Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Những thất bại của ông thầy tu nhỏ thó

Thục Quyên

Từ ngày 22.01.2022, ngày viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các báo chí, truyền thanh, truyền hình Việt Nam cũng như quốc tế, đồng loạt loan tin về ông và mức thành công của ông trong việc đưa đạo Phật nhập thế đến khắp năm châu bốn biển.

Không ai có thể phủ nhận được vì kết quả những việc làm của ông được ghi nhận bằng giấy bút, khắc trên bảng đồng, đúc thành tượng, nhưng hiển nhiên hơn hết là hàng chục triệu người đã học ông trực tiếp trong những khoá tu hay qua cả trăm đầu sách của ông, và đã thay đổi cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách sống, để góp tay xây dựng hoà bình cho nhân loại, bảo tồn môi trường sống cho mọi sinh vật, cỏ cây hoa lá.

Nhưng có một bài học rất quan trọng của ông có vẻ không được nhắc tới, đó là không có rác thì không có hoa. Có khả năng thì nhìn sâu vào rác sẽ thấy hoa, và nhìn kỹ hoa sẽ thấy rác.

Những thành công được ca tụng là vĩ đại của Thiền sư Nhất Hạnh cũng lại chính là kết quả của những thất bại đau đớn vô cùng của một con người, đặc biệt là một ông thầy tu Phật giáo nhỏ thó trong một đất nước Việt Nam đáng lý xanh tươi ấm áp, nhưng lại tan nát đói rách vì những tình thế khắc nghiệt gây ra bởi sự mù quáng của con người.

Lá thư chia buồn đầu tiên gửi tới tay các môn đồ của ông là của Đức Đạt Lai Lạt Ma (1), người đã gọi ông là bạn, là anh em trong đạo của mình, và kêu gọi mọi người nên nối tiếp con đường của Thiền sư. Gần như tất cả các bài viết, bài phát thanh, khi nhắc tới Thiền sư và Đức Đạt Lai Lạt Ma đều có sự so sánh người số một kẻ số hai, người có sách in nhiều hơn, được đem vào các đại học giảng dạy nhiều hơn, v.v.

Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mô tả chính xác trong thư: họ đơn giản là hai người, như hai anh em vì cùng chí hướng chuyển hóa tâm thức cộng đồng, lấy chánh niệm và từ bi chế tác chất liệu bất bạo động để xây đắp hoà bình.

Họ là hai con người sanh ra và lớn lên trong cảnh lầm than của hai quốc gia nhỏ bé đã và đang bị Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung quốc đe dọa xóa sổ, là hai ông thầy tu Phật giáo vững lòng tin tưởng vào sự thành công của một cuộc tranh đấu bất bạo động, tin rằng tình thương có thể làm mọi đồ tể buông dao.

Phải là những người hàng ngày cố gắng thực hiện những điều mình mong ước thì họ mới cảm nhận được cái đau của nhau, của tất cả những người đang thực tình tranh đấu cho nhân bản và hoà bình, khi có những ngày đứng trước những thất bại tưởng như đẩy mình tới bờ tuyệt vọng.

Phải thoát khỏi những bùn lầy của sự tham độc, sân hận, thì mới vươn lên được sự hiểu biết: kẻ thù của ta không phải là người, mà là cuồng tín, hận thù, tham vọng và bạo động… Không bao giờ oán hờn lên tiếng đối đáp được sự tàn bạo của con người.

Phải lăn xả giữa hai lằn đạn quốc cộng Việt Nam để phát cơm, băng bó vết thương cho dân, thì mới hiểu bằng cả tim óc của mình để lên tiếng kêu cứu trước Quốc tế: Dân chủ, không cộng sản, nhưng để làm gì nếu tôi đã chết?

Phải chứng kiến tháng này qua năm khác những người tu trẻ Tây Tạng bị tra tấn, chém giết, thì mới có thể nói lời cam kết trước kẻ thù: chúng tôi không đòi tự trị.

Chỉ những nỗi khổ của những con người bằng xương bằng thịt bất cứ nơi đâu trong chiến tranh mới là nỗi đau quay quắt của những người tu chân thật, thúc đẩy họ hành động vì muốn bảo vệ kẻ yếu chứ không phải vì thù oán kẻ ác.

Nay Thiền sư Nhất Hạnh đã bước vào “Đường xưa, Mây trắng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma hẳn cảm thấy chút cô đơn. Nhớ khi xưa, (2) người anh em trong đạo của Ngài trả lời truyền hình Ý:

Dân chúng Tây Tạng và Phật tử Trung Quốc cần được thấy nhân cách của đức Đạt Lai Lạt Ma, và dù chỉ giảng dạy Phật pháp và khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng mà không cần nói đến chính trị, ngài cũng đã có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho dân chúng và quê hương ngài rồi;

Phật tử Tây Tạng đừng nên tuyệt vọng bởi vì Việt Nam ngày xưa tuy bị nội thuộc Trung Quốc gần 1000 năm nhưng cuối cùng cũng đã dành được độc lập cho mình.

Ít ai biết những câu căn dặn phật tử Tây Tạng và Trung Quốc này của Thiền sư Nhất Hạnh đã khiến Tu viện Bát Nhã bị bức tử, và từ hoang tàn đổ nát đó nở ra đóa hoa “Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan”.

Nhìn Việt Nam, nhìn Tây Tạng, nhìn cái ác và sự vô đạo đức có vẻ vẫn lên ngôi, thì cả người chết lẫn người còn sống, Thiền sư Nhất Hạnh hay Đức Đạt Lai Lạt Ma, biết rằng mình chưa thành công, chưa tới đích. Thất bại vẫn vây quanh.

Nhưng để dựa vào lời Thiền sư dạy “Hạnh phúc là con đường”, những người hiểu và đang tiếp nối con đường của Thầy biết rằng con đường đang là hoa và rác, thành công, thất bại đan quyện vào nhau, và sẽ tùy thuộc ở mình, con đường có là an lạc và hoà bình hay không.

___________

(1) https://www.dalailama.com/news/2022/condolences-in-response-to-the-death-of-venerable-thich-nhat-hanh

Tiếng Việt: https://langmai.org/cuoc-doi-thien-su-thich-nhat-hanh/thu-chia-buon-tu-cong-dong-quoc-te/dien-thu-tu-duc-dat-lai-lat-ma/

(2) https://langmai.org/cong-tam-quan/thich-nhat-hanh/thien-su-thich-nhat-hanh-tra-loi-truyen-hinh-y-ve-van-de-tay-tang/

T.Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Thích Nhất Hạnh. Bookmark the permalink.