(PHẦN II)
Nguyễn Đình Cống
Câu 3- Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở VN?
Đây là vấn đề mấu chốt. Bài báo cho rằng, để xây dựng CNXH ở VN cần thực hành kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền văn hóa XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, phải trải qua thời kỳ quá độ và dưới sự lãnh đạo của ĐCS.
Về kinh tế thị trường định hướng XHCN
Thực chất là kinh tế thị trường có sự chỉ huy, điều tiết của nhà nước. Xin trình bày qua về nền kinh tế này.
Các nhà lý luận của Cộng sản VN khẳng định rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là một “sáng tạo đột phá” của họ mà không nêu ra được ai là người đầu tiên phát hiện ra nó. Thật ra đó là sự nhận nhầm.
Kinh tế thị trường có quản lý của nhà nước là học thuyết kinh tế của John Maynard Keynes, ngưới Anh (1883-1946), nhằm khắc phục các nhược điểm của thị trường tự do (Adam Smith) và thị trường do nhà nước điều hành theo kế hoạch (Karl Marx). Người ta cho rằng Smith, Marx và Keynes là ba nhà kinh tế lớn nhất của thế giới. Hiện nay mọi nền kinh tế đều chịu sự chỉ đạo của nhà nước, không nơi nào còn có thị trường hoàn toàn tự do. Trung Quốc đã theo học thuyết của Keynes trước VN, mở nền kinh tế thị trường với sự điều tiết của nhà nước cộng sản. Một người VN nào đó không phát hiện ra bản chất nền kinh tế mà chỉ nghĩ ra mấy chữ định hướng XHCN để gọi. Thế mà dám cho rằng đó là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, có nói quá không nhỉ?
Bây giờ xem sự chỉ huy của nhà nước cộng sản như thế nào.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN của VN, ngoài những điều thông thường như các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, sự cạnh tranh, quan hệ phân phối, hội nhập quốc tế, gắn kinh tế với xã hội v.v…thì có những điều được nhấn mạnh như: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; sự lãnh đạo của ĐCS, không vì tăng trưởng kinh tế mà “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Hãy xét từng điều xem sao.
Kinh tế nhà nước giữ vai trò gì khi nhiều cơ sở làm ăn thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ, là nơi phát sinh những vụ tham nhũng lớn, rất lớn, là nhiều công ty, nhà máy phải hóa giá để bán. Lãnh đạo Đảng biết rõ tình trạng, nhưng tại sao vẫn cứ phải ghi vào các nghị quyết rằng kinh tế nhà nước là chủ đạo? Tại vì Đảng vẫn kiên trì đường lối Mác Lê. Nếu kinh tế nhà nước không chủ đạo thì còn gì là Mác Lê nữa. Đây là một sự luồn lách về ngôn từ.
Sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế rõ nhất là bắt nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư nhân, làm ra luật đất đai, tạo điều kiện cho nhiều vụ tham nhũng khắp các địa phương, tạo ra nhiều dân oan bị cướp đất. Một hệ quả của việc lãnh đạo của Đảng là sự kết hợp giữa các thế lực có quyền và có tiền, tạo ra các nhóm lợi ích để thao túng và phá nát nền kinh tế.
Bà Ba Sương là người con ưu tú của dân tộc, ông Trịnh Vĩnh Bình là kiều bào yêu nước, thế mà bà Sương, ông Bình bị lãnh đạo Đảng địa phương lừa đảo, cướp đoạt tài sản, phải chịu tù tội. Riêng chuyện ông Bình, chính phủ còn phải bỏ ra nhiều trăm triệu đô la nộp phạt để bao che việc cướp đoạt của quan chức đảng. Sân bay Tân Sơn Nhất rộng trên ba ngàn hecta, thế mà bị các lãnh đạo đảng ở Bộ Quốc phòng chiếm phần lớn để làm sân golf và chia lô đem cấp cho tướng tá làm nhà và bán, để rồi nhà nước phải đi vay nợ làm sân bay Long Thành. Phải chăng mấy việc vừa kể, trong hàng ngàn, hàng vạn việc tương tự có xuất xứ từ sự lãnh đạo của Đảng.
Về việc chạy theo tăng trưởng kinh tế. Trong khoảng trên chục năm sau 1986 mà đặt mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế để thoát khỏi cảnh kiệt quệ, đói kém là cần, là đúng. Nhưng rồi đến bây giờ, khi việc tăng trưởng nóng nền kinh tế gây ra rất nhiều tai họa về xuống cấp đạo đức, lãng phí tài nguyên, hủy hoại môi trường mà vẫn say sưa, đặt tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu lại là chệch hướng. Người ta nói nhiều về tăng trưởng bền vững, rằng không hy sinh môi trường, nhưng nói được mà không làm được. Tại sao vậy? Chỉ vì tham và ngu của nhiều người trong các nhóm lợi ích. Mà còn lâu mới thoát được sự thống trị của tham và ngu này.
Nhìn kỹ vào thực chất nền kinh tế của VN trong thời gian qua với sự thao túng của các nhóm lợi ích, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội chỉ ra rằng nó rất giống sự phát triển hoang dã vào thời kỳ đầu của chế độ tư bản. Không biết GS Trọng đã bao giờ biết đến ý này chưa?
Về văn hóa XHCN
Bài báo viết: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, …., dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Tạm chỉ xét vai trò của chủ nghĩa Mác – Lê trong phát triển văn hóa, nó có nhiều điều phản lại các giá trị tiến bộ, nhân văn.
Văn hóa, trước hết là về phẩm chất và hoạt động của con người trong tự nhiên và xã hội, mà sự thương yêu, lòng tôn trọng lẫn nhau, đức khiêm tốn, lòng bao dung và biết ơn được đặt lên hàng đầu.
Con người có phần vật chất và phần tâm linh. Hai phần đó được hình thành từ Tiên thiên (có trước khi sinh ra do di truyền) và từ Hậu thiên (do nuôi dưỡng, học tập, hoạt động). Thế mà Mác cho rằng “Con người là tổng hòa các mối quan hệ của xã hội”. Nhận thức đó đã bỏ qua phần rất quan trọng là Tiên thiên và thời gian đầu đời của con người đã tạo ra những tính cách cơ bản.
Vì cái nhìn lệch lạc đó về con người mà Mác và Lênin đi đến một số kết luận sai về kẻ thù giai cấp, đấu tranh và tiêu diệt giai cấp, chuyên chính vô sản, nhà nước của giai cấp, vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân v.v… Những sai lầm đó tạo nên những nét văn hóa cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê, kích thích, đề cao lòng thù hận, khuyến khích đấu tranh bạo lực, tạo ra sự kiêu ngạo cộng sản.
Những nghiên cứu đáng tin cậy về sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu chỉ ra rằng, văn hóa Mác – Lê góp phần không nhỏ trong sự sụp đổ đó, mà điều mấu chốt là người dân đã chán ngấy sự tuyên truyền đầy dối trá của hệ thống tuyên giáo.
Chủ nghĩa Mác-Lê dựa vào học thuyết duy vật, đề cao vai trò của vật chất. Những người theo Mác-Lê quá chạy theo quyền lợi vật chất. Họ quá tôn sùng đồng tiền, vơ vét tiền bạc bằng mọi thủ đoạn đê hèn, đến khi bị quả báo lại vội vàng chạy theo mê tín dị đoan. Những việc như vậy phá nát truyền thống văn hóa dân tộc.
Về Nhà nước pháp quyền XHCN
Đó là nhà nước pháp quyền do ĐCS lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác-Lê.
Bài báo viết: “Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất … vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ….Pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân.
Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị”.
Viết ra như thế nhưng hãy đối chiếu vào thực tế xem có đúng như vậy không. Cái mô hình ba tầng Đảng, Chính quyền, Mặt trận chồng chéo, giẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, lãng phí lớn. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là một quan điểm tưởng rằng rất rõ ràng, nhưng thực tế chứa đựng sự mập mờ. Người ta nói nhiều về quyền làm chủ của dân, thực chất chính quyền là của Đảng, do Đảng đoạt được từ chính quyền cũ và không chịu trả lại cho dân. Nói nhiều về mục tiêu lợi ích, hạnh phúc của dân, thực tế mục tiêu chính của Đảng là thiết lập, duy trì, củng cố, mở rộng sự thống trị. Trong những mâu thuẫn giữa lời tuyên bố và việc làm của ĐCS thì những vấn đề về nhà nước, về dân chủ là rõ nhất.
Về thời kỳ quá độ
Ông Trọng viết “Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng”.
Theo Bài báo thì: “Trong thời kỳ quá độ cần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá cho nhân dân, học tập và làm theo Hồ Chí Minh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Và điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin”.
Tác giả Bài báo quên mất hoặc cố tình che giấu điều kiện tiên quyết là giữ chắc được sự toàn trị của Đảng dựa trên hai lực lượng là Công an và Tuyên giáo. Dùng Công an để theo dõi, trấn áp, làm cho dân sợ. Dùng Tuyên giáo để tuyên truyền, nhồi sọ, tẩy não, làm cho dân, đặc biệt là tầng lớp được ưu đãi và tầng lớp bình dân chỉ biết nghe theo tuyên truyền một chiều, hạ thấp dân trí. Không có hai lực lượng này thì Đảng khó lòng kéo dài sự thống trị.
Về lý tưởng xây dựng CNXH, GS Trọng viết ra giấy như mọi người đã biết. Liệu trong sâu thẳm của tâm thức, ông có nghĩ như vậy không, hay là ông biết CNCS chỉ là ảo tưởng mà vì một lý do nào đó ông không dám nói thật lòng mình? Điều này chỉ có ông biết và các Bậc Bề Trên về tâm linh biết, còn người ngoài chỉ có thể đoán.
Bài báo đã nói đúng về tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Nói thế nhưng làm có phần ngược lại là Nhà nước VN chủ yếu tham khảo và hội nhập với Trung Cộng, với kẻ có nhiều dã tâm bành trướng. Hội nhập quốc tế kiểu gì khi các nước dân chủ tôn trọng Tam quyền phân lập còn ông Trọng kiên quyết chống lại.
(Còn tiếp)
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN. Bài cùng đăng trên Tiếng Dân