Ba Lan thực hiện“mục tiêu kép” trong chống dịch Covid-19 và gợi ý cho Việt Nam

Mạc Văn Trang

1. Ba Lan

Ba Lan đã trải qua những đợt dịch covid – 19 nặng, có ngày lên tới 30.000 ca nhiễm dương tính và khoảng 1.000 người chết vì Covid-19. Ba Lan đã trải qua 3 lần phong tỏa: đợt đầu tiên kéo dài 4 tuần, từ ngày 23/3/2020 đến 20/4/2020 trên phạm vi toàn quốc; đợt thứ hai kéo dài 13 tuần, từ ngày 23/10/2020 đến 17/1/2021 trên toàn quốc; và đợt thứ ba kéo dài 6 tuần, từ ngày 17/3/2021 đến 28/4/2021, tại 11 tỉnh có dịch nặng nhất. Nhưng Ba Lan đã khống chế virus thành công và giữ vững được nền kinh tế nhờ những biện pháp chống dịch đáng để các quốc gia khác xem xét, học tập.

Chính phủ chả biết lên tivi kêu gọi “Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép”, nên dân chả biết “mục tiêu kép” là cái gì! Nhưng Chính phủ đã làm thành công. Theo một số tài liệu và bài viết của FBker Phan Châu Thành (1) có thể khái quát lại một số điểm sau:

1.1. Duy trì đời sống, an sinh xã hội không gây đảo lộn lớn

– Nó không coi trọng việc “ai ở đâu ở yên đấy” mà coi trọng việc KHÔNG TỤ TẬP QUÁ 10 người. Đóng cửa các trường học, các tụ điểm ăn chơi, sinh hoạt đông người…

– Không đóng cửa các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, cửa hàng bán đồ vệ sinh gia đình, hiệu sách… Các cửa hàng đó chỉ phải hạn chế nhận khách, chỉ được 1 khách trên mỗi 15m2 ở cửa hàng trong cùng 1 lúc.

– Tổ chức mở cửa các siêu thị, thậm chí từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau, để giảm tải lượng người đến mua 1 lúc. Các quán ăn vẫn được phép bán mang về, để đảm bảo không thiếu thực phẩm cũng như vật dụng thiết yếu. Các chuỗi cung ứng, vận tải hoạt động bình thường, các tài xế chỉ được yêu cầu là không ra khỏi cabin xe khi đi từ vùng này sang vùng khác.

– Hạn chế sử dụng tiền mặt tối đa, trả bằng thẻ gần hoặc qua mạng, phát triển tối đa việc đặt/giao hàng qua mạng, thanh toán bằng trả tiền trước, để người giao hàng không tiếp xúc với người mua hàng.

– Mọi người vẫn được phép đến công viên, vào rừng, ra cánh đồng… tập thể dục, với điều kiện phải giữ khoảng cách 2m nếu không ở cùng nhà và đeo khẩu trang trong suốt quá trình ở ngoài.

– Các phương tiện công cộng vẫn hoạt động, nhưng chỉ chở 25% số hành khách có thể.

– Tổ chức mọi thứ khác đều online, bắt đầu từ bộ máy chính phủ, quyết định hành chính, lập ra hệ thống Obywatel, trong đó thậm chí cấp căn cước công dân cũng online.

– Trợ cấp thất nghiệp, bảo trợ xã hội hoạt động tối đa, những người vô gia cư được gom lại, chăm sóc nơi ăn, chốn ở, y tế và tiêm chủng cẩn thận.

– Việc xin trợ cấp của chính phủ cũng online: mọi người lập 1 tài khoản nhà bank (online, nếu ai chưa có), đệ đơn xin thông qua nhà bank (online), họ xét duyệt (online), đủ điều kiện chuyển thẳng luôn vào tài khoản (online nốt). Không ai phải đi đâu, không ai phát, không cần hỏi han gì, cứ nhìn vào tình trạng online mà theo dõi.

1.2. Chiến lược chữa trị covid-19 và tiêm vaccine hợp lý

– Giáo dục ý thức (thực hiện 5K) mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện truyền thông, thậm chí ở cả nhà thờ, thánh đường: toàn dân tập thói quen đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vào mọi nơi, mọi nhà đều phải xịt kháng khuẩn vào tay, không bắt tay, ôm hôn nhau như trước, mà phải giữ khoảng cách 2m ngay cả khi nói chuyện với nhau.

– Người dân được hướng dẫn tự phát hiện bệnh, thấy có triệu chứng thì đến cơ sở Y tế khai báo và xét nghiệm. Nếu “nặng” phải nhập viện; nếu dương tính với covid-19 nhưng phần lớn “nhẹ” thì được phát dụng cụ, thuốc và hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Hằng ngày báo cáo với Trung tâm Y tế qua online. Nếu có dấu hiệu chuyển nặng thì nhập bệnh viện điều trị. Cách ly điều trị tại nhà, sau 15 ngày thấy ổn thì đến Trung tâm Y tế xét nghiệm lại, nếu âm tính, sẽ được cấp Giấy chứng nhận; Giấy này còn giá trị hơn Giấy đã tiêm 2 mũi vaccine.

– Mở rộng việc mua vaccine và tiêm chủng trên diện rộng, đặc biệt ở các thành phố, nhà máy, nơi tập trung đông người, tổ chức tiêm chủng lưu động đến từng nhà máy, công ty có trên 500 nhân viên và người nhà.

– Tất cả những việc xét nghiệm, tiêm chủng của người dân đều được đăng ký online hoặc qua tổng đài điện thoại của Trung tâm Y tế, được hẹn giờ chính xác để hạn chế tập trung đông người, hay di chuyển quá xa.

Hiện nay (21/8/2021) 1 ngày Ba Lan có khoảng 100 người nhiễm mới, 99,6% họ là những người chưa tiêm, hầu như không còn người chết hàng ngày, đã tiêm đủ 2 liều cho gần 19 triệu người / 34 triệu người có thể tiêm (trừ trẻ em dưới 12 tuổi) và đang tiến hành vận động để tiêm nốt cho những người còn lại.

1.3. Duy trì hoạt động kinh tế

– Nhà nước trợ cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp, với điều kiện cấm không được sa thải hay hạ lương nhân viên xuống dưới mức quy định. Nếu làm điều đó, sẽ bị thu hồi lại trợ cấp. Nhờ vậy hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì hoạt động với mức độ hợp lý.

– Tổ chức lại phương thức làm việc của nhà máy, siêu thị… thường là nguyên tắc chia ra các toán, hoặc là 1 ngày làm, 1 ngày nghỉ, hoặc các ca cách nhau ít nhất 1h, để các toán không có cơ hội tiếp xúc được trực tiếp với nhau, 1h đó để dọn dẹp vệ sinh, khử trùng. Nếu có ai đó bị nhiễm trong 1 nhóm, thì chỉ 1 nhóm bị cách ly, những nhóm khác vẫn làm việc bình thường.

– Các vị trí làm việc trong nhà máy, công sở được kê lại, để đảm bảo cách nhau 2m, hoặc đặt các tấm nhựa trong suốt, ngăn cách việc bắn nước bọt ở khắp nơi.

Trong suốt thời gian dịch bệnh, chính phủ Ba Lan KHÔNG KÊU GỌI bất cứ một cuộc quyên góp nào, và các tổ chức xã hội dân sự cũng KHÔNG CẦN tổ chức bất kỳ một cuộc trợ giúp thực phẩm nào cho dân, mà chỉ tập trung vào giúp nhu yếu phẩm cho các y bác sỹ và hệ thống y tế.

Nhờ chiến lược “Mục tiêu kép” hợp lý nên, nền kinh tế của Ba Lan trong quý II 2020 chỉ giảm 8% so với 13,9% trung bình toàn EU và tình trạng thất nghiệp chỉ 2,7% – lúc lên cao nhất khoảng 7,5% nhưng vẫn kiểm soát được.

Toàn bộ tình trạng phong toả gây thiệt hại khoảng 277 tỷ zł (71 tỷ usd ) cho kinh tế Ba Lan. Tính ra phải sau 1,5 năm mới phục hồi được…

Đó là cách Ba Lan đã thực hiện “Mục tiêu kép” thành công, do họ cân bằng giữa chống dịch, cuộc sống xã hội và duy trì hoạt động kinh tế, hoàn toàn không cần dây thép gai, hàn cửa, chốt chặn…

2. Liên hệ đến Việt Nam

Giai đoạn 2020 Việt Nam đã phòng chống covid-19 rất tốt, nên có phần chủ quan, tự mãn. “Mục tiêu kép” luôn được tuyên truyền để các cấp và toàn dân quán triệt…

Nhưng từ tháng 5/2021, khi dịch bùng phát ở TP HCM, Bình Dương … thì chiến lược phòng chống covid -19 của Việt Nam bị động, rất lúng túng:

2.1. Giãn cách xã hội và an sinh xã hội đều bất cập

– Giãn cách kiểu “ngăn sông cấm chợ”, giãn cách “cứng” gây đảo lộn đời sống xã hội, căng thẳng tâm lý người dân…

– An sinh xã hội quá kém, TP HCM mấy triệu người mất việc, mất thu nhập không được nhà nước hỗ trợ kịp thời, nếu không có dân cứu nhau thì sẽ ra sao?

– Không biết thất nghiệp bao nhiêu %, các doanh nghiệp và người lao động được nhà nước hỗ trợ thực tế ra sao?

– Những người lao động tự do, dân nghèo mất nguồn thu nhập được hỗ trợ cụ thể thế nào?

(Dân mình, nhiều người không có tài khoản ngân hàng, nên cứu trợ thường trực tiếp ở tổ dân phố, trưởng thôn, rồi thay tiền bằng hiện vật… rất khó xác định mức hỗ trợ).

2.2. Chiến lược chữa trị covid-19 và tiêm vaccine

– Không có chuẩn bị trước nên khi dịch bùng phát thì bị động, rất lúng túng, nhất là tại TP HCM, Bình Dương… Lúc đầu bắt tất cả F0, F1 tập trung vào trại đông hàng nghìn người, hỗn độn rồi vỡ trận, lây lan F0 ra cộng đồng… Thiếu giường bệnh, nhân lực y tế, thiết bị, quy trình quản lý, chữa trị….gây hoang mang cho dân chúng, tử vong cao… Qua hơn 3 tháng khủng hoảng mới dần vào ổn định.

– Chiến lược vaccine quá chậm trễ, tổ chức tiêm chích, có nơi chưa hợp lý…

2.3. Về sản xuất kinh doanh…

– Thấy Việt Nam nói những khu kinh tế lớn vẫn hoạt động tốt, xuất khẩu duy trì, GDP vẫn tăng trưởng cao 5-6%, thu ngân sách giảm sút không đáng kể…

– Nhưng báo chí cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay 85.000 doanh nghiệp dừng hoạt động; Cần Thơ cho biết 95% doanh nghiệp đóng cửa. Không biết những doanh nghiệp này và những người lao động mất việc được hỗ trợ ra sao?

– TP HCM hàng ngàn doanh nghiệp kêu cứu, gửi Thư kiến nghị lên Chính phủ (xem chú thích 3).

– Bên khu chung cư nhà tôi ở (Nhà Bè) có một công trường xây dựng nhà ở đã triển khai chừng 6 tháng, có hàng 100 công nhân làm việc rất tấp nập. Nhưng hơn 3 tháng nay hoàn toàn hoang vắng (hình 4). Hàng 100 công nhân này đã bỏ chạy về quê, không biết bao giờ mới khôi phục lại hoạt động. Tôi nghĩ, trong thời gian giãn cách, công trường này hoàn toàn có thể chia ca kíp công nhân làm việc ngoài trời, giữ khoảng cách… không cần phải giải tán hết như vậy… Đây là một ví dụ không thực hiện được “mục tiêu kép”!

3. Thay lời kết

So sánh Ba Lan – Việt Nam là rất khập khiễng, nên chỉ gợi ý vài điều để tham khảo. Ba Lan đã thoát khỏi chế độ XHCN bao cấp, toàn trị từ 1990 và là nước công nghiệp trung bình của Châu Âu; GDP 2021 ước tính: 642 tỷ usd (hạng 22 thế giới), thu nhập bình quân đầu người 16.930 usd (hạng 44 thế giới). Tuy nhiên người dân ý thức về quyền Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và trách nhiệm xã hội khá cao; đặc biệt an sinh xã hội rất tốt, giáo dục, y tế miễn phí …

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan được đối xử tử tế, trong phòng chống covid-19, mọi việc như người Ba Lan.

Giờ đây đời sống xã hội Ba Lan đã diễn ra gần như bình thường, sống chung với Covid -19 biến thể. Quan trọng nhất là Chính phủ có chiến lược thực hiện “mục tiêu kép” hợp lý và người dân là chủ thể có ý thức cao trong phòng chống covid-19.

7/9/2021

M.V.T.

Tác giả gửi BVN

Tham khảo:

1. FBker Phan Châu Thành https://www.facebook.com/chau.t.phan

2.https://vneconomy.vn/kinh-nghiem-cua-ba-lan-nuoc-chong…

3. https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-vua-va-nho-tp-hcm-keu…

This entry was posted in Ba Lan chống dịch covid-19, Chống đại dịch virus Vũ Hán. Bookmark the permalink.