Nguyễn Thông
Ngóng báo
Cứ đến dịp này, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, người ta lại sôi nổi luận bàn về báo chí, nhà báo. Nào là định hướng, trách nhiệm, nghề nghiệp, đạo đức, bút sắc lòng trong, nào là kinh nghiệm, tay nghề, điều hay điều dở… Gần một thế kỷ, báo chí cách mạng đã rong ruổi, thường là nước kiệu, trên con đường mà dân tộc đã đi thì có biết bao điều để cùng nhau ôn lại, tự hào, rút kinh nghiệm. Báo chí mặc nhiên là một phần không thể thiếu của cuộc sống, như ta phải ăn cơm hằng ngày vậy.
Người nông dân đem cho đời hạt gạo cây rau, ngư dân cho con cá, diêm dân cho hạt muối, còn báo chí mà cụ thể là nhà báo cho chúng ta thông tin. Dòng đời trôi không ngừng, thông tin sinh sôi nảy nở không ngừng, báo chí chính là bình chứa cung cấp cho mọi người nguồn nước thông tin ấy. Tôi nghĩ rằng, chả cần phải đao to búa lớn, đại ngôn này nọ về vai trò, nhiệm vụ, chức năng… của báo chí, chỉ cần gói lại rằng báo chí đồng nghĩa với thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin cho con người, thế là đủ.
Nghe thì nhẹ, nhưng quả thực không đơn giản. Điều dễ nhận ra là ở một nước như nước ta đang tồn tại mấy trăm tờ báo nhưng nhặt ra nào có bao nhiêu tên tuổi. Phải nói thẳng điều này, làm nên giá trị cộng đồng rộng rãi cho tờ báo không phải là tầm cỡ vật chất nhà cao cửa rộng, đền miếu cây đa, cũng không phải từ uy quyền cơ quan chủ quản của tờ báo mà là từ sức nặng thông tin nó đem tới mỗi ngày. Thông tin thời sự, nhanh, nóng, đầy đủ, phong phú, khách quan tạo cho báo chí sức sống vững bền, chắc chắn.
Tôi lấy ví dụ, không ít tờ báo thuộc cơ quan trung ương, được hỗ trợ nhiều thứ nhưng có lẽ phải tâm phục, khẩu phục báo Tuổi trẻ, cho dù cơ quan chủ quản tờ báo này chỉ là Đoàn thanh niên của một thành phố. Lượng phát hành và phạm vi phủ sóng thông tin cực lớn. Sức mạnh phản biện và tính nhanh nhạy kịp thời khó tờ nào theo kịp. Những tiêu chí ấy cực kỳ quan trọng, khi đưa lên bàn cân, nhiều tờ báo trung ương phải gọi báo Tuổi trẻ, báo Thanh Niên (cũng của bên tổ chức thanh niên) bằng… bác, thậm chí bằng cụ.
Thời đại ngày nay là thời đại thông tin. Đã qua rồi thời bao cấp, kể cả bao cấp thông tin. Hãy trả báo chí về xã hội dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường, bắt nó tự cung tự cấp, tự hạch toán; nếu làm hay, có tư cách đứng đắn, đàng hoàng, thời sự, khách quan, không câu khách rẻ tiền, đủ sức thu hút được bạn đọc… thì tồn tại, thì sống. Còn không thì tự tiêu vong. Báo gì thì báo cũng cứ phải tự lo, phải chấm dứt sống dựa ngậm vào bầu vú ngân sách. Dân không thể cứ còng lưng mãi đóng thuế nuôi những tờ báo mà cả đời họ không đọc, chỉ có tác dụng gói xôi. Tờ báo có giá trị là tờ báo bán được, người đọc tự bỏ tiền túi ra mua để đáp ứng khao khát thông tin chứ không phải thứ để gói xôi, cho không, đút vào ngăn kéo.
Cơ quan chủ quản hoặc nhãn mác tờ báo không có nghĩa đồng nhất với chỗ đứng của nó trong lòng bạn đọc. Khi mua báo cũng như khi đánh giá uy tín, người ta không nhầm lẫn nhãn mác với sức sống của tờ báo trong lòng xã hội. Sự lựa chọn và đánh giá của đông đảo bạn đọc là chuẩn xác nhất, đáng tin cậy hơn mọi điều khác.
Điều không thể phủ nhận là nhà báo rất có vị thế, tiếng nói trong xã hội. Báo chí được xem như thứ quyền lực, thậm chí siêu quyền lực. Thời xa xưa, các ký giả (để chỉ nhà báo) khiến cả tầng lớp cai trị cũng phải gờm. Trong tác phẩm Giông tố của nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nghị Hách là kẻ thét ra lửa, tiếng tăm lừng lẫy cả mấy tỉnh Bắc Kỳ, đến cả quan thống sứ cũng có lúc phải nhờ cậy, nhưng khi nghe tôi tớ bẩm rằng có ký giả đang đến điều tra vụ việc liên quan, lão lo sợ giật mình thon thót. Sức mạnh của báo chí là công bố thông tin, công khai minh bạch, nhất là những thứ mà ai đó cố tình giấu diếm.
Thông tin chính xác, đầy đủ, nhanh chóng, khách quan, góp phần nâng cao hiểu biết, dân trí, đó là những điều mà người dân mong mỏi ở nền báo chí nước nhà.
Quy hoạch báo chí*
Dịch vi rút Vũ Hán, ở khía cạnh nào đó có tác dụng làm cho người ta quên. Quên nhiều thứ ở trên đời khi chỉ chăm chăm vào nó. Ngày lễ trọng của nhà báo quốc doanh chẳng hạn, vừa mới tíu ta tíu tít, hớn ha hớn hở, nhắc nhau “mắt sáng bút sắc lòng trong”, chưa trôi được 4 hôm đã quên tiệt, chẳng ai nhắc tới nữa. Có nhẽ chỉ còn mình tôi, cũng chả phải duyên nợ gì, mà chỉ bởi đã hứa sẽ có phần tiếp theo.
Cứ sổ toẹt ra thế này, ở đâu có tự do báo chí thì có, chứ xứ này thì không. Ông Đinh Thế Huynh, có thời nhân vật số 2 của triều đình-phủ chúa, trước khi lặn một hơi không sủi tăm, năm 2011 đã từng lớn tiếng trước bàn dân thiên hạ, rằng nước nào đa nguyên đa đảng thì kệ họ, nước ta không có chỗ cho đa nguyên đa đảng, dứt khoát không đa nguyên đa đảng; nơi nào tự do báo chí cũng kệ, nơi này báo chí phải chịu sự lãnh đạo của đảng. Hình như khi ấy đương sự nghĩ mình sắp là tổng bí thư nên lập ngôn đúng giọng điệu nhân vật số 1. Còn bây giờ đương sự làm gì, ở đâu, ra làm sao…, chịu.
Cùng giọng với Huynh Đinh, đồng chí X, tức Nguyễn Tấn Dũng, lúc chưa bị đánh bật khỏi ghế tể tướng, cũng hò hét kinh lắm. Đương sự 3X năm 2012 từng chém dứt khoát không có tự do báo chí, không chấp nhận báo chí tư nhân. Lúc ấy thì phần phật thế thôi, biết đâu bây giờ lại tiếc, giá như đang cờ trong tay ai người ấy phất, cho ra phát báo chí tư nhân, tự do báo chí, sẽ có thứ mà dùng trong cảnh hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. Cả Dũng và Huynh, không biết giờ này có muốn đính chính những điều mình đã hùng hổ nói văng mạng không. Giá “hồi xưa” đừng cấm báo chí tư nhân, đừng cấm đa nguyên đa đảng thì, thì… Tôi tòng sự nghề báo khi các đương sự đang thét ra lửa nên biết rõ chuyện hai ông kễnh chứ chả phải bịa đặt, nói phét cho sướng miệng.
Cái dự án quy hoạch báo chí có từ thời Huynh, Dũng, Son, thậm chí manh nha trước đó, nhưng các đương sự chưa kịp hành động, hoặc chưa đủ võ, chưa có thời cơ chín muồi… nên phải đợi tới tay các đàn em là Thưởng, Tuấn mới thành hiện thực. Đảng tất nhiên làm gì chẳng đúng theo ý đảng, chứ dư luận cho rằng đây là một bước thụt lùi của nền báo chí vốn chưa có tự do, là cách cưỡng bức bằng quyền lực, đưa tất cả vào khuôn phép chuyên chính, đeo cho báo chí quốc doanh vốn đã nhẫn nhục ngoan ngoãn cái vòng kim cô để dễ bề trị. Ai tin chuyện quy hoạch báo chí nhằm mục đích báo chí phát triển như đảng nói thì cứ tin, còn tôi quyết không tin.
Trong cuộc “cải cách báo chí” vừa qua, tuyên giáo và 4T thương ai thì kẻ đó được nhờ, họ cóc cần quy định, càng không thèm đếm xỉa tới quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí như những nước văn minh, dân chủ.
Nói thẳng ra, nếu họ quy hoạch để nhằm mục đích triệt bớt những tờ báo ăn bám, tiêu tốn ngân sách, báo gói xôi, báo lá cải vô bổ làm băng hoại xã hội, những báo địa phương (cơ quan của đảng bộ…) chỉ vài trăm người đọc, dùng tiền ngân sách in xong rồi biếu là chính, những báo chủ trương chống lại đất nước, dân tộc, nhân dân… thì việc dẹp bớt, quy hoạch thắt chặt là phải. Chả cần tồn tại những thứ ấy, lại càng không cần chi tiền thuế của dân nuôi những thứ ấy. Quy hoạch vậy rất đáng hoan nghênh, ủng hộ.
Nhưng không, căn vào bản quy hoạch và từng bước thực hiện quy hoạch thì chỉ thấy họ làm cải lương, nửa vời, làm để chứng tỏ quyền lực, ra vẻ ta đây. Mà quy hoạch để làm gì, khi gần 900 tờ báo, tạp chí, cơ quan báo đài, truyền thông chỉ răm rắp làm theo cái gậy đe nẹt của trung ương tập quyền. Đã buộc và chấp nhận định hướng, đã “tuân chỉ” thì đừng nói tới tự do. Có quy hoạch giời cũng vẫn thừa. Chỉ cần 1 tờ đã là quá nhiều. Còn đối với nhu cầu, khao khát thông tin đa chiều của dân chúng thì vạn tờ vẫn thiếu. Một khi còn độc quyền thông tin, cấm cản tự do báo chí, có tổ chức quy hoạch trăm lần cũng chả giải quyết được gì. Thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu.
Quy hoạch tào lao
Nhiều lúc ngẫm nghĩ (đang dịch, bị cấm túc tại gia, rảnh rỗi sinh nông nỗi – nỗi chứ không phải nổi, nên càng nghĩ tợn), cái gọi là quy hoạch báo chí của tuyên giáo-truyền thông chỉ sặc mùi trấn áp, cải lương, thậm chí mùi tiền.
Những kẻ sinh ra nó áp dụng nó, cùng với bộ sậu quen giọng tung hô, ca rằng đây là cuộc cách mạng, bước ngoặt phát triển quan trọng, thay đổi về chất… của nền báo chí nước nhà. Còn dư luận, nhất là những người “ở trong chăn mới biết chăn có rận” nhác qua đã hiểu nó chẳng khác gì cuộc đàn áp báo chí, nhằm quy về một mối để đảng dễ bề sai khiến. Lâu nay xứ này đã vốn không có tự do báo chí, sau cuộc quy hoạch đàn áp chỉ còn chim hót trong lồng, mong mỏi “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán” mãi mãi là ước mơ xa vời.
Cách đây ít hôm, tôi được nghe kể tờ báo (chịu nạn quy hoạch nên giờ chuyển thành tạp chí) mà tôi từng có mấy năm tòng sự, tạp chí điện tử Một Thế Giới, bị phạt rất vô lý. Không phải tôi đã làm cho “nó” mà bênh khen nhưng phải nói rằng mặc dù là “tờ báo” trẻ, mới có 7 niên, nhưng nó dõng dạc, mạnh mẽ, quyết liệt khi phản ánh cuộc sống xã hội. Nó đã làm được những điều mà nhiều báo lớn chưa làm được hoặc không dám, nhất là trước cường quyền, cái xấu cái ác. Đùng một cái, đụng phải quy hoạch trấn áp, Một Thế Giới bị biến thành tạp chí.
Ta thừa hiểu, theo quy định của nhà cai trị xứ này, khi là tạp chí của một hội chuyên thông tin về khoa học công nghệ, thì tôn chỉ, mục đích, phương hướng, nhiệm vụ, đối tượng… sẽ bị siết bị trói ra sao. Đời thuở nhà ai, báo chí đeo vòng kim cô như vậy thì còn làm được trò gì. Tạp chí, lại dạng điện tử phải cạnh nhau từng phút, chỉ quanh quẩn dăm ba thông tin về khoa học công nghệ, trong khi cuộc sống xã hội ngùn ngụt thời sự nóng bỏng, nói thẳng toẹt ra, tạp chí múa tay trong bị ấy ma nó đọc. Ai mà thèm quan tâm, trừ những anh khùng dở dở ương ương. Muốn tồn tại, muốn có bạn đọc, phải lăn vào cuộc đời phong phú, đa dạng, bỏng rẫy. Một Thế Giới hiểu được điều đó. Rồi tai vạ xảy ra.
Sau khá nhiều bài phản ánh hiện thực xã hội diễn ra ở khu vực ĐBSCL (một vùng trũng, vùng sâu vùng xa về thông tin), trong đó có Cần Thơ, nó đã bị kiện. Chính quyền và Sở 4T Cần Thơ tự ái bị nó vạch áo cho người xem lưng nên mách trung ương, cuối cùng tìm được cớ, quy Một Thế Giới tội không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, “thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động tạp chí”, lẽ ra chỉ được đăng bài nội dung về khoa học-công nghệ, thì lại chống tham nhũng, nhảy sang những vấn đề về chính trị, xã hội, kinh tế.
Mấy ông bà con trời ở Cần Thơ còn sụt sùi kể lể, ối làng nước ôi, nó đăng “Cần Thơ: Ô tô dán logo an ninh miền Bắc là của công ty tư nhân”, “Cần Thơ: Xem xét xử lý tài khoản Facebook Lộc Tô Châu”, “Cần Thơ đề nghị nhiều đơn vị, cá nhân cung tiến cây xanh cho đền thờ vua Hùng”, “Bí mật trong quán karaoke Red Diamond tại đường Phạm Ngọc Thạch, cảnh sát phát hiện 32 người dương tính”, “Cần Thơ: Ô tô tải đang chạy văng bánh làm móp đầu xe khách”…
Mấy quan hống hách ấy nằng nặc đòi chặn tài khoản, xử phạt Một Thế Giới về “nội dung của các bài viết hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Điều lạ là, họ phách lối và nhố nhăng, gửi công văn lên Bộ TT-TT, lên Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), “cấp trên” cũng cứ nhắm mắt đồng ý, đè Một Thế Giới ra phạt, thậm chí đã có thời gian chặn tên miền của nó, không khác gì đình bản.
Tôi hỏi các ông các bà quan quyền Bộ 4T, VNNIC và Sở 4T Cần Thơ, thế sao hằng ngày không đè tạp chí Một Thế Giới cũng như rất nhiều tạp chí in và điện tử khác ra mà phạt sự “vi phạm”, khi chúng thông tin về đại hội đảng, về bầu cử quốc hội, về hoạt động của chính quyền, về đủ thứ kinh tế-xã hội, bảo vệ biển đảo, thậm chí về tổng thống Mỹ, về sức khỏe Kim Jong-un…
Tôi biết chắc những chuyện đó không liên quan gì tới tôn chỉ mục đích của rất nhiều tạp chí. Nói đâu xa, tạp chí điện tử Zing.vn, thuộc Hội Xuất bản Việt Nam, cứ như ông bà quy định thì nó chỉ được loanh quanh trong lĩnh vực xuất bản, nhưng thử truy cập nó xem nào, không thiếu bất cứ đề tài chủ đề gì, kể cả mấy cô người mẫu lộ hàng, chuyện bắt ông này, kỷ luật ông nọ, có tất tần tật. Sao không phạt nó đi, lại chỉ nghe Cần Thơ tâu bậy rồi ăn hiếp những cơ quan báo chí tử tế nhưng… ít tiền. Ngồi ghế quản lý nhà nước cấp quốc gia mà cái đầu chỉ chứa tư duy tầm làng xã, nên về đuổi gà cho vợ có lẽ hợp hơn.
Ban, bộ, sở ra cái vẻ nghiêm túc thực hiện quy hoạch báo chí và quản lý, xử lý nghiêm, nhưng thiên hạ thừa biết kiểu nghiêm của các ông bà. Liệu có ẩn khuất trong chuyện một loạt tờ báo in ở TP.HCM nhẽ ra theo đúng quy hoạch phải gộp hẳn vào vài tờ báo “mẹ” thì lại chạy chọt được nơi chống lưng để tồn tại. Thành ủy chỉ 1 tờ SGGP cũng quá thừa, nay sao lắm báo trực thuộc thế (quản những 4 tờ: SGGP, Tuổi trẻ, Phụ nữ TP.HCM, Người lao động). Ủy ban cũng lắm thế (quản 5 tờ: báo Pháp luật, tạp chí Du lịch, tạp chí Giáo dục, tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, tạp chí Kinh tế Sài Gòn).
Sau quy hoạch, không mất tờ nào, báo in cứ in, điện tử cứ điện tử, như cuộc cách mạng ở làng Mùi mà AQ tham gia. Thiên hạ đùa rằng cứ tưởng giang hồ xã hội đen mới có bảo kê, hóa ra không phải. Rốt cuộc quy hoạch báo chí đã thành công tốt đẹp nhưng vẫn y nguyên. Quy hoạch chỉ là trò đùa của những kẻ thích đùa, và tai họa đối với những anh không “biết điều”.
Không cần quy hoạch. Chỉ cần quản lý báo chí bằng pháp luật. Ai muốn ra báo cứ ra, báo in hoặc báo điện tử đều được. Thích báo cho báo, muốn tạp chí cho tạp chí, tùy vào khả năng và ý nguyện. Thông tin không hạn chế. Báo của hội nuôi ong nhưng muốn phản ánh tình hình chiến sự Syria hoặc chuyện ngăn dịch Vũ Hán, tha hồ, miễn là tôn trọng sự thật khách quan.
Lấy pháp luật tử tế (chứ không phải gông cùm) để điều chỉnh mọi hoạt động của báo chí. Nếu vi phạm (chẳng hạn phản nước, hại dân, vô đạo đức…) thì phạt, đình bản, tước giấy phép. Xây dựng một nền báo chí đa dạng, sinh động, tự do khoe sắc hương, không có vòng kim cô, chỉ thượng tôn pháp luật. Lẽ dĩ nhiên phải là thứ pháp luật đàng hoàng, tử tế, văn minh, chứ không phải kiểu “mày nói xấu đảng thì tao phạt mày”.
Và điều quan trọng, mỗi cơ quan báo chí truyền thông phải tự nuôi sống mình, kể cả báo lẫn đài phát thanh, đài truyền hình. Tuyệt đối không dùng ngân sách nuôi những tờ giấy gói xôi, những đài chỉ chuyên nịnh nọt tô vẽ. Đấy mới là thứ cần quy hoạch, dẹp bỏ.
(Còn tiếp)
N.T.
Nguồn: FB Nguyễn Thông
* Bài viết do BVN đặt