Gượng chút Oxy cho một góc nhỏ Sài Gòn kiệt sức

Cù Mai Công

Thương lắm, món tiền rất nhỏ của cô trò tôi gửi chắc chắn chỉ gượng vui cho bà con vài ngày. Họ như những người bị bỏ quên giữa một Sài Gòn hoa lệ, ít ai biết. Khi nhịp sống Sài Gòn bình thường, họ chìm đi trong đó với mâm xôi, xe hủ tíu, xấp vé số… bươn chải, tất tả trên đường.

Và những ngày Covid này, bao con người đi bên lề cuộc sống Sài Gòn như bị bỏ quên ấy lộ ra, nhiều quá. Xế trưa 18-8, tôi thấy quanh bùng binh Phú Lâm có ba, bốn chục người, đông như cái chợ nhỏ; có người ngồi cả gia đình – đứa con nhỏ chơi lê lết trên vỉa hè. Bà con ngồi lặng lẽ, chờ đợi… với đôi mắt u buồn. Tôi lại ghé vô, gửi chút tiền, chút quà từng người.

Và sáng 18-8, trời ơi, đường Tân Hòa Đông chạy qua quận 6 và Bình Tân vẫn khá nhiều gánh, sạp hàng rong, bày bán từng cọng rau, ổ bánh mì… Tôi tin bà con mình giờ ai cũng sợ Covid, rành cách chống Covid lắm, nhưng dịch gần ba tháng rồi, miếng cơm manh áo hàng ngày.

Cạn kiệt, đến trẻ con có đứa cũng phải lăn ra đường. Như hai anh em họ Thủ, Lộc chở nhau đạp xe xiêu vẹo bán rong hành, tỏi, chanh… trên đường Tân Hòa Đông tôi gặp. Cả hai cùng 13 tuổi, đen đủi và nhỏ choắt, cha mẹ người mất, người bỏ đi, cả hai cùng ở với bà ngoại và dì ở trọ nhà số 463 Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. “Hai đứa con chở nhau đi bán từ sáu giờ sáng tới 12 giờ trưa, ngoại cho mỗi đứa 20 ngàn ăn quà” – Thủ rủ rỉ kể, mắt ánh niềm vui khi nhắc tới ngoại.

Tôi rề xe máy lại, mua một bịch chanh 10 ngàn đồng, một bịch hành 15 ngàn đồng, đưa hai bé mấy trăm. Cả hai cùng khoanh tay, ngoan ngoãn: “Con cảm ơn chú”.

… Trưa 18-8-2021, chơi vơi chạy xe về giữa những mảnh đời Sài Gòn một ngày Covid, lời cảm ơn bé thơ khiến tôi trước đó như kiệt sức bỗng nhẹ lòng.

… Tối 17-8-2021, Sài Gòn mưa tơi tả, hiu hắt lòng người. Mâm cơm gia đình chị Đ.T.Q.A. trên đường Hồng Hà, phường 2, Tân Bình là nồi cơm từ 3kg gạo một ATM cho hôm trước và một dĩa rau muống xào cà chua. Cả nhà một vợ, một chồng, một con gái 17 tuổi học phổ thông ráng gượng đưa cơm, không dám nhìn nhau…

Chị xưa là nữ sinh lớp 6P1-9P1 trường Ngô Sĩ Liên với tôi, sau tôi hơn 10 khóa. Xưa chị xinh lắm, tới giờ tuổi gần 50 nhưng những nét sang trọng, trẻ trung Sài Gòn xưa vẫn rạng trên khuôn mặt người phụ nữ bán khoai vỉa hè trước nhà. Ba chị vốn là nhân viên phi trường Tân Sơn Nhứt trước 1975. Giờ ba má mất, căn nhà trên đường Hồng Hà chia cho sáu gia đình anh chị em cùng ở. Tiện tặn cũng tạm sống qua ngày…

Gần ba tháng nay, dịch phải nghỉ bán. Anh chồng thợ sắt, dịch cũng nghỉ. Nhà cạn kiệt, không còn một đồng để sinh sống. Chị bảo giấy tờ làm sai sao đó, phường chưa hỗ trợ gì. Mấy hôm trước, dù không Công giáo, nhưng chị ngày ngày ra nhà thờ Tân Sa Châu xin thực phẩm. Có hôm ra trễ, hết, về buồn thiu cả nhà.

Sáng 18-8, tôi vội ghé một cửa hàng Vissan mua ít thịt thà, đôi cái bánh giò ngon chạy lại chị. Đặt vào tay chị một triệu đồng rồi đi. Chị lặng người, cúi đầu, đỏ hoe mắt, nghẹn ứ lời cảm ơn…

Tôi phải đi vội; còn năm, sáu nơi. Quỹ thời gian không cho phép, tôi chạy qua ngân hàng Sacombank Tân Bình gửi gấp tiền đóng nhà trọ cho Đ., một bạn trai lao động tự do bên đường Hưng Phú, quận 8. Tiền nhà trọ giờ có lẽ là nặng lòng nhất với hàng triệu bà con nhập cư, hơn cả ăn uống. Ăn uống dù sao cũng còn xoay sở được giữa một Sài Gòn rộng lòng sẻ chia.

Đ. và cô em gái, học du lịch ra trường chưa có nơi nhận, giờ làm cho một công ty. Phòng trọ hai anh em trên đường Hưng Phú, phường 10, quận 8. Dịch mất việc, anh về quê Gia Ray, thất nghiệp. Em gái kẹt ở thành phố, ăn nghỉ ở công ty. Ở quê mẹ phụ việc nhà, nuôi đứa em trai 30 tuổi bị tai nạn hơn 10 năm trước, bại não. Dịch, không ai thuê. Hai anh em thu nhập vất vưởng. Nặng nỗi ở quê, lo chuyện ở Sài Gòn.

Trước khi tới một khu nhà trọ ở quận 10 theo lời hẹn, tôi tạt qua anh Dũng, làm cho một công ty tư nhân trên đường Bành Văn Trân gửi chục trứng gà và bịch chà bông. Sáng đi làm, người đàn ông tủ sách trong nhà toàn tiếng nước ngoài ấy chỉ mua nổi hai ổ bánh mì không cho bữa sáng và bữa trưa.

Khu nhà trọ nằm trong một con hẻm bên Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học: 824/28L Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10; đối diện Bệnh viện 115. Đây là một nhà trọ 15 phòng xây cất tạm bợ, mỗi phòng khoảng 9, 10m2. Khi tôi đến, người thuê của hai phòng đã trả, không rõ đi đâu. 13 phòng còn lại ở ở từ một đến năm người/phòng. Toàn bà con nhập cư miền Tây lên Sài Gòn đã lâu, không ai có tờ giấy tạm trú tạm vắng. Người bán vé số, lượm rác, lượm banh tennis, kẻ bán hàng rong… Dịch ru rú ở nhà hết.

13 phòng còn lại thì mấy phòng có con nhỏ dưới 10 tuổi, bốn phòng có người già 70- 80 tuổi. Có cả một sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ – tin học – vì thi cử, kẹt ở lại thành phố. Gia đình ở quê Lấp Vò, Đồng Tháp làm thuê cho một bến đò… Người nào cũng xơ xác. May mà bà con lại thương yêu nhau, có gì đều chia sẻ cho nhau.

Mấy tháng nay, bà con khu nhà hai lần gọi 1022 xin “cấp cứu”. Phường xuống ngay, cả hai lần, mỗi lần mỗi phòng trọ được năm ký gạo, năm gói mì và một khoanh bí đao.

Giờ cả khu nhà trọ ăn cơm từ thiện. Ngày ngày bà con ở đây cử một, hai người đi tìm những nơi phát cơm như cửa hàng, chùa; có gì lấy nấy, mang về chia nhau. Trong đó có một người bạn hồi 13, 14 tuổi sinh hoạt Đội với tôi sau 1975 ở phường. Thanh niên đi bộ đội. Về làm bảo vệ chợ Phạm Văn Hai. Giờ lớn tuổi mà gia đình làm ăn thất bát, bán nhà từ lâu, ly tán phải ở trọ đây do cửa hàng mà mình bảo vệ mướn cho. Dịch nghỉ. Có bịnh nghẹt đường thở Copd, phải dùng ống hít thường xuyên. Hôm trước hết tiền, bà con khu nhà trọ hùn 100.000 đồng mua cho ống hít.

Tôi nhắn tin hỏi cô giáo dạy tôi hồi lớp 4 trường Mai Khôi, Bùi Mai Phương, giờ bên Mỹ. Cô bảo: “Cô tin em, lo cho khu nhà trọ này giùm cô nha C.”.

Khu nhà trọ chiều ngang khoảng 8m, dài 20m, có một lối đi ở giữa chia đôi hai dãy phòng hai bên. Tối và chật lắm, ban ngày cũng phải mở đèn. Khi tôi ăn mặc luề xuề lủi đến hỏi thăm, cả khu có vẻ lạ và… cảnh giác. Khi người bạn cũ gần 40 năm nay mới gặp lại ra nhận người quen, bà con lại coi như người nhà. Tôi gửi mỗi phòng từ 500.000 đồng – một triệu đồng. Người bạn xưa của tôi có ưu tiên thêm nửa ký chả lụa và bịch bánh mì ba ổ – đều mới ra lò, còn nóng. Một bà cụ vắng vì ra đường… xin ăn từ sáng (!). Tôi gửi tiền bạn tôi, nhờ gửi lại bà cụ…

Bà con hối nhau mang trà đá cho tôi uống. To, một thanh niên vốn trước Covid lượm banh tennis bảo tôi: “Chú cho con hun chú một cái”. Trên đường về, bạn tôi nhắn tin: “C. về, bà con cả khu nhà trọ bữa nay vui lắm, cứ râm ran nói: Bữa rày Covid, đây là lần đầu tiên có…tiền”.

Thương lắm, món tiền rất nhỏ của cô trò tôi gửi chắc chắn chỉ gượng vui cho bà con vài ngày. Họ như những người bị bỏ quên giữa một Sài Gòn hoa lệ, ít ai biết. Khi nhịp sống Sài Gòn bình thường, họ chìm đi trong đó với mâm xôi, xe hủ tíu, xấp vé số… bươn chải, tất tả trên đường.

Và những ngày Covid này, bao con người đi bên lề cuộc sống Sài Gòn như bị bỏ quên ấy lộ ra, nhiều quá. Xế trưa 18-8, tôi thấy quanh bùng binh Phú Lâm có ba, bốn chục người, đông như cái chợ nhỏ; có người ngồi cả gia đình – đứa con nhỏ chơi lê lết trên vỉa hè. Bà con ngồi lặng lẽ, chờ đợi… với đôi mắt u buồn. Tôi lại ghé vô, gửi chút tiền, chút quà từng người.

Và sáng 18-8, trời ơi, đường Tân Hòa Đông chạy qua quận 6 và Bình Tân vẫn khá nhiều gánh, sạp hàng rong, bày bán từng cọng rau, ổ bánh mì… Tôi tin bà con mình giờ ai cũng sợ Covid, rành cách chống Covid lắm, nhưng dịch gần ba tháng rồi, miếng cơm manh áo hàng ngày.

Cạn kiệt, đến trẻ con có đứa cũng phải lăn ra đường. Như hai anh em họ Thủ, Lộc chở nhau đạp xe xiêu vẹo bán rong hành, tỏi, chanh… trên đường Tân Hòa Đông tôi gặp. Cả hai cùng 13 tuổi, đen đủi và nhỏ choắt, cha mẹ người mất, người bỏ đi, cả hai cùng ở với bà ngoại và dì ở trọ nhà số 463 Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. “Hai đứa con chở nhau đi bán từ sáu giờ sáng tới 12 giờ trưa, ngoại cho mỗi đứa 20 ngàn ăn quà” – Thủ rủ rỉ kể, mắt ánh niềm vui khi nhắc tới ngoại.

Tôi rề xe máy lại, mua một bịch chanh 10 ngàn đồng, một bịch hành 15 ngàn đồng, đưa hai bé mấy trăm. Cả hai cùng khoanh tay, ngoan ngoãn: “Con cảm ơn chú”.

… Trưa 18-8-2021, chơi vơi chạy xe về giữa những mảnh đời Sài Gòn một ngày Covid, lời cảm ơn bé thơ khiến tôi trước đó như kiệt sức bỗng nhẹ lòng.

“Anh phải cho em chia sẻ. Làm xong lòng mới nhẹ được anh ạ” – một người bạn, người em đồng môn Nguyễn Thượng Hiền ngày xưa với tôi, giờ là lãnh đạo Bộ Y tế, phụ trách phòng chống Covid ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhắn tin như thì thầm với tôi. Lời nhắn sau khi tới tận tòa soạn tìm tôi trưa 17-8 để “ép” tôi nhận chia sẻ của bạn ấy với bà con khó khăn.

Trước đó, tôi không nhận vì biết người bạn, người em ấy đang nặng gánh ngàn cân, chỉ hơn hai tháng, sút sáu, bảy ký, tóc bạc trắng, phờ phạc. Bạn ấy tới giờ vẫn là dân Ông Tạ – gần nửa thế kỷ vui buồn với Ông Tạ…

Cảm ơn cái khoanh tay, cúi đầu cảm ơn của hai bé trai 13 tuổi đạp xe bán hành tỏi trên đường Tân Hòa Đông. Cảm ơn ly trà đá xóm trọ nghèo xác xơ đường Sư Vạn Hạnh rót cho tôi. Cảm ơn lời nhắn tin của cô bạn Ngô Sĩ Liên xưa với tôi trên đường Hồng Hà: “Bánh giò anh cho ngon lắm”. Cảm ơn anh Dũng khoe trên Facebook chục trứng gà, bịch chà bông tôi gửi anh ăn sáng…

Cảm ơn cô tôi, người dạy tôi biết sống chia sẻ, bác ái từ những ngày còn học với cô cho tới giờ. Cảm ơn bạn tôi, người “chỉ ra” cho tôi cách để nhẹ lòng trong lúc Sài Gòn của tôi, của chúng ta khó khăn vô cùng này…

Để thương hơn, yêu hơn Sài Gòn.

Mai kia, tôi lại đi. Cho lòng nhẹ hơn…

C.M.C.

Nguồn: FB Cù Mai Công

This entry was posted in Đại dịch virus Vũ Hán, Quản lý xã hội trong đại dịch. Bookmark the permalink.