Nước Nhật không còn Abe

Nguyễn Quang Dy

Ngày 8/6/2022 sẽ đi vào lịch sử nước Nhật khi cựu thủ tướng Abe Shinzo, 67 tuổi, đã bị ám sát khi đang diễn thuyết tại Nara (gần Osaka và Kyoto) để vận động tranh cử thượng viện cho đảng LDP. Cái chết bất ngờ của ông Abe Shinzo không chỉ gây sốc cho nước Nhật mà còn cho Việt Nam và thế giới. Nó đã tạo ra một khoảng trống quyền lực cho “nước Nhật hậu Abe”.

Bài này sẽ phân tích những di sản của ông Abe và hệ quả khó lường.

image

Abe Shinzo đọc diễn văn tại Nara trước khi bị bắn. Ảnh KYODO

Cái chết bất ngờ

Tetsuya Yamagami, 41, một cựu binh hải quân (MSDF), đã dùng một khẩu súng tự chế bắn ông Abe hai phát từ cự li gần 5m. Đây là một sự kiện hy hữu “làm thay đổi nước Nhật”, vì Nhật cấm vũ khí và kiểm soát chặt chẽ, trong khi người Nhật không có văn hóa giết nhau bằng súng như ở Mỹ. Tỷ lệ chết vì súng ở Nhật thấp nhất thế giới: Năm 2018, Nhật có 9 trường hợp trong khi Mỹ có 39.740 trường hợp. Năm 2021, Nhật chỉ có một trường hợp.

image

Tetsuya Yamagami bị bắt ngay sau khi bắn Abe Shinzo. Ảnh KYODO

Có lẽ vì vậy mà an ninh tại các cuộc vận động chính trị ở Nhật khá lỏng lẻo. Người ta thường thấy các chính khách, kể cả cựu thủ tướng, đi vận động tranh cử ở góc phố hoặc trước nhà ga xe lửa, nhưng không thấy có đặc vụ đi theo bảo vệ chặt chẽ như ở Mỹ. An ninh cho ông Abe trong ngày 8/7 do cảnh sát quận Nara phụ trách. Cảnh sát trưởng Tomoaki Onizuka không phủ nhận “có vấn đề an ninh cho ông Abe”, và “sẽ chịu trách nhiệm”.

Theo NHK, Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật sẽ điều tra và rà soát lại vấn đề bố trí an ninh cho ông Abe tại Nara. Dù Tetsuya Yamagami hành động một mình vì tâm trạng có vấn đề do thù ghét giáo phái “Moonies” chứ không phải có âm mưu chính trị, thì những lỗ hổng an ninh đã gây ra tổn thất lớn cho Nhật và thế giới. Các biện pháp rà soát an ninh tuy cần thiết nhưng “quá chậm và quá ít” (too little too late) vì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Hầu hết lãnh đạo các nước trên thế giới, kể cả Nga và Trung Quốc, đã gửi điện chia buồn để bày tỏ sự bàng hoàng, tức giận và thương tiếc trước cái chết bất ngờ của ông Abe. Lãnh đạo nhiều nước phương Tây (như Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ, Đài Loan) đánh giá cao ông Abe như “một lãnh đạo có tầm nhìn xa” (a great man of vision), “một người tốt bụng và tử tế” (a kind and decent man) đã cố gắng “cân bằng thế giới” (bring balance to the world).

Vụ ám sát Abe đã trở thành tiêu điểm toàn cầu. Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Úc Albanese và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã ra tuyên bố chung (8/7/2022) gọi Abe Shinzo là “một nhà lãnh đạo có khả năng thay đổi Nhật Bản”. Cựu đại sứ Mỹ tại Nhật là John Roos cho rằng “Abe là một trong những nhà lãnh đạo bứt phá và trở thành lãnh đạo thế giới".  (Japan after Abe Political stability under threat? Naoya Yoshino, Nikkei, July 13, 2022).

Phân xã trưởng Washington Post tại Tokyo, Michelle Lee miêu tả ông Abe là một chính khách lớn trong nước và ngoài nước” (a towering political figure both at home and abroad). Tuy ông có những phát biểu gây tranh cãi, nhưng ảnh hưởng của ông rất lớn (incredibly influential). Cái chết bất ngờ của ông Abe là một thực tế làm người Nhật rất khó nuốt trôi, và sẽ tác động lớn đến tâm thức người Nhật (profound impact on the Japanese psyche).

Di sản của Abe

Thủ tướng Kishida Fumio nói ông “rất tôn trọng di sản mà ông Abe để lại”. Ông đã nhận được nhiều lời khuyên của ông Abe và biết ơn sự ủng hộ đó. Cố vấn đặc biệt của Abe là Tomohiko Taniguchi nói rằng Abe là “một trong các lãnh đạo đã làm thay đổi nước Nhật nhiều nhất” (one of the most transformative leaders). Theo ông, vụ ám sát cựu thủ tướng Abe (8/7/2022) cũng gây sốc như vụ ám sát Tổng thống John Kennedy (22/11/1963).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi (em ông Abe) nói vụ ám sát này xảy ra khi ông Abe đang đọc diễn văn tranh cử là “một thách thức với nền dân chủ” (an affront to democracy) và “trấn áp tự do ngôn luận” (suppression of freedom of speech). Nhưng Tổng thống Joe Biden tin rằng cái chết của ông Abe sẽ không tác động lớn đến an ninh và đoàn kết của nước Nhật. Và Nhật Bản luôn là một đồng minh lâu dài và ổn định của Mỹ.

Abe Shinzo đã cố gắng sửa đổi Hiến pháp Nhật (điều 9). Tuy vẫn chưa thành công, nhưng ông đã từng bước tăng cường an ninh cho Nhật để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Abe đã vận động tăng ngân sách quốc phòng của Nhật lên 2%, và lần đầu tiên sau Thế chiến Thứ 2 đã điều chỉnh chiến lược của Nhật để quân đội Nhật được phép hoạt động ở nước ngoài. Đó là một điều chỉnh chiến lược rất quan trọng nhưng đầy khó khăn.

Về đối ngoại, trong khi Abe Shinzo khôn khéo xây dựng được quan hệ đồng minh gắn bó với Mỹ, đặc biệt là dưới thời Donald Trump, thì quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc lại xấu đi. Abe vừa tăng cường quan hệ với các nước đồng minh khu vực để đối phó với Trung Quốc, vừa mềm dẻo cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Chủ trương tăng cường quan hệ với đồng minh khu vực và cam kết bảo vệ Đài Loan đã làm Trung Quốc lo ngại.

Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch truyền thông để khai thác các vấn đề nhạy cảm trong lịch sử giữa Nhật với Trung Quốc trong Thế chiến Thứ 2, để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan (ultra-nationalism) chống Nhật và gây căng thẳng tại quần đảo Điếu Ngư. Chính phủ Kishida tiếp tục chính sách của Abe, nhưng quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh và Washington sẽ khó khăn hơn khi không còn Abe, vì vai trò của ông rất quan trọng.

Ông Abe đã thành công khi làm thay đổi nước Nhật trở thành một nước hiện đại (transformed Japan into a modern state). Nhưng di sản lớn nhất của ông Abe là tầm nhìn khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) đã đưa ra từ năm 2007, và 10 năm sau được tổng thống Donald Trump biến thành chiến lược IPS, mà nòng cốt là “Bộ Tứ” (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, và nay là khuôn khổ IPEF (13 nước).

Abe Shinzo là người đầu tiên đề xuất chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP), và “Bộ Tứ” (QUAD). Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật đã vận động 10 nước còn lại ký kết CPTPP (cuối 2017), Hiệp định đối tác kinh tế và chiến lược với EU (2/2019) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP, 12/2021). Nhật đã cam kết ủng hộ Đài Loan và coi “vấn đề của Đài Loan cũng là vấn đề của Nhật và Mỹ”.

Về kinh tế, Abe đã triển khai chính sách kinh tế Abenomics (2012) gồm “ba mũi tên” nhằm khắc phục “giảm phát” (deflation). Mũi thứ nhất là “nới lỏng tiền tệ” bằng kích cầu lớn. Mũi thứ hai là “tài chính linh hoạt” bằng điều chỉnh lãi suất. Mũi thứ ba là “giảm thuế để thúc đẩy đầu tư”. Các hiệp định thương mại tự do “vừa hội nhập sâu vừa cải cách thể chế trong nước”. (Thương tiếc cựu Thủ tướng Abe Shinzo, Trần Văn Thọ, BVN, 9/7/2022).

Hệ quả khó lường

Đảng LDP đã giành được 93 ghế tại thượng viện (chiếm 2/3), một phần do cử tri ủng hộ ông Abe. Điều đó giúp thủ tướng Fumio Kishida dễ thông qua chương trình của LDP mà không cần phải chờ đến năm 2025. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình, tuy Abe chưa sửa đổi được hiến pháp, nhưng ông đã chuẩn bị các điều kiện cần để khi thời cơ đến thì việc đó sẽ thuận lợi. Ông đã tác động mạnh đến việc hình thành và phối hợp chính sách an ninh, như lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia, được văn phòng Tổng thư ký đảng LDP ủng hộ. (Will Abe’s security policy legacy endure without him? Rikki Kersten, ASPI, 11 Jul 2022).

Trước mắt, tuy trong đảng LDP không ai có đủ tầm cỡ và kinh nghiệm chính trị như ông Abe, nhưng tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, và việc phục hồi “Bộ Tứ” (QUAD) là những trụ cột quan trọng trong chiến lược của Nhật. Trong nhiệm kỳ của mình, thủ tướng Kishida cũng chia sẻ tầm nhìn đó và cam kết khắc phục những định kiến trong chính sách an ninh của Nhật. Ông Kishida sẽ theo đuổi chính sách an ninh của ông Abe nhằm sửa đổi Hiến pháp Nhật (điều 9) và tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng.

Cái chết bất ngờ của Abe là một cú sốc làm cử tri Nhật bỏ phiếu nhiều hơn cho LDP. Dưới thời Abe, điều làm thay đổi cục diện (transformative) là chính sách đối ngoại, chứ không phải là Abenomics. Điều đó là do sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tuy Abe không còn, nhưng ông là chính khách Nhật nổi bật nhất kể từ 1945. Dưới thời Donald Trump, ông đã chủ động tăng cường quan hệ với Mỹ, nhất là về quốc phòng và ngoại giao. (How Abe changed Japan, Bill Emmott, ASPI, 9 Jul 2022).

Kể từ năm 1952, chưa có thủ tướng Nhật nào nghĩ đến giảm quan hệ với Mỹ. Dưới thời Donald Trump, Tokyo nhận thấy Mỹ không còn là đồng minh tin cậy và dễ hợp tác như trước, nên Abe đã chuẩn bị cơ sở để Nhật có lập trường độc lập hơn khi xây dựng mạng lưới đối tác trên thế giới. Chiến lược này sẽ tiếp tục. Michael Green (đại học Sydney) lập luận rằng Abe đã cải cách cơ chế an ninh của Nhật. Nay quyết sách tập trung vào Văn phòng Thủ tướng, nên các thủ tướng tiếp theo có thể điều hành dễ hơn. Abe đã thông qua đạo luật về hòa bình và an ninh để khởi động “quyền tự vệ tập thể” (right of collective self-defence).

Abe hiểu rằng một nước Nhật mạnh, liên minh chặt chẽ với Mỹ, và có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, là những yếu tố giúp ổn định khu vực. Dưới thời Abe, Nhật đã tăng cường vị thế quốc phòng để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc qua giải thích hiến pháp, tăng ngân sách quốc phòng, và tinh giản cơ chế ra quyết định về an ninh quốc gia. Tuy Abenomics chưa thành công, nhưng điều làm Abe nổi bật so với các thủ tướng khác là ông sẵn sàng thay đổi một khi có đủ sự ủng hộ (critical mass of support), mà không cầu toàn.

Được dẫn dắt bởi tầm nhìn về hòa bình và dân chủ trong hai năm qua, Abe Shinzo đã làm thay đổi bức tranh đối ngoại khu vực. Là người khởi xướng “Bộ Tứ” (QUAD) Abe không chỉ là kiến trúc sư của cơ chế an ninh đó mà ông còn thực sự tin vào chủ nghĩa khu vực (regionalism). Nhưng vẫn còn quá sớm để bình luận về tác động khó lường của cái chết bất ngờ của ông Abe đối với thái độ của dân chúng về chính sách mà ông đã theo đuổi. (Abe Shinzo: Quad stands as his Indo-Pacific legacy, Teesta Prakash, Lowy, 9 July 2022).

Abe Shinzo là người đã khởi xướng “Bộ Tứ” (QUAD) năm 2007 và là nhân vật chính ủng hộ ý tưởng đó sau khi nó được tái sinh năm 2017. Cuộc họp đầu tiên của “Bộ Tứ” gồm các quan chức Mỹ, Nhật, Ấn, Úc được tổ chức bên lề hội nghị ARF tại Manila. Ông Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương để kiến tạo khuôn khổ “Châu Á rộng lớn hơn” (broader Asia) nay được gọi là “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Đây là không gian chiến lược cho “Bộ Tứ”.

Bộ Tứ được tái sinh năm 2017 chủ yếu vì Ấn Độ và Úc tham gia, khi Nhật làm chủ tịch cuộc họp “Quad 2.0” gồm quan chức các nước bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á. Tuy lãnh đạo bốn nước có quan điểm khác nhau về mối đe dọa của Trung Quốc, nhưng Abe đã dàn xếp để thúc đẩy Bộ Tứ với bốn cuộc họp (2019-2022). Tiếp theo cuộc họp cấp cao (2021) là hai cuộc họp trực tiếp ở Tokyo (5/2022). Nếu các nước khu vực tham gia thì Indonesia và Hàn Quốc sẽ có vai trò quan trọng để tạo ra một khuôn khổ “Châu Á rộng lớn hơn”.

Cố vấn đối ngoại của Abe là Tomohiko Taniguchi đã mô tả ông là một lãnh đạo hiểu rõ Nhật phải tăng cường kinh tế, đầu tư vào liên minh Mỹ-Nhật, và mở rộng quan hệ với Úc và Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc. Vai trò lồng ấp (incubating role) của Abe đối với “Bộ Tứ” và cái chết bất ngờ của ông tuy để lại khoảng trống quyền lực (vacuum), nhưng đã củng cố được phái Seiwa-kai của ông (có 94 nghị sỹ) trong đó có có chánh văn phòng nội các và bộ trưởng quốc phòng, vượt xa các phái khác như Kōchi-kai (chỉ có 45 nghị sỹ).

Abe đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 10 ngàn tỷ Yên trong 5 năm (2% GDP). Ông lập luận rằng “mù mờ chiến lược” về Đài Loan không còn đứng vững. Trong tranh cử thượng viện vừa qua, Abe tiếp tục thúc đẩy sửa đổi hiến pháp (điều 9). Theo NHK, số người ủng hộ sửa đổi hiến pháp tăng từ 29% năm 2018 lên 35% năm 2022, trong khi phe đối lập giảm từ 27% xuống 19% trong cùng thời gian. Abe để lại di sản lâu dài, trong đó có thỏa thuận Đối tác Chiến lược với Liên minh Châu Âu, cũng như hiệp định CPTPP và IPEF.

Lời cuối

Sửa đổi hiến pháp là một vấn đề dễ gây tranh cãi ở Nhật Bản. Nếu còn ông Abe, thủ tướng Kishida có thể vận dụng và dựa vào chủ trương mạnh mẽ của Abe về sửa đổi hiến pháp bởi Abe là một lực lượng đoàn kết và Kishida có thể sử dụng ông như một lá chắn để trú ẩn khi vấp phải sự chỉ trích từ những người phản đối sửa đổi hiến pháp. Khi lựa chọn đó không còn nữa, những lời chỉ trích đối với chính phủ Kishida có thể đến từ mọi phía. (Japan after Abe Political stability under threat? Naoya Yoshino, Nikkei, July 13, 2022).

Sau khi ông Abe qua đời, không có lãnh đạo nào đủ tầm và sức cuốn hút để gắn kết và thống nhất các phe phái bảo thủ trong đảng LDP. Abe là người đứng đầu phe quan trọng nhất trong LDP, nay chưa thấy ai được đề cử kế nhiệm. Điều này có thể làm LPD phải thay đổi cơ cấu chính trị. Thời kỳ hậu Abe, tuy thủ tướng Kishida có thể tự do hơn trong việc điều hành chính phủ, nhưng ông Kishida có trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết là phải đảm bảo rằng các quyền tự do ngôn luận và dân chủ của Nhật không bị bạo lực trấn áp. 

Theo cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Quốc Cường, cái chết bất ngờ của ông Abe “là tổn thất to lớn cho Nhật và Việt Nam”, vì mất đi một người bạn vô cùng thân thiết, đã đóng góp to lớn thúc đẩy “đối tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước. Trong tám năm cầm quyền, ông Abe đã đến thăm Việt Nam tới bốn lần. Điều gây ấn tượng mạnh nhất là quan hệ thân tình giữa lãnh đạo hai nước. Chưa có chính khách nước nào được ông Abe ưu ái đặc biệt như với lãnh đạo Việt Nam, như với ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc.

Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang phải đối phó với cuộc chiến tranh Ukraine tại Châu Âu, và trước sự trỗi dậy ngày càng đáng lo ngại của Trung Quốc tại Châu Á, thì vai trò của Nhật tại khu vực này còn quan trọng hơn trước. Nếu cái chết bất ngờ không đúng lúc của ông Abe để lại một khoảng trống quyền lực cho nước Nhật và cho cả khu vực, thì các nhà lãnh đạo của Nhật cũng như của khu vực phải liên kết chặt chẽ hơn để giảm thiểu sự phân hóa, thu hẹp khoảng trống quyền lực, nhằm đối phó với những thách thức khó lường.

N.Q.D. 15/7/2022

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Nhật Bản. Bookmark the permalink.