Chuyên môn của bộ trưởng

BS. Trần Văn Phúc

Hồi mới tốt nghiệp đại học, để nâng cao kiến thức và kỹ năng, mỗi ngày nghỉ, tôi – cũng giống những bác sĩ trẻ khác – vẫn đến bệnh viện để học hỏi thêm bằng cách phụ mổ.

Trong một ca cấp cứu thoát vị cơ hoành, một bệnh lý mà các tạng trong ổ bụng chui lên lồng ngực gây suy hô hấp, bác sĩ trưởng khoa – cũng là trưởng tua trực – thực hiện phẫu thuật mở lồng ngực. Quá trình mổ cho thấy việc đẩy các tạng xuống ổ bụng rất khó và làm thế nào để không thoát vị trở lại càng khó hơn. Khi đó anh phải gọi thêm một bác sĩ trong khoa đến phụ. Bác sĩ ấy nói rằng, đáng lẽ phải mở bụng để có trường mổ, dễ dàng kéo các tạng xuống, đồng thời cũng dễ khâu gia cố cột trụ cơ hoành và cơ hoành. Nhưng thay vì phải mở thêm đường bụng, bác sĩ đó vẫn khéo léo đưa các tạng về đúng vị trí, đồng thời lách dụng cụ phẫu thuật xuống khâu dưới ổ bụng.

Lúc đó tôi đã hiểu, trong công việc hàng ngày tại sao trưởng khoa không được bác sĩ kia coi trọng, thậm chí một số bác sĩ khác cũng tỏ ý bất phục.

Điều quan trọng nhất với vị trí trưởng khoa là kiến thức chuyên môn để đưa ra những quyết định cần thiết trong lĩnh vực y khoa hẹp. Mỗi khoa có hơn chục bác sĩ, nếu trưởng khoa là người giỏi nhất về chuyên môn, tất cả nhân viên sẽ phục tùng. Nguyên tắc tương tự, nếu trưởng khoa lên làm phó giám đốc phụ trách chuyên môn của một khối có hàng trăm bác sĩ, phó giám đốc chỉ có thể thuyết phục đồng nghiệp nếu có năng lực chuyên môn vượt trội. Nhưng lên đến giám đốc bệnh viện quản lý hàng nghìn nhân viên, giám đốc Sở Y tế lãnh đạo vài chục bệnh viện, đặc biệt là Bộ trưởng Y tế, thì các kỹ năng đòi hỏi phải thay đổi.

Lúc này, phẩm chất chuyên môn chỉ là thứ yếu, người lãnh đạo không cần nắm rõ kiến thức khám chữa bệnh cụ thể, chứ chưa nói đến phải là chuyên gia hàng đầu. Bộ trưởng Bộ Y tế trước đây được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia. Họ có thể là giáo sư tiến sĩ nhưng không thể nắm được kiến thức hầu hết lĩnh vực chuyên môn.

Lãnh đạo cấp càng cao, thì năng lực chuyên môn có thể càng ít đi, nhưng năng lực quản lý và lãnh đạo sẽ rất quan trọng.

Lãnh đạo ngành y là những giám đốc Sở Y tế hay cao nhất là Bộ trưởng – những người có thể giải quyết các vấn đề lớn cho ngành, bằng cách sử dụng cấp dưới trực tiếp. Theo nghĩa này, cấp dưới trực tiếp là công cụ để giải quyết vấn đề, cấp dưới đó lại tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực quản lý trực tiếp của họ.

Năng lực con người có giới hạn, đặc biệt với một lĩnh vực khó như y khoa, không ai toàn tài nắm vững mọi thứ. Thực tế làm việc khiến tôi nhận ra, lãnh đạo ngành có am hiểu nhất định về chuyên môn chưa chắc đã tối ưu được hiệu quả điều hành.

Với không gian chức năng và nhiệm vụ như vậy, họ thường có tâm lý khó chấp nhận cấp dưới giỏi hơn.

Xuất thân từ chuyên gia ngành, trong quá trình làm việc, có những lãnh đạo hình thành thói quen cho rằng mình giỏi hơn cấp dưới, lâu dần trở nên độc đoán trong việc ra quyết định và giao nhiệm vụ. Khi triển khai một công việc, nếu cấp dưới có quan điểm trái chiều, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo là phủ nhận, sau đó tìm cách chứng minh mình giỏi hơn, thay vì hành động mang lại lợi ích cho ngành.

Không ai trả lời được câu hỏi, một Bộ trưởng Y tế như thế nào là tốt nhất. Câu trả lời phụ thuộc vào việc người đó là ai và làm việc như thế nào.

Trong xã hội hiện đại hôm nay, lãnh đạo ngành có nhiều cách để hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu, với điều kiện có cấp dưới trực tiếp giỏi và hết mình vì công việc.

Bộ trưởng Y tế không phải là người giải quyết những vấn đề chuyên môn y khoa phức tạp của những bác sĩ chuyên gia, mà nhiệm vụ của Bộ trưởng là lãnh đạo ngành ở tầm chiến lược, nhằm mục tiêu mang lại hệ thống y tế tốt nhất cho người dân.

Dưới bộ trưởng còn có các thứ trưởng phụ trách từng nhiệm vụ khác nhau, còn có trợ lý bộ trưởng, các chức danh chuyên môn hay kỹ thuật trong Bộ có thể giải quyết tốt vấn đề nghiệp vụ; vì thế mà theo tôi, Bộ trưởng Y tế không nhất thiết phải giỏi chuyên môn.

Chìa khoá giúp bộ trưởng thành công, trước hết là xây dựng được bộ máy, ban cố vấn xung quanh mình giỏi, bản lĩnh và trong sạch. Họ phải được giao đúng việc, phù hợp năng lực và sở trường; được tin tưởng tham vấn trong các quyết định chuyên môn. Khi hình thành được đầu tàu ổn định, cả hệ thống sẽ sớm vận hành lại.

Ngoài chuyên môn, nhân sự giúp việc Bộ trưởng phải trong sạch và bản lĩnh. Vì Y tế là lĩnh vực mang lại lợi ích nhóm rất lớn. Nếu các lãnh đạo cấp cao không trong sáng và bản lĩnh, sẽ dễ bị thao túng bởi các nhóm lợi ích.

Cả 14 bộ trưởng y tế trước đây đều là chuyên gia y tế. Lần này, với cách lựa chọn khác trước, tôi hy vọng sẽ đi kèm với sự thay đổi tư duy điều hành Bộ Y tế. Khi đã có điều kiện tiên quyết, là bộ máy giúp việc như trên, Bộ trưởng nên tập trung vào các vấn đề chính sách, thay vì giải quyết sự vụ, vốn là công việc của các hội đồng chuyên môn hoặc đơn vị cấp dưới.

Có một số vấn đề chính sách lớn trong ngành y cần được tập trung giải quyết. Thứ nhất là thu nhập cho nhân viên y tế – vấn đề tồn đọng từ lâu và đã trở thành giọt nước tràn ly khi đại dịch Covid-19 ập đến ba năm qua. Công việc quá tải, thu nhập không đầy đủ, rủi ro nghề nghiệp lớn, hàng chục nghìn nhân viên y tế bỏ việc, gây nên áp lực thiếu nhân sự trầm trọng cho y tế công. Cần cải thiện, tiến tới chấm dứt tình trạng bác sĩ phải tay trong tay ngoài giữa bệnh viện công và bệnh viện tư mới đủ sống.

Thứ hai là giải quyết càng nhiều, càng nhanh càng tốt các chính sách bất hợp lý dẫn đến sự yếu kém của hệ thống bệnh viện công: Y tế địa phương èo uột, bệnh nhân đổ về tuyến trung ương; Chủ trương đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế lạc hậu và bất cập; Chính sách viện phí chậm đổi mới, chưa thực hiện tính đúng và thu đủ nên không đảm bảo cân đối thu, chi của các bệnh viện…

Thứ ba, cần có chính sách xã hội hóa y tế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ chăm sóc y tế ngoài công lập, nhằm phân tải cho hệ thống y tế công. Tôi cho rằng, khi cơ chế khuyến khích này đủ tốt, hệ thống bệnh viện tư sẽ mọc lên nhiều hơn, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, giảm dòng bệnh nhân đổ về các thành phố lớn, góp phần tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.

Cuối cùng, nhưng chưa hết, là xem xét và sửa đổi tổng thể chính sách về bảo hiểm, hướng tới mục tiêu bệnh viện không chỉ phục vụ người có tiền, mà người nghèo cũng có thể tiếp cận điều kiện chữa trị chất lượng cao thông qua bảo hiểm y tế.

Những thách thức nhiệm kỳ trước để lại là rất lớn, nhưng đều sẽ có cách giải quyết nếu việc thiết kế chính sách, thay vì tạo lợi ích cho một nhóm người, hướng tới sứ mệnh cao nhất của ngành y là tạo nên một đất nước khỏe mạnh; trong đó người dân được cải thiện chất lượng sống, giảm bệnh tật thông qua việc được chăm sóc y tế kịp thời và đầy đủ.

T.V.P.

P/s: Bài viết đã đăng trên mục GÓC NHÌN của Vnexpress

Nguồn: FB BS. TRẦN VĂN PHÚC

This entry was posted in y tế. Bookmark the permalink.