Việc đổ vỡ của Tập đoàn Vinashin và kế koạch tái cơ cấu Tập đoàn này của Nhà nước đang chiếm sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng sự tái cơ cấu này là một cách làm có tính chắp vá và đối phó chứ không thể coi là khoa học và phù hợp với một nền kinh tế hội nhập và cạnh tranh theo đúng nghĩa. Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan xoay quanh vấn đề này.
Giúp Vinashin giảm nợ, tăng vốn
Mặc Lâm: Thưa bà, bà nhận định thế nào về cụm từ “tái cơ cấu” trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là tại Việt Nam, và bắt nguồn từ lý do nào mà doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại công ty của mình?
Bà Phạm Chi Lan: Tái cơ cấu là một việc vô cùng cần thiết đối với Việt Nam hiện nay. Tái cơ cấu cần cho cả nền kinh tế, kể cả về cấu trúc của các ngành, về phân bổ nguồn lực cho các ngành khác nhau phát triển thế nào, về tái cấu trúc lại các thị trường, cân đối giữa thị trường trong nước với xuất khẩu ra bên ngoài để định hướng cho các ngành tương lai về tất cả các ngành liên quan, không chỉ kinh tế mà còn giáo dục, vân vân, tất cả các việc đó là vô cùng cần thiết. Trong tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam thì cái bộ phận tái cấu trúc doanh nghiệp là một phần vô cùng quan trọng.
Nếu không tái cấu trúc doanh nghiệp được thì tái cấu trúc nền kinh tế cũng khó thành công được bởi vì doanh nghiệp là những người chính để tiến hành tất cả những việc thay đổi cần thiết trong hoạt động kinh tế hướng tới lợi nhuận, hướng tới hiệu quả cao hơn, để tập trung vào những ngành thực sự có hiệu quả chứ không phải chỉ phát triển theo chiều rộng như thời gian vừa qua, hoặc là làm sao nâng cao năng suất lao động chứ không phải chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên bán thô hoặc là làm những ngành lao động giá rẻ, rồi làm sao tham gia được vào chuỗi giá trị trong khu vực hoặc là trên toàn cầu, vân vân, thì tất cả các việc đó phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp.
Bà Phạm Chi Lan
Cho nên tái cấu trúc doanh nghiệp là khâu mà tôi nghĩ là nó có thể được coi là trung tâm trong tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam.
Mặc Lâm: Riêng trong khu vực kinh tế quốc doanh thì việc tái cơ cấu một công ty, hay lớn hơn là một tập đoàn, thì có ý nghĩa gì khác so với doanh nghiệp tư nhân, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp lớn hoạt động ở Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài, thì doanh nghiệp nhà nước là khu vực tuy số lượng doanh nghiệp ít nhưng lại sử dụng nguồn lực nhiều nhất của đất nước. Tính chung lại thì có lẽ khoảng chừng 60-70% nguồn lực của Việt Nam là nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước, và nhất là các doanh nghiệp lớn. Và nếu họ không tái cấu trúc, họ không chuyển đổi được thực sự thì nền kinh tế Việt Nam rất khó có thể cất cánh được.
Câu chuyện Vinashin vừa rồi là một bài học rất lớn cho Việt Nam về sự cần thiết phải tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.
Mặc Lâm: Bà vừa nhắc đến Vinashin như là một tập đoàn điển hình cần phải tái cấu trúc, thế nhưng nhà nước vừa mới đưa ra biện pháp chia ba Vinashin cho PetroVN và Vinalines, như bà thấy thì đây có phải là cách làm phù hợp nhất hay không?
Bà Phạm Chi Lan: Cách làm với Vinashin hiện nay chỉ là giúp cho Vinashin về danh nghĩa giảm bớt được số nợ rất lớn mà họ đang có là cỡ chừng 80.000 tỷ đồng, tức là tương đương với hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay tái cấu trúc bằng cách đem chuyển một số doanh nghiệp của họ sang cho các công ty khác phải gánh như PetroVietnam gánh một phần, Vinalines gánh một phần về khoanh nợ, giảm nợ của họ đối với các ngân hàng, và đồng thời Nhà nước lại chủ trương tiếp tục cung cấp vốn cho Vinashin làm tiếp nữa, thì tôi nghĩ là với cách đó thì không có gì đảm bảo là Vinashin sẽ có thể thay đổi được hoàn toàn và sẽ chuyển từ hoạt động đang bị nợ nần thua lỗ rất lớn sang thành hoạt động có hiệu quả cao hơn.
Tái cấu trúc phải trước hết là nếu như những doanh nghiệp nào không thật cần thiết Nhà nước phải nắm giữ hoàn toàn thì nên chuyển họ sang cổ phần hóa để cho có tính chất thay máu trong doanh nghiệp đi, có những nhà đầu tư mới giỏi giang hơn, đặc biệt là giỏi về kinh doanh hơn, họ tham gia vào doanh nghiệp, họ bỏ vốn vào đó và nắm quyền kiểm soát nhất định để chèo lái con thuyền doanh nghiệp phát triển lên theo hướng thị trường, chấp nhận cạnh tranh mà phát triển, chứ còn nếu mà cứ để là doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn thì cũng sẽ khó có thể phát triển được.
Đấy là một, và thứ hai nữa là đối với các doanh nghiệp nào mà Nhà nước thấy vẫn là cần nắm giữ cổ phần lớn hoặc là nắm giữ 100% của mình thì rất cần thay đổi toàn bộ hệ thống quản trị, bao gồm hai mặt: một mặt Nhà nước quản trị doanh nghiệp đó như thế nào và mặt thứ hai là quản trị trong nội bộ doanh nghiệp. Thế hiện nay cả hai điều đó đều bất ổn và vì vậy nó đẩy đến tình hình là Nhà nước gần như rất khó có thể kiểm soát được doanh nghiệp nhà nước và không có cái gì thúc ép để cho họ phải thay đổi hệ thống quản trị nội bộ để hoạt động tốt hơn.
Cạnh tranh là cần thiết trong kinh doanh
Mặc Lâm: Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cách điều hành các tập đoàn của Nhà nước hiện nay đôi khi rất mâu thuẫn, chẳng hạn như ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên tiếng với báo chí cho là tại Nhà nước khống chế giá điện, không cho tăng giá mà lại không bù lỗ cho EVN khiến cho Tập đoàn này phải bù lỗ liên tục nên điện bị cúp triền miên như thế. Theo bà thì đây có phải do lỗi ở Nhà nước, hay EVN chỉ lấy cớ để mà chống chế cho các hoạt động của mình?
Bà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ lâu nay những đơn vị như EVN vẫn thường được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, từ cung cấp vốn ban đầu cho đến tất cả những công trình đầu tư sau này của họ thì hầu hết là bằng những nguồn vốn của Nhà nước huy động cho họ hoặc là yêu cầu các ngân hàng cung cấp cho họ với điều kiện ưu đãi thuận lợi nhất, thì như vậy họ cũng không có quyền coi là họ hoạt động một cách độc lập hoàn toàn và khi nào họ thua lỗ thì Nhà nước không gánh chịu cho họ.
Thì cũng đã không ít lần Nhà nước đã từng khoanh nợ, giảm nợ cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cả EVN. Thế mà quá trình đầu tư cần thiết của EVN thì cho tới nay cũng vẫn là trong ưu tiên phát triển kinh tế của đất nước cho nên Nhà nước cũng vẫn giúp họ huy động vốn bằng cách này cách khác, hoặc là giao thêm cho các đơn vị khác cũng của Nhà nước đầu tư vào làm nhà máy phát điện để hỗ trợ thêm cho EVN trong việc có thêm các nguồn điện vào, thế nhưng mà ở đây tôi thấy điều bất ổn nhất ở trong việc quản lý EVN là duy trì quá lâu tình trạng độc quyền của EVN.
Cho tới nay mặc dù là về phát điện đã có thêm các doanh nghiệp khác cung cấp vào và EVN chỉ nắm độ chừng 60 đến 70% phát điện thôi, nhưng EVN vẫn là với tư cách là người mua điện duy nhất ở trên thị trường cho nên vẫn có thể là có quyền từ chối như lúc này lúc khác không mua điện của các đơn vị khác, lấy lý do là do giá điện của họ đắt hay thế này thế khác để không mua trong khi tình trạng thiếu điện trong cả xã hội thì vẫn có như là tình trạng thiếu điện rất nặng nề xảy ra trong một hai tháng mùa hè ở Việt Nam ngay tại lúc này và cách đây không xa.
Đấy là tình trạng độc quyền rất vô lý. EVN không những là người độc quyền mua điện mà còn là người độc quyền phân phối điện, bán điện cho tất cả những người tiêu dùng khác nhau, kể cả những người tiêu dùng là các doanh nghiệp cần sử dụng đến điện cũng như những người tiêu dùng cuối cùng.
Ở trong hệ thống đó thì với sự độc quyền như vậy, không có những sức ép cần thiết cũng như không có động lực cần thiết để cho EVN phải thay đổi và làm sao để hệ thống mua bán điện của mình tốt hơn, phân phối điện tốt hơn đến người tiêu dùng.
Ngay cả nhìn vào những hợp đồng cung cấp điện của EVN với người tiêu dùng thì cũng có thể thấy sự bất cập rất lớn là quyền của người bán là EVN thì rất cao trong khi những người mua điện thì bị thua thiệt rất nhiều. Thế cho nên sức ép hiện nay ở Việt Nam đang tăng lên và tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến đưa ra, kể cả của Cục Điều tiết điện, là cần phải làm sao giải tỏa bớt được tính độc quyền của EVN.
Ở đây thì rất nhiều ý kiến đề xuất là nên tách khâu mua điện thành một công ty độc lập khỏi EVN để họ là người đứng ra mua điện của các nhà máy điện khác nhau. Có như vậy họ mới khuyến khích được khâu cạnh tranh trong khâu cung cấp điện. Và đối với các khâu bán điện cũng vậy, nên chia ra thành các công ty khác nhau và tạo sự cạnh tranh cần thiết.
Mặc Lâm: Cũng tương tự như vậy, mới đây Tập đoàn Lion Group của Malaysia bị phát hiện là không đủ năng lực nên việc họ hợp tác với Vinashin trong dự án nhà máy thép rất lớn trị giá gần 10 tỷ đô nhưng đã thất bại, làm cho Vinashin phải lỗ 84 tỷ tiền san lấp mặt bằng. Sở Công nghiệp tỉnh Ninh Thuận xác nhận rằng Sở đã nhận được sự đồng ý của 5 Bộ chủ quản dự án, kể cả sự chấp thuận của Thủ tướng, cho phép Vinashin và Lion Group làm ăn với nhau.
Thông qua vụ việc này chúng ta thấy là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam vẫn thiếu cái nhìn bao quát về những dự án lớn cho nên dẫn tới thất bại cho Vinashin, bà có đồng ý với ý kiến này hay không?
Bà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan: Ở đây thì tôi nghĩ lỗi trước hết là ở Vinashin trong việc lựa chọn đối tác. Thực ra thì đối với các doanh nghiệp việc họ chọn lựa đối tác thì trước hết là vấn đề của họ, còn Nhà nước có phê chuẩn cho họ thì phê chuẩn về góc độ của dự án, chứ còn việc lựa chọn đối tác thì trong phần lớn các trường hợp tôi nghĩ là Nhà nước không can thiệp vào mà tôn trọng quyết định của doanh nghiệp.
Anh lựa chọn sai là quyết định của anh, nhưng mà tôi nghĩ là các cơ quan của Nhà nước liên quan trong quá trình phê chuẩn thì lẽ ra cũng nên tham gia thêm vào việc thẩm định lại xem đối tác đó có đủ tốt, có đủ mạnh để thực hiện dự án hay không, và nếu như họ không đủ tốt theo thông tin mà các bộ có thể có được thì vẫn có thể nhắc nhở đối với doanh nghiệp, cảnh báo cho doanh nghiệp là xem xét lại đối tác này, xem có nên tiến hành với họ hay không, hoặc là cần phải điều tra lại đối tác cho cẩn thận trước khi quyết định hợp tác với họ.
Việc này trên thực tế các cơ quan Nhà nước lẽ ra nên làm trong khi thẩm định các dự án nhưng mà vì các cơ quan Nhà nước coi đó là trách nhiệm chủ yếu của nhà đầu tư là tự chọn đối tác cho mình, kể cả đối với các địa phương trong một số trường hợp các địa phương quyết định cấp phép thì cũng vậy, và vì vậy cho nên dẫn đến tình trạng là Việt Nam đã không ít lần chứ không phải chỉ có trường hợp của Vinashin với Lion là chọn những đối tác không đủ năng lực làm và rốt cuộc là phải buộc họ rút giấy phép. Và khi rút giấy phép như vậy thì nó gây ra tổn thất cho cả hai bên và đặc biệt là cho phía Việt Nam
Mặc Lâm: Dạ vâng. Xin cám ơn bà Phạm Chi Lan đã dành thời giờ cho chúng tôi trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
ML
Nguồn: RFA, 16-7-2010