Tiến sĩ Võ Nhật Linh
Chuyên gia Nghiên cứu Phát triển
Ở TP HCM, mẹ tôi – một giáo viên hưu trí và thường xuyên ở nhà – đang lo lắng giá điện sẽ tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến lương hưu ít ỏi của bà.
Nỗi lo này đến từ thông tin Bộ Công thương dự định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt khi chi phí đầu vào biến động, làm giá bán lẻ bình quân tăng 1% trở lên, thay vì 3% như quy định hiện hành. Nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% đến dưới 5% và trong khung giá, EVN sẽ được tự quyết tăng giá điện.
Dự thảo sửa đổi Quyết định 24 đang gây lo ngại rằng việc trao thêm quyền tự quyết điều chỉnh tăng giá (nhưng không đề cập cơ chế giảm giá) cho đơn vị kinh doanh độc quyền mặt hàng tối thiết yếu sẽ chỉ dẫn đến tình trạng giá điện ngày càng tăng dễ dàng, đội chi phí sinh hoạt và sản xuất lên cao. Hệ lụy là tình trạng lạm phát cao do nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng giá.
Tuy nhiên, Bộ Công thương và EVN cho rằng chi phí đầu vào của ngành điện đang tăng cao nên họ cần nhiều quyền tự quyết hơn để dễ thích ứng với thị trường.
Đây có phải là giải pháp duy nhất?
Thông thường, để đối phó với bài toán chi phí, doanh nghiệp có thể lựa chọn giải pháp tăng giá bán hàng hoặc tối ưu hóa chi phí. Đối với ngành điện, một khi điện đã được hòa vào lưới thì một nghiệp vụ rất quan trọng là điều tiết phụ tải điện. Khi nhu cầu sử dụng điện lớn hơn khả năng cung cấp mà không có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời (ví dụ cắt bớt tải, tức ngưng cung cấp điện một số khu vực) thì lưới điện có thể bị sập, gây thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, nếu cắt điện trong khi nhu cầu sử dụng vẫn có, ngành điện tự bỏ đi nguồn thu của mình.
Khi nhu cầu sử dụng điện ít hơn khả năng cung cấp thì lượng điện dôi dư ra bị bỏ phí. Theo một thống kê của Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) thuộc Bộ Công thương cho 8.760 giờ sử dụng điện tại TP HCM, phụ tải đỉnh của hệ thống (tức từ 90% trở lên công suất cung cấp tối đa của lưới) chỉ chiếm 2% tổng thời lượng trong năm. Nói cách khác, nếu đầu tư hệ thống sản xuất điện lớn đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu của nền kinh tế thì trong 98% thời gian, lượng điện được sản xuất ra phải bỏ đi rất nhiều. Do đó, để tối ưu hóa chi phí cho công ty điện lực, nhu cầu sử dụng điện lúc nào cũng phải thật gần sát với khả năng cung cấp điện của lưới.
Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM – Demand Side Management) theo quyết định 279 của Thủ tướng, đã nêu rõ Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR – Demand Response) là trọng tâm. Chương trình DR khuyến khích người sử dụng điện điều chỉnh hành vi của mình, dẫn đến điều tiết nhu cầu sử dụng điện của khu vực/ địa phương/ quốc gia sát với khả năng cung cấp của lưới điện.
Tháng 9/2019, EVN cho biết đã vận động được 4.500 khách hàng lớn tham gia DR với hình thức phi thương mại hoàn toàn. Đến tháng 6/2022, đã có 10.000 khách hàng tham gia vào chương trình nhưng vẫn luôn với hình thức phi thương mại. Nói cách khác, chương trình trọng tâm trong chính sách điện của quốc gia hiện nay chỉ phục vụ lợi ích ngành điện mà không đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho khách hàng – tức là các đơn vị sản xuất hay hộ gia đình. Vì vậy, nhiều khách hàng là các doanh nghiệp lớn từ chối tham gia vì ngại điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Trong thời gian làm việc tại Viện Toán kinh tế (Đại học Kỹ thuật Vienna – Áo), tôi tham gia vào các dự án tính giá điện theo khung giờ để đồng thời tối ưu hóa chi phí của nhà cung cấp điện và tối ưu hóa hóa đơn tiền điện cho khách hàng. Tại Pháp và các nước châu Âu khác, chính sách giá điện theo thời điểm được áp dụng từ nhiều năm nay. Mỗi khu vực sẽ có khung giờ cao điểm và thấp điểm tương ứng với đơn giá cao và thấp để người tiêu thụ tự quyết định. Tại Mỹ và Canada, nhiều công ty cung cấp điện áp dụng đến ba khung giờ với ba đơn giá khác nhau và được linh động điều chỉnh theo từng mùa và từng vị trí địa lý. Giá tiền hay yếu tố kinh tế sẽ là điều kiện mang tính cam kết cao từ phía khách hàng để điều chỉnh phụ tải điện.
Thiếu yếu tố thương mại với chính sách giá linh động, chương trình điều tiết phụ tải khó đạt được mục tiêu giảm 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống quốc gia, tức là cũng giảm được ít nhất chừng ấy lượng điện sản xuất bị bỏ phí. Nếu đạt được con số mục tiêu 30% đó, Bộ Công thương hay EVN không cần đòi quyền tự quyết tăng giá với mức 5% để bù cho mức tăng chi phí đầu vào.
Để thực hiện hiệu quả chương trình điều tiết phụ tải điện lực với tinh thần cùng thắng (win – win), ngành điện cần phải chuẩn bị gì?
Thứ nhất, ngành điện cần có sự chuyển đổi số với cơ sở hạ tầng. Ở cấp độ người sử dụng điện, các hệ thống điện kế thông minh cần được triển khai để đo đạc lượng điện sử dụng theo các khung giờ cụ thể, cũng như các định mức sử dụng đã đăng ký trước. Ở cấp độ đơn vị cung cấp điện, họ cần hệ thông kết nối và điều khiển với các điện kế thông minh nói trên.
Thứ hai, mỗi khách hàng đều có hồ sơ sử dụng điện riêng và một nhà cung cấp với một chính sách giá khó lòng đáp ứng được nhu cầu của tất cả khách hàng. Do đó, nhiều nhà cung cấp điện với nhiều chính sách giá khác nhau sẽ thu hút được lượng khách hàng tham gia vào Chương trình điều tiết phụ tải. Để đảm bảo an ninh quốc gia nói chung và an ninh năng lượng nói riêng, nhà nước vẫn có thể nắm quyền ở các khâu quan trọng như truyền tải hay vận hành hạ tầng. Riêng phần kinh doanh điện – tức là giao dịch trực tiếp với người sử dụng, nhà nước nên mạnh dạn phá bỏ sự độc quyền. Tại Pháp, Công ty Điện lực Quốc gia Pháp (EDF) trước kia là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực cung cấp điện cho toàn xã hội. Từ 2010, chính sách cải tạo thị trường điện tại Pháp đã làm thay đổi cơ bản thị trường này với sự xuất hiện của nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ điện tới khách hàng, dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia với vai trò chi phối của nhà nước.
Tóm lại, trước tình hình thế giới đang bất ổn, nguy cơ lạm phát kinh tế cao, người dân chỉ thực sự yên tâm và ủng hộ khi họ tìm thấy tinh thần cùng thắng (win – win) trong các chính sách mà nhà nước ban ra.
V.N.L.
Nguồn: VNExpress