Vụ án Phạm Đoan Trang: Cáo trạng cho biết những gì?

Mỹ Hằng

Thăm gặp bà Phạm Đoan Trang

Hôm nay, 19/10/2021, tôi vào Trại tạm giam số 1 Hà Nội để gặp bà Phạm Đoan Trang với tư cách luật sư của bà.

Về tình hình chung, bà Trang vẫn giữ tinh thần lạc quan và tỏ ra minh mẫn đến các chi tiết. Bà nhớ từng ngày hỏi cung và một số sự việc điển hình mà bà phải đối mặt trong các buổi hỏi cung này.

Bà luôn nói: “Tôi sẽ không khai gì cho đến khi có mặt của luật sư”. Và vì thế các cuộc làm việc không có gì khác ngoài sự im lặng của bà.

Về sức khoẻ, bà Trang cho biết, hai chân bà vẫn bị đau vì thời tiết lạnh làm cho xương khớp đau nhức hơn, do vài năm trước đó bà bị tấn công đến cả gãy xương ống chân.

Bà nói, từ khi bị bắt giam, và đến lúc này, bà bị chảy máu (phụ nữ) nhiều, liên tục tới 15 ngày mỗi tháng, cộng thêm với tình trạng huyết áp thấp nên khá mệt và rõ ràng bà cho biết là có dấu hiệu của khối u (trước đó bà khám đã được bác sỹ nói có u nang) mà không được thăm khám và điều trị gì, và với tình trạng này kéo dài bà đã sụt 10 cân, từ 58kg xuống còn 48kg).

Bà Trang bị cáo buộc bởi một số tập tài liệu bằng tiếng Anh, hai bài phỏng vấn trên đài RFA và BBC; bà không bị cáo buộc về các cuốn sách và các bài viết trên Facebok Pham Doan Trang vì bà không xác nhận rằng đó là tài khoản của mình (do đó không có cơ sở để xử lý).

Một số thủ tục và quyền tố tụng của bà đã được tôi trao đổi với tư cách luật sư để bà thực hiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước phiên toà sắp tới. Về cơ bản, bà tỏ ra quan tâm tới mọi người hơn là cá nhân bà, mặc dù bà đang bị giam giữ mà bà cho biết rằng “nằm nền bê tông thật khó chịu và lạnh”.

Bà Trang vẫn giữ ánh mắt và giọng nói mạnh mẽ và thỉnh thoảng vẫn bật cười khi nói tới các sự kiện của bản thân, có vẻ như với bà, không có sự giam cầm và những vấn đề của các cáo buộc luôn là một thứ nằm ngoài các suy tư của bà.

Sau suốt hơn một năm bị giam, hôm nay là lần đầu tiên bà gặp mặt luật sư của mình và trao đổi các vấn đề liên quan tới vụ án. Và theo hướng dẫn của luật sư, bà đã hiểu rõ các vấn đề tố tụng và một số quyền liên quan để thực hiện việc bào chữa cho phiên toà sắp tới.

Luân Lê

Bà Phạm Thị Đoan Trang bị bắt ngày 6/10/2020 tại Sài Gòn

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nhà báo, nhà hoạt động dân chủ Phạm Thị Đoan Trang về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999”.

Bình luận về bản cáo trạng, ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí nói với BBC rằng có khả năng bà Phạm Đoan Trang sẽ được nhận mức án nhẹ.

Cũng theo ông Long, bản cáo trạng “cung cấp nhiều thông tin chưa từng được biết đến của vụ án”.

‘Có khả năng nhận bản án nhẹ’

Theo ông Trịnh Hữu Long, cáo trạng cho biết Đoan Trang phạm tội liên tục, kéo dài từ 2017 tới 2019, nghĩa là cả Bộ luật Hình sự cũ và Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018) đều có thể được áp dụng cùng lúc cho vụ án này.

Tuy nhiên, cáo trạng cho biết do bà Trang không khai nhận hành vi phạm tội, hơn nữa Bộ luật Hình sự cũ có lợi cho bà Trang do quy định mức khởi điểm của khung hình phạt thấp hơn Bộ luật Hình sự mới (3 năm ở luật cũ thay vì 5 năm ở luật mới), nên cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, bỏ khởi tố theo Điều 117 của luật mới mà chỉ khởi tố theo Điều 88 của luật cũ.

Cáo trạng chỉ truy tố bà Trang ở Khoản 1 điều 88 thay vì truy tố ở Khoản 2. Khoản 1 khung hình phạt nhẹ hơn nhiều, từ 3-12 năm. Khoản 2 thì mức án nặng hơn nhiều, từ 10-20 năm.

“Nhiều người trước đây từng lo ngại Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động hiệu quả, được cho là hàng đầu Việt Nam, thì chị sẽ bị cáo buộc vào khung nặng nhất, có thể từ 16-20 năm tù như ông Trần Huỳnh Duy Thức.

“Tuy nhiên căn cứ vào cáo trạng thì bà Trang có khả năng nhận mức án nhẹ hơn, có thể từ 3-5 năm,” ông Long nhận định.

‘Logic chính trị’ của vụ án

Cũng theo ông Trịnh Hữu Long, Điều 88 Bộ Luật Hình sự (cũ) quy định về tội danh tuyên truyền chống nhà nước mà những điểm phi logic, bất hợp lý của nó đã được giới luật sư phân tích nhiều.

“Bản thân điều luật này thường được dùng để bịt miệng những người được cho là chỉ trích lãnh đạo hoặc cá nhân trong chính quyền. Những cáo trạng được đưa ra từ trước tới nay dựa trên điều luật này chỉ nhằm bảo vệ nhà nước và chính quyền. Đó là hành vi trực tiếp đặt chính quyền lên trên pháp luật, và bảo vệ cho các quan chức chính quyền nhiều hơn so với công dân bình thường, đi ngược lại hoàn toàn những nguyên tắc pháp quyền – mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,” ông Long nói với BBC.

Ông Long cho rằng việc đưa ra một cáo trạng dựa trên một điều luật ‘vô lý’ đã là điều vô lý, nhưng bản thân bản cáo trạng cũng có nhiều điểm thiếu logic, đặc biệt là lý do tại sao cơ quan điều tra chọn điều 88 thay vì điều 117 không thực sự rõ ràng.

“Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đây là một vụ án chính trị, nên logic mà chúng ta bàn đến ở đây là logic chính trị.

“Logic chính trị ở đây là” Có thể chính quyền muốn xử nhẹ đối với Phạm Đoan Trang, thay vì xử nặng như ý định ban đầu. Và họ đang cố gắng tạo ra một bản cáo trạng trông có vẻ hợp lý,” ông Long nói.

Với những thay đổi trong bản cáo trạng này, ông Long nhận định rằng ‘xu hướng’ xét xử sẽ là ‘giảm nhẹ’.

Về phiên tòa ngày 4/11, ông Long nhận định rằng sẽ không khác các phiên tòa chính trị trước đây.

“Sẽ không công khai, thậm chí người nhà không được dự. Báo chí quốc tế có thể được dự nhưng báo chí độc lập thì không. Công chúng chắc chắn sẽ không được tiếp cận. Và phiên tòa sẽ kết thúc tron vòng một ngày”.

“Bản thân Điều 88 đã là một điều luật phi lý, nên dù tuyên án Đoan Trang nặng hay nhẹ cũng đều bất công với Đoan Trang. Việc duy nhất đúng là trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Đoan Trang, đồng thời bồi thường những thiệt hại mà cô ấy phải gánh chịu trong suốt hơn một năm bị giam giữ vừa qua,” ông Trịnh Hữu Long nói với BBC.

Sức ép trong nước, quốc tế và Covid

Một trong những lý do khiến Phạm Đoan Trang có thể được xử nhẹ lần này, theo ông Long, là do có thể chính quyền Việt Nam đang phải đàm phán với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU, Canada, Úc, để có thêm nhiều vaccine và nhanh chóng ổn định tình hình kinh tế hiện nay.

Bên cạnh đó, có thể chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giữ chân các doanh nghiệp phương Tây – vốn đang chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước khác do tình hình kinh doanh khó khăn vì dịch Covid.

“Do đó đây có thể là những bất lợi đối với chính quyền Việt Nam liên quan đến nhân quyền, nhưng có lợi cho các vụ án chính trị hiện nay,” ông Long nói.

Cũng theo ông Long, các can thiệp, ý kiến từ Liên Hiệp Quốc là vẫn rất quan trọng, dù khó để nói chính xác hiệu quả tới đâu.

“Lâu nay nhiều người vẫn chỉ trích Liên Hiệp Quốc là một tổ chức kém hiệu quả. Tuy nhiên tôi cho rằng ý kiến của họ vẫn rất có giá trị, và là những ý kiến mà chính quyền Việt Nam phải để ý tới và phải phản hồi.”

Bên cạnh đó, ông Long nhấn mạnh vai trò của ‘sức ép trong nước’. Ông nói:

“Những hoạt động vận động của chúng ta từ xưa tới nay có hiệu quả tới đâu quả thật rất khó nói. Nhưng tôi cho rằng đây chính là sức ép mà chính quyền Việt Nam e ngại nhất. Chỉ bằng cách gây sức ép chúng ta mới có thể bảo vệ được những người đã dấn thân đấu tranh cho dân chủ.”

“Do đó tôi mong công chúng Việt Nam quan tâm tới các vụ án chính trị nhiều hơn, trong đó có vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang và lên tiếng về vụ án này bằng bất kỳ phương tiện nào bạn có.”

Cáo trạng nói gì?

“Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Phạm Đoan Trang từng đoạt giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục Ảnh hưởng, của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2019

Một số điểm đáng chú ý trong cáo trạng:

    • Đoan Trang không cung cấp mật khẩu máy tính cho công an nên công an không khai thác được dữ liệu từ đây.
    • Đoan Trang không khai nhận tài khoản Facebook “Pham Doan Trang” là của mình nên cơ quan điều tra không xử lý các hành vi phát ngôn trên tài khoản Facebook này.
    • Đoan Trang khai nhận là tác giả của tài liệu “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” (cả bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh), được đăng trên Luật Khoa tạp chí.
    • Ngày 19/2/2021, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin – Truyền thông) có công văn gửi cơ quan điều tra nói rõ “chưa thể xác định được chủ sở hữu tên miền, nên không có căn cứ xác minh đối tượng thành lập và duy trì hoạt động của trang mạng http://luatkhoa.org để xử lý theo quy định pháp luật”.
    • Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội nhiều lần.
    • Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Không.
    • Cáo trạng cho biết Đoan Trang phạm tội liên tục, kéo dài từ 2017 tới 2019, nghĩa là cả Bộ luật Hình sự cũ và Bộ luật Hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018) đều có thể được áp dụng cùng lúc cho vụ án này.
    • Tuy nhiên, cáo trạng cho biết do Đoan Trang không khai nhận hành vi phạm tội, hơn nữa Bộ luật Hình sự cũ có lợi cho Đoan Trang hơn do quy định mức khởi điểm của khung hình phạt thấp hơn Bộ luật Hình sự mới (3 năm ở luật cũ thay vì 5 năm ở luật mới), nên ngày 12/7/2021, cơ quan điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, bỏ khởi tố theo Điều 117 của luật mới mà chỉ khởi tố theo Điều 88 của luật cũ.

Các chứng cứ được sử dụng để buộc tội Phạm Đoan Trang

  • Tài liệu tiếng Anh “Brief report on the marine life disaster in Vietnam”;
  • Tài liệu tiếng Anh “General Assessments on human rights situation in Vietnam”;
  • Tài liệu tiếng Anh “Report Assessment of the 2016 Law on Belief and Religion in relation to the exercise of the right to Freedom of Religion and Belief in Vietnam”;
  • Tài liệu tiếng Việt: “Báo cáo – nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”;
  • Hai bài trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt và Đài Á châu Tự do (RFA) năm 2018

Các hoạt động của Phạm Đoan Trang

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế

Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang (giữa) trong một lần gặp gỡ các chính khách quốc tế

Bà Đoan Trang từng viết nhiều sách gây tiếng vang như Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực.

Bà Trang từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Cộng hòa Czech.

Vào tháng 9/2019, Phạm Đoan Trang đã được Tổ chức Phóng viên Không biên giới trao cho Giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục “Ảnh hưởng”.

Bà Trang là người đồng sáng lập blog Luật Khoa Tạp Chí, nơi cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý để giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền của mình.

Bà cùng với nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt Will Nguyễn từng công bố bản Báo cáo Đồng Tâm song ngữ Anh Việt.

Trong bức thư đề ngày 27/5/2019 của Phạm Đoan Trang do Will Nguyễn công bố, bà Trang viết về ba tâm nguyện bà muốn cộng đồng thực hiện: Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới; Quảng bá các sách bà viết; Biến việc bà đi tù thành cơ hội để giới dân chủ đàm phán với nhà nước; Đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

M.H.

Nguồn: BBC News Tiếng Việt

This entry was posted in Nhân Quyền, Phạm Đoan Trang, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.