Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga thua ở Ukraine?

Liana Fix và Michael Kimmage, What If Russia Loses?, Foreign Affairs, 04/03/2022.

Nguyễn Thị Kim Phụng dịch

Thất bại của Moscow không phải là chiến thắng rõ ràng của phương Tây

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc sai lầm chiến lược khi xâm lược Ukraine. Ông đã đánh giá sai kỳ vọng chính trị của người Ukraine, vốn không chờ đợi được giải phóng bởi những người lính Nga. Ông cũng đánh giá sai về Mỹ, Liên minh Châu Âu, và một số quốc gia – gồm Australia, Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc – tất cả đều có khả năng hành động tập thể khi đứng trước chiến tranh, và tất cả đều đang chờ đợi thất bại của Nga tại Ukraine. Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang áp đặt những lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên Moscow. Mỗi cuộc chiến đều là một trận đánh nhằm định hướng dư luận, và cuộc chiến của Putin ở Ukraine – trong thời đại hình ảnh truyền thông đại chúng – đã gắn nước Nga với một cuộc tấn công vô cớ, nhắm vào một láng giềng hòa bình, gây ra thương vong lớn cho dân thường, cùng hàng loạt những tội ác chiến tranh. Dù ở bất cứ đâu, sự phẫn nộ sẽ là một trở ngại cho chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai.

Không kém phần quan trọng so với sai lầm chiến lược của Putin là sai lầm chiến thuật của quân đội Nga. Dù biết rằng khó có thể đánh giá tình hình trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến, nhưng chắc chắn chúng ta vẫn có thể kết luận rằng công tác lập kế hoạch và hậu cần của Nga là không đầy đủ, và việc binh lính, thậm chí cả các sĩ quan cấp cao, bị thiếu thông tin đã khiến tinh thần họ càng sa sút. Cuộc chiến được cho là sẽ sớm kết thúc, khi một cuộc tấn công chớp nhoáng nhanh chóng hạ gục hoặc buộc chính phủ Ukraine phải đầu hàng, sau đó Moscow sẽ áp đặt tình trạng trung lập lên Ukraine, hoặc thiết lập quyền cai trị (suzerainty) của Nga tại Ukraine. Bạo lực tối thiểu có thể dẫn đến trừng phạt tối thiểu. Nếu chính phủ Ukraine sụp đổ nhanh chóng, Putin có thể tuyên bố rằng mình đã đúng: bởi vì Ukraine đã không sẵn sàng, hoặc không thể tự vệ, nên nước này không phải là một quốc gia thực sự – như lời Tổng thống Nga từng nói.

Nhưng Putin sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này như ông muốn. Thật vậy, có một số kịch bản mà trong đó cuối cùng người Nga sẽ thua. Putin có thể đẩy quân đội của mình sa lầy trong một cuộc chiếm đóng vô ích và tốn kém ở Ukraine, bào mòn tinh thần binh lính Nga, tiêu tốn tài nguyên, và không mang lại lợi ích gì ngoài danh hiệu “nước Nga vĩ đại” rỗng tuếch, đồng thời khiến quốc gia láng giềng rơi vào cảnh nghèo đói và hỗn loạn. Ông ta có thể kiểm soát, ở mức độ nhất định, các khu vực miền đông và miền nam Ukraine, nhiều khả năng là cả Kyiv, trong khi chiến đấu với lực lượng kháng chiến Ukraine hoạt động ở miền tây, và tham gia chiến tranh du kích trên khắp đất nước – một kịch bản sẽ gợi nhớ đến xung đột giữa các phe phái diễn ra ở Ukraine trong Thế chiến 2. Cùng lúc đó, ông sẽ chứng kiến nền kinh tế Nga dần suy thoái, đất nước Nga ngày càng bị cô lập, và ngày càng không có khả năng tạo ra của cải vốn là chỗ dựa cho các cường quốc. Kết quả là, Putin có thể đánh mất sự ủng hộ của người dân và giới tinh hoa Nga, những người mà ông phụ thuộc vào để có thể tiến hành chiến tranh và duy trì quyền lực của mình, dù Nga không phải là một nền dân chủ.

Putin như thể đang cố gắng thiết lập lại một số hình thức của chủ nghĩa đế quốc Nga. Nhưng trong canh bạc lớn này, dường như ông đã quên mất những sự kiện đã đặt ra dấu chấm hết cho Đế chế Nga. Sa hoàng cuối cùng của Nga, Nicholas II, đã thua trong cuộc chiến với Nhật Bản vào năm 1905. Sau đó, ông trở thành nạn nhân của Cách mạng Bolshevik, không chỉ mất đi vương miện, mà còn mất cả mạng sống. Bài học rút ra: nhà cầm quyền chuyên chế không thể thua trong các cuộc chiến mà vẫn có thể ngồi yên trên ngai vàng được.

Trong cuộc chiến này, không có người chiến thắng

Putin khó có thể thua trên chiến trường Ukraine. Nhưng ông có thể thua khi cuộc chiến đi đến hồi kết và mở ra câu hỏi: ‘Tiếp theo là gì?’.

Những hậu quả khôn lường và bị đánh giá thấp của cuộc chiến vô nghĩa này sẽ khiến Nga khó mà chấp nhận nổi. Và việc thiếu kế hoạch chính trị cho tương lai – có thể so sánh với những thất bại về kế hoạch trong cuộc xâm lược Iraq của Mỹ – sẽ góp phần khiến nó trở thành một cuộc chiến không thể thắng được.

Người Ukraine sẽ không thể đẩy lùi quân đội Nga trên đất Ukraine. Quân đội Nga ở một đẳng cấp khác với Ukraine, và hơn nữa, Nga còn là một cường quốc hạt nhân, trong khi Ukraine thì không. Cho đến nay, quân đội Ukraine đã chiến đấu với quyết tâm và kỹ năng đáng ngưỡng mộ, nhưng trở ngại thực sự đối với bước tiến của Nga chính là bản chất của cuộc chiến. Qua các đợt tấn công bằng tên lửa và bom từ trên không, Nga có thể san bằng các thành phố của Ukraine, từ đó đạt được ưu thế trên chiến trường. Họ cũng có thể thử sử dụng vũ khí hạt nhân ở quy mô nhỏ để đạt được hiệu quả tương tự. Nếu Putin đưa ra quyết định này, không có gì trong hệ thống Nga có thể ngăn cản ông ta. “Họ tạo ra sa mạc, và gọi đó là hòa bình”, nhà sử học Tacitus từng viết về nghệ thuật chiến tranh của La Mã, và gán những lời này cho nhà lãnh đạo chiến tranh người Anh Calgacus. Đó cũng là một lựa chọn cho Putin ở Ukraine.

Dù vậy, ông sẽ không thể đơn giản thoát khỏi sa mạc. Putin đã gây chiến để bảo vệ vùng đệm do Nga kiểm soát, nằm giữa đất nước của ông và trật tự an ninh do Mỹ đứng đầu ở châu Âu. Ông ta sẽ không thể tránh khỏi việc xây dựng một cấu trúc chính trị để đạt được mục đích của mình và duy trì một mức độ trật tự nào đó ở Ukraine. Nhưng người dân Ukraine đã thể hiện rằng họ không muốn bị chiếm đóng. Họ sẽ chống trả quyết liệt – thông qua các hành động kháng chiến diễn ra mỗi ngày, và thông qua một cuộc nổi dậy bên trong Ukraine, hoặc chống lại chế độ bù nhìn ở Đông Ukraine do quân đội Nga thiết lập. Có thể tìm thấy điểm tương tự trong cuộc chiến chống Pháp 1954-1962 của Algeria. Pháp là cường quốc quân sự vượt trội. Tuy nhiên, người Algeria đã tìm ra cách để nghiền nát quân đội Pháp và chặn đường tiếp tế từ Paris.

Putin cũng có thể dựng lên một chính phủ bù nhìn, với Kyiv là thủ đô, một chính phủ Vichy của Ukraine. Hoặc ông có thể dùng đến sự hỗ trợ cần thiết từ lực lượng cảnh sát mật để khuất phục người dân của thuộc địa Nga này. Belarus là ví dụ về một quốc gia vận hành theo chế độ chuyên chế, cộng với sự đàn áp của cảnh sát, và sự hậu thuẫn của quân đội Nga. Đây là một mô hình khả thi cho một miền đông Ukraine do Nga cai trị. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chẳng khác gì một mô hình giấy. Một Ukraine Nga hóa có thể tồn tại như một ảo tưởng hành chính đối với Moscow, và các chính phủ chắc chắn có khả năng hành động theo những ảo tưởng hành chính của họ. Nhưng nó không bao giờ có thể hoạt động trong thực tế, đơn giản là vì quy mô và lịch sử gần đây của Ukraine.

Trong các bài phát biểu của mình về Ukraine, Putin dường như bị ám ảnh về giai đoạn giữa thế kỷ 20. Ông ta bận tâm về chủ nghĩa dân tộc Ukraine thân Đức của những năm 1940. Do đó, ông nhiều lần đề cập đến Ukraine Quốc xã, và khẳng định mục tiêu của mình là “phi phát xít hóa” Ukraine.

Ukraine đúng là có các yếu tố chính trị cực hữu. Tuy nhiên, điều mà Putin không nhìn thấy, hoặc bỏ qua, là tâm lý dân tộc (national belonging) phổ biến hơn và mạnh mẽ hơn nhiều đã xuất hiện ở Ukraine kể từ khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991. Phản ứng quân sự của Nga đối với Cách mạng Maidan năm 2014 ở Ukraine, vốn quét sạch một chính phủ thân Nga tham nhũng, là một động lực bổ sung cho tâm lý dân tộc này. Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vô cùng khéo léo trong việc khơi gợi chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Sự chiếm đóng của Nga sẽ mở rộng ý thức về tổ quốc (nationhood) của người dân Ukraine, một phần bằng cách tạo ra nhiều “thánh tử đạo”, những người hy sinh vì dân tộc – giống như những gì mà hành động chiếm đóng Ba Lan của Đế quốc Nga vào thế kỷ 19 đã tạo ra với người dân Ba Lan.

Vì vậy, để thực sự hiệu quả, chiến dịch chiếm đóng sẽ phải là một hoạt động chính trị lớn, diễn ra trên ít nhất một nửa lãnh thổ của Ukraine. Nó sẽ là một cuộc chiến tốn kém khôn tả. Hoặc có thể Putin đã nghĩ đến điều gì đó giống như Hiệp ước Warsaw, từng giúp Liên Xô cai trị nhiều quốc gia-dân tộc châu Âu. Phương án này cũng đắt đỏ – nhưng nó không đắt bằng việc kiểm soát một khu vực nổi loạn, được nhiều đối tác nước ngoài trang bị tận răng, và chỉ chực chờ đánh vào bất kỳ điểm yếu nào của Nga. Một nỗ lực như vậy sẽ chỉ làm cạn kiệt ngân khố của Nga.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước châu Âu áp đặt lên Nga sẽ dẫn đến việc tách Nga ra khỏi nền kinh tế toàn cầu. Đầu tư nước ngoài sẽ giảm. Vốn sẽ phải khó khăn lắm mới có được. Chuyển giao công nghệ sẽ ngưng trệ. Các thị trường sẽ đóng cửa với Nga, có thể bao gồm cả thị trường khí đốt và dầu, mà doanh số từ các thị trường này lại đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền kinh tế của Putin. Dòng chảy chất xám kinh doanh và khởi nghiệp sẽ chảy ra khỏi Nga. Hậu quả lâu dài của những chuyển đổi này là có thể dự đoán được. Như nhà sử học Paul Kennedy đã lập luận trong The Rise and Fall of the Great Powers (Sự Hưng thịnh và Suy vong của các Cường quốc), những quốc gia như vậy có xu hướng tham gia vào các cuộc chiến tranh sai lầm, gánh thêm gánh nặng tài chính, và do đó tự tước đi tăng trưởng kinh tế – huyết mạch của một cường quốc. Trong trường hợp giả định Nga có thể khuất phục được Ukraine, thì Nga cũng có thể tự hủy hoại chính mình trong quá trình đó.

Một biến số quan trọng trong hồi kết của cuộc chiến này là công chúng Nga.

Chính sách đối ngoại của Putin đã được ủng hộ trong quá khứ. Ở Nga, sáp nhập Crimea là sự kiện nổi tiếng. Tính quyết đoán của Putin không hấp dẫn tất cả người Nga, nhưng nó vẫn hấp dẫn nhiều người. Điều này có thể sẽ được duy trì trong những tháng đầu cuộc chiến của Putin ở Ukraine. Thương vong của lính Nga sẽ được tưởng nhớ, và nó cũng sẽ tạo ra một động cơ, như trong tất cả các cuộc chiến tranh khác, là biến thương vong thành hành động có mục đích, từ đó tăng cường chiến tranh và chiến dịch tuyên truyền. Một nỗ lực toàn cầu nhằm cô lập Nga có thể phản tác dụng, nếu thế giới bên ngoài bị chặn đứng, khiến người Nga phải gắn căn tính dân tộc mình với sự bất bình và phẫn nộ.

Tuy nhiên, kịch bản khả dĩ hơn là nỗi kinh hoàng của cuộc chiến này sẽ phản tác dụng với chính Putin. Người Nga đã không xuống đường để phản đối các vụ đánh bom của Nga vào Aleppo, Syria, hồi năm 2016, cũng như thảm họa nhân đạo mà các lực lượng Nga đã tiếp tay trong cuộc nội chiến tại đây. Nhưng Ukraine mang một ý nghĩa hoàn toàn khác đối với người Nga. Hàng triệu gia đình Nga-Ukraine có liên kết với nhau. Hai nước chia sẻ văn hóa, ngôn ngữ, và tôn giáo. Thông tin về những gì đang xảy ra ở Ukraine sẽ tràn vào Nga qua mạng xã hội và các kênh khác, từ đó bác bỏ và làm mất uy tín của các tuyên truyền viên. Đây là một tình huống lưỡng nan về đạo đức mà Putin không thể giải quyết chỉ bằng đàn áp. Sự đàn áp chính nó cũng có thể phản tác dụng. Đây nào phải chuyện lạ trong lịch sử Nga: chỉ cần hỏi người Liên Xô thì biết.

Hậu quả cho tương lai

Hậu quả của việc Nga thua tại Ukraine sẽ khiến châu Âu và Mỹ phải đối mặt với những thách thức mang tính nền tảng. Giả sử một ngày nào đó Nga buộc phải rút quân, thì việc xây dựng lại Ukraine, với mục tiêu chính trị là chào đón nước này gia nhập EU và NATO, sẽ là một nhiệm vụ nặng nề. Và phương Tây không được để Ukraine thất bại một lần nữa. Mặt khác, một hình thức kiểm soát yếu của Nga đối với Ukraine có thể đồng nghĩa với việc xuất hiện một khu vực giao tranh liên tục, có nhiều rạn nứt, bất ổn, với cơ cấu quản lý hạn chế hoặc không có, nằm ngay phía đông biên giới của NATO. Thảm họa nhân đạo sẽ không giống như bất cứ điều gì mà châu Âu từng chứng kiến suốt hàng thập niên qua.

Đáng lo ngại không kém là viễn cảnh về một nước Nga bị suy yếu và bị sỉ nhục, âm thầm dồn nén những cảm xúc phục thù giống như những gì đã nổi lên ở Đức sau Thế chiến 1. Nếu Putin duy trì quyền lực của mình, Nga sẽ trở thành một quốc gia bị bài xích, một siêu cường bất hảo với một đội quân bị hạ cấp, nhưng kho vũ khí hạt nhân thì vẫn còn nguyên. Tội lỗi và vết nhơ của cuộc chiến Ukraine sẽ ở lại với chính trường Nga thêm vài chục năm, hiếm khi nào một quốc gia thu được lợi ích từ một cuộc chiến họ đã thua. Sự vô ích của những chi phí bỏ ra cho cuộc chiến đó, thương vong nhân mạng, và sự suy giảm vị thế địa chính trị sẽ xác định con đường cho nước Nga và cho chính sách đối ngoại Nga trong nhiều năm tới, và sẽ rất khó để hình dung một nước Nga tự do trỗi dậy sau những gì khủng khiếp của cuộc chiến này.

Ngay cả khi Putin mất đi quyền lực ở Nga, nước này cũng khó có thể trở thành một nền dân chủ thân phương Tây. Họ có thể bị chia tách, đặc biệt là ở Bắc Caucasus. Hoặc cũng có thể trở thành một chế độ độc tài quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nhà hoạch định chính sách sẽ không sai khi hy vọng về một nước Nga tốt đẹp hơn, và về cái ngày mà một nước Nga thời hậu Putin có thể thực sự hội nhập vào châu Âu. Họ nên làm những gì có thể để tạo điều kiện cho khả năng này, ngay cả khi họ chống lại cuộc chiến của Putin. Tuy nhiên, họ sẽ thật sai lầm nếu không chuẩn bị cho những kịch bản đen tối hơn.

Lịch sử đã chỉ ra rằng việc xây dựng một trật tự quốc tế ổn định là vô cùng khó khăn, nếu có một cường quốc theo khuynh hướng phục thù, bị sỉ nhục ở vị trí trung tâm của nó, đặc biệt là một cường quốc với tầm cỡ của Nga.

Để xây dựng trật tự, phương Tây sẽ phải áp dụng cách tiếp cận liên tục cô lập và ngăn chặn. Giữ Nga ở thế yếu, và giữ Mỹ ở lại cùng mình sẽ trở thành ưu tiên đối với châu Âu trong một kịch bản như vậy, bởi châu Âu phải gánh trọng trách chính trong việc quản lý một nước Nga bị cô lập sau cuộc chiến thất bại ở Ukraine.

Về phần mình, Washington muốn tập trung vào Trung Quốc. Còn Trung Quốc có thể cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình đối với một nước Nga đang suy yếu – từ đó dẫn đến việc hình thành một liên minh cùng sự thống trị của Trung Quốc mà phương Tây muốn ngăn chặn vào đầu những năm 2020.

Trả bất cứ cái giá nào?

Không ai trong hay ngoài nước Nga nên muốn Putin chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine. Tốt hơn hết là ông ta thua trận. Tuy nhiên, một thất bại của Nga sẽ không phải là lý do để ăn mừng. Nếu Nga ngừng xâm lược, thì bạo lực đã gây ra cho Ukraine vẫn là một vết thương hằn sâu nhiều thế hệ, nhưng vấn đề là Nga sẽ không sớm chấm dứt xâm lược. Mỹ và châu Âu nên tập trung vào việc khai thác những sai lầm của Putin, không chỉ bằng cách củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương, và khuyến khích người châu Âu hành động theo mong muốn lâu dài của họ về chủ quyền chiến lược, mà còn bằng cách làm cho Trung Quốc thấy rõ bài học thất bại của Nga: hành động thách thức các chuẩn mực quốc tế, chẳng hạn như chủ quyền quốc gia, sẽ đi kèm với chi phí thực tế, và chủ nghĩa phiêu lưu quân sự sẽ làm suy yếu các quốc gia lựa chọn đi theo con đường đó.

Nếu một ngày nào đó, Mỹ và châu Âu có thể giúp khôi phục chủ quyền của Ukraine, và nếu họ có thể đồng thời thúc đẩy Nga và Trung Quốc chia sẻ cùng một nhận thức về trật tự quốc tế, thì sai lầm lớn nhất của Putin sẽ trở thành một cơ hội cho phương Tây. Nhưng để đạt được điều đó, cái giá phải trả sẽ là cực kỳ đắt.

L.F. & M.K.

Về các tác giả:

– Liana Fix là Nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.

– Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông chịu trách nhiệm khu vực Nga/Ukraine.

Nguồn bản dịch: https://nghiencuuquocte.org/2022/03/15/dieu-gi-se-xay-ra-neu-nga-thua-o-ukraine/

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.