Putin xù lông để che đậy thế yếu của mình?


Nguồn: Gideon Rachman, “Putin’s threats disguise a weakening position”, Financial Times, 10/01/2022.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nước Nga đang bị bao vây. Kẻ thù của Nga đã tiến đến sát biên giới. Liên minh thù địch NATO hiện đang đe dọa kết nạp Ukraine – vốn là một phần về mặt lịch sử và tinh thần của Nga. Giờ đây tất cả phụ thuộc vào Vladimir Putin – với tư cách là người thừa kế của Peter Đại đế, Alexander Đệ Nhất và Joseph Stalin – trong việc lãnh đạo nước Nga từ Điện Kremlin chống lại các mối đe dọa trên.

Nói chung, đây là luận điệu mà chính phủ Nga đang tuyên truyền, tại thời điểm bắt đầu một tuần hội đàm quan trọng với phương Tây. Nga đã tăng cường binh lính ở biên giới với Ukraine, đe dọa xâm lược nước láng giềng phía tây, nhưng tuyên bố đây là một phản ứng phòng thủ trước sự bành trướng của NATO. Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Matxcơva, giải thích rằng đối với Putin “Ukraine là chốt chặn cuối cùng”.

Nhưng luận điệu của Điện Kremlin là không thuyết phục. Không có nguy cơ nào cho thấy NATO sẽ tấn công nước Nga. Lý do mà rất nhiều quốc gia muốn gia nhập NATO trong những năm 1990 là vì họ sợ sự xâm lược của Nga. Hiện không có triển vọng thực tế nào cho thấy Ukraine sẽ gia nhập NATO.

Do đó, bất kỳ nhượng bộ nào mà phương Tây có thể đưa ra trong các cuộc đàm phán tuần này – về triển khai quân hoặc mở rộng liên minh – cuối cùng cũng sẽ không giải quyết được vấn đề an ninh của Putin. Đó là bởi vì các mối đe dọa thực sự đối với nhà lãnh đạo Nga đến từ chính trong nước.

Vào thời điểm này năm ngoái, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Nga để ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Các cuộc điều tra bằng video của ông đã làm nổi bật lối sống xa hoa của Putin và những thân hữu của ông. Điện Kremlin ngày càng tuyên bố kịch liệt rằng tất cả các đối thủ trong nước của họ đều là “điệp viên nước ngoài”. Trên thực tế, họ chủ yếu là những người Nga bình thường, những người không thích chính phủ và biết rằng các cuộc bầu cử gian lận không mang lại hy vọng thay đổi. Sau một nỗ lực thất bại nhằm sát hại Navalny, Điện Kremlin đã bỏ tù ông. Matxcơva phủ nhận có dính líu đến vụ mưu sát Navalny, nhưng so với NATO, ông vẫn là mối đe dọa lớn hơn đối với Putin.

Bằng cách thể hiện mình là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc Nga, Putin đã đánh đồng các mối đe dọa đối với sự cai trị của chính mình với các mối đe dọa đối với quốc gia. Nhưng an ninh cá nhân của Putin và an ninh quốc gia của Nga không giống nhau.

Tuy nhiên, có một mối liên hệ giữa các vấn đề trong nước của Putin và sự gây hấn bên ngoài của ông. Một cuộc chiến có thể tạo ra một làn sóng ủng hộ dân tộc chủ nghĩa dành cho nhà lãnh đạo Nga. Sâu xa hơn, kiểu chính phủ duy nhất mà Putin có thể dung thứ ở các nước láng giềng là thứ chế độ chuyên quyền tham nhũng, tương tự như chế độ của chính Điện Kremlin. Một nền dân chủ thực sự sẽ đưa ra một mô hình thay thế có thể khuyến khích sự đối lập ở Nga. Một quốc gia tự do cũng có khả năng thoát khỏi sự bao bọc của Điện Kremlin và liên kết với phương Tây.

Vì lý do đó, Mỹ không có khả năng trong việc cung cấp cho Nga một “phạm vi ảnh hưởng” ổn định như Putin yêu cầu. Các chế độ chuyên quyền thối nát mà Điện Kremlin ưa thích ở khu vực ngoại vi nước này vốn dĩ đã không ổn định vì chúng khơi dậy sự phản kháng xã hội. Chính một cuộc nổi dậy của người dân đã lật đổ một chính phủ tham nhũng, thân Nga ở Ukraine hồi năm 2013-2014.

Thật bất tiện cho Điện Kremlin khi họ đã phải điều động quân đội đến giúp trấn áp tình hình bất ổn ở nước láng giềng Kazakhstan – ngay trước thềm cuộc đàm phán Mỹ – Nga. Kazakhstan là một quốc gia có thu nhập trung bình vào khoảng 570 USD một tháng, nhưng gia đình của Nursultan Nazarbayev, người đã cai trị nước này từ năm 1991 đến năm 2019, đã mua các bất động sản ở nước ngoài trị giá ít nhất 785 triệu USD.

Tình trạng hỗn loạn ở Kazakhstan có thể liên quan đến đấu đá nội bộ trong giới cầm quyền. Nhưng những loại vấn đề này tồn tại cố hữu bên trong các các chế độ chuyên quyền thối nát. Nếu của cải được được chia chác trong một hệ thống phân chia chiến lợi phẩm, thì bất kỳ dấu hiệu nào về sự thay đổi lãnh đạo đều tạo ra sự bất ổn. Tình thế tiến thoái lưỡng nan đó có lẽ cũng quen thuộc với Putin.

Kazakhstan không phải là nơi duy nhất trong khu vực cận biên của Nga đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Kể từ sau cuộc bầu cử bị đánh cắp ở Belarus vào năm 2020, Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo độc tài của nước này, đã thẳng tay đàn áp phe đối lập trong nước. Điện Kremlin hiện phải hỗ trợ chính phủ Kazakhstan và Belarus, trong khi đe dọa xâm lược Ukraine.

Những vấn đề này đáng được ghi nhớ, trong bối cảnh thảo luận về sức mạnh vị thế của Nga sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán trong tuần này. Trên thực tế, nước Nga hiện đại đang tiến gần một cách nguy hiểm đến việc lặp lại hoàn cảnh của thời kỳ Liên Xô – vốn luôn buộc các nước láng giềng “thân thiện” với mình bằng cách xâm lược hoặc đe dọa họ.

Một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng thắng lợi có thể tạo ra sự ủng hộ tạm thời cho Putin. Nhưng xâm lược Ukraine vào năm 2022 cuối cùng sẽ không đảm bảo cho sự sống sót của chế độ Putin, tương tự như việc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 không đảm bảo cho sự tồn vong của Liên Xô. Thật vậy, về lâu dài, một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ thực sự làm trầm trọng thêm tình thế lưỡng nan an ninh của Nga và làm suy yếu vị thế trong nước của Putin. Nếu chiến tranh kéo dài, thương vong của Nga sẽ tăng lên. Một cuộc xung đột cũng sẽ làm tiêu hao nền kinh tế và gia tăng sự cô lập của đất nước.

Một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cũng sẽ mang lại cho NATO một ý thức mới về mục đích chung và có thể thúc đẩy sự mở rộng của một liên minh mà Nga đang phản đối. Phần Lan và Thụy Điển đang tranh luận về việc gia nhập NATO, vì họ lo lắng trước các luận điệu và hành vi ngày càng mang tính đe dọa của Matxcơva.

Ngay cả khi Nga có thể dựng lên một chế độ bù nhìn thân Nga ở Kiev, ký ức về hành động gây hấn của Matxcơva sẽ là một động lực lịch sử cho chủ nghĩa dân tộc Ukraine, củng cố sự chia rẽ về mặt tình cảm giữa Nga và Ukraine, điều mà Putin coi là một điều không thể chấp nhận. Nói chung, đó sẽ là một chiến thắng kỳ lạ, lợi bất cập hại đối với Điện Kremlin.

Nguồn: Nghiencuuquocte

This entry was posted in Nga, Putin, Quốc Tế. Bookmark the permalink.