Thu phí xe vào nội đô Hà Nội, TP.HCM: Muốn thu thì giao thông công cộng phải tốt

Tuấn Phùng

TTO – Theo các chuyên gia, việc thu phí xe vào nội đô Hà Nội, TP.HCM nhằm hạn chế ùn tắc giao thông không có khó khăn về mặt công nghệ. Nhưng để thực hiện được thì giao thông công cộng phải đáp ứng từ trên 30% nhu cầu đi lại.

Giải pháp thu phí ôtô vào nội đô chỉ là một trong những giải pháp hỗ trợ để giảm ùn tắc giao thông – Ảnh: HÀ QUÂN


Vận tải công cộng phải đủ khả năng thay thế xe cá nhân

Theo ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc nghiên cứu giải pháp thu phí xe vào nội đô để hạn chế ùn tắc trong khu vực này như các nước đã thực hiện là cần thiết. Nhưng tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó.

“Về nguyên tắc, khi hạn chế cái này thì phải có cái kia thay thế, để người dân lựa chọn. Hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM phải đảm đương được 50 – 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Nếu vận tải công cộng chưa đáp ứng được mà vẫn thực hiện thu phí xe cá nhân với mục đích làm khó, hạn chế đi vào khu vực hay ùn tắc thì chưa hiệu quả. Với những việc cấp thiết, người ta vẫn trả phí để đi xe cá nhân, kèm theo đó là sự ấm ức”, ông Quyền nhận định.

“Công nghệ thu phí tự động không phải là mới hay khó tại thời điểm này, vì các trạm thu phí BOT đều đã sử dụng, quan trọng là tổ chức thực hiện”, ông Quyền cho biết thêm.

Theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn – phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, khoa vận tải – kinh tế Trường đại học Giao thông vận tải, bản chất của việc thu phí xe vào khu vực nội đô không phải là thu phí tăng ngân sách. Đây là giải pháp kinh tế để điều tiết giao thông, để người đi xe cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng hoặc hạn chế chuyến đi không cần thiết vào khu vực hay ùn tắc.

Đây là giải pháp nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, trong khu vực có Singapore thực hiện 10 năm nay.

Về kỹ thuật, ông Tuấn cho rằng công nghệ hiện nay đều sẵn sàng khả thi và triển khai nhanh chóng việc thu phí. Cổng thu phí chỉ cần 2 cột ở vỉa hè và giá gắn camera… Hệ thống này triển khai trong vòng 1 năm sẽ hoạt động được.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, thu phí xe vào nội đô chỉ là giải pháp hỗ trợ chứ không phải giải pháp trọng điểm để hạn chế ùn tắc giao thông. Giải pháp cốt lõi để giảm ùn tắc giao thông đô thị phải là các hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là metro.

“Các thành phố trên thế giới thu phí xe vào nội đô khi giao thông công cộng đáp ứng được hơn 30% nhu cầu đi lại. Hà Nội, TP.HCM muốn triển khai thu phí được, phải có hệ thống metro, xe buýt đáp ứng cho người đi xe cá nhân chuyển đổi nhu cầu. Hà Nội chưa có 4-6 tuyến metro trở lên mà triển khai thu phí xe vào nội đô vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông. Những chuyến đi quan trọng chiếm 70% nhu cầu đi lại, nếu giao thông công cộng chưa đáp ứng đủ thì thu phí cao người dân đi xe cá nhân, lúc đó có thể gây bức xúc xã hội”, ông nhận định.

Theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, việc nghiên cứu lộ trình thu phí hạn chế xe vào nội đô vẫn phải thực hiện. Nhưng triển khai thực tế cần tùy theo điều kiện. Nếu tiến độ thực hiện metro chậm thì việc thu phí xe vào nội đô sẽ chậm lại.

“Phí thu được cần dùng một phần tái đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Việc này để cân bằng lợi ích: người đi xe cá nhân chiếm không gian trên đường nhiều hơn phải trả phí để phát triển giao thông công cộng, bù đắp cho người sử dụng phương tiện công cộng. Bởi vì, không gian công cộng là tài nguyên công, mọi đối tượng đều sử dụng công bằng”, ông Tuấn lưu ý.

Nếu việc thi công thuận lợi ,đến năm 2025 Hà Nội chỉ có thể đưa vào khai thác 2 tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh – Hà Đông (ảnh 10 đoàn tàu metro Nhổn – ga Hà Nội đã về nơi tập kết) – Ảnh: MRB

Thu phí xe vào nội đô chỉ khả thi khi đáp ứng 5 điều kiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Đinh Thị Thanh Bình – đại diện nhóm nghiên cứu của Trường đại học Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn đề án thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội – cho biết:

Báo cáo kết quả thực hiện xây dựng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội là nghiên cứu đưa ra các phương án “thu phí ùn tắc giao thông” và tác động để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nếu được thông qua, mới đến bước nghiên cứu khả thi, trong báo cáo này mới xác định phương án thu và mức phí cụ thể.

TS Bình cho biết việc thu phí xe vào nội đô Hà Nội hay TP.HCM đều có mục tiêu sử dụng công cụ kinh tế để điều tiết hành vi giao thông theo hướng không khuyến khích sử dụng xe cơ giới cá nhân vào khu vực có mật độ giao thông cao, góp phần giảm ùn tắc giao thông mà nhiều nước đã thực hiện.

Xét trên khía cạnh lợi ích thì tất cả chủ thể tham gia giao thông và toàn thể xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc tiết kiệm thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa nhờ giảm ùn tắc giao thông trong khu vực thu phí.

Theo bà Bình, về mức phí phải được cân nhắc, vì nếu quá thấp thì tỉ lệ ô tô cá nhân giảm không đáng kể, không tác động đến giảm ùn tắc, nếu thu quá cao thì tuy mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông nhưng ảnh hưởng đến đời sống và hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông trong vùng thu phí, cũng như có thể khó bù đắp kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí.

Về điều kiện triển khai thu phí, TS Bình nhấn mạnh, việc thu phí chỉ khả thi khi đã đáp ứng được các điều kiện: Xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí; Đảm bảo số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông; Lắp đặt trang thiết bị trên các xe để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng phạt nguội; Đảm bảo các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh và bãi đỗ trung chuyển để hành khách gửi xe cá nhân và đi phương tiện công cộng, phương tiện thay thế; Đảm bảo năng lực hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi từ đi xe cá nhân của một bộ phận người dân.

Theo báo cáo kết quả thực hiện xây dựng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự kiến từ năm 2025 sẽ thu phí ô tô đi từ khu vực vành đai 3 vào trung tâm Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Khung giờ thu phí từ 5h đến 21h hàng ngày, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm để hạn chế các chuyến đi không cần thiết. Ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ không thu phí.

Mức phí đề xuất với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (đối tượng chính của thu phí) từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt. Mức phí với ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.

Để thu phí sẽ bố trí 68 vị trí với 87 trạm thu phí tự động không dừng đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí, xe quá cảnh trên vành đai 3 không phải trả phí. Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí hơn 2.646 tỉ đồng.

Đề án tạm thời xác định nếu thu 50.000 đồng/lượt đối với xe dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với xe từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2.1 đạt khoảng 1.175 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2.2 đạt khoảng 1.326 tỉ đồng/năm.

Nguồn phí thu được sử dụng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì hệ thống thu phí, sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông.

T.P.

Nguồn: Tuổi Trẻ

This entry was posted in giao thông. Bookmark the permalink.