Người di cư thời Covid an sinh xã hội và những thứ khác

Phạm Quỳnh Hương

Công đoàn không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ mất vai trò và mất hết Đoàn viên

Sáng nay mở mạng và cả báo quốc doanh đọc, tràn nhập tin buồn, thậm chí là thê thảm. TP Hồ Chí Minh cái gì cũng thiếu: từ bình ô xy, que test nhanh, bộ bảo hộ, khẩu trang N95, gường bệnh, y bác sĩ đến … quan tài gỗ và chỗ thiêu xác….chỉ thừa mỗi người nhiễm Covid ngày càng cao… F0 lây nhiễm ngoài cộng đồng tăng nhiều.

Với công nhân, lao động nghèo thì thiếu tiền, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu vắc – xin để tiêm cứ day dứt, do dự giữa về quê và ở lại … Hôm nay báo Thanh Niên đưa tin: 4,7 triệu người nghèo tại TP HCM đang cần cứu trợ khẩn cấp.

Càng buồn hơn là giữa đại dịch thế này mà các ông ấy cứ hội họp, giáo huấn, chỉnh đốn, khẩu hiệu suông, phát động thi đua và nói gì cũng rất dài. Tổng Liên đoàn Lao động VN, tổ chức lớn nhất của công nhân lao động, được ví là mái nhà thân thiết, là chỗ dựa của CNLĐ cứ ù ù, cạc cạc, không hành động cứu giúp đoàn viên và công nhân lao động nghèo lại nghĩ ra cái trò họp báo để phát động sáng tác ca khúc, hát hò ca ngợi thành quả chống dịch lúc này… Nếu các ông bà này xuống thực tế, xuống với công nhân lao động khốn khó, cay cực sẽ nghĩ khác, làm khác chứ không mơ mộng, viển vông, vô cảm như vậy…

Hiện Tổng Liên đoàn LĐ VN đang quản lý một số tiền rất lớn lên đến 29.000 tỷ đồng và đang gửi tiết kiệm và mua cổ phiếu lấy lãi. Vậy tại sao lúc này Tổng Liên đoàn không rút ra hỗ trợ cứu giúp người lao động nghèo mất việc, không có thu nhập, thiếu đói…

Không làm tròn chức năng chăm lo đời sống, bảo vệ, động viên người lao động thì có nên tồn tại cái tổ chức này không?

Bộ Luật Lao động sửa đổi đã cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp. Tổ chức này hoạt động song song và bình đẳng với tổ chức Công đoàn và người lao động có quyền lựa chọn tham gia 1 tổ chức đại diện cho mình. Vì vậy, Tổng Liên đoàn LĐ VN không làm tròn vai trò, chức năng của mình, không đổi mới phương thức hoạt động sẽ mất vai trò và mất hết đoàn viên công đoàn…

Trần Thị Sánh

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, xe môtô và đường

Người di cư – dân ngụ cư – dân nhập cư

Người di cư ở Việt Nam từ xưa đến nay đều không được đối xử bình đẳng như người dân sở tại. Nhưng họ là một phần của thành phố. Họ đóng góp cho thành phố. Thành phố không thể thiếu người nhập cư.

Những đối xử không bình đẳng với người di cư không chỉ thể hiện trong cư xử hàng ngày, mà còn thể hiện cả trong chính sách của nhà nước. Người dân được phân biệt với nhau bằng đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú. Nhiều chế độ có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ đối xử khác nhau với những người có mức độ đăng lý cư trú khác nhau. Ngay trong dịch covid này càng thấy rõ. Người ngoại tỉnh, lao động tự do, không đăng ký cư trú đang xếp ở nấc thang thấp nhất trong mọi hỗ trợ của nhà nước. Cho đến nay, nhà nước đã có nhiều hỗ trợ cho người dân chịu tác động bởi dịch covid. Nhưng nhóm người này nhận được ít nhất. Rất nhiều người đã bị loại ra khỏi danh sách chỉ vì họ không có đăng ký cư trú, không đăng ký tạm trú.

Chính điều ngày khiến cho nhóm người này bị đẩy vào tình trạng bất an, rủi ro nhất, chịu tác động lớn nhất trong dịch covid. Điều này giải thích tại sao họ rời khỏi thành phố đông đảo như vậy.

Vai trò của nhà nước hay tư nhân

Trong đợt dịch covid, khi bị cách ly nhiều đợt, người di dân đã lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều người đã bị đói. Nhìn dòng người rời khỏi thành phố thì đó là bằng chứng cho thấy họ đã quá khó khăn. Chỉ có khó khăn đến mức tuyệt vọng thì mới khiến cho nhiều người bỏ đi như vậy. Trong hoàn cảnh đó, các chính sách của nhà nước lại không đến được nhiều với nhóm người này. Và tại chính điểm này, khi nhà nước không làm được gì nhiều thì người dân và nhóm tư nhân đã trở thành vai trò chính trợ giúp cho những người di cư lao động tự do. Những hỗ trợ này đã tháo gỡ phần nào những khó khăn tạm thời, trước mắt. Gọi là tạm thời, trước mắt, nhưng vào lúc đói, lúc hoạn nạn thì nó vô cùng quan trọng. Nó chính là cái phao cứu sinh. Cái phao an sinh xã hội giúp xì hơi quả bóng bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, dù đóng vai trò quan trọng nhưng những trợ giúp của người dân và khối tư nhân chỉ mang tính tạm thời và không đều đặn. Để đảm bảo một cuộc sống tối thiểu, và an sinh thì đó phải là vai trò của nhà nước. Ở đây ta thấy có sự phân khúc rõ ràng giữa vai trò của nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, mảng nhà nước lại quá mờ nhạt.

An sinh xã hội cho người nhập cư

Người lao động tự do nhập cư, họ được hưởng những gì? Chính sách an sinh xã hội có gì cho họ? Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế… Hoàn toàn không có. Với họ, Ráo mồ hôi hết tiền.

Trong những ngày covid này họ được chăm lo những gì? Họ có được vào danh sách tiêm vaccine không? Họ có được vào danh sách nhận trợ cấp của thành phố không? Hay là muốn nhận thì về quê? Trong khi chính sách “ở đâu ở yên đấy” nhưng chính sách hỗ trợ lại không đi kèm. Nếu “ai ở đâu lĩnh hỗ trợ ở đấy” thì chắc dân sẽ không chạy đi như thế. Trong sự kiện người dân rời khỏi thành phố hôm qua và bị chặn lại. Các cán bộ và công an đã dùng nhiều cách thuyết phục và bắt buộc người dân quay lại thành phố. Nhưng rất nhiều người vẫn kiên trì ở lại. Họ hy vọng có thể xin được về quê. Lúc đó, nếu có chính sách phát tiền hỗ trợ thì chắc sẽ thuyết phục hơn là chỉ tuyên truyền không. Chắc sẽ có nhiều người nhận tiền và yên tâm quay lại thành phố.

Hiện nay đã có những hoạt động hỗ trợ hiện vật (mỳ gói, dầu ăn, rau, gạo…) cho người dân nhập cư. Nhưng những hiện vật cũng không đủ để người dân yên tâm. Để đối phó với tình trạng hiện nay, rất cần có chính sách rõ ràng của nhà nước. Nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân di cư. Cụ thể là phải có chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Trong đó bao gồm: hỗ trợ hiện vật, và hỗ trợ tiền cho sinh hoạt, để họ có thể chi trả cho sinh hoạt thiết yếu (tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền thuốc…). Đồng thời phải CAM KẾT đảm bảo hỗ trợ đủ cho đến khi hết dịch. Cam kết này phải thể hiện rằng không để người dân nào, bất kể hình thức đăng ký cư trú, đều nhận được sự hỗ trợ CÔNG BẰNG.

Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có chính sách quản lý, hỗ trợ người lao động mà không dựa vào đăng ký cư trú. Những người di dân lao động tự do hoàn toàn nằm ngoài các chính sách quản lý, hỗ trợ của nhà nước. Sắp tới, nếu thành phố có các chính sách hỗ trợ cho người dân ngoại tỉnh, không biết việc hỗ trợ này sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm. Nếu giao cho chính quyền địa phương, hay đoàn thể nào đó phụ trách thì rất có thể lại bị gắn với chính sách đăng ký cư trú như cách truyền thống. Khi đó, người di dân lao động tự do sẽ lại xếp ở dưới đáy. Có lẽ nên tiến tới có chính sách hỗ trợ theo người lao động, không phân biệt giới tính, dân tộc, nơi cư trú, … Mỗi người lao động có 1 số lao động và do Sở LĐTBXH quản lý. Mỗi người lao động đều có quyền lợi ngang nhau, được đối xử ngang nhau. Khi đó người di cư lao động sẽ được hưởng sự hỗ trợ công bằng hơn.

An ninh xã hội

Khi cuộc sống không đảm bảo thì nơi bất cứ ai cũng sẽ nghĩ đến là “Về Nhà”. Về nhà dù nghèo khó nhưng vẫn có sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ lúc khó khăn. Nếu ở thành phố họ có được sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ thì người dân mới ở lại. Không thể bằng một chỉ thị mà khiến cho người dân yên tâm ở lại.

Rồi đây, khi họ không thể về quê thì điều gì sẽ xảy ra. Khi người dân đã phải rời đi tức là họ đã cảm thấy lo lắng, không an tâm. Nay quay trở lại với tương lai bất định thì mối lo lắng sẽ tăng lên gấp bội. Khi lòng dân bất an thì bất ổn xã hội sẽ tiềm ẩn và rất dễ xảy ra. Và điều này ảnh hưởng đến an ninh xã hội tại nơi cư trú của người di cư. Chính quyền rất cần hiểu rõ điều này để chú ý đảm bảo an ninh đô thị. “Đói kém sinh” đạo tặc là đây. Lúc đó người lao động di cư lại chịu tác động kép.

Những vấn đề về tâm lý

Cuộc sống bất ổn. Người di cư lo lắng từ dịch covid cho đến cuộc sống, miếng ăn hàng ngày. Điều này gây ra hoang mạng, bất ổn tâm lý. Những bất ổn về tâm lý, và bất ổn xã hội sẽ là một cản trở, và thách thức khiến cho người dân các tỉnh sẽ đắn đo khi quay lại thành phố sau dịch. Điều này sẽ tác động đến sự khan hiếm người lao động sau dịch covid.

Việc người dân ra đi khỏi thành phố, dù có gọi là gì, là rời bỏ, hay bỏ chạy, hay tản cư, hay tháo chạy… thì đó cũng là một thảm cảnh đối với người ra đi. Có thể nhiều người không muốn dùng từ khủng hoảng nhân đạo, nhưng có lẽ cũng gần như thế. Đối với người trong cuộc, đây chính là một thử thách, một biến cố, một chấn động tâm lý mà có lẽ khó mà phai mờ. Thậm chí, với nhiều người sang chấn tâm lý khó có thể vượt qua. Nó sẽ để lại những dấu ấn không thể đo đếm được trong tâm lý xã hội sau này.

Những vấn đề vđiều kiện sống

Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, người dân sẽ khó có thể thuê được một nơi ở có đủ điều kiện như trước. Ngay chính những chủ cho thuê trọ cũng sẽ không có đủ điều kiện duy trì chất lượng hạ tầng như trước, khi mà các khoản thu bị mất đi do covid. Điều này dẫn đến chất lượng nơi ở thấp kém. Cộng thêm với điều kiện khác như dinh dưỡng kém, thiếu vận động do cách ly lâu ngày… Tất cả sẽ dẫn đến những bệnh không phải covid. Các nghiên cứu của các nước khác đã chỉ ra rằng trong khi bị cách ly vì covid, khi thu nhập giảm đi hoặc mất hẳn thì điều kiện sống của người dân trở nên thấp kém, điều kiện vệ sinh môi trường kém, thiếu vận động, thiếu không khí trong lành,… và dẫn đến nhiều bệnh ngoài covid. Trong tình cảnh các bệnh viện đang quá tải vì bệnh nhân covid thì những người bị bệnh khác sẽ càng thêm thiệt thòi và chịu nhiều rủi ro. Những người mang bầu không thể đi khám thai, người đau răng, hay bị nhiễm trùng không thể đi khám… Sẽ đem đến nhiều hệ lụy.

P.Q.H.

Hà Nội ngày 17/8/2021

Nguồn: FB Huong Pham

This entry was posted in Đại dịch virus Vũ Hán, Quản lý xã hội trong đại dịch. Bookmark the permalink.