Tiếng nói của nông dân về thực trạng nông nghiệp, xin chuyển đến Thủ tướng

24/07/2022

Lưu Trọng Văn

Bắt nguồn từ xã Hòa Lộc, Cái Bè, Tiền Giang nhiều đời nay xoài cát Hòa Lộc được xem là vua của những loại xoài.

Nhưng trớ trêu thay tôi lại đọc trên facebook “Nông dân Hoàng Kim” của bác nông dân thứ thiệt quê Đồng Tháp phản ánh một hiện thực rất buồn:

Xoài cát Hòa Lộc theo tôi là loại xoài ngon nhất Việt Nam, nhưng năm nay giá chỉ còn 5.000 đồng/Kg. Với giá đó tôi sợ nông dân sẽ chặt bỏ để trồng cây khác thôi.

Nguyên nhân vì sao?

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên nguyên giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp cho biết:

Xoài cát Hòa Lộc do vỏ mỏng không xuất đi xa được. Bà con nông dân rất vui khi được tin Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thành công lai tạo giống xoài cát Hòa Lộc vỏ dày. Nhưng thật buồn là họ đã bán nhượng quyền cho Tập đoàn Lộc Trời nên không tới dân được.

Ông nông dân Hoàng Kim bất bình:

Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động bằng ngân sách nhà nước, nhưng nghiên cứu được giống xoài cát Hòa Lộc mới lại đem bán nhượng quyền cho doanh nghiệp tư nhân, nông dân trồng xoài Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung chẳng được lợi gì. Nghiên cứu bằng tiền ngân sách thành công bán cho doanh nghiệp thì giải tán Viện đi chứ để làm gì, nông dân trồng cây ăn quả có được lợi gì đâu?

Báo Dân Việt cũng từng viết:

Mới đây, đại diện Hợp tác xã thanh long Vạn Thành (Châu Thành, Long An) có bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 sang một số thị trường sẽ gặp khó khăn do giống thanh long này đã được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit từ năm 2017, trong khi bà con đã mua giống của Viện và trồng từ trước đó với diện tích khá lớn.

Một ông nông dân khác than phiền: Các giống lúa chịu mặn của Viện Lúa ĐBSCL cũng bán bản quyền cho Lộc Trời từ rất lâu rồi.

Kĩ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Ngọc Trúc bình luận: Bán được thì đúng là mang tính khuyến khích cao cho các viện nghiên cứu nông nghiệp, nhưng sản phẩm bán được đó mà lấy từ tiền của dân mà làm ra thì còn phải bàn… Đúng không quý vị nông dân? Đã từng một vài lần lãnh đạo kêu tui làm hợp đồng bán nhãn cây giống của Trung tâm (NN) cho đại lý gắn lên cây giống của họ, tui nói chỉ đạo miệng tui không dám làm. Thế là cả rừng người cô lập, còn đòi giảm biên chế. Rợn thật.

Một nông dân trồng xoài ở Tiền Giang lên tiếng:

Nói nông dân là chủ thể nhưng giống xoài có kinh tế cao lại bán cho doanh nghiệp rồi nông dân phải làm công cho doanh nghiệp hoặc trồng thuê cho doanh nghiệp mới được trồng loại xoài này là một điều vô cùng phi lý và bất công“.

Nông dân Trần Quang Hiền:

Giả sử anh là nhà khoa học thì anh giúp nông dân thế nào? Ở xứ mình không có chuyện gì dễ làm. Người hiểu biết và muốn làm thì không được làm. Người có quyền thì không biết làm hoặc bận lo vơ vét cho cá nhân.

Các nhà khoa học của Viện họ biết xoài cát Hòa Lộc có nhược điểm vỏ mỏng không bảo quản được lâu, nên mới nghiên cứu lai tạo ra giống xoài cát Hòa Lộc vỏ dày bảo quản được lâu. Nhưng khi lai tạo thành công thì thay vì giao cho Bộ Nông nghiệp để có kế hoạch phát cho nông dân trồng thay thế loại xoài vỏ mỏng thì Viện lại đem bán cho doanh nghiệp lấy tiền bỏ túi, còn nông dân muốn trồng loại xoài vỏ dày này thì phải trồng gia công cho doanh nghiệp. Tôi còn nhớ giai đoạn 1970 thời Giáo sư Tôn Thất Trình làm tổng trưởng bộ Canh nông và Cải cách điền địa VNCH, lúc đó phát hiện giống xoài cát Hòa Lộc có hương vị thơm ngon, GS Trình chỉ đạo Tổng nha Khuyến nông nhân thật nhanh bằng kỹ thuật ghép chồi. Lúc đó ở Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ (Đại học NN ngày nay) thầy Trần Đăng Hồng cùng sinh viên nhân 4.000 cây phát cho nông dân. Lúc đó nhà tôi cùng nhiều nhà vườn trong xóm nhận 4 cây/nhà, gọi “giống xoài khuyến nông”. Nhờ đó mà giống này chiếm ưu thế.

Nông dân Hoàng Kim gay gắt:

Mục đích tồn tại của Viện Cây ăn quả chẳng lẽ là để phục vụ doanh nghiệp? Nếu phục vụ doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải nuôi họ chứ, tại sao nhà nước lấy tiền của Dân cho họ hoạt động?

Nông dân Anh Quốc Võ:

“Thái? Các giống nông nghiệp chủ lực đều có chủ trì của nhà vua! Nhà vua nghiên cứu ra giống nào mới đều cho dân“.

Tôi xin gửi những tiếng nói nông dân thực thụ này đến thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng vừa cùng gần chục bộ trưởng có buổi trao đổi trực tuyến với nông dân. Rất tiếc những tiếng nói của nông dân thế này lại ở quá xa tầm nghe và ngóng của thủ tướng.

Đề nghị thủ tướng cho người đến kiểm tra thực hư thế nào. Dư luận rất bất bình chuyện ăn tiền Nhà nước nghiên cứu test kit rởm được hai bộ Khoa học và Công nghệ và bộ Y tế chống lưng của một số viện nghiên cứu khoa học của nhà nước đang bị đưa ra trừng trị.

Nếu có chuyện các Viện Nghiên cứu nông nghiệp của nhà nước cũng dùng tiền của Nhà nước nghiên cứu thành công giống cây chất lượng cao như xoài cát Hoà Lộc, thanh long ruột đỏ, lúa chất lượng cao vv… lại đem bán cho công ty tư nhân kiếm lời thì cũng rất đáng lên án.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nông nghiệp. Bookmark the permalink.