Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến châu Âu: “Bắc Kinh đang tìm cách chia rẽ chúng ta”

Thomas Gutschker

Hiếu Bá Linh chuyển ngữ

Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại trụ sở ở Brussels vào thứ Tư 24/3. Nguồn: AP

Sự trả đũa của Trung Quốc đã gắn kết Hoa Kỳ và EU lại với nhau. EU đang xiết chặt hàng ngũ và xích lại gần Mỹ hơn. Ngoại trưởng Mỹ Blinken hứa sẽ không đẩy Brussels vào một cuộc đối đầu mới với Bắc Kinh.

Sự trả đũa của Trung Quốc đã tạo ra một “bầu không khí mới”, một “tình hình mới”. Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell đã diễn đạt như thế vào tối thứ Hai 22/3 sau cuộc họp của các ngoại trưởng. Trong khi họp, họ nghe tin về sự trả đũa từ Bắc Kinh chống lại Nghị viện châu Âu, chống lại Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng Châu Âu, trong đó có tất cả đại sứ của các quốc gia thành viên EU.

Borrell gọi những biện pháp của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được“. Ông sẽ báo cáo với Hội đồng Châu Âu về quan hệ với Trung Quốc từ năm 2019 đến nay đã phát triển ra sao. Ông cho biết các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ chắc chắn sẽ chú ý các sự kiện gần đây.

Đích thân họ sẽ không gặp nhau vào thứ Năm tuần này như dự kiến ban đầu. Một số người đứng đầu chính phủ không muốn đi máy bay vì làn sóng thứ ba của đại dịch virus corona. Tuy nhiên, nhờ vậy mà có thêm một vị khách tham gia cuộc họp trực tuyến: Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham gia vào buổi tối.

Việc Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao của Biden, vừa đến Brussels là một điều tốt. Sau khi gặp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao NATO, ông gặp Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen và Borrell vào tối thứ Tư 24/3. Tất cả những cuộc nói chuyện này cũng về đề tài Trung Quốc. Chính phủ ở Washington coi mối quan hệ với Bắc Kinh là một thách thức địa chính trị trọng tâm trong những năm tới; họ muốn xây dựng một liên minh các nền dân chủ.

Không chọn “Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc”

Blinken đã có đóng góp đầu tiên tại Brussels – với bài phát biểu về việc đổi mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, mà ông đã thuyết trình tại trụ sở NATO. Trong đó, ông liệt Trung Quốc và Nga vào hàng “mối đe dọa cấp bách nhất” đối với các nền dân chủ phương Tây. Ông nêu tên Trung Quốc trước tiên và đề cập đến việc quân sự hóa ở Biển Đông, nơi nước này đe dọa quyền tự do hàng hải.

Blinken nói: “Tham vọng quân sự của Bắc Kinh đang tăng lên hàng năm“. Ông cảnh báo rằng, Moscow và Bắc Kinh đang “tìm cách chia rẽ chúng ta“. Việc đe dọa kinh tế như Trung Quốc đã làm đối với Australia không nên tách rời với các hình thức gây sức ép khác. “Nếu một trong hai chúng ta bị cưỡng ép, chúng ta nên đáp trả với tư cách là đồng minh với nhau“.

Ông gọi các biện pháp trừng phạt của EU đối với Trung Quốc – mà Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ cũng đồng thời “thực hiện” – như một hình mẫu. Sự trả đũa của Trung Quốc khiến cho việc “chúng ta vẫn tiếp tục giữ cứng rắn và gắn kết chặt chẽ với nhau” càng có tầm quan trọng hơn nữa. Nếu không, Bắc Kinh tưởng rằng sự đe dọa của họ là có tác dụng. Đồng thời, Blinken phản bác lo ngại của châu Âu, rằng Mỹ sẽ đẩy họ vào một cuộc đối đầu mới với Bắc Kinh.

Ông nói: “Hoa Kỳ sẽ không đặt các đồng minh của mình trước một sự lựa chọn: ‘chúng tôi hoặc họ’.” Mặc dù nước này đe dọa an ninh chung và phá hoại trật tự quốc tế, các nước EU vẫn có thể tiếp tục làm việc với Trung Quốc về các vấn đề khí hậu và y tế. Được biết, các nước đồng minh có “quan hệ phức tạp” với Bắc Kinh.

Vấn đề hiệp định đầu tư

Ngay trước khi Biden nhậm chức, EU đã đàm phán một hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc. Đây là điều mà Washington coi là một sự sỉ nhục. Blinken đã không đề cập vấn đề này trong bài phát biểu của mình. Khi được hỏi về điều này trong một cuộc họp báo, ông trả lời một cách ngoại giao: “Trung Quốc có nghĩa vụ phải chứng tỏ rằng những cam kết mà họ đã đưa ra đối với lao động cưỡng bức, doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp không chỉ là lời nói“. Trong quá khứ Bắc Kinh đã không giữ những cam kết của mình trong bất cứ trường hợp nào.

Tất nhiên, thỏa thuận vẫn chưa có hiệu lực và một văn bản cuối cùng sẽ có sớm nhất vào cuối năm nay. Hiệp định còn cần phải được Nghị viện châu Âu thông qua, nơi mà Bắc Kinh không có người bạn nào. Chính trị gia Reinhard Bütikofer nói với tờ FAZ: “Tôi khó có thể tưởng tượng rằng Nghị viện châu Âu sẽ lo việc phê chuẩn thỏa thuận, cho đến chừng nào các nghị sĩ của chúng tôi và một ủy ban của quốc hội vẫn bị Trung Quốc trừng phạt”.

“EU xiết chặt hàng ngũ của mình”

Ông Bütikofer đứng đầu phái đoàn quan hệ Trung Quốc tại Nghị viện EU và là một trong những nghị sĩ hiện bị Bắc Kinh trừng phạt. Bütikofer từ lâu đã là một trong những người chỉ trích hiệp định này. Ông cáo buộc Berlin và Paris đã tiếp thêm sức mạnh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với niềm tin rằng có thể chia rẽ Mỹ và châu Âu. “Trên thực tế, điều ngược lại đang diễn ra hiện nay: EU đang xiết chặt hàng ngũ và xích lại gần Mỹ hơn“.

Quan hệ với Bắc Kinh đã nguội lạnh từ lâu. Kể từ đầu năm 2019, EU không chỉ xếp nước này là đối tác và đối thủ cạnh tranh kinh tế mà còn là “đối thủ hệ thống“. “Ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc hồi đầu cuộc khủng hoảng virus corona đã phản tác dụng. Nhiều chính phủ đã tức giận không chỉ bởi chất lượng kém của việc giao hàng mà còn bởi sự can thiệp chính trị.

Liên minh Con đường Tơ lụa do Bắc Kinh dựng lên, trong đó có 12 nước EU tham gia, cũng đang sụp đổ. Tại cuộc họp cuối cùng, Lithuania và Estonia không còn tham gia ở cấp các nguyên thủ quốc gia. Các khoản đầu tư chiến lược của Trung Quốc, chẳng hạn vào cảng Piraeus, ngày càng bị xem xét nghiêm khắc. Một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm gần đây đã diễn tả theo cách này: Châu Âu đã từ bỏ sự ngây thơ của mình đối với Trung Quốc và hiểu rằng nước này đang nỗ lực để thống trị toàn cầu.

Bằng chứng là lần này Bắc Kinh đã thất bại trong việc lôi kéo các quốc gia EU riêng lẻ về phía mình. Trước quyết định trừng phạt của EU, nước này đã gây sức ép lớn, bao gồm cả Hungary. Năm 2017, Budapest đã ngăn không cho Liên minh châu Âu lên án Trung Quốc trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

Lần này, các cuộc thảo luận trong Ủy ban Chính trị và An ninh của EU kéo dài trong ba ngày. Washington thậm chí đã phải can thiệp để giữ cho Budapest tiếp tục đứng chung hàng ngũ. Để trả đũa quyết định trừng phạt của EU, Bắc Kinh sau đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên toàn bộ Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng Châu Âu. Điều đó không hề khôn ngoan: Mặc dù đại sứ của các quốc gia thành viên EU hiện không còn được phép đến Trung Quốc nữa, nhưng ở Brussels họ gắn kết chặt chẽ với nhau nhiều hơn.

T.G./H.B.L.

Nguồn: Baotiengdan

This entry was posted in Quan hệ EU - Hoa Kỳ - Trung Quốc. Bookmark the permalink.