Nên hiểu thế nào về hiện tượng Kissinger

Nguyễn Quang Dy

“Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum).

Henry Kissinger là một cây đại thụ trong lịch sử ngoại giao Mỹ suốt năm thập kỷ qua, đã sống gần 100 tuổi nhưng không chịu ngồi yên. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos, 23/5/2022), ông đã một lần nữa làm dư luận dậy sóng khi khuyên Ukraine nhượng đất cho Nga để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. Nên hiểu thế nào về hiện tượng Kissinger? Liệu cây đại thụ Kissinger còn minh mẫn hay đã lỗi thời? Phải chăng Kissinger định bắt chước Neville Chamberlain (Thủ tướng Anh, 1937-1940) khi “nhân nhượng” Adolf Hitler (9/1938)?

Chamberlain đã ngây thơ tin rằng nếu đối xử với Hitler “một cách thực tế và nghiêm túc” thì có thể thuyết phục được Hitler về hiệu nghiệm của hòa bình. Chamberlain cấm BBC và các báo đưa tin về chủ trương “nhân nhượng” (appeasement). Đó là biện pháp mà Nixon và Kissinger cũng áp dụng. Chamberlain vẫn ảo tưởng khi Đức chiếm Austria (3/1938). Tại Munich (9/1938), Anh và Pháp đã ép Czechs đầu hàng Đức. Ông không thông báo hay đề nghị nội các chấp thuận và không tham vấn Quốc hội trước khi đàm phán với Hitler.

BBC đã cấm Winston Churchill và những người phản đối nhân nhượng không được lên sóng. Với đa số của Đảng Bảo thủ tại Hạ viện, Chamberlain cố dập tắt sự chống đối tại Quốc hội với lập luận ai chống đối là phản quốc. Khi Hitler xâm lược Ba Lan (9/1939), Chamberlain không còn lựa chọn nào khác nên phải tuyên bố chiến tranh với Đức, nhưng chỉ chiến tranh giả vờ (phony war) cho đến khi từ chức để Winston Churchill lên thay (10/5/1940). Cùng ngày, Hitler đã tấn công Tây Âu bằng đòn chớp nhoáng (blitzkrieg).

image

Neville Chamberlain (L) và Adolf Hitler (R) tại Munich, 9/1938. (Associated Press)

Bài học xưa và nay

Cũng như nhiều người khác, tôi đã từng ngưỡng mộ Henry Kissinger với các tác phẩm kinh điển như “Ý nghĩa của Lịch sử” (the Meaning of History, 1950) và “Một Thế giới được Phục hồi” (A World Restored, 1957). Nhưng sau khi thấy rõ những gì ông ấy đã làm trong chiến tranh Việt Nam và nội chiến Bangalis, tôi đã phải nhìn nhận lại. Kissinger đúng là một cây đại thụ trong lịch sử ngoại giao Mỹ đã từng làm đảo lộn thế giới, nhưng bàn tay ông ấy đã nhúng chàm diệt chủng (genocide). Sẽ nguy hiểm và ảo tưởng nếu người ta nghe theo ông ấy với trò chơi realpolitik để một lần nữa làm đảo lộn thế giới (in reserse).

Có thể nói Kissinger đã vận dụng thành công cấu trúc Quyền lực Concert of Powers của châu Âu cũ như trong cuốn A World Restored vào trật tự thế giới mới, để Nixon bắt tay Mao (2/1972) chơi “lá bài Trung Quốc” (China Card), rút quân Mỹ khỏi Việt Nam “trong danh dự” và tập trung đối phó với Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Nhưng cái giá cho trò chơi realpolitik là phải hy sinh Đài Loan vì “Một nước Trung Quốc” (One China Policy) và bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa cũng như Hoàng Sa (1/1974), sau Hiệp định Paris (1/1973).

image

Mao Trạch Đông (R) và Chu Ân Lai gặp Ngoại trưởng Henry Kissinger (L) tại Bắc Kinh, 17/2/1973. (File Photo)

Kissinger đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho quan hệ hợp tác Mỹ-Trung trong một trật tự thế giới mới với chủ trương “Tiếp cận Xây dựng” (Constructive engagement) mà năm đời Tổng thống Mỹ đã theo đuổi. Nói cách khác, Kissinger đã có công giúp Trung Quốc trỗi dậy như quái vật Frankenstein (lời Tổng thống Nixon). Trong khi Nixon đã mở miệng thừa nhận sự thật và sai lầm lịch sử trước khi nhắm mắt, thì Kissinger vẫn ngậm miệng ăn tiền để nhận giải thưởng Nobel hòa bình, và nay còn định đảo ngược lịch sử một lần nữa.

Theo Kissinger, “thật không khôn ngoan khi chúng ta có thái độ thù địch với hai đối thủ và thúc đẩy họ xích lại gần nhau. Trong thời gian trước mắt, chúng ta không nên gộp cả Nga và Trung Quốc lại với nhau như một yếu tố không thể tách rời. Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Putin đã tính toán sai về tình hình mà ông ấy phải đối mặt trên trường quốc tế và tính sai khả năng của Nga. Nhưng liệu Putin có leo thang chiến tranh bằng cách chuyển sang một loại vũ khí chưa bao giờ được sử dụng?” (Henry Kissinger: We are now living in a totally new era, Edward Luce, Financial Times, May 16, 2022).

Một ông già đã 98 tuổi mà vẫn suy nghĩ được như vậy quả là “xưa nay hiếm”. Rõ ràng đầu óc của Kissinger còn sáng suốt hơn đầu óc của Putin, tuy tuổi của họ cách nhau hơn hai giáp. Gần đây, Putin đã trả đũa Mỹ bằng cách cấm các lãnh đạo Mỹ nhập cảnh vào Nga, trong đó có cố Thượng nghị sỹ John McCain. Chắc Putin không đùa. Nhưng điều đó không có nghĩa Kissinger không ngộ nhận và sai lầm. Dư luận nói chung và người Ukraine nói riêng không chấp nhận lời khuyên của Kissinger, không phải vì ông quá già mà vì ông ngạo mạn khi coi thường người Ukraine. Ý kiến của Kissinger phản ánh quan điểm của Putin.

Kissinger cảnh báo: “phương Tây đừng bao giờ quên tầm quan trọng của Nga đối với châu Âu. Các cuộc đàm phán phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi cục diện tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây. Theo đuổi cuộc chiến quá thời điểm đó sẽ không còn liên quan đến quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại Nga. (Henry Kissinger: Ukraine must give Russia territory, Ambrose Evans-Pritchard, Telegraph, May 23, 2022).

image

Henry Kissinger (L) gặp tổng thống Donald Trump (R) tại Nhà Trắng,10/10/2017. (Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Lời khuyên của Kissinger đã bị người Ukraine bác bỏ. Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Kyiv công bố gần đây cho thấy 82% người Ukraine nói rằng họ không muốn nhượng lãnh thổ cho Nga. Kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov và là nhà hoạt động chính trị, đã viết trên Twitter rằng lập trường mới nhất của ông Kissinger về Ukraine không chỉ vô đạo đức mà còn “được chứng minh là sai lầm lặp đi lặp lại nhiều lần”.

Mykhailo Podolyak (Cố vấn của Tổng thống Zelensky) nói rằng “bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga không phải là con đường dẫn đến hòa bình, mà chỉ có thể trì hoãn chiến tranh trong vài năm”. Zelensky từng nhiều lần nhấn mạnh rằng một trong những điều kiện để ông tham gia các cuộc đàm phán hòa bình là Nga phải đồng ý để Ukraine khôi phục những khu vực vốn thuộc kiểm soát Ukraine vào trước ngày Nga xâm lược (24/2/2022).

Theo Richard Haass (CFR President) đề xuất của Kissinger có thể bị Ukraine từ chối “vì yêu cầu Ukraine từ bỏ quá nhiều” và dễ bị Putin từ chối “vì cho Nga quá ít”. Ý tưởng dùng cộng đồng quốc tế để cô lập Trung Quốc và cố hội nhập nó vào một trật tự thế giới phù hợp với lợi ích của chúng ta lúc này là không khả thi”. (Kissinger suggests that Ukraine give up territory to Russia, drawing a backlash, Dan Bilefsky, NYT, May 24, 2022).

Theo bà Ursula von der Leyen (EC President), một ngày nào đó Nga có thể khôi phục vị trí của họ ở châu Âu nếu nước này “tìm đường trở lại với dân chủ, pháp quyền và tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bởi vì Nga là nước láng giềng của chúng ta”. Nhưng ở thời điểm này thì cuộc chiến bảo vệ đất nước của Ukraine không chỉ là “vấn đề sống còn của Ukraine” hay “vấn đề an ninh châu Âu” mà còn là “nhiệm vụ của toàn cầu”.

Bóng ma Việt Nam

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt năm 1975, nhưng hai thập kỷ sau chiến tranh (năm 1995), Robert McNamara mới xuất bản cuốn hồi ký thừa nhận sai lầm về Việt Nam, nhưng muộn còn hơn không. Năm 2003, McNamara còn xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Sương mù chiến tranh” (The Fog of War) của Errol Morris. Putin [McNamara – BVN] kể lại sự nghiệp tại Bộ Quốc phòng và những thất bại trong chiến tranh Việt Nam. (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam, Robert McNamara with Brian Van De Mark, Random House, 1995).

Con trai Robert McNamara là Craig McNamara (một chủ trang trại) vừa xuất bản cuốn hồi ký kể lại tấn bi kịch của gia đình mình từ sau chiến tranh Việt Nam đến nay (5/2022). Craig cũng là một nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến tranh Việt Nam mà anh mang đầy mặc cảm, với nhiều kỷ niệm đau buồn và bất hạnh trong quan hệ với người cha nổi tiếng. Cuốn sách của Craig chứa đựng nhiều tâm sự chân thành của một tác giả chính trực dám nói lên sự thật. (Because Our Fathers Lied, Craig McNamara, Little Brown, May 10, 2022).

Henry Kissinger cũng viết hồi ký và sách của ông cũng bán rất chạy. Nhưng khác với Robert McNamara, Kissinger không thừa nhận sai lầm trong chiến tranh Việt Nam và hệ quả của những việc ông đã làm. Dù Kissinger được nhiều người ngưỡng mộ như “superman” thì lịch sử vẫn coi ông là tội phạm chiến tranh vì những gì ông đã làm ở Đông Dương và Bangalis. Dù Putin được nhiều người ngưỡng mộ như “Putin Đại đế” thì lịch sử vẫn coi ông là tội phạm chiến tranh vì những gì ông đã làm ở Ukraine. Với trò chơi Realpolitics, Nixon và Kissinger sẵn sàng bắt tay với Mao và Putin, cũng như chấp nhận diệt chủng ở Bangalis.

image

Le Duc Tho (L) và Henry Kissinger (R) tại Paris, 1/1973. (File photo)

Những ai đã nghiên cứu chiến tranh Việt Nam chắc biết chiến dịch ném bom Camphuchia và Lào do Kissinger đạo diễn, nhưng phải “bí mật” để che giấu báo chí. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ (1973), Nixon và Kissinger đã phê chuẩn 3.875 phi vụ ném bom Campuchia (1969-1970). Vào cuối chiến dịch ném bom Operation Menu, Mỹ đã dùng 110.000 tấn bom, giết hại khoảng 150.000-500.000 dân thường. Ngoài ra, Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội trong đó có bệnh viện Bạch Mai (Chrismas bombing 1972).

Kissinger vừa leo thang chiến tranh, vừa tìm cách chấm dứt chiến tranh Việt Nam, làm Mỹ tốn khoảng 30 tỷ USD mỗi năm. Kissinger đã lãng phí bốn năm đàm phán tại Paris, với tổng số 68 lần gặp, nhưng đến đầu năm1973 vẫn phải chấp nhận các điều kiện như năm 1969. Kết cục là 2,5 đến 3 triệu người Việt Nam và Đông Dương đã bị chết cùng với 58.000 ngàn lính Mỹ, trong đó có 1.600 người được coi là mất tích trong chiến đấu (MIA). Trong khi ông Lê Đức Thọ đã từ chối thì ông Kissinger vẫn nhận giải thưởng Nobel hòa bình.

Theo Alan Schwartz (Vanderbilt University) Nixon không ngờ Kissinger có thể qua mặt mình khi Gallup Poll đánh giá Kissinger là “người được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ” (1973-1974). Tuy sau đó vụ bê bối Watergate đã buộc Tổng thống Nixon phải từ chức, nhưng chính Kissinger đã lệnh cho FBI nghe trộm điện thoại các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia xem họ có lộ tin ném bom Campuchia cho báo chí không. Đến 30/4/1975 khi Sài Gòn sụp đổ, thì kết quả đàm phán hòa bình của ông Kissinger cũng tan thành mây khói.

Khi điều trần tại Quốc hội Pháp về thất bại Điện Biên Phủ, tướng Christian De Castries đã kết luận một câu làm nhiều người ngỡ ngàng: Chúng ta có thể thắng một trận đánh nhưng “không thể thắng một dân tộc”. Đó là một sự thật. Chủ nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia luôn là nhân tố quyết định cuộc chơi (game changer). Người Mỹ đã ngộ nhận và thất bại tại Việt Nam. Nay người Nga cũng ngộ nhận và đang thất bại tại Ukraine. Cả Nga và Mỹ từng ngộ nhận và thất bại tại Afghanistan, vì họ đã không rút được bài học lịch sử. Dưới thời Tổng thống John Kenedy, những người tuổi trẻ tài cao (the Best and the Brightest) đã ngộ nhận và sai lầm về Việt Nam vì không rút được bài học của người Pháp (trừ George Ball).

Bóng ma Bangalis

Phong cách “ngoại giao bí mật” (secret diplomacy) của Kissinger tuy có hiệu quả nhưng gây tranh cãi vì trái với các giá trị dân chủ truyền thống. Di sản Việt Nam và Bangalis là vết đen trong sự nghiệp mà Kissinger gọi là “một kinh nghiệm quốc gia bi thảm” (a tragic national experience). Kissinger thường bị sinh viên tẩy chay mỗi khi trở về Harvard là nơi ông từng giảng dạy. Bóng ma Việt Nam và Bangalis vẫn ám ảnh ông.

Để có thể rút quân Mỹ khỏi Việt Nam “trong danh dự”, và để đối phó với Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, Kissinger đã bí mật gặp lãnh đạo Trung Quốc mấy chục lần, nhưng nhiều thành viên nội các và Bộ Ngoại giao Mỹ không biết. Pakistan là cầu nối Washington với Bắc Kinh, mà tướng Yahya Khan là đầu mối bí mật của Kissinger, khi “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc nổi tiếng từ năm 1971. Kissinger đã đặt nền móng cho quan hệ Mỹ-Trung, làm thay đổi lịch sử và bàn cờ nước lớn trong mấy thập kỷ.

Kissinger đã vận dụng mô hình “Concert of Europe” của thế kỷ 19 vào bàn cờ chiến tranh lạnh trong mấy thập niên của thế kỷ 20. “Lá bài Trung Quốc” đã góp phần làm Liên Xô sụp đổ như end game. Mao đã nhận xét, “chừng nào mục tiêu của chúng ta giống nhau, thì chúng tôi không làm hại Mỹ nếu Mỹ không làm hại chúng tôi. Chúng ta có thể cộng tác để đối phó với Liên Xô”. Trong thập niên 1980, Trung Quốc đã cộng tác với Mỹ để chống Liên Xô ở Afghanistan, và đã cho CIA lập hai trạm trinh sát điện tử tại khu vực Tân Cương.

Nhưng cái giá phải trả cho “lá bài Trung Quốc” là Nixon và Kissinger đã tòng phạm với chính phủ Pakistan của tướng Yahya Khan đàn áp người Bangalis trong cuộc nội chiến (1971). Vì trò chơi realpolitik mà Kissinger đã lờ đi cho Pakistan tàn sát 300.000 người Bangalis (Bangladesh ngày nay), và làm 10 triệu người chạy sang Ấn Độ tị nạn. Nói cách khác, Nixon và Kissinger đã tiếp tay cho Chính phủ Pakistan phạm tội diệt chủng. (The Blood Telegram-Nixon, Kissinger and a Forgotten Genocide, Gary Bass, Alfred Knopf, 2013).

Theo tác giả Gary Bass (12/1970) khi đảng Awami League tại Đông Pakistan giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và đòi tự trị, tướng Yahya Khan đã lệnh cho quân đội can thiệp. Vì Nhà Trắng lờ đi nên quân đội Pakistan (hầu hết là Muslim) đã tàn sát ít nhất 300.000 người Bengalis (hầu hết là Hindus) buộc 10 triệu người Bangalis chạy sang Ấn Độ tị nạn. Nixon và Kissinger đã phớt lờ bức điện của Tổng Lãnh sự Mỹ Archer Blood ở Dacca khi ông tố cáo quân đội Pakistan tàn sát người Bangalis là tội ác diệt chủng. Nhà Trắng không lên án tướng Yahya Khan mà còn tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho quân đội Pakistan.

Trong các cuộn băng ghi âm bí mật của Nhà Trắng, người ta bị sốc khi nghe giọng của Nixon và Kissinger khi họ giễu cợt những ai thương xót người dân Bangalis đang bị tàn sát. Họ đã phớt lờ bức điện của Tổng Lãnh sự Archer Blood và 20 nhân viên ngoại giao Mỹ ở Đông Pakistan, khi báo cáo với Washington về tội ác “diệt chủng có chọn lọc” (selective genocide) nhắm vào giới trí thức Bengalis. Trong khi Nixon và Kissinger có thái độ thân mật với độc tài Pakistan là tướng Yahya Khan, thì họ có thái độ thô lỗ với Chính phủ Ấn Độ. Thậm chí Nixon đã gọi bà Indira Gandhi là “chó đẻ” (old bitch) chỉ vì thân Liên Xô.

Tính bất cẩn của Nixon và Kissinger ngày càng lộ liễu khi họ điều động các chiến hạm của Hạm đội 7 tới vịnh Bangal và khuyến khích Trung Quốc điều quân tới biên giới Ấn Độ. Nói cách khác, trong thập niên 1970, chính sách ngoại giao của Nixon và Kissinger thực chất là trò chơi Realpolitik trong một ván cờ địa chính trị để phân hóa phe cộng sản bằng Nixon-Mao détente. Kết cục chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Nixon (2/1972) đã mở đường cho quan hệ Mỹ-Trung trong suốt năm nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. (Henry Kissinger’s Controversial Role in the Vietnam War, Jessica Pearce Rotondi, History, May 9, 2022).

image

Vladimir Putin (L) gặp Henry Kissinger (R) năm in 2007. (Credit: EPA/SERGEI CHIRIKOV)

“Lá bài Trung Quốc” và “lá bài Nga”

Kissinger nay vẫn còn tham vọng muốn áp đặt trò chơi Realpolitik làm đảo lộn trật tự thế giới một lần nữa. Khi còn làm ngoại trưởng, Kissinger đã đạo diễn cho Tổng thống Nixon sang thăm chính thức Trung Quốc (2/1972) để bắt tay với Mao, nhằm rút quân khỏi Việt Nam và chống Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Kissinger đã giúp Trung Quốc trỗi dậy như con quái vật Frankenstein. Kissinger với “China Lobby đã định hướng chính sách đối ngoại Mỹ bằng “Tiếp cận Xây dựng” (Constructive Engagement) với Trung Quốc.

Khi Donald Trump vừa thắng cử, Kissinger đã nhận ra cơ hội mới để vận dụng trò chơi Realpolitik một lần nữa biến “lá bài Trung Quốc” thành “lá bài Nga”. Kissinger muốn Mỹ thân với Nga để cô lập và ngăn chặn Trung Quốc. Kissinger đã gặp Trump ba lần để thuyết phục Trump và các quan chức, trong đó có con rể của Trump là Jared Kushner. Trump và một số quan chức chính quyền thấy chiến lược đảo chiều (reverse strategy) của Kissinger hấp dẫn, nhưng thiếu thực tế địa chính trị nên chưa dám triển khai.

Kissinger đã cố vấn cho Tổng thống Nixon dùng “lá bài Trung Quốc” để cô lập Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Nay ông muốn đảo ngược trò chơi đó bằng “lá bài Nga” để cô lập Trung Quốc. Kissinger đã gặp Donald Trump ít nhất ba lần ngay sau khi Trump thắng cử để thuyết phục ông hợp tác với Nga để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Kissinger còn thuyết phục các quan chức khác trong Nhà Trắng, trong đó có con rể Trump là Jared Kushner. (Henry Kissinger Pushed Trump to Work With Russia to Box In China, Bethany Allen-Ebrahimian, Andrew Desiderio, Sam Stein, Asawin Suebsaeng, Daily Beast, July 31, 2018).

Theo Daily Beast, cuộc gặp cấp cao ở Helsinki (7/2018) là một cơ hội để Trump gặp Putin, nhưng bối cảnh lúc đó không thuận lợi để Trump tăng cường quan hệ với Moscow vì Robert Mueller đang điều tra cáo buộc Putin tác động đến kết quả tranh cử của Mỹ. Thái độ của Trump tại cuộc gặp cấp cao ở Helsinki và họp NATO ở Brussels tuy gây tranh cãi nhưng được các nhân vật bài Trung trong Nhà Trắng và Quốc hội ủng hộ, trong đó có Steve Bannon, Peter Navarro, Robert Lighthizer, Marco Rubio, Tom Cotton…Một số quan chức Nhà Trắng cho rằng Nga là “đối trọng hữu ích” (seful counterweight) với Trung Quốc.

Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất, quan trọng nhất và thách thức cao nhất”. Phó Giám đốc CIA phụ trách Đông Á Michael Collins cho rằng Trung Quốc đang tiến hành “một cuộc chiến tranh lạnh” chống lại Mỹ. Theo Giám đốc nghiên cứu quốc phòng Harry Kazianis (Center for the National Interest), “Tôi không bị sốc khi người ta coi Nga là đối tác tiềm năng để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy”. Kissinger không phải là một nhân vật ghét Nga (Russophobe) vì ông đã từng gặp Putin 17 lần.

Đây là “chiến lược Kissinger đảo ngược” để biến “lá bài Trung Quốc” thành “lá bài Nga”. Nhưng nên nhớ từ năm 1972 đến nay, Kissinger đã khuyến cáo Mỹ “coi Trung Quốc là bạn”, và phải bắt tay với Trung Quốc “như một đối tác đáng tin cậy”. Kissinger chưa bao giờ là một diều hâu đối với Bắc Kinh, và ông luôn duy trì một đường dây nóng trực tiếp (direct line) với Tập Cận Bình, nên hợp tác với Nga để chống Trung Quốc không dễ.

Tham khảo

1. In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam, Robert McNamara with Brian Van De Mark, Random House, 1995.

2. The Blood Telegram-Nixon, Kissinger and a Forgotten Genocide, Gary Bass, Alfred Knopf, 2013

3. Henry Kissinger Pushed Trump to Work With Russia to Box In China, Bethany Allen-Ebrahimian, Andrew Desiderio, Sam Stein, Asawin Suebsaeng, Daily Beast, July 31, 2018

4. Neville Chamberlain: A Failed Leader in a Time of Crisis, Top of Form

Bottom of Form

Lynne Olson, New York Times, June 10, 2019

5. Because Our Fathers Lied, Craig McNamara, Little Brown, May 10, 2022

6. Henry Kissinger’s Controversial Role in the Vietnam War, Jessica Pearce Rotondi, History, May 9, 2022

7. Henry Kissinger: We are now living in a totally new era, Edward Luce, Financial Times, May 16, 2022

8. Henry Kissinger: Ukraine must give Russia territory, Ambrose Evans-Pritchard, Telegraph, May 23, 2022

9. Kissinger suggests that Ukraine give up territory to Russia, drawing a backlash, Dan Bilefsky New York Times, May 24, 2022

N.Q.D.

1/6/2022

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.