Hoàng Kim
Nếu được đối thoại với Thủ tướng, nông dân làm lúa Đồng bằng Sông Cữu Long xin hỏi: 1- Hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam do Philippines và Trung quốc ấn định, tức là Việt Nam đã mất chủ quyền của gạo xuất khẩu. Tại sao không hợp tác với Thái Lan để thành lập Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries – OREC) hoạt động theo mô hình của OPEC, do VN và Thái Lan làm nòng cốt để lấy lại chủ quyền gạo xuất khẩu tức là quyền ấn định giá bán gạo xuất khẩu, trong khi Thái Lan đã nhiều lần yêu cầu thành lập liên minh? 2- Việt Nam xuất khẩu gạo nhưng không có kho chứa lúa gạo thì làm sao chủ động trong việc mua bán lúa gạo? Làm sao điều tiết giá bán gạo xuất khẩu từng thời điểm? Trong Nghị quyết an ninh lương thực số 63/NQ-CP có quy định "xây dựng hệ thống kho dự trữ, bảo quản lương thực ở các vùng sản xuất; đối với lúa gạo đảm bảo năng lực tồn trữ đạt 4 triệu tấn;", xin hỏi đến nay chính phủ đã xây dựng được bao nhiêu triệu tấn kho dự trữ? 3- Bán gạo xuất khẩu phải đường đường chính chính. Tại sao phải xuất khẩu gạo qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch? Xuất khẩu tiểu ngạch là xuất khẩu lậu. Xuất khẩu tiểu ngạch chỉ lợi cho doanh nghiệp ăn lời đầu tấn, còn hại cho nông dân vì bị Trung Quốc ép giá. 4- Philippines đánh thuế gạo xuất khẩu của Việt Nam 35% để giúp nông dân Philippines bán lúa trong nước giá cao. Đây là một mức thuế quá lớn không thể chấp nhận được, sao chính phủ không can thiệp để hạ mức thuế này? 5- Gạo xuất khẩu của Việt Nam được bán như thế nào? 6- Ai và cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc bán gạo xuất khẩu? 7- Bộ Công thương xóa bỏ giá sàn bán gạo xuất khẩu, vậy Bộ Công thương điều hành xuất khẩu gạo bằng công cụ gì? 8- Nông dân chúng tôi căn cứ vào Luật Cạnh tranh thì thấy Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam là nhóm độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân, xin Thủ tướng xem xét có phải vậy hay không? 9- Với cơ chế xuất khẩu gạo độc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam mà nòng cốt là Tổng công ty Lương thực miền Nam thực hiện là mua lúa nông dân với giá lời tối thiểu 30% cất vào kho rồi ký hợp đồng bán gạo xuất khẩu với giá tùy ý. Vậy Hiệp hội Lương thực Việt Nam có đầu cơ lúa gạo của nông dân hay không? 10- Chính phủ có kiểm tra giá bán gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam so với giá mua lúa nông dân để tính ra lợi nhuận của Hiệp hội lương thực Việt Nam hay không? Áp mức lời 30% giá thành cho nông dân còn để doanh nghiệp lời bao nhiêu tùy thích là một cơ chế bất công cho nông dân so với doanh nghiệp. 11- Căn cứ vào đâu mà áp mức lời tối thiểu 30% so với giá thành lúa cho nông dân? Đối với nông dân đây là mức lời bần cùng hóa nông dân. 12- Hiệp hội Lương thực Việt Nam mà nòng cốt là Tổng Công ty Lương thực Việt Nam là vấn đề của lúa gạo Việt Nam, khiến nông dân làm lúa bị bần cùng. Tại sao Thủ tướng không tham khảo nghiên cứu để thực hiện mô hình xuất khẩu gạo tốt đẹp của Chính phủ Thái Lan? 13- Khi phân bón nhập giảm giá Bộ Công thương đánh thuế tự vệ để cứu doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nông dân mua phân giá cao. Nay phân bón thế giới tăng giá tại sao Bộ Công thương không tìm cách hạ giá phân bón? Tại sao giá phân bón lên cao mà Bộ Công thương vẫn duy trì thuế tự vệ phân bón? |
Theo báo Dân Việt: "Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu, đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng".
Cuộc đối thoại bắt đầu lúc 9 giờ 13 phút kết thúc lúc 11 giờ 35 phút, với câu hỏi của 11 nông dân miền Bắc theo thức tự: Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn La, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Sơn La, Hà Tỉnh, Lào cai.
Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có duy nhất một câu hỏi cuối buổi của nông dân Lý Văn Bòn ở Cần Thơ hỏi về biến đổi khí hậu.
Tổng cộng có 12 nông dân được hỏi trực tiếp, ban tổ chức cho biết nhận được hơn 1600 câu hỏi. Vậy đối thoại trực tiếp chỉ đạt 0,75% số câu hỏi đã nhận, một con số quá nhỏ so với công lao và chi phí bỏ ra.
Những câu hỏi còn lại "Ban tổ chức đã tổng hợp và gửi lên Thủ tướng và sẽ sớm có câu trả lời chi tiết". Nhưng không nói rõ công bố ở đâu. Nông dân làm cái gì quan tâm đến cái đó. Tôi làm lúa quan tâm đến lúa gạo, vậy tìm ở đâu để đọc những câu hỏi và trả lời về lúa gạo?
Đối thoại là đối đáp chứ không phải là vấn đáp, đối đáp là nói và nghe. Đối thoại không chỉ là nói mà còn phải biết lắng nghe, phải lắng nghe trong tinh thần đồng cảm với người nói, phải lắng nghe để hiểu điều cốt lõi thuộc về bản chất của vấn đề mà người nói diễn tả, có hiểu bản chất vấn đề của nhau thì đối thoại mới mang lại kết quả tốt đẹp.
Nông dân hỏi, Thủ tướng và Bộ trưởng trả lời, đó là vấn đáp chứ không phải đối thoại: Nông dân vấn Thủ tướng và bộ trưởng đáp. Vấn đáp như thế Thủ tướng và bộ trưởng nói nhiều mà nghe ít, nghe ít thì Thủ tướng không thể nắm được những vấn nạn trong nông nghiệp, không nắm được những vấn nạn thì Thủ tướng không thể có những chính sách hiệu quả để phát triển nông nghiệp.
Chưa kể, các vị bộ trưởng trả lời theo cách không thể sai lầm, nghĩa là trả lời xong thì thôi, là chắc đúng rồi, nông dân không được phép hỏi tới hỏi lui gì cả, điều này sẽ khiến cho Thủ tướng không thể tiếp cận đủ sư thật của vấn đề.
Tôi thử lấy thí dụ tôi là đại diện của nông dân trồng lúa Đồng bằng Sông Cữu Long đối thoại trực tiếp với Thủ tướng qua cầu truyền hình thì tôi nghĩ nó sẽ diễn ra như sau:
– Hoàng Kim: Thưa thủ tướng nông dân làm lúa Đồng Bằng Sông Cữu Long chúng tôi khổ quá.
– Thủ tướng: Khổ thế nào ông nói tôi nghe xem.
– Hoàng Kim: Thưa thủ tướng: lúa của chúng tôi bị Hiệp hội Lương thực Việt Nam độc quyền nên mua với giá thấp, đặc biệt Nghị quyết về an ninh lương thực số 63 cho phép Hiệp hội Lương thực mua lúa của ông dân chúng tôi với giá lời tối thiểu 30% đây là giá tiệm cận giá thành.
Thưa Thủ tướng: gạo của nông dân chúng tôi xuất khẩu bị Philippines đánh thuế 35%, mức thuế này không thể chấp nhận được, còn gạo xuất khẩu qua Trung Quốc thì lại bằng cách tiểu ngạch, tức là chở lên biên giới rồi thương nhân Trung Quốc mới ra giá mua, thường là ép giá.
– Thủ tướng: Chà! Nghe thảm thiệt, ông nói tôi mới biết, tôi sẽ cho Tổ tư vấn của Chính phủ nghiên cứu sự độc quyền lúa gạo và sẽ kêu Bộ Công thương báo cáo việc các nước nhập khẩu ép giá gạo xuất khẩu của nông dân và xem xét việc xuất khẩu tiểu ngạch như ông trình bày. Tôi sẽ tạo kết nối giữa nông dân làm lúa các ông và Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, Tổ tư vấn sẽ trả lời bằng văn bản, nếu còn bất đồng với ý kiến tổ tư vấn ông và nông dân trồng lúa cứ trao đổi trực tiếp với Tổ tư vấn cho đến khi thống nhất ý kiến. Tôi sẽ đọc ý kiến thống nhất đó để hiểu rõ vấn đề này và giải quyết cho nông dân làm lúa các ông hết khổ. Ông còn vấn đề gì cần trình bày không?
– Hoàng Kim: Dạ còn một số vấn đề nữa xin trình bày …
– Thủ tướng: … Vậy ông có đề xuất gì để thoát khỏi các tình trạng bất công trên không?
– Hoàng Kim: Thưa thủ tướng có ạ …
– Thủ tướng: Cảm ơn ông, tôi bảo đảm ý kiến của ông sẽ được Chính phủ xem xét nghiêm túc.
– Hoàng Kim: Cảm ơn Thủ tướng.
Theo tôi, hình thức đối thoại giữa Thủ tướng và nông dân hiện nay là hình thức vấn đáp, câu hỏi thì nhiều mà câu trả lời quá ít, chưa kể những câu hỏi của nông dân bị lọc qua người dẫn chương trình nên không thể đưa ra được hết những mong muốn của nông dân. Vì thế tôi nghĩ Thủ tướng nên thành lập một trang mạng đối thoại của Chính phủ do Tổ tư vấn kinh tế chủ trì, để nông dân đối thoại với Tổ tư vấn và quy định thời hạn trả lời cụ thể bằng văn bản gởi cho nông dân thắc mắc qua email và đăng trên trang đối thoại của Chính phủ. Tổ tư vấn sẽ trả lời những điều có thể trả lời, và phải trình Thủ tướng những thắc mắc là vấn nạn của nền sản xuất cho Thủ tướng xem và giải quyết.
Nhưng nông dân chúng tôi thiết nghĩ: Đối thoại chỉ hiệu quả khi Thủ tướng thật sự yêu thương và đồng cảm với nổi khổ của nông dân.
H.K.
Nguồn: FB Nông Dân Hoàng Kim