Diễn tập không phải là trò chơi…

Lê Quang

17-12-2021

Đây là điển hình cho lối suy nghĩ hời hợt và nông nổi của một bộ phận người trẻ tuổi làm việc ở nước ngoài – trái ngành và cũng rất khó hiểu khi báo chí lại cho đăng tải những quan điểm lệch lạc như vậy.

Diễn tập hạ tầng dân sự là hoạt động đòi hỏi chuẩn bị chứ không phải là yếu tố bất ngờ. Nó không thể so sánh với diễn tập PCCC trong tòa nhà cao tầng hay các phương tiện vận chuyển chuyên dụng bởi một lý do cơ bản nhất là “đối tượng sử dụng”.

Đối tượng sử dụng trong các công trình chuyên dụng hoặc doanh trại thường có tình trạng thể chất tương đương nhau. Ví dụ diễn tập trong tòa nhà văn phòng, diễn tập trong doanh lính, diễn tập trong huấn luyện cứu hỏa… Đây là những tập thể có năng lực thể chất và tâm thần đã qua rèn luyện để thích nghi với một số hoạt động nhất định. Không có ai cho một em bé hay một người già bị bệnh tim tham gia diễn tập cùng quân đội cả, bởi vì điều đó mang đến những rủi ro không thể dự báo trước. Một đối tượng dân sự sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì không thể được coi là họ đang thực hiện hoạt động “nghiệp vụ” như thủy thủ trên tàu viễn dương.

Diễn tập không phải là trò chơi của học sinh hạnh kiểm tốt.

Diễn tập trên hạ tầng giao thông là đặt rủi ro có thực lên đối tượng diễn tập, những rủi ro ấy không phải là rủi ro của sự “diễn” mà là rủi ro trong quá trình “diễn”.

Ví dụ, một người bị cao huyết áp có thể hoảng loạn hay ngất đi trong diễn tập không báo trước bởi vì thể chất và tâm thần của họ không được chuẩn bị để thực hiện màn biểu diễn ấy. Một người mắc chứng sợ độ cao thì có thể không bao giờ vượt qua được quá trình diễn tập giải cứu, một cụ già 97 tuổi ngồi xe lăn thậm chí còn không thể đi qua nổi một bậc cầu thang. Do đó, diễn tập là cần thiết nhưng sự thông báo trước trong quá trình diễn tập là bắt buộc.

Ở châu Âu, mọi sự thông báo phải diễn ra cả tuần trước diễn tập, phải có người có chuyên môn giải thích rằng điều đó sẽ diễn ra như thế nào, vào giờ nào, phải có lưu tâm đến tình trạng thể chất và độ tuổi của người tham gia và trên hết là quá trình thực hiện điều đó thì phải được công bố.

Ví dụ như thoát hiểm ở khu vực nào, tiếp cận thang nào, đập vỡ phần kính nào, khi chạy ra ngoài thì tập trung ở đâu, thăm khám xử lý chấn thương (nếu có) tại các trạm y tế nào, điểm danh nhân sự tham gia trước và sau diễn tập như thế nào. Xin lưu ý rằng đó là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị từ mọi phía chứ không phải là một quá trình nhằm gây bất ngờ như một phần của “nghiệp vụ”.

Điều này thậm chí có thể diễn ra đơn giản hơn rất nhiều, ví dụ như có nhân viên trực trên tàu hàng ngày hướng dẫn hành khách một cách trực quan, qua video (như trên máy bay dân dụng chẳng hạn) chứ không phải là cứ đem tất thảy đối tượng sử dụng ra để “diễn”. Một thanh niên trẻ khỏe 30 tuổi có thể không có vấn đề gì với diễn tập bất ngờ nhưng một em bé ba tuổi thì có thể không phản ứng được trong tình trạng nhốn nháo mà không có sự chuẩn bị.

Việc tham gia phương tiện giao thông công cộng của đối tượng dân sự không bao giờ được coi là diễn tập “nghiệp vụ”, bởi vì ta không bao giờ biết được cá nhân ấy, tập thể ấy là những người như thế nào, năng lực vận động thể chất, nghe, nhìn ra sao. Hiển nhiên rằng trước đó họ phải được thông báo và đăng ký tham gia.

Ở nước ngoài, ngay cả một cuộc bãi công của nhân viên giao thông công cộng cũng phải được báo trước cả tuần lễ, chứ đừng nói gì tới sự diễn tập một tình huống. Tình huống ấy là gì, phân loại nó ra sao, cấp độ A, B, C, D? Tất cả phải được thông báo và giải thích trước khi ra tới hiện trường và không có lí do gì để bỏ qua những bước ấy.

Báo chí VN rất nên cân nhắc để hạn chế đi những ý kiến thiếu cơ bản như bài viết ở đây.

L.Q.

Nguồn: Báo Tiếng Dân

This entry was posted in Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bookmark the permalink.