“Không có gì là hoàn hảo, sự hoàn hảo là không có gì”

Chu Mộng Long

Không có mô tả ảnh.

Tiêu đề trên tôi mượn ý từ phát ngôn của nhà vật lý Stephen William Hawking trong cuốn Lược sử thời gian. Tư tưởng này có ý nghĩa thời sự đối với xã hội chúng ta, đặc biệt là giáo dục, hơn là một định luật vật lý.

Người cộng sản luôn tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”, “hình mẫu cho thế giới noi theo”, trong khi xuất thân của họ là tay cầm búa cầm liềm như biểu tượng trên lá cờ của họ. Vì thế, từ ông tổ K. Marx vẽ ra một thiên đường cộng sản, đến những nhà cách mạng, ai cũng tự cho mình đã và đang sống trong thiên đường mộng ảo ấy, mặc dù mặt đất dưới chân họ chỉ có bùn đất, mồ hôi và máu xương của đồng loại. Căn bệnh này mãi đến khi cuộc đấu tranh nội bộ khốc liệt nhất của nhà nước Xô Viết, Lenine mới nhận ra đó là “thói kiêu ngạo cộng sản”!

Thói kiêu ngạo đó, Lenine từng gọi thẳng bằng căn bệnh hoang tưởng, hoang tưởng hơn cả tín đồ của một tôn giáo đồng bóng. Lenine đòi dẹp bỏ thói kiêu ngạo cộng sản mới có một chủ nghĩa xã hội khoa học, tức hiện thực. Nhưng làm sao dẹp bỏ khi kẻ tay búa tay liềm đã nắm quyền lực trong tay chỉ biết dùng búa, liềm để đàn áp hơn là dùng để sản xuất? Môn tâm thần học gọi đó là một cái “thẻ” trong não bộ của người đã mắc triệu chứng tâm thần, rất khó chữa trị.

Lenine đã chưa hình dung hết những biến chứng của căn bệnh này. Bệnh thành tích mà chúng ta hay nói đến là một điển hình, nó quen thuộc đến mức mà kẻ đang mắc bệnh cũng hô được thành khẩu hiệu “Nói không với bệnh thành tích!”

Bệnh thành tích là bệnh đòi hỏi sự ưu việt hay hoàn hảo, bất chấp hiện thực khiếm khuyết mà bệnh nhân đang đối mặt. Nói thẳng là dối trá, lấy cái ảo, cái giả lấp lên sự thật, thay cho sự thật và tin như thật. Ai không tin, nói ra sự thật thì thành thù địch, phản động!

Điều tôi nói trên tồn tại trong mọi lĩnh vực. Thành tích được cụ thể hoá thành các chỉ tiêu trong các nghị quyết, phải là 90 đến 100% cho hoàn hảo cơ, nếu không đạt được trong hiện thực thì phải đạt được trên các bản báo cáo để loè thiên hạ. Hậu quả là, những người cộng sản thành “người bay” trong huyền thoại, mặc dù không có cánh. Chỉ tưởng tượng thôi, ai cũng có thể tự phong thánh thần cho mình.

Bây giờ tôi nói riêng cho giáo dục. Vì bệnh hoang tưởng biết bay đã thành thẻ trong não, cho nên, một em bé vào trường học đã phải nỗ lực đạt 5 phẩm chất và 10 năng lực treo lửng lờ trên đầu. Phẩm chất nào, năng lực nào cũng cao siêu đến mức nếu truy về huyền thoại, tôn giáo cũng chưa có thánh thần nào đạt được. Nên nhớ mỗi thánh thần trong thế giới đa thần của huyền thoại và tôn giáo nguyên thuỷ cũng chỉ có một năng lực thôi chứ không toàn năng. Năng lực phát triển có thiên hướng, làm gì có chuyện phát triển toàn diện để thành toàn năng như Thượng đế trong tôn giáo độc thần? (Xem 5 phẩm chất, 10 năng lực cốt lõi – nên nhớ là “cốt lõi” thôi nhé – mà GS. Thuyết và GS. Thống đưa ra).

Để đạt được điều đó thì phải làm gì? Chỉ có một cách là các ông giáo sư, tiến sỹ tự phong thần phong thánh cho mình để tạo ra các khuôn mẫu, giống như kinh để học trò tụng hằng đêm hoặc trước mùa thi. Cái hình ảnh người “buồn ngủ cầu kinh” mà Nam Cao mỉa mai trong Đôi mắt là thực trạng của trẻ em bây giờ, nếu không nói bị nhét vô số các loại mẫu của đủ các môn học khác nhau vào đầu, bọn trẻ đã gần như loạn não hết. Một bạn tôi làm bác sỹ chữa bệnh tâm thần mách cho tôi biết, số lượng trẻ em tuổi vị thành niên mắc các triệu chứng loạn não càng ngày càng tăng gấp bội.

J. Rousseau trong sách Émile hay là giáo dục kết tội giáo dục kinh viện gây thảm trạng cho những đứa trẻ thơ, lẽ ra chúng được phát triển tự nhiên thì lại trở thành những con người méo mó “vừa là nô lệ vừa là bạo chúa, đầy kiến thức và thiếu lương tri, bạc nhược về thể chất cũng như tâm hồn, và bị quăng vào xã hội”. Vì sao? Vì không thể đạt các khuôn mẫu được cho là chuẩn mực, hoàn hảo thì chúng chỉ có thể thành một thứ dị dạng, biến thái một cách thảm hại. Đó là chưa nói, thứ tri thức mà J. Rousseau cho là “thừa” ấy mới chỉ dừng ở các bài học đạo đức kinh điển chứ bây giờ ở ta thì còn thừa thãi kinh khủng hơn ở tất cả các lĩnh vực, các môn học với những thứ tri thức trên trời, phi thực tế.

Sự méo mó, dị dạng của một thế hệ người Việt do nền giáo dục này đẻ ra chính là bệnh nói dối và ăn cắp. Khuôn mẫu của sự hoàn hảo đã là dối trá, cho nên ai cũng thi nhau nói dối cho sướng mồm, dối lem lẻm là không biết ngượng. Copy theo khuôn mẫu là ăn cắp, hậu quả là nhiều người lấy của kẻ khác nhưng tưởng là của mình rồi to mồm cãi là học tập và làm theo mẫu. Đạo văn có gốc từ đó. Từ ăn cắp trí tuệ đến ăn cắp vật chất đều là do giáo dục theo khuôn mẫu.

Quay lại định luật vật lý của Hawking, sự hoàn hảo ở 5 phẩm chất, 10 năng lực mà ông Thuyết, ông Thống cho là chỉ mới “cốt lõi” ấy ắt sẽ đẻ ra hàng loạt các khuôn mẫu cho trẻ học tập và làm theo, đúng nghĩa sẽ là “không có gì”. Nó hoàn toàn rỗng, bởi mẫu mà các ông tạo chỉ là bịa đặt, hư cấu, đúng nghĩa là dối trá. Các giáo sư tiến sỹ cho đến các thầy cô chắc chắn không có đủ phẩm chất và năng lực như vậy, ắt trẻ em có được nhồi hết vào đầu cũng không có gì. Chúng chỉ có thể nói lòng yêu nước, sự trung thực, chăm chỉ, nhân ái như con vẹt. Chúng cũng tỏ ra có năng lực tự chủ, thể chất, thẩm mỹ, tin học, công nghệ, khoa học, toán học… nhưng như những cái máy tự động theo mẫu các ông làm sẵn. Làm khác, nói khác sẽ bị ăn trứng ngỗng hoặc bị trừng phạt. Năng lực bắt chước là bản năng của động vật nhưng lại áp dụng cho con người.

Tôi tiết lộ cho quý ông nghe chuyện này, mặc dù ông nào từng đi thi giảng viên chính cũng biết. Đến mức giảng viên đại học đi thi giảng viên chính mà các giáo sư tiến sỹ ngồi làm giám khảo cũng bắt giảng viên trả bài theo mẫu thì phát triển cái năng lực gì? Năm tôi thi, phần thi vấn đáp, nhìn ông giám khảo cầm đáp án dò từng câu rồi đánh giá phần trả lời của giảng viên mà tôi ngứa mắt. Đến lượt tôi, tôi yêu cầu giám khảo úp đáp án xuống và thách ông, nếu phát hiện tôi nói khác đáp án chữ nào thì hãy trừ điểm chỗ đó. Tôi trả lời một hơi và hất hàm hỏi: “Thầy có phát hiện chỗ nào khác đáp án không?” Biết chết liền! Ông ta nghệch mặt như ngỗng ỉa.

Giáo sư tiến sỹ ở xứ này như vậy mà đòi trẻ con phải đạt 5 phẩm chất, 10 năng lực cho hoàn hảo thì đúng nghĩa là “không có gì”.

Xem TV thấy các bé mầm non thi kể chuyện, bé nào cũng thuộc lòng câu chuyện mẫu, rập khuôn một giọng điệu, một cử chỉ, vậy mà cũng có giải nhất giải nhì mới tài. Không có cái gì là của trẻ em cả!

Thầy cô giáo dạy tủ đề và đáp án, từ văn đến toán, địa, sinh, lý, hoá,… học sinh đều phải học thuộc lòng, không cần hiểu, mà hiểu được chết liền, khi thi chỉ cần chép lại là đạt điểm tối đa, rồi báo cáo thành tích. Cách thầy cô tự nhổ ra rồi tự liếm lại như vậy thì có gì là năng lực của trẻ em?

Trong khi, mọi sáng tạo đều bắt đầu từ sự vụng về mới đi đến khéo léo. Thậm chí một em bé múa lỗi nhịp, vẽ sai màu sắc, sai tỷ lệ đường nét, kể một câu chuyện sai tình tiết, viết một bài văn miêu tả ngô nghê, càng thể hiện sự hồn nhiên, chận thật và đáng yêu của nó. Sự không hoàn hảo ấy mới đúng là cái “có”, tức hiện hữu của sáng tạo, cần ghi nhận và đánh giá cao. Nhưng giáo dục Việt Nam chưa bao giờ nhận thức ra điều đó, vạn sự đều bắt trẻ em hoàn hảo ngay từ đầu để lấy thành tích… cho chính mình!

Tóm lại, học tập và làm theo mẫu từng là nội dung và phương pháp của giáo dục kinh viện. Mục tiêu của nền giáo dục kinh viện là sản xuất ra con người công cụ, con người nô lệ. Lẽ nào khi những kẻ tay búa tay liềm lên làm chủ đất nước, với hoang tưởng là “đỉnh cao trí tuệ” lại bắt tất cả mọi người thành cái búa cái liềm trong tay mình? Muốn chống khuôn mẫu, trước hết phải dẹp ngay các tượng đài thánh thần tự phong trong hàng ngũ giáo sư tiến sỹ làm chương trình, sách giáo khoa và sách mẫu đi đã! Chúng gieo rắc tai ác cho trẻ em và xã hội chúng ta nhiều năm lắm rồi. Hiện chúng ủng hộ cải cách chỉ là ủng hộ giả, a dua theo thời, Lenine gọi đó là chủ nghĩa cơ hội!

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.