Nếu sẵn sàng cho sự từ chức, ông sẽ trở thành con ốc lẻ loi, cô đơn, đơn độc giữa guồng máy của đồng loại. Hoặc nếu không chịu đựng nổi, không đủ bản lĩnh để trung thực đến tận cùng, đương nhiên ông lại phải bắt đầu “gọt chân cho vừa giày” tiếp tục bằng mọi cách để ngay năm sau chất lượng GD tỉnh nhà “nâng cao”.
“Không thể hiểu được”. Thật ra là rất hiểu!
Khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010 vừa khép lại, cho ra đời tỷ lệ tốt nghiệp cả nước rất đẹp – gần 93% thí sinh thi đỗ; thì mới đây, một thông tin trên báo chí khá hot gây sự chú ý của cả xã hội. Đó là chuyện ông Dương Thế Phương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương xin từ chức (!).
Đây có thể coi là vụ xin từ chức vào loại hy hữu của ngành GD – ĐT, tiếp sau vụ xin từ chức của GS TSKH Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng Vụ Tiểu học năm nào, vào trước công cuộc đổi mới GD diễn ra. Và càng là hiếm hoi nếu nhìn rộng ra trong xã hội.
Hiếm hoi, bởi trong xã hội lâu nay, có không ít vụ việc tiêu cực, thể hiện sự tha hóa hoặc bất tài của cán bộ đương chức, cán bộ lãnh đạo, thế nhưng rất ít người có “gan” xin từ chức. Đến nỗi nhân dân, báo chí phải chân thành kêu gọi, nên có “văn hóa từ chức” một khi không còn xứng đáng ở cương vị đó. Dù vậy, không ít vụ, cùng lắm các quan chức xin “nghiêm khắc tự kiểm điểm”, hoặc “rút kinh nghiệm”.
Còn nếu có vị xin từ chức, xin hưu trí trước tuổi, lại là kế “trong 36 chước, chước hưu là hơn” để tránh sự truy xét, xét xử của pháp luật.
Nhưng trường hợp ông Dương Thế Phương xin từ chức lại khá đặc biệt: Ông bức xúc vì tại Kỳ họp lần thứ 17, HĐND tỉnh Bình Dương, ông đã bị chất vấn gay gắt, vì để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh năm 2010 vừa qua rớt hạng từ bậc 42 xuống 43, chỉ tăng 9% (86,15%) so với năm trước 2009 (77,4%), trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác tăng 40-50%. “Trao đổi với báo chí, ông Phương cảm thấy khá buồn khi mình làm thật mà không nhận được sự chia sẻ” (VNN, ngày 15-7-2010).
Khi chất vấn ông Dương Thế Phương, không biết các vị Ủy viên HĐND tỉnh Bình Dương có biết, những tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp của ngành GD và ĐT, chỉ trừ năm đầu tiên của cuộc vận động “Hai không” chống gian lận trong thi cử, với gần 67% thí sinh thi đỗ, là con số tương đối trung thực, nghiêm chỉnh. Còn lại, 3 năm qua, số liệu thí sinh cả nước (trong đó có không ít tỉnh khó khăn) đỗ tốt nghiệp “lội ngược dòng một cách ngoạn mục”, luôn nằm trong vòng nghi vấn của xã hội?
Đến nỗi, một chuyên gia chuyên phân tích các tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của cả nước, của các địa phương đã thốt lên: “Không thể hiểu được!”.
“Không thể hiểu được”. Thực ra là “rất hiểu”.
Nhưng chỉ một mình ngành GD làm như “không hiểu” – nên giống “gã khờ” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, tuyên bố “rất thơ”: “Năm 2010, ngành kết thúc cuộc vận động “Hai không” vì đã hoàn thành công cuộc chống tiêu cực trong GD” (!), khiến không ít nhà báo mỉm cười. Vì sao?
Vì chất lượng GD là cả một quá trình, không đơn giản và không dễ dàng như phép “ảo thuật” của các ảo thuật gia đại tài trên sân khấu xiếc.
Một ví dụ cụ thể: Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT, được cả thí sinh, lẫn giáo viên đều thừa nhận khá “mềm”, đến nỗi nhiều tờ báo đặt câu hỏi nghi vấn – ngành GD “thả” cho thí sinh đỗ? Thì ngay sau khi có kết quả, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), bằng phương pháp khoa học tính toán, đã chỉ đích danh 17 địa phương có tín hiệu của “bệnh thành tích”: Bắc Cạn, Thừa Thiên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Kon Tum, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Trị, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, và Sơn La.
Nhưng có một điều, ngay cả GS Nguyễn Văn Tuấn cũng không hề biết. Mặc dù đề thi “rất mềm”, vậy mà tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp loại giỏi lại còn giảm sút hơn năm ngoái. Đây là điều thực sự đáng lo ngại, cho thấy, chất lượng GD phổ thông không hề nâng cao, mà còn có thể còn “tệ” hơn trước.
Muốn sống trung thực, sao khó thế!
Nỗi buồn, hay “bi kịch” cô đơn, không người chia sẻ của ông Dương Thế Phương trên chốn quan trường, không phải là nỗi buồn của riêng ông. Một số ít Giám đốc Sở GD và ĐT các địa phương, muốn có chất lượng GD thực chất đã phải trả giá.
Ít nhất, có 2 Giám đốc Sở GD và ĐT tâm sự với người viết bài này, các ông đã bị “kiểm điểm lên bờ xuống ruộng” chỉ vì năm đó… năm đó… họ muốn thí sinh của tỉnh mình phải đỗ với chất lượng sát thực chất hơn. Không chịu nổi cái nhìn định kiến, và sự “lên bờ xuống ruộng”, sâu xa cũng là vì cái ghế Giám đốc, vì “màu cờ sắc áo tỉnh nhà”, năm sau, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh họ, bằng cách nào đó, lại tiếp tục “nâng cao”.
Tỉnh nhà hoan hỉ. Dân hoan hỉ. Giám đốc Sở có hoan hỉ không? Chỉ riêng họ biết “mình ta với ta” mà thôi!
Vậy nên, rộng hơn là một xã hội, nhỏ hơn là một địa phương, khi mà sự dối trá, sự giả dối, và bệnh thành tích đã trở thành “chuyện thường ngày ở tỉnh”, đã trở thành không khí hít thở bình thường của xã hội đó, địa phương đó, thì chuyện giáo dục mắc bệnh thành tích trầm trọng, không phải chỉ duy nhất do giáo dục.
Ông Dương Thế Phương có từ chức thật không, cho dù báo chí đã đưa tin?
Điều này, đặt ra hai tình huống: Nếu ông sẵn sàng cho sự từ chức, ông sẽ trở thành con ốc lẻ loi, cô đơn, đơn độc giữa guồng máy của hệ thống, của đồng loại. Hoặc nếu không chịu đựng nổi, không đủ bản lĩnh để trung thực đến tận cùng, đương nhiên ông lại phải bắt đầu “gọt chân cho vừa giày” tiếp tục bằng mọi cách để chất lượng GD tỉnh nhà “nâng cao”.
Muốn sống trung thực, sao khó thế!
KD
Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/DaoTao/tuanvietnam.net/Giam-doc-xin-tu-chuc-Muon-song-trung-thuc-sao-kho-the/4566332.epi