Khúc gân Đài Loan

Nguyễn Thọ

Vụ VTV cắt tiếng quốc ca Đài Loan trong trận đấu U23 diễn ra hôm 27.10 tại Kirgyzstan có vẻ đã chìm xuồng, với tôi thì không. Tôi đã xem kỹ video để xác định sự việc và vô cùng tức giận. [1] (phút 43’18”).

Nếu là sự cố kỹ thuật như vài người suy diễn thì một đài truyền hình quốc gia đã phải lên tiếng xin lỗi. Đổ tội cho kỹ thuật khi mà bên cấp tín hiệu khẳng định chất lượng tốt thì còn ê mặt hơn.

Tôi không ngạc nhiên vì đã quá quen các tiểu xảo đểu này khi còn làm việc ở VTV. Tôi tức giận vì bọn họ đang tâm làm điều đó vào chính lúc này.

Những kẻ chủ trương cắt quốc ca Đài Loan chắc sẽ thà rút Việt Nam ra khỏi FIFA, hơn là phải đá với đội bóng này tại sân nhà. Trong khi đó Đài Loan không phải là kẻ thù, ngược lại còn là bạn tốt. Hành động này chỉ có thể hiểu là một sự thần phục, khiếp nhược.

Trung Quốc đang trỗi dậy, không chỉ với tư cách là một siêu cường, mà còn là một thách thức cho văn minh nhân loại bởi mô hình: Phát triển kinh tế bằng thể chế độc tài. Phương Tây lúng túng, Các nước nghèo mắc bẫy.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc còn là mối đe dọa trực tiếp và toàn diện, cả về lãnh thổ, kinh tế, văn hóa, quân sự.

Trong khi đó, Đài Loan đang chứng minh hùng hồn rằng: Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Hoa không phải là con đường đi lên của các quốc gia chậm tiến, của các xã hội Á châu phong kiến như nhiều người vẫn rao giảng.

Hơn thế nữa Đài Loan còn cho thấy: Một xã hội từng rên xiết dưới ách độc tài vẫn có thể chuyển sang văn minh mà không đổ máu.

Phải nói là không ở đâu mà sự thịnh vượng lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như Đài Loan. Cùng xuất phát điểm nhưng không bị nền kinh tế XHCN phá hoại nên Đài Loan công nghiệp hóa trước lục địa khoảng 25 năm. Do vậy khi Trung Quốc mở cửa đầu những năm 1980 Đài Loan trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào đó. Những người cộng sản Trung Quốc đã cúi mọp người đón tư bản Đài Loan vào “bóc lột sức lao động giá rẻ”. Giới chủ Đài Loan không bỏ lỡ cơ hội. Chính nhờ vào sức lao động rẻ của Trung Quốc mà Đài Loan đã tiến vọt thành một quốc gia hậu công nghiệp hùng mạnh. Từ 1993 đến nay, đầu tư của Đài Loan vào TQ luôn nằm ở mức 70-85% tổng giá trị đầu tư của họ ra nước ngoài (xem biểu đồ). Đối với Đài Loan, quan hệ kinh tế với Trung Quốc cực kỳ quan trọng.

Đầu tư của tư bản Đài Loan vào Hoa Lục luôn ở mức cao, nhiều năm vượt quá 10 tỷ USD, chiếm tỷ lệ xấp xỷ 80% đầu tư ra quốc tế của nước này. Ảnh tư liệu

Cũng không ở đâu mà sự đe dọa của Trung Quốc về lãnh thổ, về quan hệ quốc tế lại nặng nề như Đài Loan. Trước khi chính quyền Nixon công nhận Trung Quốc là thành viên chính thức của LHQ trong năm 1971, Đài Loan là đại diện duy nhất cho cái tên China trong toàn bộ các tổ chức và dự án quốc tế. Từ chỗ gần 100 nước, nay chỉ còn 14 nước nhỏ giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Họ phải ngậm đắng từ bỏ cái tên China để khi thì bị gọi là Taipei, khi thì là Taiwan. Gân cổ lên cãi mới tránh được từ “Province of China” (Tỉnh của Trung Hoa). Về Địa lý, Trung Quốc chỉ cách các đảo nhỏ của Đài Loan 2-3 km. Đã có thời gian, ngày nào hai bên cũng nã pháo sang nhau.

Các bãi chống tank được xây dựng từ 1958 trên đảo Quế Môn, cách bờ biển Trung Quốc chỉ 2km. Ảnh trên mạng

Mối đe dọa của Trung Quốc không chỉ từ bên ngoài, mà còn trực tiếp từ bên trong. Bắc kinh đã thành công trong việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc để xây dựng lực lượng của họ tại Đài Loan (cũng như ở Hong Kong). Đó chính là nguy hiểm lớn cho nền dân chủ Đài Loan.

Tất cả các mối đe doa trên đã tạo ra phản ứng tự vệ khiến cho Đài Loan luôn chủ động chấp nhận các thách thức trên. Chưa bao giờ họ đổ lỗi cho lịch sử, cho cộng đồng quốc tế. Không cho tham khảo tài trực tiếp liệu về Covid 19 ư? Không sao, chúng tôi sẽ cho ngược WHO kinh nghiệm chống dịch của chúng tôi. Bắt phải mua Vaccin qua Trung Quốc ư? Xin lỗi, chúng tôi đã có cách…

Đăc biệt về kinh tế và công nghệ, Đài Loan khác với phương Tây ở chỗ luôn chơi trên trướng Trung Quốc, không bao giờ cho Trung Quốc lợi dụng hay qua mặt.

Nạn khan hiếm chip toàn cầu hiện nay đã biến thành ngữ “Phố Wall hắt hơi, Tài chính thế giới chao đảo” thành: “Công nghiệp điên tử Đài Loan hắt hơi, kinh tế toàn cầu lên cơn sốt”. Dịch Covid buộc các hãng sản xuất chip ở Đài Loan phải giảm công suất. Các siêu thị đồ điện ở Đức trống trơn. Toàn bộ các hãng xe hơi đều phải giảm tốc độ sản xuất. Công ty tôi đặt Server HP cho khách hàng từ gần 4 tháng nay không có.

Chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ Công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) [2] bị gián đoạn là một ví dụ.

TSMC là một trong ba nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (sau Intel và Samsung), nhưng là nhà chế tạo bán dẫn thành phẩm đứng đầu thế giới với doanh thu 2020 là 1.339 tỷ Đài Loan Dollar (48 tỷ USD) lãi ròng 580 tỷ Đài Loan Dollar. “Công xưởng của thế giới mang tên China” phụ thuộc vào nguồn chip nano của TSMC nên dù năng lực sản xuất của Trung Quốc không còn vướng Covid nữa thì cũng nằm ngáp chờ các miếng bánh chip từ bên kia eo biển.

Một trong những mục tiêu của của “Made in China 2025” là đuổi kịp công nghệ chip của TSMC. Do vậy hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc nhận được hàng trăm tỷ UDS hỗ trợ của nhà nước. Hiện TSMC đang ở trình độ xử lý chip 5nm, trong khi SMIC đang chết dí ở 14nm. Khoảng cách hiện là 4-5 năm, trong khi chỉ cần ai đi trước vài tháng là xong. Toàn thế giới: từ Apple, AMD, Intel đến Samsung… đã nhập và định hình dây chuyền theo chip nào ra trước.

Điều đáng nói là TSMC có vài nhà máy ở lục địa, nhưng ông chủ chỉ thuê nhân công giá rẻ để gia công hộ mà không tiết lộ tý công nghệ nào.

Trường hợp Foxconn, nhà lắp ráp bị điện tử số một thế giới cũng vậy. Công ty Đài Loan này hiện đang nắm chặt khâu sản xuất thiết bị cao cấp của Hoa Lục. Thành phố Foxconn City ở Thẩm Quyến, được coi như lãnh thổ hải ngoại của Đài Loan với toàn bộ hạ tầng cơ sở khép kín cho 450.000 công nhân, bao gồm cả hệ truyền hình cable Foxconn-TV. Thành phố Foxconn thứ hai ở tỉnh Hải Nam với 120.000 thợ cũng đang ra sức bóc lột sức lao động Trung Quốc, đẩy dòng tư bản về Đài Loan. Vì vậy hàng tỷ thiết bị cao cấp tuy là “Made in China”, nhưng thực ra là của Đài Loan [4].

Đối với tôi, Đài Loan là một tấm gương sáng cho tinh thần độc lập dân tộc, cho đối sách đúng đắn đủ để chung sống với kẻ thù hung ác mà vẫn chống lại được ý đồ thanh toán của nó.

Đối với đảng cộng sản Trung Quốc, Đài Loan là một cái gân hóc trong cuống họng. Nó vừa dai, vừa dài, vừa nhằng nhịt, nhưng khôn như rận. Trong quá khứ, quân đội Trung Quốc đã hai lần ôm đầu máu bỏ chạy khi tấn công vào đây (1954, 1958) [3]. Từ đó đến nay Trung Quốc luôn khoe khoang việc hiện đại hóa quân đội. Đài loan cũng làm rất nhiều nhưng thầm lặng. Một cuộc tấn công mới, nếu xảy ra sẽ tàn phá cả hai bên. Rất có thể vai trò “công xưởng thế giới “của Trung Quốc sẽ biến mất.

Đối với thế giới, Đài Loan là một “nỗi nhục tế nhị”. Tất cả các cường quốc phương Tây đều than phiền về sự lấn át và thách thức của Trung Quốc, đều có thiện cảm với Đài Loan. Nhưng chưa bao giờ họ đồng lòng được với nhau về đối sách với “Hai Chinas”. Chưa nguyên thủ phương tây nào dám chính thức đón tiếp Tổng thống Đài Loan. Hận Trung Quốc như Úc mà cũng không dám nâng quan hệ với Đài Loan lên hơn mức “Văn phòng đại diện”. Nhiều nước nhỏ có quan hệ kinh tế với Đài Loan tốt hơn với Trung Quốc cũng vẫn “tế nhị” trong các nghi thức lễ tân với Đài Loan.

Nhưng hèn hạ đến mức cắt quốc ca của Đài Loan, kéo theo cả quốc ca nước mình thì chỉ còn là nỗi nhục ê chề.

_____

[1] https://www.youtube.com/watch?v=Dn6ieTgD1Ag&t=2775s

[2] https://de.wikipedia.org/wiki/TSMC

[3] https://history.state.gov/milestones/1953-1960/taiwan-strait-crises

[4] Foxconn từng bị tố cáo là bóc lột nhân công các nước nghèo. Đáng nói là mọi tố cáo này đều đến từ các phong trào nhân quyền “thân phương tây”, chứ không phải từ công đoàn của đảng cộng sản.

N.T.

Nguồn: Tiếng Dân

This entry was posted in Đài Loan, Việt - Trung - Đài. Bookmark the permalink.