Từ AUKUS nói về liên minh quân sự: Liệu Việt Nam đã bỏ diễn ngôn “không liên kết”?

Cái Lư Hương

Các liên minh quân sự không những chưa hết thời mà còn có dấu hiệu nở rộ.

Minh họa: Trend Research.

“Thứ duy nhất tồi tệ hơn việc xung đột vũ trang với đồng minh là tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang mà không có họ.”

(Winston Churchill) [1]

Đồng minh quân sự và vấn đề đối tác chiến lược giữa các quốc gia – dân tộc có chủ quyền luôn là một chủ đề khó kiểm soát. Từ các thảo luận và tranh chấp chính trị nội địa, vấn đề chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng giữa các đồng minh, cho đến các mong muốn và tham vọng chiến lược khác nhau, có vô vàn những yếu tố có thể làm ảnh hưởng và cản trở hệ thống đồng minh đến mức khiến chúng đổ vỡ.

Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong của North Atlantic Treaty Organization (NATO – hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), khối liên minh quân sự to lớn và có tiềm lực nhất thế giới. Thời gian qua, nước này tiếp tục dẫn đầu thành lập nên khối quân sự mới AUKUS (gồm Mỹ, Anh, Úc) tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Sự ra đời của AUKUS cho thấy các nỗ lực và chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ luôn đi kèm với sự đồng thuận và ủng hộ tuyệt đối từ các quốc gia đồng minh trong một khu vực địa lý cụ thể.

Trong bối cảnh đó, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần xem xét và đánh giá lại chính sách “không liên kết”, vốn là tôn chỉ ngoại giao lâu nay của Việt Nam. Bài viết bàn về các mặt lợi – hại của chủ trương này trên lý thuyết.

Lợi ích quốc gia trên hết? Học thuyết Washington về những “liên minh bất ổn”

Một trong những diễn ngôn thường được xướng lên tại Việt Nam khi nói về vấn đề đồng minh trong ngoại giao là “không có kẻ thù hay bạn bè mãi mãi, chỉ có lợi ích dân tộc là mãi mãi”. Ở một mặt nào đó, đây có thể được xem là nền tảng cho tư duy không liên kết, không gắn chặt lợi ích của Việt Nam với bất kỳ phe phái quốc tế nào.

Công bằng mà nói, không chỉ giới lãnh đạo Việt Nam mới có cách nghĩ như vậy.

Ảnh minh họa: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong một cuộc họp báo nhân chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton năm 2012. Ảnh: EPA/KHAM/POOL.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ, cách đây gần ba thế kỷ, đã cảnh báo rằng những mối quan hệ đồng minh dây mơ rễ má (entangling alliances) sẽ cuốn Hoa Kỳ vào những tranh chấp không hồi kết dù chúng không phục vụ tối đa cho lợi ích quốc dân. [2] Đây là một trong những lý do mà cựu Tổng thống Donald Trump liên tục đe dọa xét lại các mối quan hệ đồng minh với toàn bộ Châu Âu (qua NATO), với Nhật, với Hàn Quốc cũng như với Philippines. [3] Ông này cho rằng Hoa Kỳ đang nhận quá nhiều phần thiệt chỉ để bảo đảm “an toàn” cho các quốc gia đồng minh.

Chưa phán xét đến tính đúng đắn của cách tiếp cận này, Donald Trump là một ví dụ điển hình cho thấy xung đột và tranh cãi chính trị nội địa có thể đe dọa đến tính ổn định của hệ thống đồng minh trong ngoại giao và quân sự quốc tế.

Quan điểm này cũng được thể hiện trong chính sách được gọi là “The Washington Doctrine of Unstable Alliance” do Tổng thống George Washington đề xuất. [4] Đúng như tên gọi, “học thuyết về liên minh bất ổn”, ông cho rằng Hoa Kỳ không nên đầu tư quá sâu vào bất kỳ mối quan hệ ngoại giao hay liên minh chính trị – quân sự nào, mà chỉ nên xem chúng là các công cụ tạm thời và tự do rời bỏ chúng khi cần đặt lợi ích quốc gia lên trên.

Trong thư cáo biệt chính quyền liên bang, [5] Washington để lại những gợi ý rõ ràng và đáng tham khảo về chính sách ngoại giao và góc nhìn về các liên minh dù là quân sự, kinh tế hay chính trị:

1. Tránh việc xây dựng các liên minh bền vững (permanent alliance) với bất kỳ phần nào của thế giới;

2. Luôn cẩn trọng “giữ mình” phòng thủ trong các liên minh tạm thời dù chúng có thể có lợi cho quốc dân trong các tình thế khẩn cấp đặc biệt;

3. Sự đại đồng, hòa hợp và các liên hệ trên tinh thần cấp tiến với mọi quốc gia – dân tộc nên được đề cao không chỉ về mặt lợi ích chính sách, mà còn vì nhân loại nói chung.

Trong một thời gian dài, các nguyên tắc này được các đời chính phủ Hoa Kỳ thực hiện qua chính sách không can thiệp (non-interventionism) tương đối nhất quán, đặc biệt trong các vấn đề có liên quan đến chính trị Châu Âu trong suốt thế kỷ 19 đến tận đầu thế kỷ 20, bao gồm cả thời gian đầu của hai cuộc đại chiến thế giới.

Hành vi này có thể mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ, tuy nhiên, nó cũng cho thấy mặt trái của các liên minh tạm bợ vì lợi ích riêng – không giá trị chung nào của nhân loại được bảo vệ. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà Washington kỳ vọng.

Từ học thuyết liên minh bất ổn, chính trị thế giới sản sinh thêm nhiều các hành vi khác như “hoán đổi liên minh” (reversal of alliances) mà theo đó, các cựu đồng minh hoàn toàn có thể rời bỏ các giá trị, tôn chỉ và lợi ích chung để theo đuổi các lợi ích riêng biệt vốn có thể có hại lớn cho viễn cảnh bảo vệ quyền và lợi ích chung của các cộng đồng và toàn thể nhân loại. Molotov–Ribbentrop Pact (1939), hay Hitler-Stalin Pact, nhắm đến việc hòa hoãn giữa Liên Xô và Đức Quốc xã và chia chác ảnh hưởng lãnh thổ tại Bắc Âu là một trong những ví dụ điển hình thường được nhắc đến của “hoán đổi liên minh”. [6]

“Đường lối” của Washington ở một mức độ nào đó dường như không còn hợp lý.

Đặt trong bối cảnh pháp luật quốc tế ngày một phát triển, các giá trị phổ quát ngày càng được hiểu và được tiếp nhận trên toàn thế giới, những liên minh quân sự nay không đơn thuần là vì lợi ích, mà còn là nền tảng để bảo vệ các giá trị chung.

Và đối với các quốc gia nhỏ, bảo vệ được các giá trị cấp tiến chung mới là bảo vệ chính mình.

Thời đại của liên minh: hết thời hay cờ tới?

Trước tiên, người viết thừa nhận rằng hệ thống liên minh quân sự chính trị đang áp đảo ngày nay vẫn có lợi cho một trật tự thế giới thân phương Tây.

Sự bao phủ của NATO ở Châu Âu và vùng Trung Đông – Tây Á, và đến nay là AUKUS với kỳ vọng kết nối an ninh Đại Tây Dương – Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, là một lời nhắc nhở cho cả thế lực chính trị cựu thù (như Nga) hay mới nổi (như Trung Quốc), rằng họ đừng làm điều gì dại dột bằng vũ lực với kỳ vọng hoán chuyển trật tự và thay đổi mô hình “dĩ Âu vi trung”. [7]

Đây là một trật tự có lợi rõ ràng cho Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết của họ.

Nhưng nó cũng không hẳn bất lợi cho Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng công bố thành lập liên minh AUKUS vào ngày 15/9/2021. Ảnh: Getty Images.

Hệ thống các chuỗi cung ứng và lợi ích kinh tế mà đồng minh Hoa Kỳ lẫn Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam là động lực lớn nhất tiếp sức cho sự phát triển của đời sống kinh tế lẫn xã hội Việt Nam.

Các can thiệp nhân quyền vừa phải và thông qua con đường ngoại giao của Hoa Kỳ và các thiết chế nhân quyền phương Tây cũng từng bước giúp nhiều nhóm quyền tại Việt Nam được thảo luận, được mở rộng và xem trọng hơn, dù đó là quyền phụ nữ, quyền người đồng tính, quyền trẻ em hay các quyền dân sự – chính trị nói chung.

Cũng cần nhớ, chính hệ thống “dĩ Âu vi trung” này đã mang lại tiền bạc, kiến thức và các lợi ích thiết thực tạo nên sự trỗi dậy của Trung Quốc từ thập niên 1980.

Công bằng mà nói, trật tự chính trị do phương Tây dẫn đầu rõ ràng không loại trừ sự phát triển của các quốc gia Đông Á, Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.

Mặt khác, các dự đoán về sự chấm dứt của thời đại liên minh từ nhiều chuyên gia chính trị – quân sự thế giới dường như không hề chính xác.

Ví dụ, trong nghiên cứu của nhà khoa học chính trị người Pháp Bruno Tertrais có tên gọi “The Changing Nature of Military Alliances”, ông khẳng định chắc nịch rằng các liên minh quân sự – chính trị đã lỗi thời, không còn chỗ đứng. [8]

Theo ông, các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã không cần Hoa Kỳ như họ từng cần đến nước này trong quá khứ.

Tertrais cũng tranh biện rằng xung đột tại Afghanistan, Iraq và Cuộc chiến chống khủng bố (War on Terror) là một trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm duy trì vị trí dẫn đầu của mình trên mặt trận quân sự.

Và ông cũng bổ sung rằng bản thân chính quyền Hoa Kỳ đang bắt đầu ưa thích các “liên minh mùa vụ” hơn  (ad hoc alliance – ý chỉ các liên minh quân sự được kêu gọi và hình thành trong từng mục tiêu cụ thể).

Nhưng có vẻ các dự đoán của Tertrais đều không như kỳ vọng.

Sự trỗi dậy kinh tế của Nga và Trung Quốc chỉ đẩy mạnh thêm khát vọng chính trị toàn cầu của họ.

Nga tiếp tục quân sự hóa và đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự tước đoạt lãnh thổ của các quốc gia liền kề, thổi hơi vào gáy một Châu Âu tưởng rằng họ rất bình an.

Trung Quốc thì chưa bao giờ thôi mộng tưởng về một thế giới Đại Hán mới.

Từ sáng kiến Vành đai – Con đường, rồi đến hàng loạt tham vọng lãnh thổ – chính trị (đã dẫn đến xung đột đổ máu) tại biển Đông, tại Ấn Độ, v.v. hầu hết quốc gia láng giềng của người bạn lớn này có đầy đủ lý do để phải lo lắng. Đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử họ sống chung với một anh Trung Quốc nhà giàu, và họ biết “anh ta” sẽ lại mơ mộng về một thiên triều Đại Hán ra sao.

Trong bối cảnh đó, các liên minh quân sự và chính trị ổn định, có hệ thống và theo đuổi những tôn chỉ chung do Hoa Kỳ dẫn đầu lại trở thành thời thượng, thậm chí được cho là cần thiết.

NATO ngày càng mở rộng với nhiều dự án và thành viên mới. [9] Trong khi đó, liên minh AUKUS vừa thành lập cũng đã được nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á, chào đón nồng hậu.

***

Thật khó để nói chính quyền Việt Nam đương đại có còn giữ nguyên tắc “không liên kết” của mình hay không.

Một mặt, họ liên tục trấn an Trung Quốc (và cả thế giới rằng) Việt Nam sẽ không dùng lãnh thổ của mình làm bàn đạp để tấn công nước khác, sẽ không tham gia các liên minh quân sự để đạt được mục tiêu quốc phòng. [10]

Tuy nhiên, mặt khác, Việt Nam cũng tích cực tham gia vào hàng loạt các hoạt động an ninh khu vực do Hoa Kỳ khởi xướng, gần đây nhất là ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương với đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, như thỏa thuận vừa ký với Nhật Bản vào tháng 9/2021 vừa qua. [11]

C.L.H.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

This entry was posted in Liên minh quốc tế. Bookmark the permalink.