Hanns W. Maull, The Diplomat 16/10/2021
Đỗ Kim Thêm dịch
Một số chuyên gia lập luận rằng chúng ta đang “hiện diện trong việc thành lập” một kiến trúc an ninh mới cho Ấn Độ -Thái Bình Dương, lấy tên cuốn hồi ký của Dean Acheson, một trong những kiến trúc sư chiến lược ngăn chặn của Hoa Kỳ những năm 1940. Có lẽ chúng ta đang trên con đường đó nhưng cả khối AUKUS cũng như hội nghị thượng đỉnh của bộ Tứ (Quad) đều không giúp chúng ta tiến quá xa. Tuy cả hai đều báo hiệu sự phản kháng ngày càng tăng đối với lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, nhưng vẫn còn những khoảng trống đáng kể trong nỗ lực nhằm điều tiết các tham vọng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, việc so sánh với lịch sử của Chiến tranh Lạnh ở châu Âu trong thời kỳ đầu là cần thiết. Cho đến nay, ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, những gì còn thiếu là ba thành tố quan trọng: các cam kết kiên quyết; khuôn khổ đa phương đúng đắn; và hỗ trợ quốc nội vững chắc ở các nước quan trọng cho một trật tự khu vực mới có thể thích nghi một cách xây dựng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thứ nhất là các cam kết: Trong Chiến tranh Lạnh ở Châu Âu, chiến lược của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên một hiệp ước quy định các cam kết và nghĩa vụ đối với tất cả các quốc gia thành viên.
Trên nền tảng hiệp ước đó, cuối cùng, NATO đã xây dựng một cấu trúc quân sự kết hợp với một bộ chỉ huy duy nhất. Các cam kết được thực hiện bằng việc xúc tiến triển khai cho quân đội, do đó củng cố được lòng tin. Ngược lại, cho đến nay, khối AUKUS và bộ Tứ (Quad) chỉ là những lời tuyên bố về ý định.
Một yếu tố quan trọng của khối AUKUS là việc Úc mua tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh-Mỹ vẫn chưa được đàm phán trong chi tiết, cả chi phí và khung thời gian vẫn còn nhiều bất định. Việc Washington rút quân khỏi Afghanistan cũng như cách Pháp bị khối AUKUS lừa gạt đều không phải là ví dụ điển hình về cam kết kiên định, đáng tin cậy với các đồng minh cho Hoa Kỳ.
Thứ hai, Ấn Độ-Thái Bình Dương đang thiếu thiết chế phù hợp cho việc hợp tác đa phương. Ở châu Âu trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, khối NATO nhanh chóng trở thành khuôn khổ lựa chọn cho tất cả những ai muốn chống lại các tham vọng bành trướng của Liên Xô. Nếu so sánh với khối AUKUS, đó là một cấu trúc khá đặc biệt, nó loại trừ nhiều đối tác quan trọng. Tất nhiên, nó bao gồm cả Anh, nhưng sự hiện diện của Vương quốc Anh phản ánh những ước vọng hơn là nỗ lực nghiêm túc. Sự tham gia của Luân Đôn dường như cho thấy Anh có thể đóng góp các nguồn lực đáng kể cho tình hình an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, một gợi ý được nhấn mạnh bởi chuyến thăm gần đây của Queen Elizabeth, tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh, khi tới vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương và tham gia các cuộc thao diễn đa phương.
Tuy nhiên, thực tế là Vương quốc Anh không đủ khả năng để xuất khẩu an ninh sang các khu vực khác trên thế giới: ngân sách quốc phòng eo hẹp, nguồn lực quân sự được mở rộng quá mức, và an ninh châu Âu ngày càng suy yếu so với việc Nga kiên quyết thực hiện xây dựng quân đội. Brexit không có đóng góp gì để tách Anh ra khỏi an ninh châu Âu, chính phủ hiện tại của Anh dường như không muốn quan tâm ràng buộc đó. Vương quốc Anh không có khả năng xuất khẩu an ninh sang Ấn Độ-Thái Bình Dương dưới bất kỳ hình thức nào ngoài các điều khoản mang tính biểu tượng. Do đó, sự tham gia của Anh vào khối AUKUS phản ánh tinh thần thoát ly của Thủ tướng Boris Johnson hơn là các thực tế về chính sách an ninh ở châu Âu và ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Mặt khác, trong cả hai, khốî AUKUS và bộ Tứ (Quad), đang thiếu một số quốc gia rõ ràng. Ngay cả khi giả sử rằng có hai khuôn khổ có thể được kết hợp hoặc xây dựng dựa trên một cách nào đó, cũng còn thiếu hai thành viên khác của Liên minh Ngũ Nhãn [Five Eyes], Canada và New Zealand; các nước Đông Nam Á như Việt Nam; và Pháp, một cường quốc Ấn Độ – Thái Bình Dương quan trọng nhờ tài sản ở nước ngoài và sự hiện diện quân sự của nước này ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tất cả những quốc gia đó đã là đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ, hầu hết đều thông qua các hiệp ước chính thức. Chính sách ngoại giao khôn ngoan của Mỹ (đáng buồn là gần đây đã bị thiếu hụt) nên xoay sở để huy động cho họ tham gia ký kết.
Mặt khác, Ấn Độ là nước không liên kết trong bộ Tứ (Quad), nước đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, dường như khó có thể sớm tham gia vào các liên minh chính thức.
Cả bộ Tứ (Quad) và khối AUKUS đều dự kiến các hình thức hợp tác ngoài các chính sách an ninh quân sự, chẳng hạn như về an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, cả hai, bộ Tứ (Quad) và khối AUKUS đều không phải là hình thức phù hợp: đáng chú ý là các chương trình nghị sự của họ phần lớn trùng lặp với nhau, cũng như với chương trình nghị sự được dự kiến cho Hội đồng Công nghệ và Thương mại Âu-Mỹ. Do đó, có nguy cơ là một số nguồn lực quý giá nhất của các chính phủ, thời gian và sự chú ý của cấp cao, sẽ bị tiêu hao và do đó bị lãng phí trong các khuôn khổ đa phương chồng chéo và thậm chí có thể cạnh tranh nhau. Do đó, cả khối AUKUS và bộ Tứ (Quad), thậm chí khi cả hai kết hợp nhau, đều không phải là khuôn khổ phù hợp để xây dựng một kiến trúc an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương vững chắc có thể hạn chế Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng trong thể chế của an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương cần cả chiều sâu và mở rộng.
Khoảng trống thứ ba và là một khác biệt to lớn nữa đối với Châu Âu trong thời Chiến tranh Lạnh, nó có liên quan đến chính sách trong nước về đối ngoại và an ninh. Trong cộng đồng Đại Tây Dương, ở Hoa Kỳ, cam kết với khối NATO dựa trên sự đồng thuận lưỡng đảng vững chắc và dễ dàng được chấp nhận, cũng như dựa trên nền tảng vững mạnh về chính trị quốc nội ở hầu hết, nếu không nói là tất cả, các nước thành viên. Hiện nay, các chính sách đối ngoại và an ninh ở nhiều quốc gia đang bị coi là con tin cho những mối bận tâm trong nước, sự phân hoá chính trị và phản xạ thuộc về tinh thần dân tộc.
Quan trọng nhất, ở Hoa Kỳ, sự đồng thuận của lưỡng đảng về Trung Quốc bị cáo buộc là lừa dối. Đảng Cộng hòa dường như hoàn toàn có khả năng hạ bệ chính quyền Biden về bất kỳ động thái cụ thể nào đối với Trung Quốc, miễn là đảng này coi đây là một cách làm tổn hại đến triển vọng của Biden và Đảng Dân chủ. Tình hình phân hoá chính trị ở Washington có nguy cơ làm suy yếu loại hình chính sách cân bằng và nhạy cảm về Trung Quốc mà Hoa Kỳ và thế giới đang cần.
***
Hanns W. Maull là khách mời cộng tác, Cộng sự viên cấp cao tại MERICS và Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học John Hopkins, Trung tâm Bologna Nghiên cứu Quốc tế. Ông cũng là thành viên cao cấp tại Học viện về các Vấn đề Quốc tế và An ninh của Đức (SWP) ở Berlin.
* Nguyên văn The Gaps in the New Regional Security Architecture for the Indo-Pacific (Những khoảng trống trong Kiến trúc An ninh Khu vực Mới cho vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương).
H. W. M.
Dịch giả gửi BVN.
Bài liên quan: Tại sao tàu ngầm hạt nhân của Úc là một hành động quân sự thông minh và có thể răn đe Trung Quốc
Bộ Tứ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bắc Kinh*
Bình luận về Hiệp định Đối tác Tăng cường An ninh của Mỹ, Anh và Úc (AUKUS), III