Thật phân vân về mục tiêu Tiến sĩ và Thạc sĩ của Thành uỷ Hà Nội

Nguyễn Ngọc Chu

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng

Ảnh: Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng

1. Mục tiêu Tiến sĩ và Thạc sĩ của Thành uỷ Hà Nội

Ngày 02/6/2021 báo tienphong.vn đưa tin Thành uỷ Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có 40% cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Mục tiêu này nằm trong Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết số 04-NQ/TU vừa mới được Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành.

“Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới” (https://tienphong.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-40-can-bo-thuong…).

2. Những điều phân vân

1/ Thành uỷ Hà Nội không phải là viện nghiên cứu khoa học, cũng không phải là trường đại học thì mục tiêu cán bộ là tiến sĩ và thạc sĩ có cần thiết không? Để làm gì?

2/ Những người đang là cán bộ trong diện Thành uỷ Hà Nội quản lý mà chưa có bằng tiến sĩ và thạc sĩ sẽ bị chịu sức ép bằng cấp – cố gắng bằng mọi cách để có bằng tiến sĩ và thạc sĩ cho mục đích trụ lại làm việc và cho mục đích thăng tiến, vậy việc đi học thêm có ảnh hưởng đến công việc và có đảm bảo được chất lượng tiến sĩ, thạc sĩ không?

3/ Trong bối cảnh “học giả, thi giả và nhân tài giả” đang tràn lan đến mức Thủ tướng vừa giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thì chỉ tiêu 40% cán bộ là tiến sĩ và thạc sĩ của Thành uỷ Hà Nội có vô tình thúc đẩy các lò đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ không đạt chất lượng? Có học thật, thi thật, nhân tài thật không?

4/ Nếu tất cả các thành uỷ, tỉnh uỷ, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ, các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước đều đặt chỉ tiêu 40% tiến sĩ và thạc sĩ thì tổng số 12 triệu cán bộ nhà nước sẽ phải có 4,8 triệu tiến sĩ thạc sĩ, điều này có thúc đẩy thêm tính sùng bái bằng cấp ở Việt Nam không?

5/ Trong khi Bộ Nội vụ đang đề nghị loại bỏ 87 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, loại bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công viên chức, thì yêu cầu tiến sĩ và thạc sĩ của Thành uỷ Hà Nội có phù hợp không?

( https://vietnamnet.vn/…/bo-noi-vu-de-xuat-bo-87-chung…)

3. Mô hình không nên nhân rộng

Việc nâng cao chất lượng cán bộ là cần thiết. Nhưng chất lượng cán bộ được kiểm nghiệm qua tuyển chọn trực tiếp và quá trình làm việc, chứ không dựa vào tiêu chí bằng cấp.

Rất cần người tài cho quản trị. Nhưng mức độ tài giỏi trong quản trị không đo bằng học vị tiến sĩ và thạc sĩ. Không có quốc gia nào đặt chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ trong cơ quan hành chính của nhà nước. Không có đảng phái chính trị nào đặt chỉ tiêu tiến sĩ và thạc sĩ cho tổ chức của mình.

Thành uỷ Hà Nội nên xem xét lại mục tiêu này. Bộ Nội vụ đang đề nghị huỷ bỏ các yêu cầu không phù hợp. Không phù hợp thì huỷ bỏ.

Hy vọng các tỉnh uỷ, thành uỷ, các cơ quan đoàn thể của Việt Nam không đặt mục tiêu về phần trăm tiến sĩ và thạc sĩ trong đơn vị mình như Hà Nội.

Nếu không cả chính quyền và đoàn thể sẽ “ngạt thở” vì giáo sư tiến sĩ.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cán bộ CS, Đào tạo quan chức. Bookmark the permalink.