Nguồn gốc và sự khác biệt trong quan điểm về chiến tranh giữa phương Tây và phương Đông.
Minh họa: Jim Cooke (GMG).
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hiện nay khó có thể được xem là một cuộc chiến điển hình cho thấy sự tôn trọng của các lực lượng tham chiến, mà đặc biệt là Nga, đối với các nguyên tắc pháp luật chiến tranh hay pháp luật nhân đạo quốc tế. Đó là những nguyên tắc được cộng đồng quốc tế đề ra từ lâu và dần được công nhận là tập quán pháp của thế giới.
Từ việc đánh bom vào bệnh viện phụ sản, [1] tấn công vào các công trình dân sự như trường học hay nhà chung cư, [2] khó có thể nói Nga là một “học sinh gương mẫu” của các nguyên tắc cơ bản do luật nhân đạo quốc tế đề ra.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cách thức tàn khốc mà các quốc gia cộng sản anh em đối xử với người dân của nhau như trong chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam 1979 (Sino – Vietnamese War 1979) hay xung đột biên giới Tây Nam Cambodia – Việt Nam (Cambodia – Vietnamese War 1975 – 1979), có thể nói cuộc chiến mà Nga phát động tại Ukraine vẫn là một cuộc chiến có quy củ và có nguyên tắc hơn nhiều lần.
Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao chiến tranh cần có luật? Chẳng phải chiến tranh tự thân nó đã là một chuỗi các hành động giết chóc hoàn toàn vô đạo đức giữa người với người hay sao?
“Luật chiến tranh” là gì?
Luật chiến tranh (law of war) hay luật nhân đạo quốc tế (international humanitarian law) – hoặc đôi khi được gọi bằng tiếng Latin “jus in bello” – là các thuật ngữ chỉ hệ thống các nguyên tắc pháp luật ứng xử quốc tế của các bên khi tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang.
Về mặt nội dung, khi các lãnh đạo, nhà quan sát và các luật gia quốc tế nói về luật chiến tranh, chúng ta sẽ cần nhìn vào hàng loạt các văn bản, mà một số có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, bao gồm tập hợp hệ thống Công ước Hague, hệ thống Công ước Geneva và các nhóm nguyên tắc tập quán pháp quốc tế khác.
Ví dụ, Công ước Hague 1899 ghi nhận và xác lập các nguyên tắc lẫn tập quán thực hiện hành vi chiến tranh cơ bản nhất mà các quốc gia châu Âu có thể gom góp lại ở thời điểm đó. [3]
Những nguyên tắc tưởng chừng rất lý thuyết – như “không phá hủy hay cưỡng đoạt các công trình của đối thủ trừ khi nó thật sự cần thiết cho việc thực thi hoạt động quân sự”, hay “không tấn công, đánh bom và giảm thiểu tối đa tác hại lên các khu vực lân cận của trường học, bệnh viện, công trình tôn giáo hay các tổ chức thiện nguyện” – đều tiếp tục là kim chỉ nam cho hoạt động chiến tranh hiện đại.
Nhóm Công ước Geneva thì xác lập những vấn đề kỹ thuật chi tiết hơn về pháp luật và quản lý vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng quân sự. Nó cũng đề ra các nguyên tắc phân biệt rõ giữa thường dân (civilian) và người tham chiến (combatant), quy định vũ khí và phù hiệu quân sự phải được đeo và thể hiện rõ ra sao, hành vi giả dạng thường dân, giả dạng lực lượng quân sự khác bị cấm như thế nào, v.v. [4]
Dù nghe có vẻ hơi nhỏ nhặt và không đáng kể, đây là những nguyên tắc được chắt lọc từ hàng trăm năm chiến tranh đau thương của các quốc gia, nhằm hướng tới việc xây dựng một môi trường giao tranh “lành mạnh” giữa các quốc gia, hạn chế tối đa tổn thất và đau khổ cho dân thường.
Vì sao chiến tranh cần “lành mạnh”?
Chiến tranh đã từng được xem là những hoạt động liên quan đến sống chết, tồn vong của một nhà nước, của một sắc tộc hay một tôn giáo. Và những cuộc chiến vì sự tồn vong của bất kỳ một thứ gì đó luôn sẽ là cuộc chiến đến tận cùng. Thắng bại chỉ được phân định cho đến khi người lính cuối cùng bị giết.
Thật vậy, nhìn vào cuộc chiến giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại, của những vị đại đế trong lịch sử Đông – Tây, chiến tranh luôn dẫn đến sự lụi tàn của gần như toàn bộ một cộng đồng người, nơi mà tất cả đàn ông bị giết và đàn bà, trẻ em bị bán ra thị trường nô lệ.
Nhưng không tốn quá nhiều thời gian sau đó để loài người nhận ra rằng đây không phải là cách tốt nhất để giải quyết các tham vọng chính trị của mình.
Ngay cả khi bạn là kẻ mạnh và là người chiến thắng đi chăng nữa, một cuộc chiến một mất một còn với bất kỳ cộng đồng chính trị nào khác sẽ chỉ dẫn đến sự kiên cường và quyết tử của phe đối lập, sự tàn phá hoàn toàn của những nền tảng hạ tầng và thị trường – những thứ có thể phục vụ cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Sự phát triển của khoa học – công nghệ trên nhiều lĩnh vực cũng khiến cho khả năng sát thương, sự đau đớn gây ra cho con người và sức hủy diệt của chiến tranh cao hơn nhiều so với gươm đao, súng đạn cách đây vài trăm năm.
Sự tàn độc và sức hủy diệt của vũ khí hóa học, đạn xoáy, đạn chùm, đặc biệt là bom nguyên tử, cộng thêm nhận thức và niềm tin mới vào đạo đức lẫn sự phổ quát của nhân loại khiến cho mọi quốc gia đều phải xem xét lại họ thật sự muốn gì trong chiến tranh. [5]
Dù có thể còn nhiều tranh cãi về phạm vi, khái niệm và phân tích học thuật, mục tiêu của chiến tranh hiện đại đã được rút gọn lại. Theo đó, nó chỉ được dùng để vô hiệu hóa nhanh chóng nhất có thể lực lượng quân sự của một quốc gia, từ đó nhắm đến việc thỏa mãn các yêu sách kinh tế – chính trị – xã hội mà các bên đề ra. [6]
Với những mục tiêu rõ ràng, thiên về lợi ích nhưng phải dùng đến vũ lực để giải quyết, việc giới hạn đến mức tối đa thiệt hại nhân mạng cùng những đau khổ mà con người phải gánh chịu là hoàn toàn dễ hiểu.
Từ đó, pháp luật nhân đạo quốc tế, hay luật chiến tranh, ra đời với mục tiêu quan trọng nhất là biến chiến tranh thành một “sân chơi chết người” nhưng “có kiểm soát”.
Đúng là trong đó, những người tham chiến hoàn toàn có thể bị tước đi sinh mạng, và nói một cách vô cảm là bị tước đi sinh mạng một cách hợp pháp. Song việc thừa nhận luật chơi đầu tiên này cũng giúp “sân chơi” đặt ra các giới hạn khác, như việc không thể tước đi sinh mạng của thường dân, hay không thể tước đi sinh mạng của người tham chiến bằng những loại vũ khí cấm.
Vì sao phương Đông không quen với luật chiến tranh?
Có nhiều cách tiếp cận để giải thích vì sao chiến tranh tại phương Đông thiếu những nguyên tắc nhân đạo như ở phương Tây.
Một số cho rằng châu Á thiếu vắng sự ảnh hưởng của các nguyên tắc giáo lý “thần thánh” và “tự nhiên” về con người (như các khái niệm “divine law” hay “natural law”), vốn được trích xuất từ Công giáo và các văn tự tôn giáo. [7]
Các hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm ở châu Á, đều có diễn ngôn về đức hạnh. Tuy vậy, các tôn giáo và tư tưởng châu Á ít khi bàn hay công nhận sự thần thánh của nguồn gốc sinh mạng con người. Hệ quả là sự mất mát của nhân mạng thường được xem là chấp nhận được nếu chúng mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.
Đây có thể được xem là một trong các yếu tố về tư tưởng rất quan trọng nhằm lý giải việc các quốc gia châu Âu hình thành và duy trì pháp luật chiến tranh.
Mặt khác, một số nghiên cứu quốc tế gợi mở ra nhiều điểm nhấn đáng quan tâm và thực dụng, dễ hiểu hơn. Tổng hợp thông tin từ nhiều nghiên cứu cho thấy người phương Đông hưởng thái bình lâu dài và ổn định hơn người phương Tây.
Một trong những lầm tưởng phổ biến ở người châu Á là họ cho rằng châu lục của mình là xứ sở chiến tranh và hứng chịu xung đột khổ sở nhất, đặc biệt trong lịch sử hiện đại.
Tuy nhiên, đi ngược lại gần một ngàn năm lịch sử, có thể thấy số lượng xung đột mà người châu Á trải qua là rất ít khi so sánh với châu Âu.
Bảng thống kê trung bình tỷ lệ thời gian các cường quốc châu Âu dành ra cho chiến tranh từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19. Nguồn: Nghiên cứu “Why was it Europeans who conquered the world?”.
Ví dụ, với bảng tham khảo được trích từ nghiên cứu “Why Was It Europeans Who Conquered the World?”, chúng ta có thể thấy tính từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19, cứ mỗi năm mươi năm, thời gian mà các cường quốc châu Âu phải đốt vào những cuộc chiến chiếm từ 70% cho đến ít nhất là hơn 20% tổng thời gian mà nhà nước họ tồn tại. [8] Tính trung bình của giai đoạn tệ nhất thì hầu như mỗi một đến hai năm họ lại phải tham gia một cuộc xung đột vũ trang. Đó có thể là xung đột vì lý do tôn giáo, sắc tộc, lãnh thổ, kinh tế hay các cuộc xung đột với rất nhiều nguyên nhân khác.
Khi so sánh hai châu lục trong thế kỷ 20, khoảng thời gian mà nhiều quốc gia châu Á cho rằng họ phải trải qua giai đoạn chiến tranh giành độc lập dân tộc – dân chủ đau thương, ta có thể thấy cường độ, thời gian cũng như những tổn thất chiến tranh tại đây cũng khó mà so sánh với các cuộc chiến tại châu Âu, như biểu đồ thống kê của tờ The Economist đưa ra. [9]
Thống kê tổn thất nhân mạng qua các cuộc chiến trong thế kỷ 20, tính theo khu vực. Kết quả cho thấy châu Âu là nơi có số người thiệt mạng cao nhất. Nguồn: The Economist.
Việc làng mạc, thường dân, thành thị và hàng loạt các nền tảng kinh tế phải đối mặt liên hồi với những cuộc xung đột vũ trang buộc người phương Tây phải nghĩ đến cách “sống chung với chiến tranh” mà không nhất thiết hy sinh toàn bộ những lợi ích nền tảng khác. Tư duy pháp luật nhân đạo quốc tế ở phương Tây hình thành một phần quan trọng là từ những yêu cầu hết sức thực tiễn.
Ngược lại, đối với các quốc gia châu Á, với sự ổn định của triều đình Trung Quốc, sự lớn mạnh vượt trội của nó cũng như mô hình triều cống – chư hầu mà Trung Quốc xác lập, các xung đột ít khi được giải quyết bằng chiến tranh, trừ khi chính giới cầm quyền Trung Quốc muốn sử dụng đến nó.
Bảng thống kê tần suất chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc từ nửa cuối thế kỷ 14 đến gần cuối thế kỷ 18. Nguồn: Nghiên cứu “War, Rebellion, and Intervention under Hierarchy: Vietnam–China Relations, 1365 to 1841”.
Ví dụ, trong nghiên cứu có tên gọi “War, Rebellion, and Intervention under Hierarchy: Vietnam–China Relations, 1365 to 1841”, tập trung vào phân tích xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử, chúng ta có thể nhận thấy các cuộc chiến nghiêm trọng chỉ diễn ra trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 15 trở về trước. [10] Từ đó đến nay, gần như hai vương triều có tiếng nói trong khu vực này không có bất kỳ xung đột nào lớn.
***
Hòa bình hẳn nhiên là một điều tốt.
Song theo nhiều nhà nghiên cứu, sự thái bình dài hạn nhưng biệt lập của phương Đông là lý do để giải thích nhiều câu hỏi về phát triển và lịch sử đương đại như vì sao phương Tây phát triển hơn phương Đông? Vì sao phương Tây thực hiện cách mạng công nghiệp trước phương Đông? Và trong bài viết này của chúng ta, thêm một câu hỏi là vì sao phương Tây sáng tạo ra pháp luật chiến tranh trước phương Đông?
Mặt khác, đây không nên là lý do để các quốc gia châu Á không tuân thủ và tôn trọng pháp luật nhân đạo quốc tế. Cho dù hệ thống pháp luật này xuất phát từ châu Âu đi chăng nữa, nền tảng và mục tiêu của chúng là vì con người. Mà đã là con người thì Đông hay Tây cũng đều như nhau.
B.C.T.
Nguồn: Luật Khoa tạp chí