Kết quả phiên toà Lê Văn Dũng (Vova)

Bắt đầu phiên toà 8 giờ 30 kết thúc 10 giờ 51 ngày 23/3/2022.

Ông Lê Văn Dũng 5 năm tù 5 năm quản chế.

Ông Nguyễn Văn Son 18 tháng hưởng án treo, thử thách 36 tháng.

LUẬN CỨ BÀO CHỮA TẠI PHIÊN SƠ THẨM, TOÀ ÁN NDTP HÀ NỘI NGÀY 23/03/2022.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho bị cáo Lê Văn Dũng và bị cáo Nguyễn Văn Son, trình bày quan điểm bào chữa như sau:

• Tóm tắt vụ án:

Ngày 26/04/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 17 về tội: “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự 2015. Ngày 26/04/2021, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can số 40 đối với ông Lê Văn Dũng về tội: “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự 2015.

Ngày 07/07/2021, Cơ quan điều tra ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 04 về tội: “Tội che giấu tội phạm” quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015. Ngày 07/07/2021, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Son về tội: “Tội che giấu tội phạm” quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015.

Ngày 20/12/2021, Cơ quan điều tra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01 sang tội: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999. Ngày 20/12/2021, Cơ quan điều tra Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 01 đối với sang tội: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 24/12/2021, Cơ quan điều tra ra Bản kết luận điều tra số 02. Ngày 06/01/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ra Cáo trạng số 15/CT-VKS-P1 truy tố ra trước Toà án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử bị can Lê Văn Dũng về tội: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

“Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Bị bắt tạm giam từ ngày 30/06/2021 cho đến nay.

Bị can Nguyễn Văn Son về tội: ““Tội che giấu tội phạm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 389 Bộ luật hình sự 2015.

“Điều 389. Tội che giấu tội phạm

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;”

Bị bắt tạm giam từ ngày 30/06/2021 đến ngày 24/09/2021, hiện tại ngoại.

Ngày 21/02/2022, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 52/2022/QĐXXST-HS mở phiên toà xét xử công khai ngày 11/03/2022.

Phần I: Đối với bị cáo Lê Văn Dũng

I. Các hành vi bị Viện kiểm sát truy tố:

Bao gồm hành vi làm ra 05 video clip.

1- Đóng cửa Formosa; (KLĐT trang 11 – Video clip 7) Từ 03/04/2017 – 13/01/2021.

2- Toàn cảnh thảm hoạ môi trường biển Việt Nam phần 3; (KLĐT trang 11 – Video clip 9) Từ 06/04/2017 – 13/01/2021.

3- Bản tin về môi trường; (KLĐT trang 11 – Video clip 10) Từ 12/04/2017 – 13/01/2021.

4- Ai chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền của lính tráng an ninh – Xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân?; (KLĐT trang 11 – Video clip 11) Từ 12/04/2017 – 13/01/2021.

5- Cựu TT Hàn Quốc bị bắt sau 10 ngày phế truất – Câu chuyện về pháp luật chuẩn mực; (KLĐT trang 11 – Video clip 12) Từ 31/3/2017 – 13/01/2021.

Theo Kết luận giám định ngày 12/4/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội kết luận giám định:

a) “Nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phỉ bang chính quyền nhân dân”.

b) “Nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; kích động kêu gọi chống đối nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

c) “Nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

II. Nguồn chứng cứ (Kết luận giám định – điểm d khoản 1 Điều 87, BLTTHS):

1- Căn khoản 1 Điều 10, Thông tư số 24/2013/TT-BTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, quy định:

“Điều 10. Áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

1. Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được thực hiện căn cứ vào quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện hành (bao gồm Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông) và các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung cần giám định.”

Nhưng Bản Kết luận giám định ngày 12/4/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội kết luận giám định trong đó có 05 video clip mà Viện kiểm sát sử dụng để truy tố bị cáo đã không căn cứ vào “quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện hành” và “văn bản pháp luật có liên quan” nào. Những người giám định kết luận hoàn toàn dựa vào ý chí chủ quan. Vì vậy, Bản Kết luận giám định này không đảm bảo tính hợp pháp, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án.

Điều 108. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ

1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.

III. Khách thể của tội phạm quy định tại Điều 88:

Khách thể của Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 là sự tồn tại vững mạnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Luật An ninh quốc gia năm 2004, tại khoản 1 Điều 3, quy định:

“An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Khoản 4 Điều 3, Luật An ninh quốc gia quy định:

“Hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Bản Kết luận giám định ngày 12/4/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội không căn cứ Luật An ninh quốc gia mà lại căn cứ vào nội hàm của Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 để kết luận về nội dung của 05 video clip nêu trên. Vì vậy, Bản Kết luận giám định này không đảm bảo tính liên quan đến vụ án, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án. Mặt khác, căn cứ vào nội hàm của Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 để kết luận nội dung của các tài liệu đó là chức năng của Toà án, người giám định, cơ quan giám định không có thẩm quyền thay cho Toà án.

IV. Về nhân thân:

1- Bị cáo không có tiền án, tiền sự.

2- Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

3- Có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản s Điều 51 Bộ luật hình sự.

4- Bị cáo có 04 con, con nhỏ sinh năm 2015.

V. Kiến nghị:

Căn cứ vào các lý lẽ trình bày ở trên, tôi cho rằng không có chứng cứ kết tội bị cáo Lê Văn Dũng phạm tội quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự 1999. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử khách quan xem xét.

Phần II: Bị cáo Nguyễn Văn Son

I. Về mặt chủ quan:

Bị cáo có quan hệ ruột thịt với bị cáo Lê Văn Dũng. Bị cáo từ trước đến khi bị bắt đều không biết và không quan tâm đến các quan điểm hay các Video clip do bị cáo Dũng làm ra.

Về nhận thức pháp luật bị hạn chế, không phân biệt được các tội danh nào phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự 2015.

II. Về tố tụng:

Ngày 30/06/2021, bị cáo Lê Văn Dũng bị khởi tố về tội danh quy định tại Điều 117 Bộ luật hành sự 2015 đến ngày 20/12/2021, Cơ quan điều tra thay đổi tội danh khởi tố theo Điều 88 Bộ luật hình sự 1999. Nhưng Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục khởi tố và đề nghị truy tố bị cáo Son theo khoản 1 Điều 389 Bộ luật hình sự 2015, trong khi Điều 389 không bao gồm Điều 88 Bộ luật hình sự 1999.

III. Về nhân thân:

1- Bị cáo không có tiền án, tiền sự.

2- Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

3- Có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản s Điều 51 Bộ luật hình sự.

4- Bị cáo sinh năm 1956 (66 tuổi) là người cao tuổi (Điều 2, Luật Người cao tuổi 2009) đề nghị được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, Điều 51.

Điều 2. Người cao tuổi

Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

5- Bị cáo có bố đẻ là ông Nguyễn Văn Côi SN 1922 có huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huân chương kháng chiến hạng nhì (BL522). Đề nghị được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, Điều 51.

6- Bị cáo tham gia Quân đội 04 năm (1977 – 1981) (BL523). Đề nghị được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, Điều 51.

IV. Kiến nghị:

Với các căn cứ và lý lẽ nêu trên,

Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng hình phạt thấp nhất là “Cải tạo không giam giữ” quy định tại Điều 36, BLHS.

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 2022.

Người bào chữa

Luật sư Hà Huy Sơn

Nguồn: FB Ha huy Son

This entry was posted in Luật pháp CS, tù nhân lương tâm, Xã hội dân sự. Bookmark the permalink.