Chuyện “nhân tài” phá nát xã hội

Hiệu Minh

Nếu hệ thống mà để tài năng dùng vào mục đích xấu thì sự phá hoại là rất lớn. Vụ mới nhất liên quan đến GĐBV Bạch Mai vừa bị khởi tố, một tài năng y học, tu nghiệp bên Pháp về ngành Tim mạch.

Năm 1980 sau khi đoạt giải nhất Chopin, nghệ sỹ Đặng Thái Sơn quay lại Moskva học tiếp và tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovky năm 1983 rồi sang Nhật giảng dạy và định cư tại Canada từ năm 1991. Hình như Hà Nội không nằm trong kế hoạch của ông. Trong cuộc thi Chopin 18 vừa kết thúc tại Ba Lan, hai học trò của ông, Bruce (Xiaoyu) Liu giành giải nhất và J J Jun Li Bui đã giành giải 6. May cho nghệ sỹ.

Nhà toán học Ngô Bảo Châu giành được Huy chương Fields do nghiên cứu bên Pháp và giờ thì đang ở Mỹ. Nhà vật lý Đàm Thanh Sơn cũng vậy. Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva năm 1991 và nhận bằng tiến sĩ vật lý tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva năm 1995 rồi đi tuốt sang Mỹ. May cho hai người.

Nhớ 5-6 năm trước, đình đám được vài tuần, tiền vào như nước, bỗng nhiên Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird đi ở ẩn và nghe nói đã sang Mỹ làm việc cho một công ty IT nổi tiếng. Một nghị sỹ Mỹ nói chuyện với tôi cứ tiếc mãi, giá như vào tay ông thì Hà Đông sinh ra tiền tỷ đô. Việt Nam đã bỏ phí một tài năng IT xuất chúng, chất xám chảy đi, tiền cũng mất, thiệt đủ đường. Hà Đông khôn như Flappy Bird.

Một lần đi cafe với một luật sư trẻ người Việt đang làm cho một tổ chức tài chính quốc tế ở Washington DC, chúng tôi lan man về nạn chảy máu chất xám. Rất nhiều sinh viên du học ở Mỹ và phương Tây tìm cách ở lại, phần lớn là những tinh hoa từ các trường phổ thông.

Ngay tại World Bank, có vài bạn trẻ từng học ở trường chuyên Amsterdam Hà Nội, dù mới ngoài 30 tuổi nhưng đã là chuyên gia kinh tế có tiếng của tổ chức này.

Câu hỏi đơn giản, về nước thì người như anh sẽ làm gì với vốn kiến thức luật quốc tế về tài chính, ngoại ngữ như gió, có ai cần không? Hay phải làm trong môi trường mà ai cũng tìm cách thỏa hiệp để tồn tại, rủ nhau chia chác hay lập dự án trời ơi, muốn ăn phải phá?

Anh bảo, ai cũng biết, khi người tài mà dùng trí tuệ kết hợp với hiểu biết tầm toàn cầu cho mục đích xấu như trộm cắp hay tham ô tài sản quốc gia thì hệ lụy không hề nhỏ và hơi khó bị bắt.

Ăn cắp mà vẫn đúng luật quốc tế là trò chơi của những kẻ có kiến thức nhưng vô đạo. Dự án trên trời, thu vén vài quốc tịch, thẻ xanh, đầu tư ra nước ngoài bằng tiền tham nhũng dễ như trở lòng bàn tay.

Chúng tôi nhớ lại nhà tài phiệt Bernard Madoff, từng là chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ và có hãng đầu tư cùng tên ở phố Wall. Với hiểu biết về chứng khoán và cung cách hoạt động của sàn giao dịch, Madoff đã kiếm hàng tỷ đô la vào túi vì gian lận tài chính. Ông đã bị bắt năm 2008 và bị phạt 150 năm tù.

Vụ gian lận của Madoff đã làm thiệt hại tới 50 tỷ đô la, nhiều ngân hàng tại Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Italia, Hà Lan, Nhật Bản đã ngậm đắng vì vụ lừa đảo này vì họ mất hàng trắng hàng tỷ đô la.

Suốt từ khi thành lập công ty những năm 1960, Madoff được coi là doanh nhân xuất chúng và một nhà từ thiện.

Việc ông bị bắt đã làm chao đảo thương mại toàn cầu năm 2008 khi khủng hoảng tài chính thế giới lên đỉnh điểm. Một trí tuệ siêu việt được dùng cho mục đích bẩn thỉu đã ảnh hưởng cả thế giới.

Một đồng nghiệp khác tâm sự về vụ án ACB và ông Kiên đầu bạc từ vụ án năm 2012. Hồi trong nước, anh rất mê bầu Kiên đầu bạc qua các bài báo. Nhưng rồi bầu Kiên bị bắt làm anh choáng váng, không thể hiểu tại sao nhiều người tài năng lại có thể dính vào vòng lao lý một cách dễ dàng như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng đến như vậy.

Nếu không có lỗ hổng về hệ thống hay thể chế thì chắc chắn họ không thể khuynh đảo xã hội như thế. Cho tới nay, không hiểu bầu Kiên đã gây thiệt hại to lớn như thế nào cho nền kinh tế.

Vụ án Vinashin thiệt hại 4 tỷ đô la và dư chấn vẫn còn tới hôm nay dù ông đứng đầu đã bị tù 20 năm và phải đền 500 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Bình là chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Bí thư Đảng ủy, người bổ nhiệm con trai sinh năm 1980 từ một nhân viên tập sự trở thành Viện phó Viện Khoa học công nghệ tàu thủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm và kiểm định tàu thủy, rồi các chức danh khác.

Ông Bình cũng bị bắt vì một tội tương tự như bầu Kiên “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ai cũng sợ phải sống và làm việc trong một môi trường pháp lý nhiều lỗ hổng, thiếu minh bạch, quan hệ chồng chéo, hậu duệ hơn trí tuệ, nhiều tài năng trẻ bị uổng phí. Khi ấy họ sẽ sợ không dám làm hoặc phải tự cứu như người bạn làm ở Washington DC nếu như không muốn dính vào vòng lao lý.

Một trong những “biến chứng” khác, là cơ chế không tốt, có thể biến một số người thành một kiểu mafia không hơn không kém như nhà tài phiệt Madoff, cuối cùng bị bắt, bị tù cho đến lúc chết.

Nguy hiểm hơn cả là hậu quả để lại, quốc gia không thể phát triển.

Thể chế văn minh là tạo ra chính sách và môi trường cho sáng tạo và phát triển, nuôi dưỡng những tài năng cho đất nước và cho nhân loại. Nếu hệ thống mà để tài năng dùng vào mục đích xấu thì sự phá hoại là rất lớn.

Tài năng không đặt trong đúng hệ thống thì không thể phát triển, không thăng hoa và chẳng giúp gì do dân tộc. Trí tuệ khác người thì đừng dùng trong hệ thống không giống ai.

H.M.

Nguồn: FB Giang Công Thế

This entry was posted in Nhân tài. Bookmark the permalink.