Xung đột nội tại trong chiến lược phát triển của Trung Quốc

Ngô Minh Trí

Tình hình đại dịch Covid-19 cùng với những vấn đề bên trong của Trung Quốc khiến cho chiến lược phát triển mà ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước này, theo đuổi đang đối mặt nhiều thách thức.

Hôm qua (10.1), tờ China Daily – có cơ quan chủ quản là Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc – đăng bài bình luận về triển vọng kinh tế nước này năm 2022.

Chính sách zero-Covid đang gây nhiều khó khăn cho kinh tế Trung Quốc. REUTERS

Từ hệ lụy của chính sách zero-Covid

Bài viết trên đưa ra viễn cảnh đầy tích cực cho kinh tế Trung Quốc như: “GDP của Trung Quốc tăng 9,6% trong 3 quý đầu năm 2021, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng trung bình trong 2 năm qua là 5,2%, khiến nước này trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Tuy nhiên, bài viết cũng thừa nhận: “Áp lực đi xuống đối với nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn từ quý 3/2021, khi tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chậm lại từ 7,9% của quý 2/2021 xuống còn 4,9% trong quý 3”. Thực tế, quý 3/2021 là lúc mà chính sách zero-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng) của Trung Quốc bắt đầu chỉ ra nhiều hệ lụy, dù đạt được thành tích ấn tượng trong năm 2020 cũng như nửa đầu năm 2021.

Theo đuổi chính sách zero-Covid, chính quyền đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, thậm chí phong tỏa nhiều nơi khiến cho giới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình, việc phong tỏa tại khu vực Dalang (TP.Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông) vào giữa tháng 12.2021 vừa qua đã khiến cho nhiều doanh nghiệp tại đây bị đình trệ sản xuất. Trong khi đó, khu vực Dalang lại có vai trò sản xuất quan trọng đối với ngành len khi có hơn 17.000 cơ sở liên quan len, chiếm 1/6 số lượng áo len được sản xuất trên toàn thế giới. Doanh nghiệp khó khăn cũng đã khiến cho người lao động khó khăn, nên sức mua nội địa bị ảnh hưởng. Như tờ China Daily thừa nhận: “Dù xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt, nhưng tiêu dùng trong nước và tăng trưởng đầu tư thấp hơn kỳ vọng” do chính sách thắt chặt theo chiến lược zero-Covid. Điều này lại tác động tiêu cực trở lại, khiến kinh tế khó khăn hơn.

Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng năm 2022, Trung Quốc có các sự kiện quan trọng như: Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh. “Vì thế, bất kỳ sự bất ổn nào do Covid-19 gây ra bên trong Trung Quốc, thì cấp lãnh đạo cao nhất cũng có thể bị quy trách nhiệm”, PGS Nagy nhận định.

Bên cạnh đó, cuối tháng 11.2021, tuần báo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này đã phát hành một phân tích, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Đại học Bắc Kinh, để đánh giá những hậu quả tiềm ẩn nếu nước này ứng phó bằng chiến lược tương tự Mỹ, Anh, Israel… Theo đó, với kịch bản như vậy sẽ “tác động tàn phá đối với hệ thống y tế của Trung Quốc và gây ra một thảm họa lớn trong nước”. Vì thế, Trung Quốc khó có thể sớm từ bỏ chính sách zero-Covid.

Đến thách thc lâu dài

Trong khi đó, về dài hạn, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “tự cung tự cấp” để tránh lệ thuộc một số công nghệ then chốt. Ví dụ ngành bán dẫn đã trở thành một điểm yếu chí mạng khiến nước này đang lao đao vì các đòn trừng phạt của Mỹ cùng đồng minh. Như bài báo trên tờ China Daily viết: “Trong dài hạn, mạng lưới sản xuất của Trung Quốc sẽ trải qua các thay đổi lớn nội tại và các ngành công nghiệp then chốt mới sẽ xuất hiện”. Và giải pháp là: “Trung Quốc có thể chuyển nguồn vốn theo cách có mục tiêu hơn đến các ngành then chốt tiềm năng”.

Liên quan điều này, một báo cáo vừa được công bố bởi Eurasia Group, công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đánh giá việc chuyển dòng vốn bất ngờ như thế sẽ gây xung đột, khi các công ty đang rất năng động bị hạn chế nguồn vốn. Nhất là khi các lĩnh vực then chốt mà Trung Quốc hướng đến như chip bán dẫn, năng lượng xanh… đòi hỏi quá trình lâu dài, có nhiều rủi ro vì nước này vẫn thiếu hụt nguồn lực công nghệ lẫn con người liên quan.

“Đối với nền kinh tế Trung Quốc, việc nhấn mạnh vào các mục tiêu chính trị và địa chính trị trong việc phân bổ nguồn lực sẽ làm suy yếu tăng trưởng năng suất và giảm tỷ lệ đòn bẩy khi cần thiết nhất”, theo Eurasia Group.

Thêm vào đó, việc chính quyền tăng cường kiểm soát các “đại gia” công nghệ có thể khiến cho nước này chậm phát triển trong việc đẩy mạnh hạ tầng công nghệ, vốn là động lực phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm gần đây. Như thế, Trung Quốc đang đối mặt không ít xung đột nội tại trong chiến lược phát triển lâu dài.

N.M.T.

Nguồn: Thanhnien

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.