Thiếu người hay đổi mới tư duy

Huy Đức

clip_image002

Tôi không có đủ thông tin để hiểu vì sao quyền Bộ trưởng Y tế là bà Đào Hồng Lan. Nhiều nước bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ và bộ trưởng quốc phòng không phải là sĩ quan. Nhưng, khi đã đưa một người không có chuyên môn đứng đầu ngành y tế nước ta thì Bộ phải thay đổi vì không thể nào vận hành như trước.

Nếu bà Lan không muốn ngồi làm cảnh hoặc bị qua mặt thì phải lựa chọn: Mục tiêu của bà là nhắm vào các nguồn lợi bất tận từ các “pharma” hay kiến tạo một nền y tế chăm lo tốt nhất sức khỏe cho người dân? Nếu muốn thay đổi thì bà phải tập trung để làm bộ trưởng, tập trung cho vài trò ban hành chính sách và hiểu giới hạn của người đứng đầu ngành về hành chính.

Bộ máy hành chính công vụ trong Bộ phải được tách biệt với lực lượng tham mưu chính sách (hành pháp chính trị). Các cục, vụ không thể là người vừa ban hành các rào cản hành chính, vừa tự mình giúp các “pharma” lách qua các rào cản ấy.

Bộ trưởng, cũng vì thế, từ đây sẽ không còn can thiệp vào việc cấp phép lưu hành dược phẩm hay thành lập bệnh viện mà chỉ ban hành những chính sách để các cấp hành chánh lấy làm căn cứ mà cấp phép.

Như vậy, trong Bộ Y tế nên có một thứ trưởng hay tổng thư ký đứng đầu bộ máy hành chính (bao gồm các cục và cấp hành chánh ngành). Người đó cũng như các cục trưởng, được bộ trưởng bổ nhiệm, nhưng để tránh bị chính người bổ nhiệm thao túng, trong nhiệm kỳ, bộ trưởng không được phép thuyên chuyển hay thay thế và họ đương nhiên được tái bổ nhiệm nếu không có vi phạm nào tới mức kỷ luật.

Nguyên tắc này cũng phải được người kế nhiệm tuân thủ với những chức danh được bổ nhiệm từ người tiền nhiệm.

Bộ máy hành chánh không làm việc theo thứ bậc cấp dưới, cấp trên mà chỉ tuân theo các quy định (về chuyên môn) của pháp luật. Bộ máy hành chánh cũng tuyệt đối không được tham gia vào các quy trình ban hành chính sách và bộ trưởng cũng không có quyền ra lệnh cho họ cấp phép hay không cấp phép.

Giúp việc cho bộ trưởng là các vụ. Các vụ có thể tham vấn các bệnh viện và các cục khi ban hành chính sách nhưng không để bộ máy hành chánh (nơi có thể hưởng lợi từ chính sách) can thiệp.

Vốn xuất thân từ… bảo hiểm, trước hết, bà nên bãi bỏ ngay những quy định cho phép bảo hiểm y tế đưa ra các tiêu chuẩn điều trị (chi tiết tới số lượng bông gạc, thuốc men…). Đó là công việc của Bộ (ban hành các quy trình điều trị) và quyết định của các bác sĩ. Tính ưu việt của CNXH mà bà đang được định hướng là nên thông qua chính sách làm sao để người nghèo có thể tiếp cận bảo hiểm y tế chứ không phải đổ tiền ngân sách vào bệnh viện công.

Nên chấm dứt đầu tư bệnh viện công ở các trung tâm như Hà Nội hay Sài Gòn mà tập trung ngân sách cho vùng sâu, vùng xa, nhất là những nơi tư nhân không đầu tư bệnh viện. Trong nhiệm kỳ của mình, chỉ cần bà giảm được dòng người mắc những bệnh thông thường từ các tỉnh đổ về Hà Nội, Sài Gòn là bà đã giúp cho người dân nhiều lắm.

Cần chấp dứt một bệnh viện công hai chế độ: khoa thường và khoa dịch vụ. Hệ thống bệnh viện công nên đảm trách hai vai trò, bệnh viện cho người nghèo và bệnh viện chuyên khoa chuyên sâu. Nghiên cứu chính sách để người nghèo nếu mắc những bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm vẫn có thể được điều trị chứ không chỉ người có tiền mới được điều trị.

Các bác sĩ vừa ra trường phải được đưa về các bệnh viện lớn làm việc trong vòng 5 năm, sau đó phải đi vùng sâu, vùng xa ít nhất 3 năm (mới được cấp phép trở lại làm việc ở các thành phố lớn).

Các loại thuốc đã được các nước phát triển (như G7) cấp phép thì phải đương nhiên được lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp cháu bé 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cắn tử vong vì thiếu huyết thanh là một ví dụ về những thủ tục không cần thiết được quy định trong Thông tư 32 khiến cho huyết thanh ít được nhập.

Hy vọng, việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế là một sự thay đổi về tư duy chứ không phải vì thiếu một trung ương ủy viên có bằng bác sĩ.

Và, nếu quyết định cán bộ này là sản phẩm của đổi mới tư duy thì nên tư duy tiếp để chuyên nghiệp hóa nền hành chính Việt Nam trên cơ sở tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ ở tất cả các ngành từ trên xuống dưới.

H.Đ.

Nguồn: Fb Trương Huy San

This entry was posted in y tế. Bookmark the permalink.