như nó không bị làm hoen ố bắt đầu từ sau năm 1975 khi mà xuất hiện một số ít trường hợp chức quyền được ban phát cho những người ít xứng đáng theo những nhóm khác nhau, kể cả trong quân đội. Tôi sống giữa “Khu tập thể Nam Đồng” (khu tập thể lớn nhất nước của cán bộ trung, cao cấp quân đội), nên nghe được không ít chuyện như vậy hàng ngày ở vòi nước công cộng (nơi xếp hàng lấy nước, giặt quần áo, rửa rau, vo gạo…). Và tình cảm này bị vét cạn gần hết sau khi ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư và ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng Chính phủ.
Các cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo tôi hiểu, thực chất là những cuộc họp có bản chất là thanh lọc cán bộ. Vì vậy chúng tôi ngóng chờ sự trong sáng và đúng đắn ở đó, xa hơn nữa là theo dõi quyết tâm thực sự của Đảng trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước như lời thề “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của bao nhiêu anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống (mà trong đó có nhiều người trong gia đình tôi), trong khi không ít cán bộ đang ngầm chống đối lại sự thanh lọc này.
Tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế, làm chậm bước tiến của xã hội…, mà còn là thủ phạm chính phá vỡ hoàn toàn tâm lý của dân tộc chúng ta.
Chúng ta (không loại trừ tôi) hiện nay ít yêu thương nhau hơn, kèn cựa và nghi kỵ lẫn nhau hơn, bỏ bễ công việc chung hơn, lợi dụng công việc chung để kiếm ăn nhiều hơn, và ít quan tâm tới cộng đồng hơn, ít quan tâm tới lẽ phải hơn… Những nhức nhối đó đều là do tham nhũng, tiêu cực gây nên.
Đó là những lẽ mà chúng tôi quan tâm tới những cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chứ không hoàn toàn là do ghét cán bộ.
Ấy vậy mà trong hai cuộc họp gần đây của Ủy ban liên quan tới việc kỷ luật cán bộ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (tên mà Nhà nước trao tặng nhưng thực sự thì hoàn toàn không xứng đáng một tý nào kể cả về học thuật, nhất là về luật học) và Học viện Khoa học Xã hội đã gây cho chúng tôi hoài nghi sự nghiêm túc, chính xác và đúng đắn của hoạt động thanh lọc này. Có lẽ vì chúng tôi đã đặt niềm tin quá nhiều vào hoạt động này của Ủy ban chăng?
Người, theo chúng tôi hiểu, tổ chức nên những sai phạm không ngờ trong tổ chức và hoạt động đào tạo của HVKHXH (khác hẳn với những sai phạm chung của các cơ sở đào tạo khác) vẫn nhởn nhơ, lại còn khoe khoang đã thoát hiểm. Một số người họp và phục vụ Hội đồng Giáo sư ngành luật vừa qua đã thì thào nói với tôi rằng tay này khoe thoát được, giỏi thật.
Phải chăng chỉ cần cái gọi là “có công” trong nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để xây dựng chế độ là có thể “thoát hiểm”?
Chúng tôi đang tin tưởng Ủy ban Kiểm tra Trung ương và chính Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang hành động lấy lại niềm tin của dân đối với Đảng, nên tôi cho rằng không thể để lọt những vi phạm rõ ràng mà cả nước đã biết từ lâu rồi.
Sự để lọt này dường như đang gây dư luận trên mạng xã hội?
C.H.N.
Nguồn: FB Cuong Huy Ngo