Nguyễn Tuấn
Đạo diễn Trần Văn Thuỷ có lần than thở rằng “Cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt". Hôm nay, tạp chí GoodWeekend của tờ Sydney Morning Herald có đi một bài dài về sự tham chánh của giới trẻ gốc Việt ở Úc [1]. Cả hai bài có nhiều điều để chúng ta suy nghĩ về sự vô vọng và hi vọng cho dân tộc.
1. Vô vọng
Lời than thở của Đạo diễn Trần Văn Thuỷ (người lớn lên trong XHCN ở miền ngoài) không phải là không có cớ. Ông cho biết rằng trước đây ông cứ nghĩ những khuyết tật trong xã hội Việt Nam (như quan liêu, cửa quyền, áp đặt ý kiến, v.v.) là sản phẩm của chủ nghĩa xã hội. Nhiều người ở miền Nam cũng nghĩ như vậy. Chẳng hạn như cái văn hoá ‘đấu tố’ thì đúng là từ XHCN cài đặt vào, chớ trước đây ở miền Nam đâu có cái văn hoá đó.
Tuy nhiên, những khuyết tật đó không hẳn là sản phẩm của XHCN đâu. Đạo diễn Thuỷ cho biết sau khi ông ghé thăm Mĩ và Âu châu, ông thấy nhiều chuyện kinh hoàng trong "những báo chí của phe chống cộng đủ thứ […] Ai mà không giống mình thì dằn mặt, đánh hoặc bắn", ông đi đến kết luận rằng hoá ra ‘phe bên kia’ cũng có nhiều vấn đề. Ông cho biết "Đè nặng lên tôi nhất vẫn là cái cảm giác dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật, ai càng yêu nước càng buồn nhiều." [2]
Ngay cả người lạc quan nhứt có lẽ cũng đồng ý với nhận xét trên của ĐD Trần Văn Thuỷ. Đúng là có những ‘đấm đá’ trong nội bộ cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ngay tại Úc tôi đây cũng có những bất đồng chánh kiến giữa 2 phe, tạm gọi là ‘phe thủ cựu’ và ‘phe trẻ’. Sự bất đồng chánh kiến giữa 2 phe đã lan tràn lên báo chí và mạng xã hội với những ngôn từ rất khó đọc và khó nghe. Ngạc nhiên thay, tất cả những ngôn từ đó đều được thốt ra từ những người có học cao và bất kể độ tuổi!
Mới đây, một người trẻ, Thanh Tâm, làm cuốn phim có tựa đề rất đẹp A Realm of Return (và lời dịch cũng rất hay: ‘Bóng quá khứ’) cũng bị … tẩy chay. Bóng Quá Khứ là một tái hiện những số phận nghiệt ngã và mất mát sau 1975 ở miền Nam và Thuyền nhân. Phim đơn giản, không có diễn viên chuyên nghiệp cũng chẳng có ngân sách to tát, nhưng lại được báo chí phương Tây đánh giá cao và được trao nhiều giải thưởng trong các cuộc liên hoan phim. Tưởng rằng một phim như thế sẽ được những Thuyền nhân ủng hộ (và quả thật có nhiều ủng hộ), thế nhưng lại cũng có vài người đòi… tẩy chay. Thật kinh ngạc!
Tại sao tẩy chay? Tại vì, theo những người đòi tẩy chay, cô đạo diễn Thanh Tâm đã lợi dụng quá khứ đau thương để kiếm tiền. Trời đất ơi! Nói vậy mà nói được thì tôi cũng bó tay về loại logic lạ lùng này. Lại còn có cáo buộc rằng Thanh Tâm không phải là một Thuyền nhân (ý nói không phải người vượt biển) và cuốn phim là do ‘cộng sản’ tiếp sức và tài trợ. Nói về cáo buộc này, Thanh Tâm cho biết đó là một cáo buộc ‘ấu trĩ’ và ‘vu vơ’, hay nói thẳng là một vu khống. Vậy mà vẫn có người tin và phát tán những luận điệu ấu trĩ như vậy trong cộng đồng!
Thành ra, Đạo diễn Trần Văn Thuỷ có lí do để nghĩ rằng "dân tộc mình khó mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới."
2. Hi vọng
Nhưng có nên quá bi quan như vậy không? Có lẽ không. Bởi vì cộng đồng dân tộc thì lúc nào cũng tự làm mới mình và thích ứng với môi trường. Con người Việt Nam không quá tệ hay kém thông minh đến nỗi ‘khó khá lên được’. Vấn đề là môi trường và thể chế. Ở một thể chế đàng hoàng và một môi trường bình đẳng và minh bạch thì người Việt chúng ta chẳng thua kém ai. Có nhiều minh chứng cho phát biểu đó.
Một minh chứng là thế hệ trẻ Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể trong các thể chế tự do và dân chủ. Chúng ta đã nghe biết những đóng góp sáng chói (sáng chói thiệt, không phải qua báo chí Việt Nam tô vẽ) của giới trẻ Việt Nam ở các nước như Mĩ, Âu châu, Úc châu. Đó là những đóng góp quan trọng trong khoa học, kĩ thuật, thậm chí văn chương. Nhưng điều đáng mừng là họ còn tích cực tham gia chánh trường địa phương và đạt được những thành tựu đáng nể.
Hôm nay, Tạp chí GoodWeekend của nhựt báo Sydney Morning Herald đi một bài phóng sự dài có tựa đề là ‘We have nothing to lose, no pride, no ego’ (Chúng ta chẳng có gì để mất, không tự hào, không tự trọng). Trong bài phóng sự, kí giả Caroline Zielinski viết về những tham chánh của giới trẻ gốc Việt ở Úc. Trong đó, có hai người rất trẻ tên là Jasmine Nguyen (25 tuổi) và Anthony Tran (22 tuổi) được dân bầu làm thị trưởng thành phố (Mayor). Cả hai người được mệnh danh là Thị trưởng trẻ tuổi nhứt nước Úc. Mới 22 tuổi mà làm Thị trưởng thì đúng là quá trẻ, nhưng anh ấy có khả năng thuyết phục dân chúng bầu cho mình thì đó mới là điều đáng nể phục.
Mấy tuần trước, tôi có đề cập đến Dai Le (Lê Thị Trang Đài), người đã làm nên lịch sử khi đánh bại ứng cử viên sáng giá của đảng Lao Động Úc và trở thành dân biểu liên bang gốc Việt đầu tiên ở Úc.
Tất cả họ — Jasmine Nguyen, Anthony Tran, Dai Le, và vài người khác trong bài báo – đều xuất thân từ Thuyền nhân, và họ có một ‘lịch sử’ độc nhứt vô nhị. Jasmine Nguyễn sanh năm 1996, ba cô ấy là huấn luyện viên lái xe và mẹ làm nghề dược. Cô cho biết cha mẹ không bao giờ khuyến khích theo đuổi sự nghiệp chánh trị, nhưng cô ấy thì nhứt định theo học thương mại, tâm lí học và chánh trị học. Rồi qua những gặp gỡ tình cờ và cơ duyên, cô ấy tham gia hoạt động chánh trị, và mới đây được bầu làm Thị trưởng thành phố BrimBank.
Anthony Tran cũng là người Việt thế hệ 2 ở Úc. Anthony sanh ra trong một gia đình mà cha là một nhà khoa học và mẹ là một chuyên gia IT – cả hai đều là người vượt biển vào thập niên 1980s. Qua một người bạn của gia đình, Anthony dấn thân vào chánh trị và tranh cử vào hội đồng thành phố Maribyrnong, và kết quả ngọt ngào là được bầu làm Thị trưởng trẻ nhứt nước Úc.
Tuy mới ở tuổi đôi mươi, nhưng cả hai Jasmine Nguyen và Anthony Tran đã có những chương trình lớn cho cộng đồng. Jasmine thì tập trung vào vấn đề thất nghiệp ở giới trẻ, còn Anthony thì quan tâm đến sức khoẻ tâm thần cho người cao tuổi và người bị chấn thương. Họ cho biết thoạt đầu có những người lớn tuổi xem thường họ và không muốn bầu họ làm thị trưởng, thế nhưng qua viễn kiến và cách thuyết phục công chúng, họ đã thành công. Cả hai đều cho biết rằng họ kinh qua hội chứng ‘Impostor Syndrome’, một hội chứng tâm lí tự hoài nghi về tài năng và thành tựu của mình. Tuy nhiên, Anthony nói:
“Chúng tôi chẳng có gì để mất – không tự hào, không có ‘cái tôi’, có lẽ chỉ vài tài trợ. Chúng tôi chỉ muốn làm một tấm gương tốt.”
3. Cần một thể chế dung nạp
Nhưng để làm tấm gương tốt, để đạt được những thành tựu chánh trị như Jasmine và Anthony họ phải có một môi trường tốt. Ở Úc, không thiếu gì những thanh niên trẻ như hai em ấy, cũng làm việc và dấn thân cho cộng đồng, nhưng họ bị vùi dập tơi bời đến nỗi họ phải bỏ cuộc.
Cái khác biệt giữa họ là môi trường hoạt động. Những thanh niên làm việc trong môi trường cộng đồng người Việt thì sẽ khó mà có cơ hội chứng tỏ tài năng của họ vì vẫn còn có những vòng kim cô và những ‘trưởng lão’ trên đầu họ. Những trưởng lão đó lúc nào cũng xem thường họ như là những đứa ‘con nít’, biết gì về chánh trị mà làm việc lớn. Thậm chí như cô đạo diễn Thanh Tâm mà còn bị chỉ trích là biết gì về Thuyền nhân mà làm phim về Thuyền nhân! Đúng là ấu trĩ. Trong môi trường như vậy thì làm sao người có khả năng có cơ hội vươn lên.
Bạn có thể sáng tác một tác phẩm hay tuyệt, nhưng nếu bạn viết bằng tiếng Việt thì thế nào cũng bị chỉ trích, chê bai, thậm chí tẩy chay. Nhưng nếu tác phẩm đó được viết bằng tiếng Anh thì bạn sẽ được khen ngợi hết lời. Và, nếu bản tiếng Anh đó được dịch sang tiếng Việt, bạn càng được ngợi khen. Bài học: nếu muốn thành công ở nước ngoài, hãy cẩn thận hay tránh xa cộng đồng nói tiếng Việt. Phũ phàng? Có lẽ vậy.
Thế nhưng trong môi trường ngoài cộng đồng Việt Nam, những thanh niên như Jasmine Nguyen, Anthony Tran (hay thế hệ 1.5 là Dai Le) thì họ lại có cơ hội phô diễn tài năng rất sớm. Trong môi trường nói tiếng Anh với nhau, giới trẻ không có những ràng buộc về những cách nói cảm tính của tiếng Việt và người Việt, họ có cơ hội để tranh luận (không phải cãi lộn) một cách bình đẳng. Trong môi trường dân chủ và bình đẳng, tuổi không phải là yếu tố quan trọng; viễn kiến và quan điểm mới là yếu tố quyết định. Chỉ có môi trường đó thì chúng ta mới có những chánh trị gia tầm cỡ dù chỉ ở tuổi 30s.
Sự thành công của các chánh trị gia trẻ tuổi ở Úc (và có lẽ còn nhiều nơi khác mà tôi chưa biết hết) cho chúng ta một lí do để không quá bi quan như Đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Dân tộc này có thể khá lên được và đuổi kịp các nước, nhưng với điều kiện trong một môi trường bình đẳng, minh bạch, và một thể chế mang tính dung nạp (inclusiveness). Một thể chế bất dung nạp và kì thị có hệ thống thì không thể nào làm cho đất nước khá lên được. Nhưng tất cả đều phải bắt đầu bằng một nền giáo dục dân tộc, nhân bản, và khai phóng.
______
[1] https://www.smh.com.au/…/we-had-nothing-to-lose-no…
[2] https://boxitvn.blogspot.com/…/cai-cam-giac-e-nang-ben…
N.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn