Đỗ Ngà
Như ở bài “Lạm phát và cách che đậy” tôi có đưa ra con số là đồng USD đang tăng giá trên trường quốc tế, nhưng nước Mỹ vẫn lạm phát đến 9,1%, trong khi đó đồng VND đang sụt giá so với USD nhưng lạm phát của Việt Nam chỉ là 2,44%. Điều này có nghĩa là nhà nước Cộng sản không minh bạch trong số liệu thống kê.
Những con số “được chế tác” của chính quyền nó có mục đích.
Mục đích thứ nhất là để tuyên truyền, mục đích thứ nhì là che đậy những dấu vết tham nhũng. Bởi cả bộ máy chính quyền sống nhờ tham nhũng mà minh bạch con số thì thế nào cũng bị các nhà phân tích tìm ra ngóc ngách của vấn đề mà xoáy vào đấy. Nói chung, nơi nào tham nhũng cao thì nơi đó xem sự minh bạch là kẻ thù, trong đó có minh bạch về thông tin tài chính và thị trường.
Người tham gia thị trường như các nhà đầu tư vốn cổ phần, nhà xuất nhập khẩu, người kinh doanh ngoại hối, chủ sở hữu trái phiếu, các ngân hàng, doanh nghiệp, và thậm chí cả nông dân đều cần thông tin cập nhật gần như hàng ngày để hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Và nếu thông tin thiếu chính xác hoặc thiếu thông tin thì điều đó có nghĩa là chính quyền đã “chọc mù đôi mắt” của họ. Những nhà đầu tư mà mù thông tin thì rủi ro rất lớn.
Một khi những người tham gia vào thị trường thiếu thông tin hoặc thông tin không đáng tin cậy thì điều tất yếu là họ sẽ phải dựa vào tin đồn nhiều hơn và chính điều này tạo ra rủi ro cho họ. Vụ Tân Hoàng Minh là ví dụ, do thị trường chứng khoán Việt chấp nhận cho những doanh nghiệp thiếu minh bạch tài chính tham gia cuộc chơi nên Tân Hoàng Minh mới phát hành lượng trái phiếu 10.300 tỷ đồng và dụ được nhà đầu tư đổ tiền mua. Qua tin đồn được cố ý tung ra từ các đại lý phát hành, nhà đầu tư tin tưởng mua và dính bẫy.
“Thông tin chính thống” không đáng tin, “Tin đồn” cũng gặp quá nhiều rủi ro, vậy thì muốn có thông tin đáng tin cậy thì phải làm gì?
Phải tìm đến những ai bán thông tin thật để mua, và đó là lý do hình thành nên thị trường chợ đen mua bán thông tin, mục đích để giúp những người xấu nắm thông tin thật nhằm đánh úp những nhà đầu tư “mù lòa” đang chiếm đa phần trong xã hội. Vì thế mà thị trường tài chính của Việt Nam phát triển méo mó từ nhiều năm nay mà không cách nào nắn lại cho nó tròn được.
Sự ổn định nền kinh tế, lạm phát thấp, tăng trưởng cao… đều là láo toét. Dù biết láo nhưng biết tìm đâu ra thông tin thật? Chính nó không những làm mù lòa những người tham gia thị trường mà nó làm mù luôn những nhà hoạch định chính sách. Những nhà hoạch định chính sách rất cần thông tin chính xác nhưng họ lại không có. Vậy là họ như “hiệp sỹ mù” vung kiếm chém loạn xạ nên có khi lại gây hại thay vì giúp ích.
Tổ tư vấn kinh tế cho thủ tướng trước đây được ông Võ Văn Kiệt lập ra, đến thời ông Nguyễn Tấn Dũng cho dẹp, rồi đến thời Nguyễn Xuân Phúc cho lập lại, tuy nhiên dù lập hay dẹp thì kết quả cũng không có gì đột phá. Dù cho có tri thức tới đâu mà tư vấn chính sách dựa trên những con số láo toét thì xem như hỏng, chả mang lại hiệu quả gì đáng kể.
Đ.N.
Nguồn: FB SOI