Hôm nay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc trong 3 ngày từ 10 – 12/9/2021 (theo lời mời của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn). Chuyến thăm của ông Vương Nghị nhắc nhở đến sự vụ Đại sứ Hùng Ba đề nghị gặp TT Phạm Minh Chính ngay trước lúc phi cơ của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hạ cánh xuống Hà Nội. Để tránh phải thanh minh “Việt Nam không liên kết với nước này để chống nước kia”, cần phải công khai chiến lược cân bằng quan hệ ngoại giao với các siêu cường.
1. Sơ lược về các đối tác của Việt Nam
Hiện tại, trong ngoại giao, các đối tác ưu tiên của Việt Nam được xếp theo các phạm trù: Đối tác chiến lược toàn diện; Đối tác chiến lược; Đối tác toàn diện; Quan hệ đặc biệt.
Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam mới có 3 nước là Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016).
Đối tác chiến lược của Việt Nam, kể cả 3 nước đối tác chiến lược toàn diện – là 17 nước. 14 nước còn lại: Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013), Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020). Cần lưu ý Nga là đối tác chiến lược của Việt Nam từ năm 2001, đến năm 2012 nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, Ấn Độ là đối tác chiến lược từ năm 2007, đến năm 2016 nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Việt Nam vào năm 2008.
Đối tác toàn diện của Việt Nam hiện nay có 13 nước bao gồm: Nam Phi (2004); Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019).
Quan hệ đặc biệt của Việt Nam gồm Lào và Campuchia.
2. Cân bằng quan hệ với các siêu cường
Nhìn vào các quan hệ đối tác của Việt Nam, người dân thường cũng cảm thấy sự không cần bằng.
Hoa Kỳ là cường quốc số 1 thế giới. Hoa Kỳ phải là một trong những quốc gia đầu tiên để Việt Nam chọn làm đối tác chiến lược toàn diện. Chẳng có lý do gì để đặt quan hệ với Hoa Kỳ nhẹ hơn quan hệ với Trung Quốc và Nga. Bây giờ không phải là thời kỳ chiến tranh lạnh. Sự không cân bằng trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các siêu cường chỉ mang đến cho Việt Nam bất lợi.
3. Nâng quan hệ Việt- Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện
Cần bằng quan hệ với các cường quốc là một trong các sách lược ngoại giao kinh điển, không thuộc sở hữu của ai, cũng không bí mật được với ai. Đã đến lúc Việt Nam cần minh bạch kế hoạch ngoại giao cho toàn thế giới rõ, để tránh phải thanh minh cho mỗi chuyến viếng thăm của chính khách nước này hay nước khác.
Hoa Kỳ phải là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, ngang bằng như với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã đề cập đến việc cần thiết nâng quan hệ Mỹ – Việt lên tầm cao mới trong chuyến thăm Hà Nội 24-26/8/2021. Đây là cơ hội không được bỏ qua và không thể chậm trễ. Đưa quan hệ Việt – Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện phải là mục tiêu quan trọng trong 2 năm 2021-2022.
Không chỉ Hoa Kỳ mà các Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an là Pháp, Anh, và các cường quốc Đức, Nhật cần phải là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
4. Khi xưa ai cấm duyên bà?
Trung Quốc là nước có quan hệ đối tác chiến lược nhiều nhất thế giới (60 nước). Trung Quốc tự do phát triển quan hệ với các nước tuỳ thích, nhưng Trung Quốc lại kiềm chế các nước trong thiết lập quan hệ với các đối tác. Cụ thể là Trung Quốc không muốn Việt Nam có quan hệ Việt – Mỹ như ở mức quan hệ Việt – Trung.
Việt Nam có thể trung lập được không khi quan hệ Việt – Trung mạnh hơn quan hệ Việt – Mỹ? Việt – Nga?
Đã đến lúc phải công khai cho Trung Quốc rõ, sách lược Việt Nam là thiết lập quan hệ với các siêu cường như nhau, cụ thể là quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Nga, Việt – Trung là ngang bằng như nhau. Và quan hệ Việt – Mỹ ở mức đối tác chiến lược toàn diện là điều hiển nhiên.
Minh bạch sách lược quan hệ cân bằng với các siêu cường chỉ có lợi cho Việt Nam. Đối xử không bình đẳng thì quan hệ lệch. Ai tốt thì chơi. Ai xấu thì tránh. Minh bạch để các bên biết mà đối xử. Càng ấp úng càng bị chèn ép.
Việt Nam đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội. Không bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ ngay sau năm 1975 đã mang đến cho Việt Nam nhiều tổn thất không thể đo lường. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung được thiết lập năm 2008 trong khi chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc kéo dài ròng rã suốt 10 năm, kết thúc vào năm 1989. Tại sao quan hệ Việt – Mỹ chưa phải là đối tác chiến lược toàn diện dù chiến tranh giữ 2 bên đã kết thúc từ năm 1973?
Hỏi không phải mong muốn nhận câu trả lời, mà để nhìn thấy hành động.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN