Vĩnh biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, một tiếng thơ tự do

1. Ngửa mặt lên trời…

Lưu Trọng Văn

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi!
Tôi chỉ nhớ bài thơ “VÔ CÙNG” của Anh mà đem lòng yêu mến, kính phục, tiếc
thương Anh

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người

Mạc Văn Trang

Tất cả chúng ta thật lòng nói dối/Tất cả chúng ta đều bị theo dõi… Ôi buồn làm sao khi Hoàng Nhuận Cầm đã ra đi không một lời trăng trối.

Thao Dan Nguyen

Xin vĩnh biệt một nhà thơ chân chính… Tất cả chúng ta đều có tội… Tội vô cảm, câm, điếc, mù loà trước bất công. Để rồi bị giam hãm trong một chiếc lồng vô hình cộng sản.

Tạ Tuận

Một tiếng nói của tự do vừa ra đi, những nuối tiếc vẫn còn ở lại, những trông chờ ở một tương lai.

Coco Nhàn

Trưa hè Hà Nội, hoa phượng rực đỏ trước nhà, gã nhòm qua Văn Miếu rộn rả tiếng ve.

Văn ơi! Văn!

Gã đang đầm đìa mồ hôi ngủ, cha gã nghe tiếng gọi gã, đánh thức gã dậy. Xuống cổng, thằng Hoài con o Tân Nhân và một thằng nữa còm nhom, mắt to, áo quần xộc xệch, dép cao su.

Thằng Hoài nói. Thằng này là Ánh Biếc làm thơ hay đ. chịu được. Nó rủ tao và mày lập mẹ nó Hội nhà văn Hà Nội. Cần đếch đứa nào?

Thằng Hoài toe toe tiếp, là nhà thơ phải có bút danh. Tao lấy bút danh Châu La Việt, viết tắt ai cũng tưởng là Chế Lan Viên. Thằng Hoàng Nhuận Cầm lấy tên Ánh Biếc. Còn mày? Gã bảo, cha mạ tao đặt tên là Văn, tao cứ tên là Văn. Gã còn thòng chửi Cầm. Mày tên Cầm cứ là Cầm, Ánh Biếc nghe thối thế nào ấy.

Thằng Cầm nhe bộ răng chả sáng láng gì toét cười.

Thế rồi 6 năm sau, Cầm 20 tuổi, gã đọc những vần thơ của Cầm trên báo Văn nghệ cùng tấm hình Cầm mặc áo quần lính ở chiển trường, vẫn cái xác còm nhom.

Hết chiến tranh, Châu La Việt từ chiến trường Lào về cùng những bài thơ đẫy bi ai đời lính. Hoàng Nhuận Cầm cũng trở về, thay vì cầm súng đi đâu cũng khoác cái bị cói thò ra ống điếu thuốc lào. Đi thì thôi, dừng là bắn, nhả tưng bừng… khói với ra rả thơ “xúc xắc mùa thu.”

Còn gã cũng đu được chuyến xe jin ba cầu… vét, từ chiến dịch HCM về, thơ cũng vài câu dính chút bụi Trường Sơn.

Ba đứa gặp nhau. Chả đứa nào đọc thơ sất mà chỉ tán chuyện em này em kia.

Một hôm Cầm đạp xe đến nhà gã, mặt hớt hải. Tao thón của một ông bán rau cái điếu. Rít được ba hơi, ngẩng cổ lên giời sướng, chả thấy ông ấy đâu nữa. Mẹ kiếp, biết ông ấy ở đâu mà trả?

Cầm ơi, biết đâu mà trả ư? Mày trả quá nhiều cho ông bán rau ấy rồi.

Thơ.

Trả bằng thơ.

Một cái điếu đổi ngàn câu thơ bát ngát tình.

“Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình náo động, một mình anh.

“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới

Như cánh chim trong mắt của chân trời

Ta đã chán lời vu vơ, giả dối

Hót lên! dù đau xót một lần thôi

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ

Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ

Em hay là cơn bão tự ngàn xa

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

Gió em vào – nếu chán – gió lại ra

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi…”

“Chùm Phượng Hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”

“Em đã yêu anh, anh đã xa rồi

Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi

Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại

Không thấy trên sân trường chiếc lá đầu tiên”

Và xúc xắc mùa thu:

Sẽ tan đi những thành phố bẩy màu

Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ

Nhưng giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ

Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi

Giọt mực em thong thả đến trong đời

Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé

Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé

Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh…”.

Tình, tình, tình cứ ngỡ thế giới của Cầm – một chàng lính trận vào sống ra chết dùng thơ tình để bù đắp lại những ngày chiến tranh, để lấp chiến tranh, bất ngờ Cầm thòi ra bài thơ Vô cùng. Vô cùng, thế nào là Vô cùng hả Cầm ơi!

Tất cả chúng ta thật lòng nói dối

Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi

Tất cả chúng ta căn nhà chật chội

Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi

Tất cả chúng ta đều bị theo dõi

Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi

Tất cả chúng ta như bầy chó đói

Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng soi

Tất cả chúng ta đều không vô tội

Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi…

Chao ơi, mới hay Cầm làm cả ngàn câu thơ tình ấy để đắp những viên gạch xây cái Tượng đài Vô cùng của Thời cuộc Đất nước này.

L.T.V.

Tác giả gửri BVN

2. Mãi mãi là mùa thu

Phạm Đình Trọng

Tháng sáu, năm 1976, hơn hai mươi người lính bụi bặm và phờ phạc chúng tôi vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc ở khắp các mặt trận, các quân chủng, binh chủng đã có truyện và thơ đăng ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội được Tổng cục Chính trị triệu tập về Hà Nội để đi học khoá đầu tiên hệ đại học trường viết văn Nguyễn Du.

Trước đó, anh lính pháo cao xạ Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải khôi nguyên cuộc thi thơ 1972 – 1973 của báo Văn Nghệ, hội Nhà Văn Việt Nam với những bài thơ viết về những người lính mang kỉ niệm học trò, mang tình bạn học đường ra trận, những bài thơ lãng đãng cảm xúc như màn sương lãng đãng trên đường phố Hà Nội chiều cuối thu: Thư Mùa Thu, Vào Mặt Trận Khi Mùa Ve Đang Kêu. . . đã cởi chiếc áo lính ka ki Tô Châu, mặc áo sơ mi trắng dân sự cắp sách đi học tiếp khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp.

Chúng tôi ở Vân Hồ Ba, cạnh công viên Lê nin, công viên lớn nhất Hà Nội. Hàng ngày đi học ở 103 đê La Thành, đạp xe qua hai cạnh công viên, phố Nguyễn Đình Chiểu và phố Trần Nhân Tông đôi khi tôi vẫn thấy Hoàng Nhuận Cầm áo sơ mi trắng sóng bước bên người đẹp Phan Thanh Tú, nghệ sĩ múa xinh đẹp quê Hưng Yên nhưng là diễn viên đoàn Văn công Giải phóng từ rừng miền Đông Nam Bộ ra Hà Nội học đại học. Khi thì thấy Cầm – Tú thong dong trên hè đường Nguyễn Đình Chiểu. Khi thì chàng nàng thấp thoáng trong rừng cây công viên.

Học xong, đám lính chúng tôi, người về tạp chí Văn nghệ Quân đội, người về nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, người về Xưởng phim Quân đội . . . đều ở hai bên đoạn đầu phố nhà binh Lý Nam Đế. Khi đó Cầm và Tú đã có một bé gái và có gian nhà nhỏ xíu ở phố Hàng Bún rất gần Lý Nam Đế.

Băng qua vườn hoa nhỏ Hàng Đậu. Đi đoạn ngắn phố Quán Thánh. Rẽ phải, qua vài nhà phố Hàng Bún là đến gian nhà nhỏ của Cầm Tú. Khi thì Cầm đi bộ sang Lý Nam Đế. Khi thì tôi lững thững đến Hàng Bún.

Một lần tôi đến Hàng Bún chỉ gặp Tú và gian nhà nhỏ xíu đã ngăn vách, chia đôi. Tú và con gái Hoàng Thư Trang ở nửa gian phía ngoài. Nửa gian trong Cầm ở nhưng cửa khoá. Từ đó tôi rất it gặp Cầm. Đến khi Cầm mang tập thơ mới xuất bản Xúc Xắc Mùa Thu đến Lý Nam Đế tặng tôi, tôi mới gặp Cầm. Ngay sau đấy tôi chuyển vào ở hẳn Sài Gòn.

Tối thứ ba, 20.4.2021, ở Sài Gòn đọc tin Hoàng Nhuận Cầm đột ngột từ bỏ những dòng thơ dang dở, từ bỏ cả những nỗi buồn dang dở ra đi mãi mãi, tôi bàng hoàng, sửng sốt.

Nỗi buồn cũng là năng lượng sống của Cầm

Tôi có đủ nỗi buồn để sống

Như sáng mai lại thêm một nỗi buồn

Một nỗi buồn lẽ ra không nên có

Nhưng nếu không buồn

có lẽ

lại buồn hơn… 

            (Nỗi buồn để sống)

Cầm còn đủ nỗi buồn, soi vào nỗi buồn để càng hiểu cuộc đời, càng sống mạnh mẽ hơn, sao vội từ bỏ cuộc sống vậy, Cầm ơi!

Mở tủ sách tìm tập thơ Cầm tặng, tôi cứ lặng nhìn nét chữ của Cầm, nét chữ phóng khoáng, mạnh mẽ, cuốn hút, đầy năng lượng như con người Cầm mạnh mẽ, cuốn hút, đầy năng lượng khi đọc thơ trước khối công chúng lính trẻ, học sinh, sinh viên háo hức, say đắm.

1952 – 2021. Sáu mươi chín tuổi, tuổi cuối thu cuộc đời. Thư Mùa Thư, Mùa Thu Tôi Yêu là những bài thơ rất hay Hoàng Nhuận Cầm viết về mùa thu

Mùa thu tục ngữ ca dao

Mùa thu tôi tự khi nào đã yêu

                     (Mùa thu tôi yêu)

Dừng lại ở tuổi sáu mươi chín, Hoàng Nhuận Cầm mãi mãi là một mùa thu dang dở.

Đêm 20.4.2021

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN



Đang hoạt động

This entry was posted in Hoàng Nhuận Cầm, Tiếng thơ tự do. Bookmark the permalink.