Quyền được xét xử công bằng

Cát Tường

(VNTB) – Nhân danh quyền lực nhà nước để tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp tài sản đất đai của người dân sẽ dẫn đến xung đột bạo lực.

clip_image002

Ngoài các vụ oan sai do tiêu cực, cẩu thả, vận dụng sai pháp luật, thì với các bản án “tuyên đúng” mà dân vẫn băn khoăn về lẽ công bằng, chắc chắn đó là khi pháp luật cần phải hoàn thiện.

Chuyện tử tù Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình vì bắn chết nhiều người khi bị công ty Long Sơn dồn vào đường cùng… có thể là một minh họa cho đặt vấn đề về sự công bằng cho tố tụng.

Trước hết, việc tuyên án tử hình Đặng Văn Hiến sở dĩ là vấn đề mà dư luận quan tâm suốt thời gian dài, bởi những băn khoăn, hoài nghi do người dân không hiểu biết pháp luật, hay do pháp luật về đất đai quá rối ren, không xử lý dứt khoát được tranh chấp cho người dân nên họ phải tự bảo vệ chính mảnh đất mình đang canh tác, để bảo vệ cuộc sống của mình.

Từ vụ án Đặng Văn Hiến, Đoàn Văn Vươn, Dương Nội, Thủ Thiêm, Đồng Tâm và hàng ngàn vụ tranh chấp đất đai khác cho thấy nơi ở hợp pháp không chỉ là ngôi nhà, mà còn là đất đai, vườn tược của những người sống lâu nay, trải qua nhiều đời ở ngôi nhà đó. Và như vậy, theo quy định tại Điều 22 Hiến pháp 2013, thì công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không. được người đó đồng ý.

Như vậy, tuy hiện nay chưa có quy định thống nhất về việc xác định chỗ ở của công dân giữa những luật điều chỉnh những mối quan hệ khác nhau. Nhưng theo quy định của Luật nhà ở, thì chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013 quy định về nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Rõ ràng, ở đây không phân biệt là chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình hay chỗ ở được cho thuê mà công dân dùng vào mục đích cư trú, sử dụng làm chỗ ở hợp pháp và thường xuyên thì được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác mà không được sự cho phép của họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trở lại với những Đặng Văn Hiến, Đoàn Văn Vươn, Dương Nội, Thủ Thiêm, Đồng Tâm và hàng ngàn vụ tranh chấp đất đai khác. Họ có quyền tự vệ khi chỗ ở, vườn tược, huê lợi trên diện tích đất mà gia đình họ đang ở, sinh sống. Nói một cách khác, cần phải công nhận bằng luật về quyền tư hữu tài sản đất đai của người dân.

Nếu tách rời người dân đang sinh sống trên diện tích đất đó với lập luận đất đai là sở hữu toàn dân, thì rõ ràng người dân sẽ hiểu đó là hành vi nhân danh quyền lực nhà nước để tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp tài sản đất đai của người dân.

Sự dồn nén đó, trong đôi trường hợp sẽ dẫn đến xung đột bạo lực.

Nhìn qua rất nhiều vụ án đã xảy ra trong lĩnh vực đất đai, ví dụ như vụ Đoàn Văn Vươn, vụ xã Đồng Tâm, vụ của Đặng Văn Hiến… để thấy đấy không chỉ là những “điểm nóng” đơn thuần ở việc bồi thường giải tỏa, tái định cư… Rất cần làm rõ ràng về quyền sở hữu đất đai của người dân để họ không oán than, phẫn nộ, họ sẽ không bị dồn vào đường cùng mà thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Đất đai vườn tược, trên đó đã có mồ hôi khai khẩn và rời đất ra, người nông dân không còn đường sống. Dẫu cho đó là đất lấn chiếm đi nữa trong dòng di dân khai hoang, thì cũng không thể không đặt ra câu hỏi người dân sẽ sống bằng gì khi không còn đất nữa?

Ở một góc độ nào đó, họ cũng chỉ là nạn nhân đã bị đẩy đến bước đường cùng lưu manh hoá. Khi xét xử họ bằng những bản án tù tội vì “đã dám tự vệ” để gìn giữ tài sản đất đai ông bà của họ, thử hỏi lẽ công bằng nằm ở đâu?

C.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Dân oan, luật đất đai. Bookmark the permalink.