Tập giữ lập trường ủng hộ Nga vì lo sợ mô hình Gorbachev

Katsuji Nakazawa, Xi’s pro-Russia stance rooted in fear of Gorbachev model, Nikkei Asia, 24/03/2022.

Nguyễn Thị Kim Phụng dịch

Nhưng nếu nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi ràng buộc với Moscow, một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ sẽ xuất hiện.

Tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại kiên trì giữ lập trường thân thiện với Nga, bất chấp các hành động tàn sát ở Ukraine?

Chìa khóa để hóa giải bí ẩn này có thể nằm trong nhận xét của ông ấy từ 10 năm trước.

Tháng 12/2012, chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, tân Tổng Bí thư Tập nói rằng Trung Quốc cần phải rút ra bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô.

“Cuối cùng, Gorbachev chỉ cần một lời nói nhẹ nhàng là có thể tuyên bố giải thể Đảng Cộng sản Liên Xô, và một đảng vĩ đại đã không còn,” ông Tập nói khi nhắc đến nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev. “Không ai dám làm một người đàn ông đích thực. Không ai dám đứng ra phản kháng,” ông than thở.

Sự đồng cảm của Tập đối với hệ thống Xô Viết đã gây bất ngờ cho nhiều thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là cánh cải cách, mà khi đó vẫn còn hoạt động tích cực.

Nhìn lại, nhận xét của Tập cũng tương đồng với triết lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine: mong muốn hồi sinh vinh quang thời Liên Xô, và sự mất lòng tin mạnh mẽ đối với phương Tây.

Phát biểu của Tập vào tháng 12/2012 đã được đưa ra tại tỉnh Quảng Đông, trước nhiều quan chức địa phương.

Việc ông chọn Quảng Đông làm điểm đến thị sát đầu tiên của mình đã làm dấy lên hy vọng rằng nhà lãnh đạo mới có thể là một nhà cải cách theo đúng nghĩa. Người ta đã so sánh chuyến đi đó với chuyến “Nam tuần” năm 1992 của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, thứ đã tạo động lực mới cho chính sách “cải cách và mở cửa” vốn là dấu ấn riêng của Đặng.

Thế nhưng, mọi hy vọng đã tan biến cùng với những lời lẽ của Tập về Liên Xô. Hồ Đức Hoa, con trai thứ ba của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hồ Diệu Bang, một nhà cải cách, ngay lập tức chỉ trích tư tưởng thiên tả của Tập.

Hồ Đức Hoa nói trong một cuộc họp riêng: “Chính người dân Liên Xô đã đánh bật chế độ Cộng sản thối nát ra khỏi quyền lực. Quân nhân Liên Xô từ chối bắn đạn của mình. Vậy mà họ lại bị chỉ trích vì không phải là đàn ông ư?” – Ông hỏi một cách thẳng thừng. Ngày nay, những lời nói và hành động tự do như vậy ở Trung Quốc là điều không thể tưởng tượng nổi.

Một đảng viên kỳ cựu của Trung Quốc đã chia sẻ một điều thú vị về gốc rễ tình cảm của Tập đối với hệ thống Liên Xô.

“Khi còn nhỏ, ông ấy được dạy rằng Liên Xô thật tuyệt vời, rằng đó là một đất nước vĩ đại và mạnh mẽ. Những đặc điểm tương tự có thể được nhìn thấy trong sự hoài niệm của ông ấy đối với Cách mạng Văn hóa và phong trào Thanh niên Trí thức,” người này nói, nhắc đến các chính sách khét tiếng của Mao Trạch Đông, nhằm thanh trừng các nhà tư bản và đưa “thanh niên trí thức” ở thành thị về nông thôn sinh sống và làm việc.

Bản thân Tập cũng từng trải qua những tháng ngày lao động ở nông thôn tại Lương Gia Hà, một ngôi làng nông nghiệp gần thành phố Diên An, tỉnh Thiểm Tây, từ năm 1969 đến năm 1975.

Tình cảm bài Mỹ của Tập dường như đang ảnh hưởng đến chính sách Ukraine của Trung Quốc.

Tập đáng lẽ không cần phải hứa với Putin về một tình bạn hữu nghị và hợp tác “không giới hạn” khi họ gặp nhau ở Bắc Kinh vào ngày 04 Tháng 2. Trung Quốc cũng không cần phải đi xa đến mức phản đối việc NATO mở rộng về phía đông trong tuyên bố chung sau buổi gặp, theo đó chính thức đứng về phía Nga. Nhưng Tập đã làm vậy, và điều đó rõ ràng đã ràng buộc các lựa chọn của Bắc Kinh.

Trong khi đó, hôm Thứ Sáu, Tập cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một cuộc gặp trực tuyến và nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Nga. Nhưng Tập lại không hề đưa ra cam kết. Lập trường rõ ràng duy nhất mà ông lựa chọn là phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Tập chưa sẵn sàng nhượng bộ, nhưng dù sao thì ông ấy cũng đồng ý với lời kêu gọi. Trung Quốc được cho là đã từ chối một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến suốt nhiều tháng. Tại sao bây giờ họ lại đồng ý tham gia?

Mục đích của Tập là thống nhất giới lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề Ukraine, và ông đã sử dụng Biden cho mục đích đó. Đảng Cộng sản gần như bối rối, không thể thống nhất một phản ứng có phối hợp. Nhưng nhờ hội nghị thượng đỉnh với Biden, có vẻ như Tập đã giữ được ban lãnh đạo trong vòng kiểm soát, tiếp tục duy trì lập trường “trung lập” có phần mơ hồ, nghiêng về phía Nga.

Lý do chính cho những bất đồng trong nội bộ đảng là tác hại mà cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc.

Chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc trong hai ngày 14 và 15/03, Shanghai Composite Index gần như đã giảm xuống dưới mức 3.000 điểm. Thị trường chỉ ổn định trở lại sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc, một phụ tá thân cận của ông Tập, cho biết chính phủ sẵn sàng lắng nghe các nhà đầu tư và đưa ra các thỏa hiệp trong cuộc họp khẩn ngày 16/03.

Các chính sách kinh tế của Tập – gây áp lực buộc khu vực tư nhân tuân theo đường lối của đảng với danh nghĩa ngăn chặn “bành trướng tư bản vô trật tự” – đã đi đến một bước ngoặt.

Trong cuộc điện đàm ngày 14/03 với người đồng cấp Tây Ban Nha, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra một trong những tuyên bố thẳng thừng nhất từ trước đến nay, đề cập đến cuộc xung đột Ukraine.

Ông nói: “Trung Quốc không phải là một bên liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng và chúng tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.”

Cùng ngày hôm đó, Vương Huy Diệu (Wang Huiyao), Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện chính sách của Bắc Kinh vốn tuyên bố là cơ quan tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, đã có một bài báo đăng trên New York Times, với quan điểm hơi khác so với đường lối chính thức của chính phủ.

Ông viết: “Đã đến lúc cần phải cho Nga một lối thoát.”

Vị học giả nói tiếp, Bắc Kinh có thể giúp trung gian một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời tìm kiếm “một giải pháp mang lại cho Putin sự đảm bảo an ninh đủ để có thể được coi là chiến thắng đối với người dân trong nước của ông ấy, đồng thời bảo vệ chủ quyền cốt lõi của Ukraine.”

“Bắc Kinh không nên chỉ dựa vào một liên minh chống phương Tây với Moscow. Nga có thể sở hữu một quân đội hùng mạnh, nhưng nền kinh tế của nước này đã suy giảm cơ cấu trong thời gian dài, với GDP không lớn hơn là bao so với Tây Ban Nha,” ông lưu ý.

Đây là một kiểu “ngoại giao công chúng” mới của Trung Quốc, sử dụng một học giả đóng vai trò người phát ngôn về một chủ đề mà chính phủ khó có thể bình luận. Thông điệp được gửi đi như một biện pháp để tránh các lệnh trừng phạt.

Nó tiếp nối một bài báo gây tranh cãi của học giả Hồ Vỹ (Hu Wei) một tuần trước đó, kêu gọi chính phủ cắt đứt quan hệ với Putin ngay lập tức.

Cả hai học giả đã thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ kinh tế với phương Tây, điều mà Tập không thể làm ngơ. Nếu Trung Quốc gắn bó với Nga quá lâu, dẫn đến một cuộc đụng độ quyết định với phương Tây, thì thiệt hại về kinh tế có thể sẽ rất lớn.

Một kịch bản như vậy có thể khơi mào cho một cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, bất kể Tập đã tích lũy được bao nhiêu quyền lực trong thập niên vừa qua.

Mức độ nhạy cảm trong những tháng sắp tới ở Trung Quốc là rất lớn. Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến Đại hội Toàn quốc năm năm một lần của Đảng Cộng sản, nơi Tập sẽ tìm cách kéo dài thời gian cầm quyền của mình.

Nếu lịch sử là một bài học, thì tháng 3 này đặc biệt quan trọng, đối với các cuộc tranh giành quyền lực của Trung Quốc. Tháng 03/2012, những diễn biến lớn đã làm rung chuyển chính trường Trung Quốc mỗi ngày.

Đầu tiên, quan chức cấp cao ở Trùng Khánh, Bạc Hy Lai, đã bị cách chức vào ngày 15/03/2012, ngay sau khi kết thúc kỳ họp quốc hội thường niên. Tiếp đến, rạng sáng ngày 18/03, con trai của Lệnh Kế Hoạch, một phụ tá thân cận của Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào, đã chết một cách bí ẩn khi chiếc Ferrari mà anh ta đang lái bị đâm với tốc độ cao trên đường Vành đai 4 ở Bắc Kinh.

Vụ tai nạn sau đó mở ra loạt bê bối dẫn đến sự sụp đổ của Lệnh, người khi ấy đang giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Âm mưu của Lệnh hòng che đậy vụ tai nạn đầy tai tiếng liên quan đến con trai mình sau đó đã bị cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân vạch trần, và điều này đã ảnh hưởng đến đội hình các nhà lãnh đạo mới được lựa chọn tại Đại hội Đảng Toàn quốc năm 2012. Hồ Cẩm Đào đã không thể giữ cho những người thân tín với mình ở lại nắm quyền, bởi khi đó ông đã vào thế yếu.

Đêm ngày 19/03, tiếng súng đã vang lên ở trung tâm Bắc Kinh, khiến Trung Nam Hải phải rùng mình. Tiếng súng làm dấy lên tin đồn về một cuộc đảo chính. Bản chất thực sự của tiếng súng đến nay vẫn chưa được xác định.

Một thập niên sau, Trung Quốc phải đối mặt với một giai đoạn chính trị nhạy cảm khác. Rủi ro lớn nhất đối với Tập là về kinh tế. Ngoài sự bất định của cuộc chiến ở Ukraine, một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc, mà theo sau là việc phong tỏa các thành phố, đã gây áp lực đè nặng lên nền kinh tế. Tập không thể mất cảnh giác.

K.N.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Nghiencuuquocte

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Tập Cận Bình. Bookmark the permalink.