Có những con người như thế (*)

(Hà Thành phiêu lưu ký Số 2 và 3)

Mạc Văn Trang

Gian khổ, hiểm nguy, kiên cường, bất khuất – Những từ này chưa đủ nói hết về họ và gia đình họ

Bauxite Việt Nam

Có thể là hình ảnh về 1 người, trẻ em và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 6 người và trong nhà

Sáng 4-5-2021

Vợ chồng mình đi thăm Lân Tường Thụy. Bữa trưa được cô chiêu đãi món lòng lợn và món cháo lòng do tự tay cô làm, rất tuyệt. Mình bảo, cô Lân mở quán lòng lợn, bún mắm tôm, cháo lòng thì đắt khách phải biết!

Mọi người bảo, Lân Tường Thuỵ đảm đang, nấu ăn ngon và hiếu khách lắm, bạn bè đã đến chơi là mời cơm với mấy món dân dã mà ai cũng rất thích.

Có cô Nguyên Bình, nhà giáo Vũ Mạnh Hùng và hai người bạn nữa cùng dự bữa ăn trưa đầm ấm, thân tình như anh chị em một gia đình. Một thứ tình người đẹp đẽ, tự nhiên đối với những người tù chính trị và thân nhân của họ, như mạch ngầm cứ lặng lẽ chảy trong lòng dân tộc hết từ đời này sang đời khác, hết chế độ cai trị này sang chế độ cai trị khác, như sự An ủi và niềm Hy vọng…

Hỏi thăm tình hình anh Tường Thuỵ, biết anh sức khỏe đã khá hơn, thấy yên tâm. Cô Lân bảo, bận túi bụi với hai cháu nội và ngoại, rồi chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… thế mà mấy thằng CA cứ thỉnh thoảng lại đến canh gác. Có hôm đi chợ, nó bảo để cháu đưa cô đi. Cô đi đâu cứ bảo cháu đèo xe cô đi nhé.… Nghĩ vừa bực lại vừa thương chúng nó…

Kim Chi bảo, em đừng có dữ dằn, đối đầu với các cháu ấy làm gì. Chúng nó chỉ vì miếng cơm manh áo, theo lệnh trên mà phải làm vậy thôi…

– Vâng. Trước thì em tức lắm, có lúc chửi té tát vào mặt chúng nó. Nay thì em cũng thông cảm như chị nói…

Chiều ngày 4/5 vợ chồng mình cùng cô Nguyên Bình đến thăm vợ con Hùng Gàn. Nhà Hùng ở ngõ 325 Kim Ngưu, rẽ vào con hẻm rất hẹp, hai bên tường cao; hẹp đến nỗi chỉ có thể đi … hàng một! Cho nên CA nấp ở hai đầu hẻm, chờ Hùng đón con đi học về là xông ra chặn lại, bịt miệng, xích tay, lẹ đến nỗi chung quanh không thể biết.

Con hẻm đâm thẳng vào cửa nhà Hùng. Trên cửa căn nhà tồi tàn, có tấm biển đỏ trang trọng đề dòng chữ vàng rất nghiêm chỉnh: “VĂN PHÒNG ỨNG VIÊN ĐBQH LÊ TRỌNG HÙNG”…

Nhìn vào căn phòng chật hẹp hơn 20 m2 của Hùng, chỉ có cái giá sách là nổi bật, còn mọi đồ đạc đều tuềnh toàng. Bất chợt liên tưởng đến bài thơ VÔ CÙNG của Hoàng Nhuận Cầm, trong đó có câu:

… “Tất cả chúng ta căn nhà chật chội

Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.

Tất cả chúng ta đều bị theo dõi

Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi”!…

Thương Hùng Gàn quá.

Vợ Hùng, cô Đỗ Lê Na ôm bé Bảo An ba tuổi trò chuyện rất tự nhiên. Cháu Bảo An lúc đầu nhút nhát, sau quen, cũng cười đùa…

Lê Na gọi cháu Bảo Minh từ trên gian gác xép xuống chào ông bà… Trông cháu giống bố Hùng, khỏe mạnh, bạo dạn, hoạt bát, chào hỏi lễ phép… Cháu bảo, cháu học lớp Bốn, nhưng bây giờ học online tại nhà…

Kim Chi bảo, chụp tấm hình chung rồi để cháu đi học bài…

Lê Na bị khiếm thị từ nhỏ, nhưng có nghị lực và thông minh, nên học sư phạm, làm cô giáo dạy văn tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Lê Na từng có thơ đăng trên báo. Chính Hùng rung động vì thơ của Lê Na mà đi tìm nàng để “cưa” bằng được. Tìm hiểu mối tình này, viết thành truyện sẽ hay lắm đó… Sao bao nhiêu nhà văn, nhà báo ở Hà Nội vẫn im lặng nhỉ?

Mình biết Lê Na phải rất giỏi về chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị, nhưng không hiểu cô đọc, viết FB thế nào, nên hỏi, Lê Na đọc, viết facebook làm sao?

– Dạ, smartphone của cháu có phần mềm đọc để máy viết và máy đọc bài cho mình nghe… nên cũng thuận tiện…

Lê Na trò chuyện rất bình tĩnh, nhỏ nhẹ. Cô bảo, anh Hùng nhà cháu rất tự tin. Tin rằng mình chỉ làm những việc ích nước, lợi dân thì không sợ gì cả. Anh nghiên cứu, phổ biến Hiến pháp, mua rất nhiều bản Hiến pháp để tặng cho dân. Trên giá sách đủ các loại tài liệu về Hiến pháp, Luật pháp… Anh bảo ứng cử đại biểu Quốc hội để đề xuất lập Tòa Bảo Hiến để bảo đảm cho Hiến Pháp được thượng tôn và thực thi trong đời sống… Cháu thấy chồng làm việc đúng thì mình là vợ phải ủng hộ chồng…

Mình trêu Lê Na:

– Hùng nó đặt tên hai thằng con là Bảo Minh, Bảo An, đẻ đứa nữa nó sẽ đặt là Bảo Hiến đó!

Cả nhà cười. Lê Na cười, ai cũng bảo hai thằng giống bố như đúc, cháu chỉ “đẻ thuê” cho anh ấy thôi!

Kim Chi hỏi:

– Nay an ninh có gây khó khăn gì cho ba mẹ con không?

– Trước họ có canh gác, không muốn cho người đến thăm, nay thì họ phổ biến cho dân chung quanh thế nào đó để xa lánh và cản trở người đến thăm…

Nguyên Bình bảo, cái Nguyên con gái em lần trước đến thăm, gửi xe ở trước ngõ, họ nhận; lần sau họ không cho gửi xe vào nhà Hùng. Thế là nó đi xe về nhà, đi bộ sang. Nhà nó cũng gần đây nên hay chạy qua, chạy lại…

Kim Chi lại hỏi:

– Hùng bị bắt rồi, ai đưa Lê Na đi làm, đưa con đi học, chợ búa làm sao?

– Dạ, có chị ở trên nhà xuống và mọi người giúp đỡ, nhưng lâu dài thì rất khó…

– Từ ngày Hùng bị bắt có được thăm gặp không?

– Chỉ được gửi tiền, gửi đồ thôi, không được gặp. Không biết anh ấy giờ ra sao nữa!

Kim Chi động viên, an ủi Lê Na và trao chút quà của CLB Lê Hiếu Đằng và của vợ chồng mình cho Lê Na. Cô cảm động không nói lên lời.

Mọi người đều im lặng, nghẹn ngào, tràn ngập trong lòng tình cảm xót xa, thương mến, cảm phục…

Trên đường về, mình cứ nghĩ, đúng là thằng Hùng Gàn: Vợ mù, con thơ, nhà ổ chuột, đồ đạc tuềnh toàng, không lo làm giàu cho vợ con sung sướng lại đi lo “cho Dân cho Nước”, còn ứng cử đại biểu Quốc hội, lo lập Tòa Bảo Hiến!

Nhưng nghĩ lại, trên đời này có khối “thằng gàn”. Có anh còn “đại gàn” bỏ cả bố mẹ, anh em, vợ con, quê hương đi tìm những cái mông lung mơ hồ, thế mà nên sự nghiệp. Xã hội có nhiều anh “Gàn” thì mới nên chuyện. Donald Trump cũng là anh chàng “Đại gàn” thời hiện đại đấy thôi.

Nhưng điều ám ảnh tôi mãi là hình ảnh đôi mắt đục mờ, ứa lệ của Lê Na khi cô ôm chặt bé Bảo An vào lòng và nói lời chia tay chúng tôi.

Hình ảnh đó khiến tôi có thể quỳ xuống, xin dâng lời cầu mong lên ông Trọng, ông Phúc, ông Chính, ông Tô Lâm: Hãy thả Lê Trọng Hùng ra để anh ta về sửa sang căn nhà tồi tàn, chăm sóc người vợ mù loà và hai đứa con thơ. Anh ta không có dao, súng gì để “chống phá” đe dọa các ông cả; anh ta chỉ có mở miệng ra thực hiện những quyền đã ghi trong Hiến pháp 2013. Các ông hành hạ những con dân tội nghiệp như vậy không đem lại phúc đức gì đâu.

Hãy một lần để trái tim biết thổn thức trước nỗi đau của người dân khốn khổ!

Ngày 5- 5- 2021

Kim Chi liên hệ trước để vợ chồng mình đến thăm anh Nguyễn Quang Khuê, vì anh là thầy hướng dẫn Thiền cho Kim Chi mấy năm nay, nhưng anh bảo: Không, tôi sẽ đến thăm vợ chồng Kim Chi chứ!

Tính Quang Khuê đã quyết là làm, không thay đổi được. Nhớ có lần anh kể, đang là đại úy quân đội làm cán bộ kĩ thuật, trên bảo anh phải vào đảng để giao cho trọng trách nhưng anh nhất quyết từ chối. Thế rồi bị kiểm điểm lằng nhằng, anh bực mình liền bỏ về, chả cần cái gì, kể cả lương hưu. Anh bảo không có lương hưu buộc mình phải lao động kiếm sống, càng giúp mình phát huy tài năng và bản lĩnh… Đấy, mấy chục năm qua, cuộc sống của gia đình mình cũng mỗi ngày một khá giả, tự do thoải mái, chẳng vướng bận gì…

Kim Chi bảo, tình hình không tập trung được cả nhóm TTST thì anh mời vài người gần gũi đến uống rượu với anh Quang Khuê cho vui. Vậy là mình gọi được Thái Kế Toại, Nguyễn Quang A, còn mấy ông nữa mắc bận.

Đại tá an ninh Thái Kế Toại với việc “giải cứu” những hệ lụy của vụ “Nhân văn Giai phẩm” đã ghi dấu ấn sâu đậm với giới văn nghệ sĩ và xã hội, cũng như những hoạt động của TS Nguyễn Quang A thì đã quen biết với cộng đồng mạng từ nhiều năm nay. Còn anh Quang Khuê thì ít xuất hiện trên mạng xã hội …

Thật cảm động, trời mưa tầm tã mà anh Quang Khuê, Thái Kế Toại trùm áo mưa, phóng xe máy lần mò trong xóm ngõ ngoằn ngoèo đến được tận cửa nhà mình.

Quang A thì đi xe bus từ mãi Gia Lâm đến bến xe bên kia Cầu Giấy rồi đi bộ vào. Chuyện Quang A đi bộ rất nổi tiếng. Đó là hồi nhà thờ Thái Hà tổ chức buổi thuyết trình về vấn đề Bảo vệ Nhân quyền mà Quang A là một diễn giả; CA ngăn chặn không cho Quang A đi xe ô tô, xe máy… Anh liền đi bộ. Mấy CA đi theo để ngăn không cho anh lên các phương tiện giao thông, nhưng anh cứ đi bộ mãi, đi càng lúc càng nhanh… Mấy chú CA không theo kịp, mệt quá bỏ cuộc. Thế là Quang A đi bộ từ Gia Lâm sang tận nhà thờ Thái Hà!

Kệ trời mưa. Có mấy bạn thôi, nhưng chuyện trò cũng chẳng ngớt và rượu ngon cũng say sưa…

……..

Chiều 5 – 5 Trang, Chi và anh Quang Khuê đến thăm Trần Văn Thủy. Lão Thuỷ này rất “hâm”, bạn bè ai hoạn nạn là Lão xông đến ngay, hết lòng lo lắng… Nhưng khi Lão ốm đau, bệnh tật thì Lão nhất quyết không muốn ai đến thăm. Lão bảo gọi điện thăm hỏi là quý lắm rồi…

Trò chuyện qua điện thoại thì thấy Lão bi thảm lắm: Năm 2020 Lão bị nhiễm trùng đường tiết niệu, rồi phải mổ u xơ tuyến tiền liệt và phải nằm BV mấy tháng trời; sang năm 2021 lại bị bệnh gì đó, Lão nói tên bệnh gì nghe như bệnh “lạ”, Lão bảo từ Tết ta, nằm BV 2 tháng chỉ tiếp nước, sút mất 7kg rồi… Nay về nhà chỉ ăn sữa với cháo… và không biết phải nhập viện bất cứ lúc nào! Lão bảo buồn lắm, vì mình mà vợ con khổ sở, “thất điên, bát đảo”!…

Kim Chi gọi điện rồi viết thư động viên, anh phải lạc quan lên! Vợ có cơ hội chăm sóc chồng là hạnh phúc; con được chăm sóc cha là có cơ hội báo hiếu… Sao anh cứ lo buồn vậy! Càng bệnh nặng càng muốn gặp bạn bè chớ, nhìn bạn, nắm tay bạn lần cuối cũng ấm lòng hơn chớ sao!

Anh Khuê bảo, Trần Văn Thuỷ là cái đinh gỉ gì! Cứ báo cho hắn, không đồng ý ta cũng cứ đến xem hắn ra sao! Anh phóng xe máy. Vợ chồng mình đi taxi. Anh Khuê là tay chơi xe máy có hạng. Nhà anh có chừng chục cái xe máy đủ loại, từ loại khủng nhất đến xe bình dân. Anh chỉ đi xe máy, phóng xe máy đi vài trăm km đường đèo núi là thường.

Ối giời ôi! Đến cổng đã thấy Trần Văn Thuỷ ra đón, cười hơi nhăn nhó, méo mó, nhưng có đến nỗi gì đâu. Trông mặt mũi, thần thái vẫn nhận ra rất giống bức tượng bán thân của Thuỷ đặt bên thềm nhà kia mà!

Cô Hằng phu nhân của Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thuỷ vẫn trẻ trung, xinh tươi, duyên dáng gái Hà Nội xưa, có gì mà xót xa kêu ầm lên “làm khổ vợ khổ con”! (Trộm vía, gái nuôi chồng ốm có phốp pháp hơn xưa tí chút!).

Thấy Lão Thuỷ vậy, ai cũng sung sướng vui cười, chuyện trò rôm rả. Ở nhà bảo nhau đến chơi độ nửa tiếng rồi về kẻo Lão ấy mệt… Thế mà đến đây trò chuyện liên miên đến ba tiếng, mà lão Thuỷ nói là chính, Lão càng nói càng hăng, càng hùng biện, quên hết bệnh tật…

Nhưng rồi Lão lại tâm tư, bảo mình: Anh hơn tôi mấy tuổi mà vẫn làm được khối việc ý nghĩa; tôi bây giờ không làm được gì nữa rồi, buồn, tiếc lắm… Lắm lúc nằm đếm từng giọt nước rơi xuống ống chuyền mà như đếm thời gian còn lại của cuộc đời!…

Mình bảo, ông đừng nghĩ vớ vẩn thế, đời người “tự diễn biến, tự chuyển hoá” vô thường. Từ những năm 1980 tôi còn u mê thì ông đã sớm giác ngộ, làm bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”, rồi “Người tử tế” gây chấn động nhân tâm còn gì. Đặc biệt phim “Phản bội” của ông vạch trần bản chất gian manh, lật lọng phản bội của Trung cộng với Việt Nam qua cuộc chiến biên giới 1979, rồi còn bao nhiêu phim tử tế nữa. Đời vậy là tuyệt lắm rồi. Mỗi con người như một ngọn nến để thắp sáng cho đời. Có cây nến lóe sáng rồi tắt; có cây nến cháy rừng rực một đoạn rồi ngừng; có cây nến cháy âm ỉ đến giọt cuối cùng mới tắt … Quan trọng là cây nến đã từng cháy sáng lên, chứ không nằm im trong bóng tối, chưa một lần thắp sáng mà đời đã tàn! Ông cứ bằng lòng với những gì mình đã hết lòng, hết sức để làm được. Chứ còn đủ thì biết thế nào là đủ!

Trần văn Thuỷ bảo, có một anh Việt kiều kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống mang tên “TỬ TẾ”; trong mỗi cửa hàng anh ấy đều có tấm biển, trang trọng viết dòng chữ lời bình trong phim Tử tế:

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người – người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…”

– Đấy được thế còn gì nữa. Vừa nói mình vừa quàng tay lên vai Lão, ghì chặt và bảo, phải về thôi!

Trời mưa lác đác, bảo Lão tiễn khách đến thềm, không được ra mưa. Lão cứ che ô đi trước, dẫn mấy người ra tận hết ngõ xa mấy chục mét…

Sáng hôm sau gọi điện hỏi thăm, Lão bảo vẫn bình thường, không vấn đề gì. Đúng là “Thuỷ quái”, Thuỷ Cinema, tưởng chết, rồi lại sống nguây nguẩy cho mà xem!

M.V.T.

(*) Tựa do BVN đặt

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Người VN đấu tranh cho dân chủ. Bookmark the permalink.