Một năm sau vụ án Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Mục sư Võ Xuân Loan: “Chính quyền còn nợ tôi lời xin lỗi”

Yên Hà

“Tôi không làm điều gì phạm pháp, tôi muốn được thừa nhận trắng án, được xin lỗi công khai”.

clip_image002

Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh nhân vật: Chụp màn hình từ video của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ảnh nền: Thanh Niên, The Guardian.

Lời Tòa soạn: Khoảng thời gian này năm trước, một tuần sau cuộc bầu cử, những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của đợt bùng dịch thứ tư ở TP. HCM xuất hiện. Cái tên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng nổi lên trên khắp các mặt báo, gắn liền với cụm từ “ổ dịch”. Ngày 30/5/2021, Công an quận Gò Vấp, nơi hội thánh này sinh hoạt, quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra tội “làm lây lan dịch bệnh”.

Vợ chồng mục sư Võ Xuân Loan (66 tuổi), Phương Văn Tân (61 tuổi) và các tín đồ của Hội thánh bỗng trở thành tội đồ. Chính quyền khẩn trương định tội. Truyền thông trong nước không chút hoài nghi lặp lại luận điệu khép tội đó [1]. Mũi dùi, gạch đá từ nhiều bên ập đến, tấn công, kết tội các thành viên của Hội thánh dù cuộc điều tra chỉ vừa bắt đầu, chưa phiên tòa nào được mở, và chưa bằng chứng dịch tễ nào được đưa ra.

Nửa năm sau đó, tháng 1/2022, công an quận Gò Vấp tuyên bố “tạm đình chỉ điều tra” vì đã hết thời hạn mà không tìm ra được bị can [2]. Vụ án tiếp tục bị treo lơ lửng. Những lời kết tội vẫn đóng đinh vào hai mục sư, đến tận bây giờ.

Với công dân Võ Xuân Loan, đó là nỗi oan không biết khi nào được giải.

Với chúng ta, đó là câu hỏi lớn dành cho chính quyền về việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo và nhân quyền thời dịch bệnh.

“Thèm một phóng viên đến phỏng vấn”, đó là chia sẻ của bà Loan trong cuộc gặp với Luật Khoa. Trước đó, ngoài Dân Việt, không có một cơ quan báo chí trong nước nào tiếp cận và đưa tin độc lập về những phát ngôn của bà [3].

Trong một nỗ lực mang đến sự đa chiều trong tin tức về vụ án Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, Luật Khoa đã tìm gặp người bị cáo buộc nặng nề nhất – mục sư Võ Xuân Loan, đồng quản nhiệm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng (gọi tắt là Hội, theo cách gọi của nhân vật).

Bài viết bên dưới được ghi chép và cô đọng lại từ hai cuộc trò chuyện với mục sư Võ Xuân Loan. Lời kể và cách dùng từ của nhân vật được giữ nguyên gốc.

Một số thông tin được xác thực qua cuộc trò chuyện riêng với hai tín đồ của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Phần in nghiêng đặt trong ngoặc vuông là diễn giải của người viết.

***

<clip_image004

“Giấy phép hoạt động của Hội vẫn chưa được chính quyền mở lại”

Mục sư Võ Xuân Loan: Sau quyết định khởi tố vụ án hình sự, tôi không ra nước ngoài giảng đạo được nữa, hộ chiếu cũ hết hạn, hộ chiếu mới thì Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh không chịu cấp do thấy tên tôi còn bị treo tòng teng trước một vụ án. Tôi cũng không còn được nhóm họp với tín hữu Hội thánh, vì giấy phép hoạt động của Hội vẫn chưa được chính quyền mở lại. Hội thánh thì tự dưng bị nhiều người biết tới hơn với cái tiếng “ổ dịch”. Năm ngoái, tôi đi Quy Nhơn chơi, gặp anh tài xế taxi không biết là đang chở mục sư của Hội nên sa sả, vừa chửi vừa kể Hội ấy mê tín dị đoan, cuồng tín làm lây lan COVID. Cũng không trách được, đến tận Tết vừa rồi, mặc dù cơ quan công an đã thông báo tạm ngưng điều tra, Báo Thanh Niên còn lên bài “Mùa xuân trong con hẻm từng là ‘ổ dịch COVID-19 Truyền giáo Phục Hưng” [4].

Rồi tự dưng trước nhà tôi bỗng có “cái trạm canh”. Ông hàng xóm đối diện là đảng viên về hưu, như thể được giao trọng trách giám sát tôi vậy. Trong khi những nhà khác trong hẻm dần cư xử bình thường lại với mình, thì riêng ông, trong suốt đợt dịch, cứ thấy tôi bước chân ra khỏi cổng là báo công an. Tôi đi mua gạo, xách bịch rau cho hàng xóm, ông cũng a lô báo. Công an lập tức điện tới “cô không có được làm như vậy”. Không ra khỏi nhà được, tôi đặt đồ ăn trên Grab. Thấy Grab tới, ông lại gọi mách. Công an lại điện “Grab tới rầm rầm lỡ đem COVID tới thì sao”. Lúc đó Grab vẫn được phép hoạt động mà… Ôi Chúa ơi, tôi thấy mình đang ở nhà mà bị canh giống như là một can phạm, một người tù đang bị giam lỏng. Có bản án nào cho mình đâu, tại sao lại như vậy?

“Vô số cuộc gọi, tin nhắn, bình luận… chửi mắng, sỉ nhục, đòi bắn, đòi giết chúng tôi”

Không rõ bằng cách nào mà danh sách tín đồ Hội thánh bao gồm thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, năm sinh, địa chỉ nhà, v.v. bị tung lên mạng. Trước đó, thư ký của Hội chỉ đưa danh sách này cho công an, nhân viên y tế để phục vụ truy vết. Vô số cuộc gọi, tin nhắn, bình luận trên Facebook tràn đến, chửi mắng, sỉ nhục, đòi bắn, đòi giết chúng tôi.

Công an cũng đã thẩm vấn nhiều tín đồ, lạ là hỏi những câu về dịch bệnh thì ít mà về Hội thì nhiều. Họ tập trung hỏi về cách thành lập Hội, cơ cấu tổ chức, hình thức quyên tiền, rồi mục sư giảng dạy những gì, lời răn này ý nghĩa ra sao, họ moi đến cả các vấn đề tài chính của Hội.

clip_image006

Cảnh phong tỏa ở khu vực nơi tín đồ của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng sinh hoạt vào cuối tháng 5/2021 . Ảnh: Kênh 14.

Con em tín đồ cũng suýt không thoát khỏi cuộc điều tra. Tháng Mười năm ngoái, công an gửi giấy triệu tập năm thiếu nhi, em lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi [5]. Có em nghe tin, đêm mất ngủ, nói “Ba… ba… công an sắp bắt con”. Một em ở Nhà Bè thì khủng hoảng, khóc gần bốn tiếng đồng hồ, “Mẹ ơi mẹ, công an trước giờ bắt cướp mà, con đâu phải ăn cướp, sao công an bắt con”. Tôi đã kiến nghị với công an, mọi sự điều tra, xin hãy xét hỏi tôi, hỏi người lớn, xin đừng hỏi thiếu nhi. Anh công an và nhân viên làm kiểm soát viên ở đó trả lời: “Cô yên tâm, chúng tôi có cách hỏi trẻ con; chúng tôi không làm cho tụi nó sợ đâu”. Họ đáp như vậy, nghĩa là họ không làm theo đề nghị của mình; nên sau đó, tôi xách xe chạy tới từng nhà các em, giải thích với phụ huynh, chúng ta chưa phải là can phạm, chúng ta có quyền từ chối, có quyền bảo vệ con em mình. Thấy phụ huynh không chịu đưa con lên, công an yêu cầu ký giấy, giải thích lý do. Thì các bố mẹ cứ lên ký thôi, người nói con tôi bận học thi, người ký con tôi sợ. Cảm ơn Chúa, từ đó đến nay, không bé nào bị gọi lên.

“Họ muốn gọi lúc nào thì gọi”

Sau khi thành phố mở cửa lại, công an quận Gò Vấp mời tôi lên bốn lần. Trong những lần này, họ đặt nhiều câu hỏi không liên quan đến điều tra dịch bệnh, mà là lịch sử và cách thức hoạt động của Hội.

Còn trước đó, không đếm xuể. Họ muốn gọi lúc nào thì gọi. Công an thẩm vấn từ lúc tôi vừa được vô cấp cứu ở bệnh viện Nhiệt đới. Có một cái điện đàm gắn ở tường phòng bệnh, tôi vừa ịch xuống giường, đang ngoi ngóp thở như cá thiếu nước thì chuông reng to giật bắn cả người, rồi có giọng nữ cất lên rất lớn: “Cô Võ Xuân Loan có đó không? Công an có điện tới muốn nói chuyện với cô đó, công an mà điện tới là cô nhớ bắt máy”. Lúc ấy, tôi bị áp đảo tinh thần, không biết mình bị gì. Đang khủng hoảng thì y bác sĩ nhào tới cấp cứu, gắn máy đo oxy. Họ nói với nhau oxy ở mức 75% [chỉ nồng độ oxy trong máu ở mức nguy hiểm]. Rồi điện thoại của tôi rung lên, tôi không nhấc nổi, chuông điện thoại trên tường lại đổ. Một giọng nữ phát ra: “Công an gọi đó, bắt máy đi cô, nghe máy đi cô, nhớ nghe máy nha”. Nhưng tôi còn không đủ sức lực quẹt màn hình, cô y tá phải quẹt mở giúp. Đầu dây bên kia cất tiếng: “Cô đi Hà Nội ngày nào? Về ngày bao nhiêu?”. Tôi lờ mờ nhận ra hình như lúc này mình vừa là bệnh nhân và còn vừa là tội nhân nữa.

Mấy ngày sau, nồng độ oxy lên dần nhưng vẫn dưới 93 [vẫn ở tình trạng nguy hiểm]. Những cuộc điều tra lạ lùng vẫn tiếp diễn. Tôi vừa đeo mặt nạ oxy vừa thều thào trả lời thẩm vấn, giọng nói thì vừa khàn vừa yếu. Nhiều lúc căng thẳng quá, tôi không bắt máy… Tại kinh khủng quá… Còn có cả người xưng là công an xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội – nơi tôi đến giảng đạo trước đó – gọi vào xét hỏi đến chỗ này, chỗ kia để làm gì, gặp ai. Khi tôi bảo không đến những điểm ấy, họ chửi tôi lật lọng, không khai báo tử tế.

Tôi lờ mờ nhận ra hình như lúc này mình vừa là bệnh nhân và còn vừa là tội nhân nữa

MỤC SƯ VÕ XUÂN LOAN

“Rất nhiều chi tiết bị xuyên tạc”

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) chụp mũ vợ chồng tôi và các tín đồ nhiều lắm, bảo là chúng tôi quanh quẹo, không thành thật khai báo, giấu thông tin.

Má tôi năm ngoái 89 tuổi [ở cạnh nhà bà Loan] một buổi sáng thức dậy hốt hoảng không biết con gái mình bị đưa đi đâu thì bất ngờ bị nhân viên y tế tới đòi đưa đi. Bà hoảng loạn, không chịu đi, cũng không chịu làm xét nghiệm. Người ta không một lời giải thích với một bà già đang lúng ta lúng túng, cứ thế đưa thẳng xuống khu cách ly Cần Giờ, bốn hôm sau thì bà bắt đầu bị tiêu chảy, có triệu chứng nhiễm, trong khi trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Vậy mà trên mặt báo, trên truyền hình, bà già tội nghiệp ấy bị bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC kể lại là bà “không chịu hợp tác, điều tra không được, phải nhờ lực lượng công an phối hợp” [6].

Chưa hết, trong bài phỏng vấn với Zing, ông Nguyễn Đức Bảo, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Gò Vấp kể, phải nói “chuyện đạo” để thuyết phục thư ký của Hội cung cấp đầy đủ danh sách thành viên [7]. [Ông Bảo là người theo đạo Công giáo]. Trong khi thực tế, khi công an và nhân viên y tế ập đến nhà tôi, cũng là trụ sở của Hội thánh, vì máy in bị treo nên thư ký không thể in toàn bộ danh sách theo yêu cầu được. Nhưng đến điểm tập trung đầu tiên ngay trong đêm đó, em ấy đã chủ động xin giấy bút viết danh sách ra đưa cho họ. Rất nhiều chi tiết bị xuyên tạc trong bài báo này.

clip_image008

Ảnh chụp màn hình bài viết “Cuộc truy vết F0 cân não ỡ Gò Vấp”, Zing News đăng ngày 9/6/2021.

Ông Vũ Chiến Thắng [Thứ trưởng Bộ Nội vụ], cũng đang nợ tôi và Hội thánh một lời xin lỗi. Ông phát biểu rằng, vợ chồng tôi là mục sư tự phong, từ bây giờ đừng có gọi là mục sư nữa để khỏi bị ngộ nhận. Rồi ông bảo, Hội thánh này chỉ có giấy phép thuộc hàng phường cấp, phường quản lý. [8] Nói như ông, hóa ra giấy phép của phường là vô giá trị sao?

Hội thánh thuộc đạo Tin Lành, thờ Chúa trong lòng. Tín đồ không phải cứ tới nhà thờ mới được xem là ngoan đạo, ai có bệnh thì ở nhà, không có vấn đề gì hết. Nên khi nhận được thông báo từ phường 3, quận Gò Vấp về tình hình dịch bệnh, quy định số người được tập trung, chúng tôi tuân thủ chấp hành, chứ không phải cố chấp tụ tập đông người bằng mọi giá.

“Báo chí toàn dẫn lời một phía từ chính quyền”

Tất cả những bài báo khi ấy không gọi tôi là bệnh nhân số bao nhiêu như những trường hợp trước, họ nêu thẳng tên tôi và Hội thánh. Phát hiện ra ở đâu có ca dương tính, họ lại thêm câu “có liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng”; trong khi các tín hữu của tôi chưa từng đặt chân đến đó, cũng không hề quen biết những F2, F1, F0 này.

Báo chí toàn dẫn lời một phía từ chính quyền. HCDC kết luận gia đình tôi và tín đồ giấu thông tin, tòa soạn nghe xong đăng nguyên như vậy mà không có hỏi thêm phía gia đình tôi. Rồi họ phỏng vấn người dân thường nghĩ sao về ổ dịch Hội thánh. Tất nhiên là toàn chỉ trích, tại mấy người đó có quen biết chúng tôi đâu, chỉ biết qua báo, qua mạng thôi mà.

Truyền thông chính thống tạo ra hình ảnh gia đình mục sư và Hội thánh tồi tệ như vậy, nên trên mạng té nước theo mưa, xuất hiện những lời bịa đặt kinh khủng. Thời gian đầu tôi không quen đeo khẩu trang khi giảng là có thật, nhưng họ bẻ thành mục sư tuyên bố “có Chúa thì không cần đeo khẩu trang”. Sau này, công an triệu tập một tín đồ lên hỏi là bà mục sư Loan có nói vậy không. Tôi và phần lớn các tín đồ là những người có học thức, không phải quá ấu trĩ, dốt nát để mà tuyên bố và thực hành theo ý đó. Một tín đồ còn tặng cho Hội 2.000 khẩu trang. Chúng tôi không xài thì để làm gì? Ông mục sư Tân [chồng bà Loan] còn đứng ở cửa, ai quên khẩu trang là phát ngay, rồi còn phát tặng cộng đồng.

Tất cả những bài báo khi ấy không gọi tôi là bệnh nhân số bao nhiêu như những trường hợp trước, họ nêu thẳng tên tôi và Hội thánh.

MỤC SƯ VÕ XUÂN LOAN

Tôi cảm thấy sốc. Tại sao người ta có thể nói dối một cách tự nhiên như vậy? Những chuyện này, họ lấy ở đâu ra? Chúa ơi, họ chưa gặp con ngày nào, tại sao họ có thể bôi nhọ con và gia đình con như vậy? Có những lúc đọc xong, tôi phẫn hận, nhưng vì mình có Chúa, mình để cảm xúc đó sang một bên. Lúc đó, thực sự tôi thèm có một phóng viên đến phỏng vấn mình. Mong muốn được một tờ báo cho mình nói tiếng nói chính thức: “Tôi đây, người trong cuộc đây, cái bà Võ Xuân Loan là đây này, làm ơn nghe tôi nói đi”.  Nhưng không có ai cả. Một phóng viên của một tờ báo lớn có tiếng ở TP. HCM gọi cho tôi, tôi mừng rơn, chia sẻ với cô ấy những điều mà gia đình tôi bị vu khống. Nhưng sau này, không hiểu lý do gì, cô ấy nhắn với tôi, bài viết không được đăng.

“Tôi biết ơn các y bác sĩ”

Tôi biết ơn các y bác sĩ ở bệnh viện Nhiệt Đới đã cứu chữa tôi lúc nguy kịch. Thời điểm ấy, tôi chưa được tiêm một mũi vắc xin nào.

Sáng ngày thứ mười ở bệnh viện, tôi bất ngờ nhận thông báo chuyển xuống khu dã chiến Củ Chi, dù lúc này vẫn phải chích thuốc, truyền nước mỗi ngày. Ngực tôi còn bị đau – bác sĩ chẩn đoán do phổi bị xẹp.

Bất ngờ hơn là người ta không cho tôi ở cùng phòng với gia đình lúc xuống đấy. Ban quản lý xếp tôi ở chung phòng với năm người khác. Tay chân lúc đó cứ run run, tôi phải vịn tường mà đi, té sõng soài trong toilet ướt hết người, cũng không thể tự ăn được, thức ăn cứ rớt lên rớt xuống. Tôi xin họ xếp ở cùng với chồng và con gái để có người đỡ đần nhưng vẫn bị từ chối. Bốn ngày sau, họ chuyển tôi đến một phòng cùng tầng với gia đình nhưng vẫn không được ở chung.

“Nỗi phẫn uất như có thể bóp chết tôi bất kỳ lúc nào”

Lúc người ta đưa cả nhà tôi từ điểm tập trung ban đầu xuống Củ Chi, tôi đã khủng hoảng rồi, cứ nằm chờ mà không có nhân viên y tế nào ngó ngàng. Con gái chạy đi kêu, mới có người vô đo huyết áp, rồi có người đem xe lăn tới đẩy đi chụp hình phổi. Lúc họ đẩy về, tôi nghe lén được họ nói với nhau rằng hai cái phổi trước nám hết trơn. Về tới phòng, vừa cầm bịch canh cố húp một miếng sau hơn 12 tiếng không có gì trong bụng, thì loa kêu “Võ Xuân Loan chuẩn bị ra xe đi bệnh viện”. Ụp hộp cơm lại, tôi ngơ ngác hỏi con gái: “Má đi hả con? Giờ má đuối quá. Bây giờ con xin bác sĩ cho đi với má được không?”. Con gái cố xin nhưng bác sĩ không cho. Rồi chồng đẩy tôi ra xe, cả gia đình chỉ biết là ra xe đi nhà thương chứ cũng chưa biết tôi bị gì và sẽ đi đâu.

Từ trên xe, nhìn xuống, thấy chồng, thấy đứa con gái, con trai của tôi đứng đó thẫn thờ. Khi xe hụ còi chuyển bánh, nước mắt tự nhiên cứ trào ra, tôi bật khóc. Lúc đó buổi chiều, mưa xuống, cảnh càng thêm thảm. Chúa ơi, chuyện gì đang xảy ra với con vậy? Giờ con đi đâu, con cũng không biết. Chồng con của con dưới kia… Rồi bầy chiên [cách gọi các tín đồ] nữa… Hồi đó mỗi lần có chuyện gì là mục sư ơi, mục sư hỡi, còn bây giờ thì họ bơ vơ kêu ai?

clip_image010

Mục sư Phương Văn Tân và vợ, Mục sư Võ Xuân Loan, đồng quản nhiệm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Ảnh: Facebook Muối và Ánh sáng.

Đứa con thứ hai của tôi bị tâm thần. Khi người ta ập đến, ốp đưa cả nhà đi, nó đã hơi hoảng rồi. Trong khu dã chiến, trời nóng quá nên có những buổi chiều nó lên cơn, nó nói nhảm, vừa chạy, vừa tiểu ra quần. Ba nó phải chạy theo chụp lại. Căn phòng có sáu người, có người ngoài Hội thánh. Ba nó cứ suốt ngày đi theo lau dọn cho con, rồi rối rít xin lỗi người khác. Có lần, ông nhắn tin cho tôi “má ơi, cầu nguyện cho con, nó bị trở bệnh”. Tôi nói với Chúa, con bị nằm ở đây không biết sống chết ra sao, chồng của con không biết sức khỏe thế nào, con trai thì trở bệnh lại, mẹ già ở bên kia thành phố cận kề với cái chết; ngoài kia, mọi mũi dùi đang chĩa vào gia đình con. Oan nghiệt gì mà con phải chịu nhiều như vậy? Uất ức quá, tôi khóc với Chúa cả đêm.

Cái uẩn ức của con người bình thường vốn đã nhiều. Là một mục sư giảng đạo, tôi được tôi luyện để bình tĩnh vượt qua những thử thách này. Nhưng mục sư cũng là con người. Tôi còn là một người mẹ, một người vợ, một người con trong gia đình. Nỗi phẫn uất như có thể bóp chết tôi bất kỳ lúc nào.

“Thời điểm ấy, mình quá hốt hoảng hay sao mà cứ riu ríu làm theo họ”

Ấn tượng lớn nhất của tôi khi tiếp xúc với cơ quan chức năng lúc ấy là hoang mang.

Công an và nhân viên y tế cứ đùng đùng nửa đêm tới nhà, đùng đùng đưa người đi không một lời giải thích. Mình hỏi họ đi đâu, họ nặng giọng “kêu ra xe thì ra xe”. Đến khi tới điểm tập trung đầu tiên là một bệnh viện cũ của quận Gò Vấp, họ để mình vất vưởng ở đó qua đêm, không nói lời nào. Không ai thông báo mình đã bị nhiễm COVID nên sáng hôm sau, lúc đi vệ sinh, mình bước gần tới anh cán bộ, tại anh ấy ngồi gần cửa toilet, thì bị anh quát. Mình bị cư xử giống như một người cùi vậy mà không biết tại sao.

Phải đến ngày thứ ba ở bệnh viện Nhiệt Đới, tôi mới chính thức được biết mắc COVID-19 biến thể Ấn Độ, mà cũng nhờ tôi mở miệng hỏi ông bác sĩ thăm khám mình.

Giờ nghĩ lại có một cái lạ lạ, kỳ kỳ là thời điểm ấy, mình quá hốt hoảng hay sao mà cứ riu ríu làm theo họ, dù chẳng ai trong số đó đưa ra giấy tờ, giới thiệu tên tuổi, chức vụ. Sau này, một anh công an trong quá trình điều tra có chất vấn tôi là, không ai thông báo gì trước cho chị mà chị cứ đi theo vậy đó hả. Tôi nói dạ. Anh ấy bật lại: chị trả lời tôi kỳ quá vậy. Chị phải hỏi là chị bị cái gì thì mới đi, chẳng lẽ chị không hỏi, không biết gì mà đi theo hả? Chị nói vậy mà nói được á hả? Anh đó còn gay gắt bảo, chị lớn thế này rồi mà cũng không biết hỏi lại nữa hả?

“Tôi muốn được thừa nhận trắng án, được xin lỗi công khai”

Cuộc đời tôi được soi rọi dưới thập tự giá hai chiều. Chiều thẳng là tấm lòng của tôi với Chúa, chiều ngang là trách nhiệm của tôi với xã hội. Tôi không làm điều gì phạm pháp, tôi muốn được thừa nhận trắng án, được xin lỗi công khai. Còn dùng chữ “tạm” [tạm ngưng điều tra] là còn chưa được minh oan.

Bây giờ tôi có thể cho qua hết, lấy lòng vị tha, bác ái của Chúa mà bước đi. Nhưng lịch sử là chứng nhân hào hùng nhất, không ai có thể qua mặt được nó. Lịch sử sẽ lưu lại vào năm 2021 có một đại dịch, có Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, có một bà mục sư Võ Xuân Loan bị chụp mũ, bị chà đạp, bị oan ức như thế nào. Lịch sử thì không chừa một ai cả. Bạn có đồng ý không? Lịch sử sẽ ghi lại.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết năm 2020, đạo Tin Lành ở Việt Nam hiện có hơn 1,1 triệu tín đồ, với khoảng 100 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin Lành khác nhau, hoạt động tại khoảng 5.500 điểm nhóm trên cả nước. [9] Khác với đạo Công giáo, các tín đồ của các hệ phái Tin Lành khác nhau có thể tự thành lập các nhóm/ hội thánh độc lập. Tín đồ có thể tự bầu ra mục sư. Mục sư có thể kết hôn.

Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng là một điểm nhóm Tin lành tư gia, hoạt động độc lập với các tổ chức Tin lành khác. Họ hoạt động theo giấy phép sinh hoạt tôn giáo tập trung do UBND phường 3, quận Gò Vấp, TP. HCM cấp từ năm 2006, theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. [10]

Chú thích

1.  Thanh Ngọc. (2021, June 3). Toàn cảnh truyền thông về Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/06/toan-canh-truyen-thong-ve-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung/

2.  BBC News Tiếng Việt. (2022, January 31). Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng: Tạm đình chỉ điều tra vụ án “làm lây lan Covid.” https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60198020

3.  Nguyên Vỹ. (2021, June 3). Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng lên tiếng. danviet.vn. https://danviet.vn/dai-dien-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-len-tieng-tu-day-long-chung-toi-thanh-that-xin-loi-2021053116583805.htm

4.  Nguyễn Anh. (2022, January 31). Mùa xuân trong con hẻm từng là “ổ dịch Covid-19 Truyền giáo Phục Hưng.” Báo Thanh Niên. https://web.archive.org/web/20220529041951/https://thanhnien.vn/mua-xuan-trong-con-hem-tung-la-o-dich-covid-19-truyen-giao-phuc-hung-post1426230.html

5. Cao Nguyên. (2021, October 18). Công an triệu tập trẻ em để điều tra vụ Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-summons-children-to-ask-about-vn-revival-church-10162021090201.html

6.  Tuổi Trẻ Online. (2021, May 28). Giám đốc HCDC: “Gia đình mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng giấu thông tin.” TUOI TRE ONLINE. https://web.archive.org/web/20210601151451/https://tuoitre.vn/giam-doc-hcdc-gia-dinh-muc-su-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-giau-thong-tin-20210528210405671.htm

7.  Thu Hằng. (2021, June 9). Cuộc truy vết F0 cân não ở Gò Vấp. ZingNews.vn. https://web.archive.org/web/20210609035017/https://zingnews.vn/cuoc-truy-vet-f0-can-nao-o-go-vap-post1224174.html

8.  Bộ Y tế. (2021, September 1). BẤT NGỜ: Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không phải tổ chức tôn giáo. https://web.archive.org/web/20220529042358/https://covid19.gov.vn/bat-ngo-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-khong-phai-to-chuc-ton-giao-1717349318.htm

9. Khái quát đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam – Giới thiệu các tổ chức tôn giáo đã được công nhận | Ban Tôn giáo Chính Phủ. BTGCP. http://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/khai-quat-dao-tin-lanh-tren-the-gioi-va-o-viet-nam-post9m7eZdpo.html

10. Thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, Bộ Nội vụ. https://www.moha.gov.vn/danh-muc/thu-tuc-dang-ky-sinh-hoat-ton-giao-tap-trung-37952.html

Y.H.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2022/05/mot-nam-sau-vu-an-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-muc-su-vo-xuan-loan-chinh-quyen-con-no-toi-loi-xin-loi/

This entry was posted in Covid 19. Bookmark the permalink.