Vương Trí Nhàn
Mấy hôm nay, đọc trên mạng cuộc trao đổi về đề thi môn văn kết thúc trung học phổ thông 2017.
Theo chỗ tôi đọc được, cuộc trao đổi dừng lại khá kỹ mấy chữ “THẤU CẢM” “TRẮC ẨN”. Và dù chưa chắc đã đi đến đâu, đó là việc cần thiết.
Nhưng ở góc độ của mình, tôi chỉ nghĩ sở dĩ câu chuyện xảy ra như vậy, mọi thứ được mang ra trao đổi như vậy vì đối với chúng ta hôm nay nhất là đối với lớp trẻ nó, cái sự THẤU CẢM với lại TRẮC ẨN ấy là cái gì xa lạ quá.
Giá lúc này đây trước mặt tôi là một học sinh chuyên văn. Tôi sẽ hỏi em những bài văn nào trong nhà trường đã dạy cho em về lòng trắc ẩn khiến em sẽ nhớ trong suốt cuộc đời.
Không, hoặc khiêm tốn mà nói là rất lờ mờ rất ít, có phải không em?
Nói quá lên hẳn em sẽ bảo số lần em nghe nhắc tới chữ ấy chắc chưa đầy mười đầu ngón tay!
Ảnh: FB Le Vinh Huy
Trong các sinh hoạt trường lớp đội đoàn cũng vậy, chả bao giờ người ta muốn đưa mấy chữ ấy vào trong tâm trí em cả.
Thế đấy, vậy mà bây giờ người ta nêu ra cho các em đi thi.
Lỗi không ở người đã nêu vấn đề này trên mặt báo.
Dù những người ra đề này có lỗi nữa thì cũng không phải là một điều quá trầm trọng. Trong cơn bí và với mục đích thân thiện là muốn cho nhà trường gần với xã hội, họ đã cố gắng.
Cái lỗi to lớn hơn sâu xa nằm ở toàn bộ ngành giáo dục và suy cho cùng nữa là lỗi của cả xã hội, cái định hướng phát triển con người trong xã hội chúng ta.
Ta hay nghĩ – và giáo dục lớp trẻ – theo lối nghĩ trong xã hội mình là ai cũng hiểu ai ai cũng thương ai, rồi từ đó cho phép cái “con người tuyên huấn” trong mình tự do đấu tranh với những ai không công nhận cái chân lý tối thiểu đó.
Ta ngại nói đến những gì lờ mờ non yếu trong tâm trí con người. Ta không hề quan niệm mỗi cá nhân là một cái gì phức tạp bởi – như trong thời của bọn tôi càng rõ – sự phức tạp sẽ ngăn cản mỗi cá nhân trở thành người chiến sĩ “đi bất cứ nơi đâu làm bất cứ việc gì xã hội cần tới”.
Trong một xã hội “đồng phục” kiểu “Lôi Phong hóa”, sự hiểu biết lẫn nhau sự đặt mình vào địa vị kẻ khác không cần được đặt ra.
Bởi thế, trong đời sống hàng ngày, ta chỉ hay nói đấu tranh phấn đấu vạch trần khuyết điểm tiêu diệt đến cùng sửa chữa phê phán quyết liệt. Mấy thế hệ liền coi những biện pháp mạnh đó là cách duy nhất và tốt nhất giúp cho tính người nẩy nở… Hỏi làm sao con người ngày nay không lúng túng khi bàn đến những chuyện tinh tế mà sâu sắc, dù nó là những phạm trù hết sức quen thuộc với con người Việt Nam trước 1945 – những ai từng đọc nhiều thơ văn cũ hẳn chứng giám cho cái ý này của tôi.
Nhân đây, xin phép nhắc lại một chi tiết từ một bài báo nước ngoài.
Báo Pháp Khoa học & đời sống từng viết về Tám hiểm họa môi sinh của thế kỷ XXI, một bạn trên Tia sáng số 9-98 đã dịch lại như sau:
1/ Nhiệt độ tăng.
2/ Đất thoái hóa.
3/ Nước hết.
4/ Hóa chất làm ô nhiễm.
5/ Vùng biển bị khai thác quá mức.
6/ Phá rừng gây nên dịch bệnh mới…
Sáu cái đó tôi đã nghe ở một vài chỗ khác.
Nhưng có hai khía cạnh mà tôi thấy mới, nó thuộc về hiểm họa xã hội:
7/ Mất cân đối dân số, nam nhiều hơn nữ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, và
8/ Đô thị hỗn loạn.
Người ta giải thích thêm điểm cuối: nay là thời của những THỊ DÂN HUNG DỮ; cuộc sống vô cùng hỗn độn bởi một số dân quá đông cùng sống trong một diện tích quá chật chội.
Người ta kết luận “Trong một lô cốt không có pháp luật, luật rừng sẽ thay thế luật pháp”.
Bài báo này gợi ra cho tôi một sự so sánh:
– Trong khi theo đuổi một đường lối giáo dục nhân bản và nói chung là xây dựng cho được một xã hội thân thiện với con người, thì những nền giáo dục ở các nước phát triển cũng không quên thăm dò những mạch ngầm nằm trong cách cư xử của họ, lấy đó làm điều cần nhắc nhở để giúp họ ngày một hoàn thiện.
– Trong cái sự kém cỏi chung của ngành nghiên cứu con người – tức bao gồm cả giáo dục –, thì ở ta các ngành nhân học này lại có xu hướng là xếp xó những vấn đề đang nảy sinh hàng ngày, hơn thế nữa lại còn cố tình chiều nịnh con người, ngăn cản họ tự nhận thức là cái yêu cầu bức thiết bậc nhất.
Điểm lưu ý cuối cùng: trong bài này tôi tập trung nói tới giáo dục. Quay trở lại với cái nghề của mình là nghề viết văn viết báo, tôi thấy chúng tôi cũng chẳng có gì khác. Không cần kiểm ra chắc các đồng nghiệp của tôi và các bạn từng yêu mến văn chương hẳn đều nhận ngay là cái chủ đề THẤU CẢM TRẮC ẨN với cách diễn giải như trên cũng xa lạ với chúng tôi bao nhiêu. chẳng cần suy diễn cũng có thể bảo rằng cái lỗi của giới cầm bút viết văn là một phần làm nên cái lỗi của các nhà giáo hiện nay.
V.T.N.
Nguồn: FB Vương Trí Nhàn