Hoài Nguyễn
17.05.2021
(VNTB) – Nhân danh quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, các ‘Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ đã đẩy họ ra đường, trở thành những người vô gia cư.
Trong bối cảnh của một nền kinh tế đầy những khó khăn, thách thức do tác động từ đại dịch lịch sử Covid-19, dường như đã đến lúc không thể chậm trễ hơn – cần bàn sâu rõ đến câu chuyện sửa đổi Luật Đất đai.
Bắt tay vào tháo gỡ để thẳng tay chặn đứng những kẽ hở tạo nên tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực thúc đẩy và vực dậy nền kinh tế nước nhà.
Lý thuyết là vậy.
Chiều 15-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia hội nghị tiếp xúc trực tuyến giữa cử tri với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 10 tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Tại buổi tạm gọi là ‘tranh thủ lá phiếu cử tri’, ông Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng, “Nhà ở dành cho công nhân đang khó khăn còn quá ít trong khi nhà ở thương mại cho người giàu có thì nhiều quá. Chúng ta phải điều chỉnh cơ chế để dành nhiều nguồn lực làm nhà ở cho công nhân”.
Để điều chỉnh thì phải căn cứ theo pháp luật về đất đai. Và nếu nhận định rằng quy định của Luật Đất đai 2013 hoàn chỉnh không tạo ra kẽ hở khiến người ta trục lợi, thì đó là sự lạc quan tếu.
Luật Đất đai 2013 dường như chưa xác lập được cơ chế để kiểm soát quyền đại diện, tức là kiểm soát những cơ quan có thẩm quyền trong việc giao đất, thu hồi đất.
Thứ nữa là chế tài trong Luật Đất đai quy định rất chung chung, ví như sai phạm nặng hay nhẹ để xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề là hiểu thế nào là nặng hay nhẹ thì nằm ở chỗ cơ quan thực thi pháp luật.
Giờ thì ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
Liệu có lần nào ông Nguyễn Xuân Phúc từ hồi còn làm cấp phó cho ông Nguyễn Tấn Dũng, sau đó là Thủ tướng, và hồi đầu tháng Tư vừa rồi chuyển qua làm Chủ tịch nước, ông có từng băn khoăn bi kịch đất đai Thủ Thiêm kéo dài ròng rã hơn 20 năm qua?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án có gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố năm 2018, sai phạm tại Thủ Thiêm chủ yếu về điều chỉnh ranh quy hoạch và bố trí đất tái định cư xảy ra trong giai đoạn đầu thực hiện. Đây chính là “nguồn cơn” của việc khiếu nại, tố cáo kéo dài hơn chục năm qua.
Thanh Tra chính phủ đã kiến nghị UBND TP.HCM xác định rõ, cụ thể trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm khi thực hiện dự án khu đô thị này.
Điều 4 của Luật Đất đai, ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.
Vậy thì rất đơn giản, bao nhiêu năm quy hoạch, quả bóng trách nhiệm, nhùng nhằng không giải quyết nhanh gọn ngày này qua tháng khác, bao nhiêu người đã không đợi được, ra đi trong uất hận ở Thủ Thiêm, khi đền bù cho dân 18 triệu đồng/m2, nhưng khi người dân gọi đến công ty nhà đất, hỏi mua nhà gần nơi cũ, thì được thông báo giá đất lên 350 triệu/m2…
Tất cả điều ở trên có rất rõ một địa chỉ chịu mọi trách nhiệm, đó là “Nhà nước”; cụ thể hơn thì đó là “Nhà nước xã hội chủ nghĩa”, và chịu trách nhiệm cao nhất trong “lãnh đạo Nhà nước” theo Điều 4, Hiến pháp, đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu đã đồng ý rằng không khó để nhận thấy sự lạm dụng để trục lợi lớn của các doanh nghiệp thân hữu, cánh hẩu, đối lập với sự thiệt thòi lớn của người dân mất đất, trong toàn bộ quá trình thu hồi đất ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác nữa, vậy thì vì sao không thay đổi định nghĩa về quyền sở hữu tài sản đất đai của người dân?
Vì “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nên còn gì đau lòng và chua xót hơn khi họ từng là những cư dân thành thị, có nhà cửa như bao người khác – Nhưng rồi nhân danh quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, các ‘Nhà nước đại diện chủ sở hữu’ đã đẩy họ ra đường, trở thành những người vô gia cư. Số đông tứ tán mọi phương, số ít bám trụ và ‘ở trọ’ ngay trên chính ngôi nhà của mình, số khác tạm cư trong những ngôi nhà xập xệ.
H.N.
VNTB gửi BVN