15/09/2022
Phần đầu bức thư của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ gửi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 9/9/2022. Photo AIC.
Đại diện các hiệp hội thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và Liên minh Internet châu Á vừa gửi một thư chung đến lãnh đạo Việt Nam bày tỏ quan ngại về một nghị định mới nhất của Chính phủ, cho rằng quy định này với những điều khoản “mơ hồ”, không nhất quán với luật ra trước đó, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các công ty tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của nước này.
Thư chung đề cập đến Nghị định số 53/2022/ NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam “quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng (LANM) – đặc biệt lưu ý về yêu cầu lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh/văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Bức thư đề ngày 9/9 gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có đoạn viết: “Chúng tôi kiến nghị Ngài cân nhắc những yêu cầu do Nghị định 53/2022 NĐ-CP quy định… đặc biệt vấn đề bản địa hóa dữ liệu”.
Bức thư do đại diện của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (U.S. Chamber of Commerce), Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) và Liên minh Internet châu Á (AIC) ký, nêu rõ: “Những yêu cầu này gây gánh nặng đáng kể đối với các doanh nghiệp trực tiếp liên quan và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”.
AIC – đại diện cho hàng loạt công ty công nghệ của Hoa Kỳ và châu Á, trong đó có công ty Meta (trước đây là Facebook), Google, Twitter – cho biết trong một thông cáo, tóm tắt bức thư, nói rằng cách diễn đạt của một số Điều / Khoản mục trong Nghị định 53 còn “mơ hồ” khiến doanh nghiệp không biết phải đáp ứng như thế nào để phù hợp với quy định.
Bức thư đồng kính gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng, và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper viết: “Tại thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp liên quan chưa thể đánh giá chính xác chi phí và nỗ lực cần thiết để hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”.
EMBED
Những điều khoản mà phía doanh nghiệp Mỹ cho là “mơ hồ” bao gồm phạm vi áp dụng các yêu cầu về lưu trữ dữ liệu, mâu thuẫn giữa Điều 26.2 của Nghị định 53, diễn giải theo Điều 26.3 của Luật An ninh mạng và Điều 26.3 của Nghị định 53; đồng thời cho rằng thời gian lưu trữ dữ liệu ít nhất 24 tháng “có thể khiến quyền riêng tư, an ninh và quyền lợi của các chủ thể liên quan gặp rủi ro”.
“Chúng tôi cho rằng vẫn còn nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn khác trong các quy định của pháp luật khiến các doanh nghiệp không chắc chắn về quy trình tuân thủ và do đó cần làm rõ thêm”, thư kiến nghị viết.
VOA đã liên lạc Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan để tìm hiểu phản ứng của họ về thư kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.
Meta và Google chưa phản hồi yêu cầu bình luận của báo chí về Nghị định 53.
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ kiến nghị rằng Chính phủ nên làm rõ quy định về đối tượng áp dụng việc lưu trữ dữ liệu để đảm bảo tính thống nhất giữa nghị định và luật; xem xét quy mô và mức độ hoạt động của doanh nghiệp khi đưa ra yêu cầu về lưu trữ dữ liệu và thành lập chi nhánh hoặc đại diện; giảm thời gian lưu trữ dữ liệu; có một quy trình tham vấn các bên liên quan và các chủ thể dữ liệu để đảm bảo quyền riêng tư…
Trang Bloomberg nhận định rằng thư kiến nghị của giới doanh nghiệp Mỹ được đưa ra giữa lúc Việt Nam đang tìm cách củng cố sức hấp dẫn của mình như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thực hiện việc kiểm duyệt chặt chẽ truyền thông và đã kiểm soát Internet trong vài năm qua. Điều này bắt đầu với Luật An ninh mạng vào năm 2019 và đã áp dụng quy tắc ứng xử mạng xã hội vào năm ngoái”, trang Bloomberg viết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần phát biểu rằng ông mong muốn các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu (Big Tech) hiện diện nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Mặc dù thị trường Việt Nam là nơi có lượng người dùng lớn và tạo doanh thu đáng kể cho cả Google và Meta, nhưng cả hai đều không có văn phòng chính thức tại quốc gia này.
Hôm 15/9, trang Nikkei Asia có bài viết nhận định rằng yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam không những gây trở ngại cho các công ty Big Tech, đồng thời có thể khiến Hà Nội rơi vào một tình huống vi phạm Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà theo đó các nước ký kết phải bảo vệ cá nhân trong thương mại điện tử, bảo đảm sự tự do luân chuyển thông tin điện tử giữa các thành viên CPTPP, đồng thời bảo đảm quyền tự do kinh doanh của thương nhân mà không hạn chế về nơi đặt trung tâm máy chủ.
Nguồn: VOA Tiếng Việt