Trải lòng nói thật

Câu chuyện thứ nhất: Chúng ta thường nghĩ cứ ai phê bình cái xấu, cái vô lý đang tồn tại trong xã hội thì người đó là không xấu và không vô lý. Nhưng chúng ta lại chính là một thành phần cấu trúc nên cái xã hội ấy. Nên đứng ở bên ngoài mà nói thì rất dễ, hoặc là một người không xấu mà đi phê bình thì quá dễ.

Nói thật đàn ông bây giờ có mấy ai chưa một lần “biết đến” gái điếm (tức là cave). Hoặc có ai nghĩ rằng công chức, viên chức chỉ sống bằng đồng lương. Lương đến Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng bí thư cao nhất là 10 chấm cũng chỉ 7,5 triệu đồng thế mà tỷ lệ công chức, viên chức đủ sống, sống giàu có rất nhiều, chả lẽ các vị này đều có tài đi làm thêm. Thử hỏi có một người dân nào ở trên cái đất nước này chưa một lần đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ. Cái xấu sờ sờ ra đấy, nó hiển nhiên, ai cũng biết, bao nhiêu năm giời mãi đã thành quen cả xã hội cứ đóng kịch với nhau chỉ có trẻ em là không biết. Đến nỗi người ta đã phải định nghĩa rất chuẩn là trẻ em chỉ trở thành người lớn khi nó biết làm điều xấu và biết nói dối. Cả xã hội không chịu sửa để nó phổ biến thành nếp, thành tập quán đến mức cao hơn là đã trở thành “văn hóa” (như ông Nguyễn Quốc Triệu Bộ trưởng Bộ Y tế khi đang làm Chủ tịch thành phố Hà Nội một lần đã nói đến “văn hóa phong bì”). Thế mà toàn dân đã bao nhiêu năm học tập gương đạo đức người này, người kia nhưng chẳng thấy có chuyển biến gì; học nhưng không làm được. Nghĩ ra thì đúng là chuyện hài ước biết rồi nói mãi.

Câu chuyện thứ hai: Tôi xem tivi hay gặp chiếu những bộ phim Tàu mà câu chuyện xảy ra là vào thời kỳ Trung Quốc bị Nhật Bản xâm lược. Thấy cảnh trong phim bọn thực dân Nhật đối xử khinh miệt, hành hạ, tra tấn tàn tệ người Trung Quốc mà tủi nhục, cay đắng thay thân phận của kẻ mất nước. Nếu mà so sánh với những ngư dân miền Trung, trừ những người bị bắn chết thì công bằng mà nói: đòn đánh đập, đối xử của lính hải quân Trung Quốc còn “nhẹ nhàng” hơn nhiều.

Trộm vía “nói dại” đến một ngày nào đó nước Việt Nam mà lọt hẳn vào cái “lưỡi bò” Trung Quốc thì thân phận người Việt mình khác gì người Trung Quốc trong phim Tàu ở trên. Mình là một nước nhược tiểu lại ở cạnh một nước lớn có truyền thống bá quyền thì cảnh giác như vậy cũng không phải là lo xa. Ở nước Tàu lúc đó cũng có người Tàu làm cho Nhật, trong phim người ta gọi là Hán gian; có lẽ đến lúc đó những người Việt mà làm cho Tàu ở ta thì gọi là Việt gian. Đến lúc đó con, cháu chúng ta ắt hẳn sẽ oán giận chúng ta bây giờ lắm lắm.

Vì nguy họa trước mắt mà không biết lo, bài học ngày nào của An Dương Vương còn sờ sờ ra đấy. Thà bị xử chết bằng tiêm thuốc độc còn hơn là chịu chết như người Trung Quốc bị người Nhật xử trong phim. Cái hệ tư tưởng lỗi thời mà ngày nay chúng ta đang cho là “đồng hệ” lúc đó nó có cứu được chúng ta không? Hay chính cái hệ tư tưởng lỗi thời ấy nó đã giết chết ông, cha chúng ta một lần, thì ngay trong lúc này đây chúng ta không dứt bỏ nó đi, để đến lúc nó sẽ giết chết con, cháu chúng ta một lần nữa hay sao!

Hà Nội, ngày 16/7/2010

HĐS

This entry was posted in Thư Giãn Cuối Tuần. Bookmark the permalink.