Báo Novaya Gazeta dẹp tiệm: Khi sự thật… kiệt sức

Tờ báo phải tạm ngừng hoạt động sau khi nhận được cảnh báo thứ hai từ cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor…

Lê Tây Sơn

Website Novaya Gazeta (truy cập ngày 29 Tháng Ba 2022)

Cái chết được báo trước

Một ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, Novaya Gazeta đã truyền đi một cú sốc bằng một tiêu đề đầu trang dài ba chữ trên nền đen u ám: “Nước Nga. Bom. Ukraine”. Hơn một tháng sau, ngày 28 Tháng Ba, tờ báo do người đoạt giải Nobel Hòa bình 2022 Dmitry Muratov làm Chủ biên – chuyên đăng những tin tức độc lập về cuộc chiến Ukraine đã chính thức thông báo tạm ngừng hoạt động cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Andrei Kolesnikov, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Carnegie Moscow và là cựu biên tập của tờ báo, nhận định: “Sự ra đi của ấn phẩm độc lập cuối cùng còn hoạt động là thảm họa cho những người hâm mộ tờ báo và những người thích đọc báo in”. Ấn bản phát hành ngày 25 tháng Hai (khi cuộc xâm lược vừa diễn ra) bằng cả tiếng Nga và tiếng Ukraine bán hết sạch trong vòng vài giờ. Hai tuần sau, trang bìa của nó mô tả “Vũ điệu của những con thiên nga” trong vở opera Swan Lake in bóng trên đám mây hình nấm bốc lửa, với dòng tít “Đây là số báo của Novaya Gazeta. Nó được tạo ra để phù hợp với các quy tắc của bộ Luật Hình sự sửa đổi”.

Dòng tít này đã truyền đạt một cách hùng hồn về những khó khăn khi đưa tin về một cuộc chiến theo luật kiểm duyệt mới khắc nghiệt. Các từ “chiến tranh”, “xâm lược” và “tấn công” đều bị cấm và việc phát tán những thông tin làm mất uy tín quân đội cũng bị hình sự hóa với án tù nặng. Một nhà phân tích cảnh báo: “Không có gì bảo đảm các biện pháp cứng rắn thời chiến trong bối cảnh Điện Kremlin lên án ‘một cuộc chiến thông tin chưa từng có chống lại Nga’ sẽ được dỡ bỏ cho dù hết chiến tranh!”.

Kolesnikov nhận định: “Lý do duy nhất mà Novaya Gazeta vẫn tiếp tục xuất bản đến hôm nay là do uy tín của Muratov”. Còn nhớ, ngay cả Putin cũng chúc mừng sau khi ông đoạt giải Nobel Hòa bình, một bất ngờ đối với nhiều người trong một chế độ đàn áp báo chí đối lập thậm tệ.

“Thật khó để nói việc tạm đình bản sẽ kéo dài bao lâu, bởi vì ngay cả khi ‘chiến dịch đặc biệt’ kết thúc, chế độ độc tài từng nghiền nát tất cả các phương tiện truyền thông độc lập sẽ vẫn còn nguyên vẹn và bộ Luật Hình sự sửa đổi vẫn được duy trì. Điện Kremlin có thể tận hưởng sự trống vắng hoàn toàn của thông tin chuyên nghiệp, không phải tuyên truyền.

Tổng biên tập Novaya Gazeta, Dmitry Muratov (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images)

Khi sự thật… kiệt sức

Kể từ cuộc xâm lược, chính quyền Nga đã cấm hàng chục hãng truyền thông độc lập của Nga, bao gồm cả Đài truyền hình Dozhd, nơi các nhà báo đã rời khỏi Nga; và Đài Echo of Moscow bị giải tán bởi hội đồng quản trị do công ty khí đốt nhà nước Gazprom kiểm soát. Hàng trăm nhà báo đối lập phải trốn khỏi nước Nga. Các phương tiện truyền thông độc lập chỉ còn phát tin tức trên YouTube và Telegram. Duy nhất, Novaya Gazeta trụ lại được và tiếp tục đưa tin về cuộc chiến cho đến hiện nay, bao gồm cả các thông tin từ Ukraine về thương vong dân sự nhưng phải rất cẩn thận để không vượt qua lằn ranh đỏ.

Nhưng mức độ đưa tin của tờ báo vẫn “quá sức chịu đựng” đối với Chính phủ Nga, trong bối cảnh truyền hình nhà nước tuyên truyền rầm rộ huy động sự ủng hộ chiến dịch và thuyết phục người Nga rằng “chiến dịch đặc biệt là một hoạt động hạn chế, chính đáng và cần thiết để ‘tiêu diệt phát xít mới’ và bảo vệ nước Nga”. Các phương tiện truyền thông nhà nước đổ lỗi cho binh lính Ukraine là thủ phạm tàn phá các khu dân cư ở những thành phố như Kyiv, Mariupol và Kharkiv; còn lính Nga vô tội và đứng về phía người dân (?!).

Đối mặt sự kiểm duyệt nghiêm ngặt thời chiến của Putin, người đoạt giải Nobel đã cố chiến đấu để giữ “sự thật tồn tại” nhưng ông đã đuối sức và mệt mỏi. Novaya Gazeta, với lượng độc giả trung thành là trí thức thành thị, những người theo chủ nghĩa tự do hay ủng hộ phe đối lập, thường xuyên bị chính quyền Nga cảnh cáo và đe doạ. Sáu nhà báo của họ đã bị ám sát từ năm 2000 đến 2009, trong đó có nữ phóng viên Anna Politkovskaya. Cô bị bắn chết trong thang máy chung cư vào năm 2006. Vụ án rơi vào quên lãng…

Thông báo của Novaya Gazeta về tạm ngừng xuất bản là một tuyên bố ngắn hai đoạn ngay sau cảnh báo mới nhất của Roskomnadzor. Theo luật Nga, một tờ báo có thể bị tước giấy phép nếu bị cảnh cáo hai lần trong một năm.

Những nữ phóng viên chiến trường

Cảnh báo lần này không dựa trên cách đưa tin về thời chiến của tờ báo mà là một lỗi kỹ thuật: Tờ báo không ghi một tổ chức phi chính phủ là “đặc vụ nước ngoài”! Tuyên bố tạm ngưng sứ mệnh của Novaya Gazeta có đoạn: “Các nhà báo của chúng tôi không ngại đưa sự thật đến người đọc. Sống ở một đất nước mà chính quyền liên tục cấm điều gì đó, như cấm nói lên sự thật, rất cần có những ấn phẩm tiếp tục tham gia vào hoạt động báo chí đích thực”.

Elena Kostyuchenko (Instagram)

Để nói lên sự thật, nữ phóng viên Elena Kostyuchenko đã liều mạng làm phóng sự từ Ukraine. Câu chuyện của cô ngày 25 tháng Ba từ thành phố Kherson do Nga chiếm đóng nói về thương vong dân thường, gồm cả trẻ em. Kostyuchenko cũng đưa tin các cuộc mít tinh chống lại ách chiếm đóng của Nga và việc quân Nga ngăn chặn viện trợ nhân đạo cho thành phố, bắt cóc và đánh đập các nhà báo, nhà hoạt động, những người tổ chức biểu tình và tù binh Ukraine tại Kherson. Bài báo còn tiết lộ về một nhà tù bí mật, nơi giam những người quan trọng bị bắt. Một bài báo trước đó mô tả chi tiết cảnh dân thường thiệt mạng ở thành phố Mykolaiv, trong đó có thi thể một bé gái ba tuổi. Kostyuchenko cũng chụp ảnh bàn tay được cắt tỉa cẩn thận tuyệt đẹp của xác một phụ nữ trẻ.

Ngày 28 Tháng Ba, một phóng viên khác của Novaya Gazeta, Elena Milashina, viết trên mạng xã hội về những người lính Chechnya và tình nguyện viên người Nga thiệt mạng. “Vì bây giờ tôi không thể thông tin cho bạn đọc trên các trang báo in hoặc trang web của Novaya nên tôi sẽ đưa tin trên Facebook khi có thể” – Milashina nói và hướng dẫn cách truy cập bằng phần mềm vượt tường lửa VPN. Cô cho biết sắp hoàn thành ba dự án tin tức lớn. “Nhiều người đang chết ở Ukraine vì vũ khí của chúng ta – cô viết – Điều gì xảy ra tiếp theo với nền báo chí của tôi, tờ báo của tôi và đất nước của tôi? Tất cả chúng ta phải cùng nhau truy tìm sự thật. Nó sẽ kéo dài và đầy khó khăn. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng về một tương lai. Tôi gửi lời cảm ơn những độc giả trung thành và cả những người ghét tôi”. Đầu Tháng Hai 2022, Elena Milashina đã buộc phải rời Nga trước loạt hăm dọa giết cô.

L.T.S.

Nguồn: Saigonnhonews

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Tự do báo chí. Bookmark the permalink.