8 khuyết tật qua một phiên toà dị kỳ

Nguyễn Văn Tuấn

Hai hồi mõ đã vang lên, điểm danh cho hai ngành bị tính sổ ở Việt Nam: Y TẾ và GIÁO DỤC. Hồi mõ thứ ba được thay bằng một tiếng động dữ dằn hơn, để điểm danh cho một ngành quan trọng vào hàng đầu: TƯ PHÁP VIỆT NAM. Đó là phát đạn vang lên giữa khuya một ngày đầu năm 2020 bắn vào tim cụ Lê Đình Kình. Từ nay trở đi sẽ còn nhiều hồi mõ giục giã khác làm lạnh buốt lương tri tất thảy chúng ta, những ai vốn là con dân nước Việt.

Bauxite Việt Nam   

Những ai từng theo dõi nền tư pháp Việt Nam không thấy ngạc nhiên với bản án dành cho Thiền Am hôm 21/7/2022. Nhưng diễn biến của vụ án và phiên toà cho thấy nhiều khuyết tật trong xã hội ngày nay. Ở đây, tôi chỉ nêu 8 khuyết tật liên quan đến thiết chế và văn hoá xã hội.

Người ta không ngạc nhiên với bản án là vì hầu như tất cả các bản án ở Việt Nam được xử theo điều luật 331 đều đã được định trước. Tất cả 6 người trong Thiền Am bị kết tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đó là một tội danh mà các cơ quan nhân quyền quốc tế nhận xét là ‘rất mơ hồ’, hiểu theo nghĩa muốn kết tội ai cũng được.

Trong quá khứ nhiều người bất đồng chánh kiến đã bị giam cầm vì tội danh này. Ngay từ đầu, người ta dồn tổng lực từ an ninh, kiểm sát, toà án, dư luận viên đến báo chí hạ nhục Thiền Am.

Những lần ‘ra quân’ bức hại những người trong Thiền Am còn hơn cả ra quân chống khủng bố chưa làm người ta hết ngạc nhiên thì những vi phạm luật pháp của những con người kền kền đẩy tình hình lên một điểm cao mới. Những động thái đó cho thấy nhà cầm quyền quyết chí triệt tiêu một nhóm người tu tại gia và nuôi trẻ mồ côi. Phiên toà chỉ là một quy trình có tổ chức để thực hiện mục tiêu tiêu diệt đó mà thôi.

Nhìn lại toàn cảnh vụ án và phiên toà, tôi thấy nhiều ‘khuyết tật’ của nền tư pháp Việt Nam. Đó là những khuyết tật vừa mang tính thiết chế, vừa mang tính văn hoá xã hội. Chỉ xin nêu 8 khuyết tật nổi cộm như sau:

clip_image002

1. Khuyết tật lớn nhứt là thiếu sự độc lập giữa lập pháp, hành pháp, và tư pháp

Ngay từ giữa tháng 1/2022, trước khi đưa ra bất cứ cáo buộc nào, thì công an đã bắt giam 3 người trong Thiền Am. Điều đáng nói là một viên công an của tỉnh Long An tuyên bố rằng "Chúng tôi đang làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh để thống nhất các sai phạm của ông Lê Tùng Vân và người liên quan".

Có lẽ nhiều người ở Việt Nam, nhứt là giới dư luận viên, thấy sự thông đồng đó là bình thường vì họ đã sống trong một môi trường như vậy quá lâu. Họ không thấy rằng đó là một khuyết tật chí mạng, bởi vì nếu ba thiết chế đó (lập pháp, hành pháp, và tư pháp) không độc lập thì làm sao có công lý, nhứt là công lý cho người ‘thấp cổ bé họng’?

Sự thật xảy ra trước mắt ở Thiền Am không phải là lần đầu, và chắc chắn sẽ còn xảy ra trong tương lai.

2. Khuyết tật về hình sự hoá một câu thành ngữ

Ai cũng biết câu ‘Ngu như bò’ chỉ là một cách nói về một hành vi kém cỏi hay ngu xuẩn. Đó là một câu thành ngữ rất phổ biến trong dân gian, phổ biến đến độ nó được dùng như là một câu nói đùa cho vui. Ấy vậy mà trong vụ án này, câu nói đó được một ông tu sĩ Phật giáo nâng tầm lên "xúc phạm" và vác đơn kiện mấy người trong Thiền Am ra toà. Và, ông ấy đã thành công đưa 6 người trong Thiền Am vào tù với tổng số năm tù tội là 23 năm 6 tháng. Không có nơi nào trên thế giới mà người ta đi tù vì câu thành ngữ đó. Chỉ có Việt Nam mới có khả năng tạo ra một tiền lệ như vậy.

Phải nói đây là một tiền lệ mang tính lịch sử.

3. Khuyết tật về chứng cớ

Các luật sư đại diện Thiền Am phát hiện một video được dùng để cáo buộc họ lại xuất phát từ một kênh youtube giả mạo những người trong Thiền Am. Kênh youtube này, theo cộng đồng mạng phát hiện, chỉ được lập ra để nói xấu Thiền Am và chỉ đăng được 3 cái video! Ấy vậy mà một video như thế được dùng làm bằng chứng để cáo buộc mấy người trong Thiền Am!

Thật ra, còn nhiều khuất tất khác về chứng cớ mà các luật sư đã nêu, nhưng toà án lờ đi những sai phạm đó!

4. Khuyết tật về trình độ của nhân viên tư pháp

Bất cứ ai chỉ cần nghe qua những câu hỏi và phát biểu trong phiên toà sẽ thấy ngay một khuyết tật liên quan đến trình độ văn hoá và kiến văn của các thẩm phán, và cả người "chủ toạ" phiên toà. Kiến văn của họ thấp đến độ kinh ngạc!

Phiên toà chỉ xét xử điều luật 331 đối với 6 người trong Thiền Am, chẳng có liên quan gì đến tôn giáo cả. Ấy vậy mà viên chủ toạ bỏ ra khá nhiều thời gian để hỏi những câu liên quan đến tôn giáo như:

"Ai đặt pháp danh cho bị cáo là Thích Tâm Đức?"

"Lý do vì sao những người trong hộ Cao Thị Cúc mặc áo màu nâu mà bị cáo lại không đăng ký sinh hoạt tôn giáo."

Viên chủ toạ phiên toà trích từ một câu nói của ông Lê Tùng Vân rằng: "…đạo Phật chỉ khuyên người ta đừng làm ác và nếu người ta làm ác thì không có cái luật nào để trị tội người làm ác đó… trong tâm hai ngài đừng suy nghĩ đây là tôn giáo, đây là pháp luật; bỏ cái tôn giáo, bỏ cái luật pháp đó qua một bên đi…", nhưng vấn đề ở đây là anh ta trích một cách không đầy đủ và có ác ý. Ông Lê Tùng Vân đã nhân dịp này giảng một bài cho ông chủ toạ biết thế nào là trích dẫn và học thuật [1].

Thử tưởng tượng một người kém về văn hoá, kém về kiến văn, kém cả về học thuật như thế mà lại làm chủ toạ phiên toà!

Cái khuyết tật về trình độ còn thể hiện qua phía luật sư đại diện cho phe ‘bị hại’. Các bạn thử tưởng tượng luật sư gì mà nói và viết không rành; luật sư gì mà thốt ra câu nào là người ta ngỡ ngàng câu đó. Chẳng hạn như có luật sư đặt câu hỏi:

“Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao?”

làm cho các luật sư của Thiền Am ngỡ ngàng và … cười ha hả. Nếu Chúa Jesus sống lại và nghe câu này chắc ngài cũng ngỡ ngàng. Một câu hỏi không chỉ quá ư là kém cỏi trí tuệ mà còn thể hiện một fallacy (nguỵ biện) hết sức căn bản. Ấy vậy mà người này là luật sư! Không thể tưởng tượng nổi trình độ của luật sư mà thê thảm như thế.

5. Khuyết tật của truyền thông Nhà nước

Trong hơn 3 năm trời, hệ thống truyền thông Nhà nước bịa đặt hay vặn vẹo thông tin để bôi nhọ và hạ nhục những người trong Thiền Am, đặc biệt là ông Lê Tùng Vân. Tất cả những thủ thuật misinformation (tin giả vô ý), disinformation (tin giả ác ý), và malinformation (tin độc) đều được tung ra với cường độ chỉ có thể nói là kinh hoàng.

Có thể nói rằng việc nguỵ tạo và phát tán thông tin về loạn luân là một hành vi thâm hiểm nhứt, độc ác nhứt, và trắng trợn nhứt.

Thâm hiểm là vì nó được bịa đặt ra để làm cho công chúng kinh tởm Thiền Am, và qua đó cô lập hoá họ. Độc ác nhứt là vì thông tin đó giống như một sự ám sát những trẻ em trong Thiền Am. Trắng trợn nhứt là vì nó không có bất cứ một cơ sở khả tín nào (ngoại sự ngụy tạo thông tin).

Ngay cả trước và sau phiên toà, họ vẫn không có khả năng viết những bản tin khách quan và công tâm, mà vẫn là những câu chữ gieo nghi ngờ, thậm chí sai lệch về những câu phát biểu trong toà. Thật khó tưởng tượng được báo chí gì mà ác độc như thế.

6. Khuyết tật về đạo đức xã hội

Vụ án Thiền Am là một ‘phiên toà mạng xã hội’ mà trong đó đóng vai quan toà là hàng ngàn người sử dụng Youtube và Facebook. Những người này ngày đêm phát tán những thông tin do họ tưởng tượng hay bịa đặt ra, rồi từ đó tha hồ đưa ra những kết tội mà họ muốn những người trong Thiền Am phải phạm tội. Họ tưởng tượng ra những vụ án rùng rợn để kích động trí tò mò của người xem, và từ đó có thu nhập.

Có vài người khoe rằng họ làm giàu nhờ nói xấu Thiền Am! Có thể nói không ngoa rằng những kẻ dã tâm này đã làm tiền trên máu và nước mắt của Thiền Am. Và, điều quái đản nhứt là họ tự hào bằng cách kiếm tiền như thế! Xã hội gì đã tạo nên những con người với những khuyết tật đạo đức như thế?

Vụ án còn cho thấy một số người trong công quyền đánh mất tánh người. Họ thoá mạ người của Thiền Am là "lũ bay sống bầy đàn", là "đồ hỗn tạp". Những câu nói đó chẳng khác gì những sĩ quan Nazi nói với người Do Thái trước đây.

Cái khuyết tật lớn nhứt là họ không có khả năng nhìn sự vật bằng cái nhìn của người khác, họ không có khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác, và chính vì yếu tố này đã biến họ thành những người rất khác biệt: thiếu tánh người.

Vụ án còn biểu hiện một xã hội có phản ứng theo kiểu bầy đàn và bạo lực. Những kẻ dễ dãi trong suy nghĩ đã bị truyền thông Nhà nước dẫn dắt và tự biến họ thành những con người ác độc đối với Thiền Am.

Quái gở một điều là có những người xem mặt mũi không đến nổi tệ mà đòi xét nghiệm DNA để loại trừ tội loạn luân. Cái khuyết tật của mấy người này là nguỵ biện có tên là “Burden of Proof”. Kẻ phạm lỗi nguỵ biện này vu cáo người ta, rồi bảo người ta chứng minh rằng họ vô tội! Đó là một nguỵ biện thô thiển mà kẻ có học không thể nào phạm phải, nhưng trong vụ án Thiền Am thì rất nhiều người, kể cả người khoác áo ngành y, phạm phải.

Một số người sống và hành xử như những con kền kền đột nhiên nhảy tót lên bàn nghị luận xã hội và xâm nhập vào những nơi tôn nghiêm như pháp đình. Xã hội gì mà loạn chuẩn đến độ những cặn bã xã hội có khả năng đặt ra phán xét người đàng hoàng, hay loại ‘cóc nhái nhảy lên làm người’ như thế?

7. Khuyết tật về văn hoá đàn áp

Theo dõi diễn biến trong phiên toà làm cho người ta nhớ phiên toà liên quan đến Linh mục Nguyễn Văn Lý năm xưa.

Dạo đó, khi LM Lý ra toà, ông phát biểu một câu mà có lẽ nhà cầm quyền (hay toà án?) không muốn nghe, và thế là một viên an ninh bịt miệng ông một cách thô bạo. Tôi còn nhớ bức hình LM Lý bị bịt miệng được truyền khi khắp thế giới, và ở bên Mỹ người ta còn cho dán bích chương trên xa lộ!

Tưởng rằng cái văn hoá đàn áp đó là quá khứ, nhưng ai ngờ đâu nó lại được áp dụng cho phiên toà Thiền Am vừa qua nhưng với một phương tiện khác.

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng, "Các phóng viên phản ánh: ‘khi luật sư Thiền Am phát biểu, âm thanh kịp thời rọt rẹt. Còn những người khác nói, nghe rất rõ. Một phiên toà qua loa". Ngoài ra, khi ông Lê Tùng Vân nói đến phần "xuyên tạc công an huyện Đức Hòa" thì video chỉ còn hình ảnh! Tương tự, nhiều câu nói của bị cáo cũng bị ‘tắt tiếng’ một cách trắng trợn như thế.

Không thể nào tưởng tượng một phiên toà vào thế kỷ 21 ở một nước có truyền thống văn hiến lâu đời mà hành xử thô thiển và thô bạo như thế.

8. Khuyết tật trong Giáo hội Phật giáo

Qua vụ án này, công chúng trong và ngoài nước chú ý đến một nhân vật trong Giáo hội PGVN rất đình đám: TT Thích Nhật Từ. Ông này được những người ủng hộ xem là một bậc "chân tu", nhưng những hành vi của ông thì không nhứt quán với phẩm hạnh của một bậc chân tu.

Ông có vẻ không ưa Công giáo và đã nhiều lần xúc xiểm đạo Công giáo, thậm chí xúc xiểm cả Đức Giáo Hoàng! Luật sư Sỹ cho rằng thái độ đó của ông Thích Nhật Từ là "gần như là phá sản" và "không thể chấp nhận được".

Ông là người đã tung tin rằng có hiện tượng loạn luân trong Thiền Am. Với vị thế lãnh đạo của ông trong Giáo hội, ông đã tạo nên một cơn bão truyền thông hạ nhục Thiền Am và ông cụ Lê Tùng Vân. Báo chí Nhà nước và hàng ngàn người dùng mạng xã hội trích dẫn lời nói của ông, và họ tiếp tục vu khống loạn luân trong Thiền Am.

Nhưng các luật sư khẳng định những phát biểu đó của ông Thích Nhật Từ hoàn toàn là bịa đặt, vì Thiền Am không hề phạm tội loạn luân. Theo cách lý giải của các luật sư, những gì ông ấy xúc phạm những người trong Thiền Am thì còn gấp 100 hay 1000 lần câu nói ‘Ngu như bò’ của ông Lê Tùng Vân.

Các luật sư của Thiền Am nhận xét rằng hành vi bịa đặt về tội loạn luân đó là một tội ác cần phải trừng trị. Ấy vậy mà Giáo hội PGVN im lặng trước tội ác đó. Phải xem sự im lặng của Giáo hội là một khuyết tật vậy.

***

Vấn đề giáo dục

Có thể thêm một khuyết tật khác nữa: giáo dục. Bởi một nền giáo dục đàng hoàng không thể nào cho ra những luật sư, thẩm phán hay quan toà kém kiến thức và thiếu học thức như thế. Ở nước ngoài, luật sư là nghề được xã hội quý trọng, bởi họ có khả năng học thuật tốt ngay từ bậc trung học, và họ phải qua một thời gian dài được tôi luyện trong môi trường đại học và sau đại học. Họ là nhóm có khả năng lãnh đạo quốc gia, và họ là tấm gương cho xã hội. Nhưng ở Việt Nam thì theo LS Trần Đình Triển:

“Cách đào tạo luật sư ở VN hiện chưa thể tương xứng với điều kiện và không thể hành nghề tốt được nếu theo như cách đào tạo của VN hiện giờ”.

LS Triển nói thêm tình trạng án bỏ túi ở Việt Nam như sau:

“Trong luật pháp VN cũng nói là hội đồng xét xử và thẩm phán độc lập xét xử chỉ tuân theo pháp luật, và mọi chứng cứ chỉ đánh giá tại phiên tòa. Tôi cho là tất cả những điều đó tại VN chỉ đang là lý luận, chứ trong thực tiễn chưa bảo đảm được tính độc lập của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi luật sư đưa ra những lập luận, những tài liệu luật pháp thích hợp thì thẩm phán họ “mặc”, bởi vì hình như họ đã quyết định bản án ở đâu đó rồi. Thực tiễn nó như vậy.

Thành ra việc tổ chức phiên tòa mang tính chất hình thức. Chứ thực ra bản án người ta đã có trong túi rồi”.

Những khuyết tật trong vụ án, những sai phạm về tố tụng, cùng những lời kêu oan của bị cáo đã được gởi cho các vị có vai trò lãnh đạo Nhà nước và Quốc hội, thậm chí cả cấp trung ương đảng. Chắc chắn là các vị ấy đã biết đến vụ án, nhưng họ đã làm gì thì chẳng ai biết. Họ có hồi đáp luật sư hay là những lời tường trình của luật sư và của nạn nhân đều rơi vào không khí. Dù sao thì các vị ấy không thể nói "Chúng tôi không biết" hay "Chẳng liên quan gì đến chúng tôi." Công chúng đang chờ một tiếng nói của các vị ấy.

_____

[1] Nguyên văn của ông Lê Tùng Vân nói là:

"Vậy chứ ngày ngày xưa Đức Phật hành đạo như thế nào? Có phải rằng Đức Phật không có làm cái gì sai trái? Ngài nhớ xưa Đức Phật không hề ăn trộm, không hề ăn cướp, không hề giết người. Tức là gì? Tức là Đức Phật tuân theo luật pháp. Ngài về lại trần gian ngài phổ biến: Tất cả tuân theo luật pháp. Các ngài phải ý thức được tầm quan trọng của luật pháp. Luật pháp thì bắt buộc con người ta không được làm ác; làm ác là phải bị tội, bị trừng phạt. Còn các ngài thấy đấy, đạo pháp chỉ khuyên người ta đừng làm ác, và nếu người ta có làm ác cũng hổng có luật nào để trị tội người làm ác đó.

[…]

Vậy thì hai bên, bên nào mạnh, bên nào yếu, cái nào bắt buộc hơn, cái nào quyết chí hơn Có phải là sự bắt buộc và quyết chí không? Còn cái lời khuyên? Khuyên thì người ta có thể nghe theo, hoặc là người ta có thể không nghe theo. Cho nên hai ngài hãy nên nhớ kỹ điều đó. Trong tâm hai ngài đừng suy nghĩ đây là tôn giáo, đây là luật pháp. Bỏ cái tôn giáo, bỏ luật pháp qua một bên đi; cái nào mà buộc người ta phải quyết tâm, quyết chí làm một đường, làm cho có hiệu quả. Cái mà hiệu quả đó mới có ích cho nhân loại. Phải hông ngài?"

clip_image004

Lời phát biểu sau cùng của bị cáo Lê Thanh Trùng Dương trong phiên toà vừa qua. Xem ra anh này còn có ý thức lịch sử rất sâu sắc so với những quan toà đang luận tội của anh ta. Đa số báo chí Nhà nước thích viết xách mé rằng các thành viên trong Thiền Am chỉ học lớp 7/12 hay 8/12. Nhưng tôi thấy trình độ văn hoá và kiến văn của họ hơn hẳn những thẩm phán hay luật sư loại “mickey mouse”.

clip_image005

Câu nói đáng chú ý nhứt trong phiên toà Thiền Am. Thật ra, nguyên văn câu ông ấy nói là:

"Không có đăng ký Giáo hội Phật giáo (GHPG) bởi vì GHPG đối với tôi là không xứng đáng. Xứng đáng thì tôi mới bái phục để cầu xin nghe, còn không xứng đáng thì biểu tôi nghe, ra lệnh tôi nghe, thì tôi không nghe".

Nếu tôi là người của GHPGVN thì sẽ xem câu này là một bài học sâu sắc, là tiền đề để nhìn lại mình và cải cách.

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Đọc thêm:

Những câu nói của ông Lê Tùng Vân trước tòa

Đàn Chim Việt

24/07/2022

ĐCV: Cộng đồng mạng mấy hôm nay dậy sóng vì bản án tù khắc nghiệt dành cho các chân tu tại Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, trong đó ông Lê Tùng Vân ngoài 90 tuổi bị án nặng nhất với 5 năm tù giam, các đồng tu khác 3-4 năm tù với tợi “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Đây là tội danh nhố nhăng nhất trong số các tội mà nhà nước Việt Nam khoác cho những người mà họ cho là cứng đầu, không nghe hay không muốn theo họ, dù những người này chưa làm gì phương hại tới quyền lợi của họ.

Điều đáng nói, báo chí nhà nước, và một số thông tin trên mạng internet, khi các bị cáo mới bị bắt giữ đã đưa ra các thông tin về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Loạn luân”. Những những tội danh này không được đề cập tới trong mấy này xét xử vừa qua.

Hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ khảng khái trước tòa và bản án tù quá nặng đã khiến nhiều người xúc động. Đi tù, chỉ vì không theo phật giáo quốc doanh, nói sư quốc doanh “ngu như bò” có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

Dưới đây là những câu nói được ghi chép bởi các luật sư bảo vệ ông Lê Tùng Vân ở tòa.

- “Tôi không đăng ký gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì tôi nhận thấy GHPGVN không xứng đáng!”

- “Tôi có mặc áo vàng cũng là bình thường, phẩm hạnh của tôi xứng đáng mặc những chiếc áo hơn thế nữa…!”

- “Tôi già, không ra khỏi nhà, suốt ngày nằm võng, kể cả lúc khách tới thăm, tôi không biết bấm điện thoại, không biết sử dụng mạng xã hội, chỉ lo dạy bảo đệ tử cùng tu tập, không có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hay tổ chức, cá nhân nào…”

- “Nói tôi chủ mưu là sai không phải 100% mà sai 1.000%, không ai nghe tôi một ông già trên 90 tuổi, già khú đế, khi nhớ, khi quên…”.

- “Tôi không mạo nhận mình là đức Phật, không mạo danh đức Phật, không phỉ báng đạo Phật. Nói tôi xuyên tạc giáo lý nhà Phật là nói sai, nói bậy. Mọi người Việt Nam đều có quyền xây dựng đức tin, chọn tôn giáo cho mình…”

- “Tôi không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa, ngược lại tôi và một số người ở Thiền Am là nạn nhân bị làm nhục và bị vu khống trong thời gian dài, rất thậm tệ. Ai tố cáo tôi xúc phạm họ, thì cần có mặt tại tòa án, đứng lên đối chất, nói rõ, đừng lừa dối tòa án!”

- “Những ai là giám định viên tư pháp đưa ra kết luận giám định nội dung các video clip mà đệ tử của tôi quay cảnh sinh hoạt trong nhà hay các cảnh dàn dựng làm phim hài, phục vụ thiếu nhi…, cho là vi phạm pháp luật, quả thật họ là những người bất xứng vì kiến văn quá nông cạn và ác tâm, hại người…”

- “Ngày xưa dân gian có câu “Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình, cả 3 Bộ đồng tình…”, nay tôi và các đệ tử của tôi bị tới 5 “bộ” ở tỉnh Long An cùng đồng tình truy bức chúng tôi.”

Đàn Chim Việt tổng hợp

Nguồn: danchimviet.info

This entry was posted in luật pháp. Bookmark the permalink.