Cần chấm dứt dân chủ hình thức

Thường Sơn

(VNTB) – Đừng khoa trương những chủ trương, chính sách khi mà dân chủ ở Việt Nam vẫn tiếp tục là hình thức của mỹ từ được phát ra từ chính khách chóp bu của Đảng.


VNTB – Cần chấm dứt dân chủ hình thức

Dân chủ hình thức không khó nhận diện. Dân chủ hình thức có nhiều cấp độ và thường biểu hiện thông qua một trong những cách thức chủ yếu sau đây:

1. Lấy ý kiến quần chúng những việc mà họ không có đầy đủ thông tin, khiến họ không thể đưa ra quyết định theo sự lựa chọn của riêng mình. Trong trường hợp này, họ chỉ có thể nhắm mắt lựa chọn hoặc lựa chọn theo xu hướng của thông tin đại chúng. Đây là biểu hiện phổ biến nhất của dân chủ hình thức.

2. Lấy ý kiến biểu quyết của quần chúng đối với những nội dung không quan trọng, nhưng phớt lờ đi hoặc khéo léo ‘giành quyền’ quyết định những việc quan trọng cho thiểu số hoặc cho cá nhân.

3. Tổ chức lấy ý kiến quần chúng rộng rãi, nhưng việc tập hợp và báo cáo tổng hợp ý kiến không đầy đủ, không trung thực hoặc loại bỏ những ý kiến quan trọng nhưng trái với định kiến của lãnh đạo hoặc của cơ quan soạn thảo.

4. Lợi dụng tâm lý nể nang, ngại đụng chạm đang tồn tại khá phổ biến trong cán bộ và nhân dân nhằm đạt được kết quả biểu quyết gần như biết trước bằng cách tổ chức những hình thức biểu quyết hoặc bầu cử không bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia như: Bầu cử bằng giơ tay hoặc những cách thức khác mà người đứng ra tổ chức bầu cử có thể kiểm soát chính kiến của người tham gia – Ví dụ như kiểm soát thông qua cách thức ghi hoặc đánh dấu phiếu bầu.

Bầu cử phổ thông nhưng lại tìm cách hạn chế người ứng cử, khiến người tham gia bầu cử không có nhiều sự lựa chọn cần thiết.

Tôi cho rằng với những vụ án hình sự màu sắc chính trị như xảy ra với Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, với nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, nhà đấu tranh tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển… cho thấy sở dĩ họ phải chịu cảnh tù đày vì ở đây là dân chủ hình thức, với thực chất là ngăn chặn sự tham gia có tính quyết định của quần chúng vào những vấn đề hệ trọng của nhà nước, của tổ chức và của cộng đồng xã hội.

Hiểu theo nghĩa tích cực, thì dân chủ hình thức triệt tiêu tính tích cực và mọi sáng kiến của nhân dân, nó làm cho xã hội dễ dàng đạt được trạng thái ổn định chính trị (hơn tình trạng độc đoán), nhưng cũng đồng thời kềm hãm sự phát triển.

Một chút liên tưởng về vụ án VN Pharma liên quan đến rất nhiều quan chức lẫn cựu quan chức Bộ Y tế, tôi cho rằng dân chủ hình thức giống như thuốc giả, nó không chữa được bệnh mà còn làm mất tín nhiệm vào thuốc thật.

Dân chủ hình thức không thể giải quyết được bất cứ mục tiêu, yêu cầu nào đặt ra, nhưng lại xuyên tạc, làm mất ý nghĩa, vô hiệu hóa dân chủ, phá hoại mọi niềm tin vào dân chủ thật sự. Xét trên khía cạnh đó, dân chủ hình thức có hại hơn mất dân chủ. Mất dân chủ thì còn dễ tìm ra được vấn đề, chỉ ra được địa chỉ cần đấu tranh khắc phục.

Còn đối với dân chủ hình thức thì phức tạp hơn nhiều, và sẽ lại có các bản án tương tự trong tương lai về những phiên bản của tiếng nói phản biện như với một Phạm Chí Dũng hôm qua, một Phạm Đoan Trang hôm nay…

Tôi cho rằng dân chủ cũng cần thiết như cơm ăn áo mặc, nó là quyền lợi và cũng là mục đích cần vươn tới. Vì vậy, phải xem việc thực hiện dân chủ thực sự vừa là lợi ích; đồng thời còn là nghĩa vụ của mọi công dân. Hơn thế, cán bộ, đảng viên hãy mạnh dạn chấm dứt thói quen coi mọi việc như thể là “đã được sắp đặt chu đáo”, hoặc không thể thay đổi vì Bộ Chính trị đã quyết.

Nếu những đảng viên vẫn tiếp tục ngại bị đánh giá là “người gây khó khăn” hoặc “có tham vọng chính trị” nên dễ dãi bỏ qua những bước quan trọng trong quy trình lấy ý kiến hay bầu cử dân chủ, thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là một tổ chức độc tài của một nhóm quyền lực thắng thế nào đó tạm gọi là ‘cùng giương cao’ ngọn cờ chủ nghĩa xã hội.

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.