1. Ukraine đang lọt vào ‘túi lửa’ của Nga?
4 tháng 10, 2022
Ảnh chụp từ trên cao các tòa nhà bị phá hủy vào ngày 3 Tháng Mười năm 2022 ở Izium, Ukraine. Izium vẫn không có điện và nước sau khi thị trấn được lực lượng Ukraine tái chiếm. (ảnh: Paula Bronstein / Getty Images)
Khi các lực lượng Ukraine tiến gần đến việc chiếm lại khu vực Donetsk, Moscow tăng cường bắt lính trong độ tuổi nhập ngũ theo kiểu gõ cửa từng nhà.
Ngày 3 Tháng Mười, người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết Kyiv đã tái chiếm thêm lãnh thổ ở khu vực phía Đông Donetsk vào Chủ Nhật, sau khi giải phóng thành phố quan trọng Lyman. Ukraine cũng tấn công các mục tiêu của Nga trong nỗ lực giành lại khu vực lân cận Luhansk.
Chiến trường và chính trường đều căng thẳng
Những thành công trên chiến trường của Ukraine ở phía Đông diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng (gồm Donetsk và Luhansk) và các chính phủ phương Tây nhanh chóng áp đặt một loạt trừng phạt mới và tuyên bố không công nhận các khu vực này thuộc lãnh thổ Nga.
Sau khi Ukraine nộp đơn khẩn cấp xin gia nhập, lãnh đạo của chín quốc gia NATO từ Trung và Đông Âu ra tuyên bố chung ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên của liên minh và kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv. Trong khi đó, các tờ báo lá cải tuyên truyền của Nga thi nhau biện minh về thất bại tại Lyman, đặc biệt nhấn mạnh Quân đội Nga rút khỏi Lyman là do gặp tình trạng “thiếu nhân lực, thông tin liên lạc kém và sai lầm của các sĩ quan chỉ huy”.
Những người Ukraine xếp hàng chờ lên chuyến tàu về Kyiv tại ga xe lửa Przemysl hôm 30 Tháng Chín năm 2022 tại Przemysl, Ba Lan. Nga tuyên bố sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine, khiến nhiều người Ukraine chạy qua biên giới sang Ba Lan, trong khi những người tị nạn Ukraine khác đang tìm cách định cư ở châu Âu kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Tháng Hai đang quay trở lại Ukraine. (ảnh: Omar Marques / Getty Images)
Một cây bút thân quân đội Nga viết trên tờ Komsomolskaya Pravda:
“Nguy cơ bị bao vây và viễn cảnh bị giam cầm nhục nhã là quá lớn nên các chỉ huy đã đưa ra quyết định rút lui. Không có liên lạc thông suốt giữa các đơn vị. Cũng không ai biết điều gì đang xảy ra tại các vị trí phòng thủ lân cận. Khi bạn yêu cầu yểm trợ pháo binh thông qua một hệ thống báo cáo phức tạp, sẽ rất mất thời gian và các mục tiêu đã biến mất từ lâu. Không đủ lính, sai lầm của chỉ huy trong tổ chức phòng thủ, là các nguyên nhân. Việc lực lượng dự bị đến muộn cũng có vai trò cùng với sự thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị trên bộ và thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu thông tin tình báo”.
Theo ba nguồn tin tình báo mới nhất, với những lo ngại ngày càng tăng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ leo thang chiến tranh ở Ukraine. Mỹ đã xem xét cách đối phó với một loạt các kịch bản tiềm năng, gồm cả việc Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Mỹ phát triển các kế hoạch dự phòng để đáp trả, gồm cả việc Tổng thống Nga tiến hành “màn trình diễn hạt nhân” như tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, hoặc kích nổ thiết bị hạt nhân trên cao và cách xa khu vực đông dân cư.
Đến nay, các quan chức Mỹ cho biết chưa phát hiện động thái chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn xem đó là lựa chọn tiềm năng của Putin mà Mỹ phải chuẩn bị khi cuộc xâm lược của Nga đi vào thoái bộ và khi Moscow sáp nhập thêm lãnh thổ Ukraine. “Putin có thể làm bất cứ điều gì,” Dân biểu đảng Dân chủ Mike Quigley ở tiểu bang Illinois, thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói với CNN. “Bạn phải cảnh giới Putin một cách nghiêm túc.”
Chiến thắng dồn dập
Về lãnh thổ, Ukraine khẳng định đã chiếm thêm một số lãnh thổ ở phía Nam, gồm cả một thị trấn bên bờ sông Dnipro. Theo một blogger quân sự thân Nga, các lực lượng Ukraine giành được nhiều thắng lợi ở phía Nam trên đường tiến về thành phố Kherson và chiếm thị trấn Zolota Balka trên bờ Tây sông Dnipro.
Serhii Khlan, cố vấn của người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kherson của Ukraine tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Lực lượng vũ trang của chúng tôi đang tiến công mạnh dọc theo bờ sông Dnipro gần Berislav”.
Về phần mình, Kirill Stremousov, người đứng đầu chính quyền do Nga bổ nhiệm ở Kherson thừa nhận các lực lượng Ukraine đang tiến dọc sông Dnipro. “Tôi có thể nói gì đây? – ông ta viết trên Telegram – Lực lượng Quốc xã Đức tiến xa hơn một chút, nhưng phòng thủ của chúng tôi vẫn hoạt động. Chúng tôi đang đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công và những ai đang hoảng loạn trên mạng xã hội hãy dừng lại. Đây không phải Kharkiv, không phải Lyman. Chúng tôi vẫn giữ các tuyến phòng thủ của mình”.
Hai phụ nữ đang chờ viện trợ nhân đạo, cố gắng liên lạc bằng điện thoại di động bên ngoài một tòa nhà bị phá hủy hôm 3 Tháng Mười năm 2022 ở Izium, Ukraine. (ảnh: Paula Bronstein / Getty Images)
Boris Rozhin, một blogger quân sự Nga, tin rằng các lực lượng Nga đang cố gắng ngăn chặn đà tiến quân của Ukraine. “Các cuộc đọ sức pháo binh diễn ra tại Zolota Balka và Dudchan,” Rozhin viết trên Telegram. “Lực lượng vũ trang Ukraine cũng củng cố những vị trí bị chiếm đóng”. Các quan chức thân Nga cho biết hai lực lượng của Ukraine trên đường tiến vào khu vực Luhansk. Andrey Marochko, một nhà lãnh đạo quân sự của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự phong, xác nhận trên Telegram: “Ngày 3 Tháng Mười, lực lượng vũ trang Ukraine vượt qua biên giới hành chính của LPR và giành được chỗ đứng trên chiến tuyến Lysychansk”.
Nga kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Luhansk của Ukraine nhưng Ukraine đã giải phóng ngôi làng Bilohorivka vào cuối Tháng Chín. Theo Yuriy Podolyaka, nhà báo, blogger quân sự và nhà phân tích thân Nga, các lực lượng Ukraine cũng tiếp tục tấn công vào các thị trấn Svatove và Kreminna do Nga chiếm đóng tại Luhansk.
Podolyaka viết trên Telegram: “Đối mặt với mối đe dọa trong khu vực định cư Borova, chúng tôi quyết định rút quân về dòng sông Zherebets. Trong khu vực Kreminna, kẻ thù cũng không hoạt động đặc biệt trong ngày hôm nay, nhưng việc tập trung quân, báo hiệu một cuộc tấn công mới theo hướng Svatove và Kreminna sẽ diễn ra vào bất cứ ngày nào”.
Andrey Marochko, đại diện quân sự của cái gọi là Dân quân Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Luhansk, cho rằng các phương tiện truyền thông Ukraine đang rất tích cực chia sẻ thông tin Lực lượng vũ trang Ukraine vượt qua biên giới hành chính của LPR, và họ rất vui mừng. “Nhưng hiện nay hai quân đội không có biên giới hành chính, thực tế là quân đội Ukraine đã lọt vào ‘túi lửa’ và sẽ bị quân đội chúng tôi tiêu diệt,” Marochko viết.
L.T.S.
Nguồn: saigonnhonews.com
2. Nga thay tư lệnh quân khu miền Tây, quân Ukraine tiến sâu vào Luhansk
Việt Dũng
Chính quyền thân Nga thừa nhận quân đội Ukraine đang trên đà phản công và tiến sâu vào Luhansk.
Theo CNN, trong ngày 3/10 (giờ địa phương), ông Andrey Marochko, chỉ huy quân sự Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng cho biết, Ukraine đang tiếp tục tiến sâu vào vùng Luhansk, sau khi kiểm soát được thị trấn Lyman.
"Tôi biết lực lượng vũ trang Ukraine đã vượt qua biên giới hành chính của LPR, và đang tập trung để chuẩn bị tấn công Lysychansk. Tuy vậy, đối phương đang bước vào một ‘hố lửa’ và sẽ sớm bị tiêu diệt", ông Marochko nói.
Binh lính Ukraine tại Lyman, vùng Luhansk . Ảnh: SN
Cũng liên quan tới tình hình ở Luhansk, chính quyền LPR cho biết, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc đột kích với sự yểm trợ của pháo binh vào bên trong thành phố Kremennaya. Tuy nhiên, chiến dịch này đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ phía lực lượng phòng thủ thân Nga. Ngoài ra, Kiev cũng đang tập trung quân đội ở các thị trấn Svatove và Kreminna (vẫn do Nga kiểm soát), và được dự báo sẽ sớm tiến hành tập kích.
Người dân Cộng hòa Czech góp tiền mua xe tăng cho Ukraine
Theo Reuters, trong ngày 3/10, Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên tiếng cảm ơn người dân Cộng hòa Czech vì đã tổ chức quyên tiền để mua xe tăng cho Kiev.
"Tôi cảm ơn những người dân Cộng hòa Czech, các bạn là những công dân đầu tiên mua được một xe tăng chiến đấu đúng chuẩn", Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Yevhen Perebyinis nói.
Xe tăng T-72 Avenger. Ảnh: CC
Được biết, chương trình quyên góp này do đại sứ quán Ukraine tại Prague phát động, nhận được sự ủng hộ của 11.288 người với tổng số tiền là 1,31 triệu USD. Khoản tiền này dùng để mua một xe tăng T-72 Avenger, ngoài ra, đại sứ quán sẽ tiếp tục nhận đóng góp từ người dân Czech để mua đạn dược cho chiến xa.
Bên cạnh chương trình này, người dân Cộng hòa Czech đã ủng hộ tổng cộng 51,72 triệu USD cho Kiev, tính tới cuối tháng 9.
Lực lượng phòng thủ tại nhà máy Azovstal đoàn tụ cùng gia đình
Theo Sky News, trong ngày 3/10 (giờ địa phương), những người lính cố thủ tại nhà máy thép Azovstal ở Mariupol đã được đoàn tụ với người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người lính Ukraine đoàn tụ với gia đình. Ảnh: UPPS
Các sĩ quan Denys Prokopenko, Serhii Volynskyi, Sviatoslav Palamar, Denys Shleha và Oleh Homenko đã trở thành tù binh kể từ tháng 5, sau khi Nga kiểm soát hoàn toàn Mariupol. Trong đợt trao đổi tù binh mới nhất giữa 2 phe, họ đã được trả tự do.
Những người lính Ukraine đoàn tụ với gia đình. Ảnh: UPPS
Nga thay tư lệnh Quân khu miền Tây
Theo CNN, theo hồ sơ từ Cơ quan đăng ký nhà nước, Đại tướng Roman Berdnikov đã được phê chuẩn làm chỉ huy mới của Quân khu miền Tây. Vai trò này trước đó do Tướng Alexander Zhuravlyov đảm nhiệm.
Quân khu miền Tây là một trong 5 quân khu của lực lượng vũ trang Nga. Việc thay tư lệnh xảy ra trong bối cảnh lực lượng Nga được cho là gặp tổn thất ở mặt trận đông bắc Ukraine vào tháng trước. Bên cạnh đó là việc phải rút khỏi thị trấn Lyman ở vùng gần đây.
V.D.
Nguồn: vietnamnet.vn
3. Bước lùi của Nga trên chiến trường Ukraine
Thanh Tâm (Theo CNN)
Sau đà tiến nhanh chóng đầu chiến dịch, Nga đang đối mặt nhiều thách thức khi liên tục phải rút lui, đánh mất lợi thế chiến trường trước Ukraine.
Chỉ trong 5 ngày kể từ khi phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2, lực lượng Nga đã kiểm soát gần 119.000 km vuông lãnh thổ Ukraine, tương đương 1/5 diện tích của nước láng giềng, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Washington, Mỹ. Phần lãnh thổ này bao gồm cả bán đảo Crimea mà Moskva sáp nhập năm 2014 và hai vùng Lugansk, Donetsk do phe ly khai kiểm soát.
Nga sau đó duy trì đà tiến công ở miền bắc, miền nam và miền đông Ukraine, chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ. Chưa đầy một tháng sau đó, Nga kiểm soát khoảng 27% diện tích lãnh thổ Ukraine.
Nhưng đến cuối tháng 3, trước sức kháng cự kiên cường của Ukraine, đà tiến của Nga chững lại và phải rút khỏi miền bắc nước này từ đầu tháng 4, chuyển trọng tâm chiến dịch sang Donbass, miền đông Ukraine. Trong vòng vài ngày rút quân, Nga từ bỏ khoảng 40% diện tích đất mà họ giành được kể từ khi bắt đầu chiến dịch.
Trong 5 tháng sau đó, Nga tiến quân ngày càng chậm chạp và khó khăn. Từ đầu tháng 5 tới cuối tháng 8, quân Nga chỉ chiếm thêm được khoảng 200-1.400 km vuông đất mỗi tháng, theo ISW.
Trong thời gian này, Ukraine hứng chịu tổn thất quan trọng nhất là thất thủ ở thành phố Mariupol. Binh sĩ Ukraine trong nhà máy thép Azovstal đã phải đầu hàng hồi cuối tháng 5, sau hơn 80 ngày cầm cự. Lực lượng Nga cũng kiểm soát các thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở Lugansk, sau khi tận dụng triệt để hỏa lực pháo binh để bẻ gãy sức kháng cự của đối phương.
Xe tăng Nga bị bỏ lại ở ngoại ô Izyum, tỉnh Kharkov, miền đông Ukraine, hôm 11/9. Ảnh: AFP.
Đến đầu tháng 9, tình thế bắt đầu đảo chiều. Ukraine bất ngờ phát động chiến dịch phản công ở đông bắc sau chiến dịch nghi binh ở miền nam, buộc lực lượng Nga phải rút quân khỏi một số khu vực dọc tiền tuyến ở Kharkov. Ngày 11/9, quân Ukraine đã tái kiểm soát 4.000 km vuông lãnh thổ, thành tựu lớn nhất mà họ giành được chỉ trong một ngày.
Tính đến ngày 26/9, diện tích lãnh thổ mà Nga giành thêm được từ đầu tháng 4 chỉ là hơn 1.000 km vuông.
Trong tuần cuối của tháng 9, lực lượng Nga đã rút khỏi hơn 9.000 km vuông lãnh thổ mà họ kiểm soát. Tới nay, Nga đang kiểm soát tổng cộng 116.000 km vuông đất được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Ukraine, trong đó có cả diện tích bán đảo Crimea.
Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Tổng thống Vladimir Putin dường như nhận ra tình thế bất lợi của lực lượng Nga trên chiến trường Ukraine. Andrey Kortunov, người điều hành Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga ở Moskva, có chung nhận định.
"Tổng thống Putin đang muốn chấm dứt cuộc chiến này càng nhanh càng tốt", ông Kortunov nói.
Diện tích đất Nga kiểm soát ở Ukraine giảm dần theo thời gian. Đồ họa: CNN.
Tuy nhiên, khi đà tiến chững lại, Nga khó có thể chấm dứt xung đột bằng biện pháp quân sự. Quyết định động viên 300.000 quân dự bị gần đây của ông Putin sẽ không sớm đảo ngược được tình thế chiến trường, thậm chí gây ra tác động bất lợi ở trong nước.
Những bất cập trong quá trình thực thi lệnh động viên đã làm dấy lên nhiều bất bình trong xã hội Nga và khiến người dân nước này cảm nhận được không khí chiến tranh rõ hơn bao giờ hết. Theo dữ liệu chính thức từ Liên minh châu Âu (EU), Gruzia và Kazakhstan, khoảng 220.000 người Nga đã chạy qua biên giới kể từ khi lệnh động viên một phần được công bố.
"Rất nhiều người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao chúng tôi lại rơi vào mớ hỗn độn này", Kortunov nói.
Những bước lùi gần đây trên chiến trường dường như đã dẫn tới quyết định Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, gồm Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam, Donetsk và Lugansk ở miền đông. Giới quan sát cho rằng động thái này có thể cho phép Nga sử dụng các biện pháp mạnh tay để bảo vệ khu vực mà họ gọi là "lãnh thổ sáp nhập", thậm chí cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần.
Sau khi tuyên bố Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson sẽ là một phần của Nga "mãi mãi", Tổng thống Putin hôm 30/9 kêu gọi Ukraine đàm phán hòa bình.
Tổng thống Nga Putin chủ trì cuộc họp về các vấn đề nông nghiệp tại Sochi ngày 27/9. Ảnh: AFP.
Theo Kortunov, lựa chọn hợp lý của ông Putin lúc này là tuyên bố chiến thắng và rút khỏi cuộc chiến theo các điều kiện mà ông muốn. Tuy nhiên, kịch bản này đòi hỏi lực lượng Nga phải giành được thành tựu đáng kể trên chiến trường.
"Chúng tôi cần phải một cái gì đó để cho công chúng thấy rằng Nga đang giành chiến thắng", ông nói. Đây là logic mà ông Putin dường như đang tuân theo, khi tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine.
Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và là đại diện đặc biệt của Mỹ tại Ukraine dưới thời tổng thống Donald Trump, tin rằng ông Putin có thể đang chuẩn bị cho kịch bản hòa bình.
"Tôi nghĩ điều mà ông ấy có thể làm là tung ra những lời đe dọa có thể răn đe phương Tây, như đề cập kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân, sau đó nói hãy đàm phán một giải pháp", Volker nói.
Fiona Hill, từng là cố vấn về an ninh quốc gia Nga cho ba tổng thống Mỹ, cũng cho rằng lãnh đạo Nga có thể đang tìm cách kết thúc cuộc chiến. "Ông ấy nhận thấy rõ bước lùi của Nga trên chiến trường và đang tìm cách thoát khỏi đó", Hill cho hay.
Một yếu tố khác có thể thúc đẩy tính toán của ông Putin là mùa đông. Quân đội Pháp dưới thời Napoleon và Đức quốc xã trong Thế chiến II đều từng thất bại trong chiến dịch tiến công Moskva vì các đường tiếp tế qua Ukraine quá dài và khó khăn trong mùa đông lạnh giá.
"Lần này chính Nga phải đảm bảo tuyến tiếp tế và duy trì lực lượng của họ ở Ukraine. Điều này sẽ rất khó khăn trong mùa đông. Ông Putin không còn nhiều thời gian trước khi thời tiết trở nên lạnh giá", Volker nói.
Tuy nhiên, giới quan sát thêm rằng không ai có thể biết lãnh đạo Nga thực sự đang tính toán điều gì. Kortunov không cho rằng ông Putin sẽ sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp những gì ngoài điều khoản mà ông muốn.
Hill nhận định Tổng thống Nga nhiều khả năng muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng minh, không phải với Ukraine. "Về cơ bản, ông ấy đang nói rằng ‘các ngài phải đàm phán với tôi và theo đuổi hòa bình. Điều đó đồng nghĩa công nhận những gì chúng tôi đã làm trên đất Ukraine’", Hill nói.
Những khu vực quân đội Nga đang kiểm soát trong 4 tỉnh trưng cầu dân ý sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Đồ họa: Guardian.
Theo các nhà phân tích, ông Putin có thể đang thử thách quyết tâm ủng hộ Ukraine của phương Tây thông qua các lời đe dọa, nhằm chia rẽ liên minh, để họ gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận các điều khoản chấm dứt xung đột có lợi cho Nga.
Tuy nhiên, đây có thể là một tính toán sai lầm, khi Ukraine đã phản ứng một cách quyết liệt với nỗ lực sáp nhập lãnh thổ của Nga, thậm chí tuyên bố sẽ không đàm phán chừng nào ông Putin còn tại vị. Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, đồng thời cam kết ủng hộ Ukraine cho đến khi giành chiến thắng.
Ukraine hiện cũng không có động lực để nhượng bộ trong đàm phán, khi quân đội nước này đang đẩy mạnh đà phản công và tái chiếm thành phố chiến lược Lyman ở tỉnh Donetsk. Quân đội Nga đã phải rút khỏi Lyman chỉ vài ngày sau khi ông Putin tuyên bố sáp nhập vùng này vào lãnh thổ.
"Chiến sự ở Ukraine có thể đang bước vào giai đoạn mới và ông Putin biết lực lượng Nga đang dần phải lùi vào chân tường", Nic Robertson, nhà phân tích của CNN, nhận định. "Nhưng cái kết có lợi như ông Putin mong muốn dường như còn rất xa vời".
T.T.
Nguồn: vnexpress.net
4. Nóng chiến sự: Ukraine đạt bước đột phá lớn nhất ở miền nam, đe dọa đường tiếp tế của hàng nghìn quân Nga
Thùy Dung (Theo Al Zaeera) Thứ ba, ngày 04/10/2022 08:05 AM (GMT+7)
Các lực lượng Ukraine tái chiếm lãnh thổ ở phía nam, đe dọa đường tiếp tế cho hàng nghìn quân Nga.
Các binh sĩ Ukraine tuần tra tại nhà ga đường sắt mới được chiếm lại gần đây ở Kupiansk Vuzlovyi, thuộc vùng Kharkov của Ukraine. Ảnh AFP
Các lực lượng Ukraine đã đạt được bước đột phá lớn nhất ở miền nam đất nước kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, vượt qua chiến tuyến của Nga hôm thứ Hai 3/10 và tiến dọc theo sông Dnepr, chiếm lại một số ngôi làng trên đường đi và đe dọa đường tiếp tế cho hàng nghìn quân Nga.
Cuộc tiến công của Ukraine nhắm vào các đường tiếp tế cho khoảng 25.000 quân Nga ở bờ tây của Dnepr. Ukraine đã phá hủy các cây cầu chính, buộc lực lượng Nga phải sử dụng các cầu vượt tạm thời.
Kiev đưa ra rất ít thông tin về những chiến thắng ở phía nam, nhưng các nguồn tin Nga thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã tiến hàng chục km dọc theo bờ tây của con sông, chiếm lại một số ngôi làng trên đường đi.
"Có một khu định cư tên là Dudchany, ngay dọc theo sông Dnepr và ngay tại đó, trong vùng đó, đã có một bước đột phá. Có những khu định cư đang bị quân đội Ukraine chiếm đóng ", Vladimir Saldo, nhà lãnh đạo thân Nga ở khu vực bị chiếm đóng ở tỉnh Kherson, nói với kênh truyền hình nhà nước Nga.
Các binh sĩ thuộc Lữ đoàn tấn công núi 128 của Ukraine đã giương cao lá cờ xanh và vàng của đất nước ở Myrolyubivka, một ngôi làng nằm giữa mặt trận cũ và Dnepr, theo một đoạn video do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố.
Anton Gerashchenko, một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, đã đăng một bức ảnh các binh sĩ Ukraine đang tạo dáng với lá cờ của họ trên bức tượng vàng của một thiên thần tại một ngôi làng mà ông nói là Mikhailivka, trên bờ sông cách mặt trận trước đó khoảng 20 km.
Serhiy Khlan, một thành viên hội đồng khu vực Kherson, cũng liệt kê Osokorivka, Mykhailivka, Khreschenikvka và Zoloto Balka là những ngôi làng bị tái chiếm, hoặc nơi quân đội Ukraine đã được chụp ảnh.
Ông nói: "Có nghĩa là các lực lượng vũ trang của chúng tôi đang di chuyển mạnh mẽ dọc theo bờ Dnepr gần tới Beryslav.
Bước đột phá phản ánh những thành công gần đây của Ukraine ở phía đông chống lại Nga, ngay cả khi Moscow đã cố gắng nâng cao lợi thế bằng cách sáp nhập lãnh thổ, ra lệnh huy động và đe dọa trả đũa hạt nhân.
Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia là lãnh thổ của Nga, Ukraine đã tái chiếm Lyman, pháo đài chính của Nga ở phía bắc tỉnh Donetsk.
Việc chiếm lại Lyman – nơi mà các lực lượng của Moscow đã vất vả kiểm soát trong nhiều tuần vào mùa xuân này – đánh dấu chiến thắng quân sự đầu tiên của Ukraine trên lãnh thổ mà Điện Kremlin tuyên bố là của mình và đã cam kết bảo vệ bằng mọi cách có thể.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã "rút" quân khỏi thị trấn "đến các tuyến thuận lợi hơn".
Sự thất thủ của Lyman đã mở ra con đường cho Ukraine tiến sâu vào tỉnh Luhansk, đe dọa các tuyến đường tiếp tế chính đến lãnh thổ mà Moscow chiếm được trong một số trận chiến đẫm máu nhất hồi tháng 6 và tháng 7.
Phóng viên Al Jazeera, Mohamed Vall, báo cáo từ Moscow, cho biết những thay đổi trong hiến pháp để phân định các đường biên giới mới sau khi sáp nhập dự kiến sẽ được Thượng viện Nga thông qua vào thứ Ba 4/10. Bước đi này có nghĩa là Nga sẽ "chính thức có 89 thực thể tạo thành liên bang của mình", ông Vall nói.
"Đối với Luhansk và Donetsk, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết biên giới sẽ giống như năm 2014 khi hai nước cộng hòa tự xưng đó tuyên bố độc lập khỏi Ukraine.
"Đối với Zaporizhia và Kherson, sẽ có sự tham vấn của cư dân. Chúng tôi hiểu rằng Nga không kiểm soát tất cả những vùng lãnh thổ đó ngay bây giờ và họ thậm chí đang mất dần vị trí ở đó, vì vậy sẽ là một trận chiến rất khó khăn cho người Nga để đến được biên giới mà họ đang nói đến".
"Người Nga đã ăn mừng điều này," Vall nói thêm. "Nhưng có một sự khác biệt giữa những gì đang được nói và tình hình trên mặt đất".
T.D.
Nguồn: danviet.vn
Xem thêm tin mới:
Putin tê tái trận Lymar, mất hơn 4000 quân, cách chức các tư lệnh. Ukraine truy kích tàn quân NgaKim Thúy-Đinh Nhung Vietcatholic News 4/10/2022
|