Ngô Hoàng Anh
ĐH Bách khoa Paris (École Polytechnique), Viện nghiên cứu Y khoa Woolcook
Ngày 29/05/2021, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành công bố kết quả giải trình tự gene các bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm Covid-19 thuộc các ổ dịch tại khu vực phía Bắc.
Kết quả cho thấy 32 mẫu bệnh phẩm được xác định thuộc dòng biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2). Trong đó có 4 mẫu xuất hiện đột biến mất Y144 ở protein gai, 3 mẫu ở Hà Nội và 1 mẫu từ Hải Phòng; 28 mẫu còn lại không ghi nhận đột biến này. Đây là loại đột biến tương tự với đột biến mất Y144 đã được xác định trên các bệnh phẩm nhiễm biến chủng Anh (B.1.1.7).
Điều này có nghĩa là gì? Để hiểu thêm về đột biến mất này, đầu tiên, chúng ta tìm hiểu ngược lại một chút về trình tự gene cũng như các đột biến đã được ghi nhận trên các biến chủng liên quan.
Dòng biến chủng Anh (B.1.1.7) là một đột biến thuộc nhóm đáng lo ngại (Variant of Concern – VOC) của WHO. Đột biến này bao gồm những sự đột biến chính sau:
Đột biến mất H69-V70 và Y144/145, được ghi nhận làm thay đổi hình dạng của protein gai và giúp lẩn tránh một số kháng thể.
– N501Y, được ghi nhận giúp tăng khả năng gắn kết của virus với thụ thể trên tế bào người, từ đó làm tăng mạnh khả năng lây nhiễm. Không những thế, đột biến này còn được phát hiện làm giảm hiệu quả trung hòa của kháng thể tạo ra từ tiêm vaccine. Đây cũng là đột biến đã được tìm thấy trên biến chủng Nam Phi (B.1.351) và biến chủng Brazil (P.1).
– P681H, được cho là gây tăng tình trạng nhiễm trùng hệ thống, giúp virus tăng khả năng xâm nhập vào tế bào. Có giả thuyết cho rằng đây có thể là loại đột biến đầu tiên xuất hiện trong quá trình “tiến hóa” của virus để chống lại đáp ứng miễn dịch của con người.
Nhờ những đột biến trên, biến chủng Anh được báo cáo có khả năng lây lan nhanh hơn 43-90% cũng như gia tăng nguy cơ tử vong lên khoảng 60% so với chủng virus ban đầu. Điều này có thể hiểu rằng, nếu lấy mức hệ số lây nhiễm cơ bản là 3.0 ở đầu vụ dịch, hệ số này với biến chủng Anh có thể lên đến 4.2-5.7, một thông số lớn với một đại dịch bệnh truyền nhiễm.
Dòng biến chủng Ấn Độ (B.1.617+, với chủng chính đang lưu hành là B.1.617.2), cũng là một biến chủng đáng lo ngại khác trong danh sách của WHO. Biến chủng này thường được gọi là chủng “đột biến kép” vì mang 2 đột biến khác nhau như sau:
– E484Q (nằm cùng vị trí với E484K), là đột biến “EEK” có thể giúp virus lẩn tránh nhiều loại kháng thể khác nhau
– L452R (đã từng được phát hiện ở biến chủng B.1.427 tại California, Mỹ), được cho là giúp virus có khả năng phát tán nhanh hơn, dù các kết quả thí nghiệm chưa được hoàn chỉnh.
Đột biến gene của virus có thể xảy ra trên các chuỗi RNA khác nhau, có nguy cơ gây giảm độ nhạy của các xét nghiệm sinh học phân tử, đặc biệt là RT – PCR.
Điều này đã được ghi nhận với biến chủng B.1.616 đang bùng phát cục bộ tại miền tây nước Pháp, khi xét nghiệm dịch tị hầu bằng hàng loạt sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR tốt nhất thế giới, chỉ 15% trong số các bệnh nhân nặng nhập viện ghi nhận kết quả dương tính. Chủng này chỉ có thể được phát hiện qua xét nghiệm dịch đáy phổi và giải trình tự gene.
Như vậy, việc hiện diện đột biến mất Y144 trên biến thể B.1.617.2 tại Việt Nam là điều cực kì nguy hiểm. Nó không chỉ có nguy cơ làm gia tăng khả năng lẩn tránh kháng thể trong cơ thể mà còn có tiềm năng làm giảm hiệu lực của vaccine. Ngoài ra, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã cảnh báo việc xuất hiện nhiều đột biến có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của các xét nghiệm tầm soát.
Việt Nam có thể sẽ ghi tên mình lên bản đồ gene của Covid-19 trên thế giới, vậy chúng cần phải làm gì? Thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc 5K, xét nghiệm rộng, giãn cách hợp lý và thực hiện tổng lực chiến lược vaccine là những chìa khoá chính để ngăn chặn sự bùng phát dịch trên diện rộng. Sự nguy hiểm của chủng đột biến mới xuất hiện tại Việt Nam càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp nhuần nhuyễn các nguyên tắc trên.
N.H.A.
Nguồn: SOHA