Lý do thật sự nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt là gì?

Hiếu Bá Linh

Nhà báo Mai Phan Lợi (trên) và luật gia Đặng Đình Bách (dưới) – Bức thư của Nhóm Tư vấn của EU

Hôm qua ngày 6 tháng 12, báo chí nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Mai Phan Lợi (SN 1971) về tội “trốn thuế”.

Hai nhà hoạt động xã hội dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đã bị bắt tạm giam cách đây hơn 5 tháng. Công an Hà Nội công bố vụ bắt giam này hôm 2 tháng 7 với cáo buộc “trốn thuế”.

Một câu hỏi được đặt ra, có phải “trốn thuế” là lý do thật sự để bắt giam hai nhà hoạt động xã hội dân sự này?

***

Ngày 14 tháng 7, Nhóm Tư vấn của EU (được thành lập trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA) đã gửi một lá thư đến ông Valdis Dombrovskis – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách thương mại, và ông Denis Redonnet – Phó Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thương mại.

Lá thư của Nhóm Tư vấn của EU (trang 2 và 3)

Nội dung lá thư trình bày về trường hợp hai nhà hoạt động xã hội dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị công an bắt giam sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam (được thành lập theo Chương 13 Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA).

Lá thư cũng cho biết, cả hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA, bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự thành lập ngày 16 tháng 11 năm 2020, nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp định EVFTA, sự cấu thành xã hội dân sự ở Việt Nam, và 7 tổ chức này đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG), nhưng không nhận được sự trả lời, nay thì 2 thành viên bị bắt giam.

Lá thư do bà Chủ tịch Nhóm Tư vấn của EU ký tên cũng nêu ra những hoạt động của hai thành viên này:

– Ông Mai Phan Lợi, 50 tuổi, chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội. Trước khi sáng lập Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục Cộng đồng (MEC), ông điều hành “Góc nhìn báo chí – công dân”, nhóm công khai có hơn 120 ngàn thành viên và Nhóm “Diễn Đàn Nhà báo trẻ” có 33 ngàn thành viên, đa số là nhà báo và sinh viên báo chí. Ông từng giữ chức Trưởng phòng Đại diện báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Năm 2016 ông bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ báo chí vì “xúc phạm nghiêm trọng danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam” qua vụ thăm dò lý do máy bay CASA 212 của hải quân Việt Nam mất tích, đăng tải trên Facebook và Diễn Đàn Nhà báo trẻ gây tranh cãi. Ông Lợi cũng nằm trong số các nhà hoạt động xã hội dân sự được mời gặp Tổng Tống Hoa Kỳ Obama trong chuyến công du Việt Nam năm 2016. Mai Phan Lợi cũng có bút danh Bút Lông, thực tế đã bị bắt giam không nguyên cớ từ hôm 24 tháng 6, và chỉ được công an công an xác nhận hôm 2 tháng 7 vừa qua.

– Luật gia Đặng Đình Bách, 43 tuổi, là người bảo vệ sinh thái, ít được biết trong giới bất đồng chính kiến, vì ông tập trung sinh hoạt trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình. Mục tiêu trang Web Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) của ông là “trở thành nơi lưu trữ thông tin về các vụ việc mà quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm do các hoạt động phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Khi người dân hiểu rõ các quyền và lợi ích chính đáng của họ, và bằng cách nào hành xử quyền và lợi của mình, luật và chính sách không còn nằm co trên giấy mà sẽ hiện thực trong đời sống người dân”.

Việt Nam vi phạm Hiệp định EVFTA

Nhóm Tư vấn của Việt Nam và của EU được thành lập theo Chương Thương mại và Phát triển Bền vững (TSD), Chương 13 của Hiệp định EVFTA.

Nhiệm vụ của Nhóm Tư vấn (DAG) là giám sát và đưa ra khuyến nghị về việc thực hiện chương TSD này, tức là về các lĩnh vực môi trường, quyền người lao động, quyền đất đai v.v… Đặc biệt mỗi DAG có quyền chủ động đưa ra các khuyến nghị của riêng mình, như được nêu cụ thể trong Điều 13.15.4.

Các thành viên của Nhóm Tư vấn phải là “các tổ chức đại diện độc lập”, tức là các tổ chức xã hội dân sự (Điều 13.15.4).

Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG) được thành lập vào ngày 17 tháng 8, khoảng hơn 1 tháng rưỡi sau khi Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị bắt giam. VN-DAG vỏn vẹn chỉ có 3 thành viên gồm:

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,

2. Viện Công nhân và Công đoàn, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,

3. Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD)

Rõ ràng 1. và 2. là tổ chức của Nhà nước, không phải là tổ chức xã hội dân sự độc lập theo quy định của Điều 13.15.4. Đây là một sự vi phạm trắng trợn Hiệp định EVFTA.

Trong khi đó 7 tổ chức xã hội dân sự trong mạng lưới VNGO-EVFTA đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG), nhưng sau đó 2 thành viên bị bắt giam và duy nhất chỉ có Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) được gia nhập VN-DAG.

Nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách không phải là trường hợp đầu tiên, trước khi Hiệp định EVFTA được Nghị viện EU thông qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và kết án tới 15 năm tù hồi tháng 1/2021 chỉ vì lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết EVFTA.

H.B.L.

Nguồn: Tiếng Dân

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.