Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời (1950-2021)

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người và trong nhà


Xin nghiêng mình trước linh cữu nhà văn NGUYỄN HUY THIỆP, một trong hai điểm son đậm nhất trong văn học Việt Nam đương đại, ở thời điểm giới văn nghệ sĩ được mở hé cánh cửa tí chút để hít thở bầu trời chỉ trong thoáng chốc, và trong vòng tay bà đỡ “mát tay” của nhà văn Nguyên Ngọc, khi báo Văn nghệ đang là điểm đến của những tài năng khao khát tự do.

Thành tâm cầu chúc Ông Bà thảnh thơi an nghỉ.

Bauxite Việt Nam

Tin cho hay, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở Hà Nội, vào lúc 4g30 chiều ngày 20-3-2021. Việt Nam lại mất đi một cây bút tài năng và tính cách.

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang ngồi và trong nhà

Nguyễn Huy Thiệp là một người đến với văn chương muộn, gần 40 tuổi, người đọc mới biết đến những truyện ngắn của ông, khởi đăng trên báo Vǎn nghệ của Hội Nhà vǎn Việt Nam vào nǎm 1986.

Chỉ một vài nǎm sau đó, cả làng vǎn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về tác phẩm của ông. Cái tên Nguyễn Huy Thiệp bừng dậy trong giới văn chương Việt Nam với những góc nhìn mới mẻ, táo bạo, nhất là trong giai đoạn kiểm duyệt còn vô cùng đen tối, so với hiện nay. Đặc biệt khi ông cho ra mắt truyện ngắn Không Có Vua vào năm 1987. Có người lớn tiếng gay gắt, thậm chí coi vǎn chương của ông có những khuynh hướng thấp hèn, phản động. Người khác lại ca ngợi ông và cho rằng ông có trách nhiệm cao cả với cuộc sống hiện nay…

“Ở Việt Nam người ta phải có khả năng chờ đợi. Đôi khi, guồng máy chính trị mở ra, rồi lại đóng kín lại. Khi mình bắt được cơ hội đúng lúc – và việc này tôi rất khá – thì nhiều việc không thể ngờ nhưng cũng có thể xảy ra ở nước tôi”

Nguyễn Huy Thiệp

Theo ghi chú của Wikipedia, Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ông bị đưa về làng dạy học tại Tây Bắc đến năm 1980. Vì bố ông có làm việc với Pháp, cho nên lý lịch ông vì vậy bị xếp vào loại “không sạch”. Năm 1980, ông chuyển về làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó, làm việc tại Công ty Kỹ thuật Trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi về hưu.

Trong cuộc gặp phỏng vấn với nhà báo Đức Katharina Borchardt vào năm 2015 (tờ Neue Zürcher Zeitung), ông có xác nhận về điều này, ông nói rằng “Tại các nước cộng sản người ta luôn nói là, mọi người đều bình đẳng như nhau, nhưng thực tế, gia đình cán bộ và viên chức nhà nước hưởng được nhiều ưu quyền đáng kể. Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo hơn. Ngoài ra, bố tôi có làm việc với Pháp. Gia đình tôi vì vậy bị xếp vào loại “không sạch”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, nhân dịp Hà Nội tổ chức rầm rộ chiến thắng 30-4, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói thêm “Chiến tranh đã để lại nhiều tai hại. Tôi không thể nào nói hết ra đây được. Tôi không viết gì về các trận đánh vì tôi không là lính chiến. Ngoài ra tôi ghét chiến tranh. Nhưng mà tôi phải cẩn thận trong cách diễn tả của tôi. Có lần tôi nói với một nữ ký giả ở Thụy Điển là tôi ghê tởm chiến tranh. Ở nhà người ta đã kết án tôi, là tôi than phiền cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên tôi không ám chỉ như vậy! Nhưng đôi khi người ta muốn gán ghép cho tôi”.

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Bởi cuộc sống thơ ấu của ông cùng gia đình phải di chuyển nhiều nơi, lao động cực nhọc để sinh tồn. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.

Ngoài ra ông còn viết kịch, thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước. Sách của ông cũng được dịch ra các thứ tiếng như ở Pháp, Ý, Hoa Kỳ và Thụy Điển.

Năm 2008, ông nhận được giải thưởng văn học Nonino Risit D’Âur Prize 2008 từ Ý, tôn vinh những cây bút xuất sắc trên toàn thế giới.

Câu chuyện đi nhận giải của ông cũng là một điều thú vị: ông lặng lẽ đi, giấu kín chuyện mình cho đến khi bị phát hiện. Giải thích về điều này, Nguyễn Huy Thiệp nói “Tôi nhận giải thưởng này, người hiểu thì không sao, người không hiểu sẽ đàm tiếu này nọ. Phúc và họa vẫn đi liền với nhau là như vậy. Nên tôi không chia sẻ với người trong giới. Tôi hiểu chứ, hiểu sự đau khổ của con người khi chứng kiến thành công của người khác. Con gà còn tức nhau tiếng gáy nữa là… Lòng ghen tỵ vốn là tính người, chỉ có thể bớt đi chứ không chữa được. Con người ta còn sống là còn tham, sân, si…”.

Có lẽ ông đã quá thấu hiểu con người Việt Nam, đặc biệt là với cái gọi là trí thức Việt Nam khi phải cùng sống trong cái lồng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Trả lời trên VNExpress, khi được hỏi là vì sao các giải thưởng văn chương nhà nước không ngó đến ông, dù ông đã vang danh ra thế giới, Nguyễn Huy Thiệp nói, và cười với cái kiểu rất quen thuộc của mình “Đến Chúa Jesus còn bị hắt hủi tại quê nhà cơ mà. Tôi thì ăn thua gì”, ông nói “Bây giờ nghĩ lại, vào những năm 1988-1992, việc người ta phản ứng dữ dội với sáng tác của tôi là chuyện bình thường. Cũng giống như ngày xưa, khi cả xã hội đang mặc đồ bộ đội, một cô gái đột nhiên xuất hiện với chiếc quần bò sẽ làm người khác ngứa mắt. Sau này rồi thì người ta sẽ quen dần đi. Nhưng điều tệ hại là trong cuộc tranh luận văn nghệ đó, có những ý kiến không thuần văn chương, của những người ngoài giới, thậm chí còn có những vu cáo phi văn học…”.

Đã có những nhận định rằng, chỉ cần ra mắt sớm hơn 10 năm, Nguyễn Huy Thiệp có thể ngồi tù như số phận của Phan Đan, Hoàng Hưng… ở miền Bắc.

Những năm cuối đời, đặc biệt vào lúc 70 tuổi, ông mang nhiều bệnh và luôn đau yếu. Không chỉ đến khi ông ra đi, mà ngay lúc ông dừng viết, văn học Việt Nam sau thời kỳ thống nhất địa lý, cũng hiện ra một khoảng trống vô cùng.

T.K.

Nguồn: FB Khanh Nguyen

Đọc thêm

Thơ NGUYỄN HUY THIỆP: Những nét vẽ u uẩn cuối cùng trong đời tôi

Văn Việt


1.

Có lẽ tôi đã sống được và làm những chuyện có ích cho đời

Nhớ câu thơ Bảo Sinh

Hàm súc lại ý nghĩa

Hạnh phúc là gì

Chính là cuộc sống

Hãy yêu quý nó

Đơn giản vậy thôi

Đến giờ này tôi chỉ còn sự tuyệt vọng

Cứ phảng phất nụ cười

Kiếp sau lại hẹn gặp

Ta lại làm thơ chơi.

Sinh lão bệnh tử

Luật trời đã ban

Thôi đành chấp nhận

với nụ cười thôi

Ông năm nay 71

Sống đã hết mệnh trời

Ốm đau nhìn số phận

Biết làm sao hả trời?

Dăm ba câu tâm sự

Yêu tất cả.

2.

Muốn yêu vợ yêu con

Muốn yêu hết tất cả

Nay chỉ còn mong được

Lòng yêu

Vẽ không ra vẽ

Viết không ra viết

Nhưng vẫn vẽ viết

Cho yêu một đời

Nói chỉ nói vậy thôi

Lòng buồn không tả nổi

Viết cho khuây cuộc đời

Thơ không hay cứ viết

Mình lại tự cười thôi

Muốn thoát ra đừng ốm

Làm khổ hết cả nhà

Sinh lão bệnh tử

Quy luật trời ban ra

Không ai tránh khỏi được

Tâm sự viết thế thôi.

3.

Bạn đọc Hà Xi Măng

Yêu nhà văn hơn ruột thịt

Có bạn đọc như thế

Sống hèn hạ được sao.

4.

Đào Hải Phong

Phong lưu rất mực

Đất kinh kỳ có thực mấy người?

Chả cá nhà Khánh Nhọ

Nhọ cái con mẹ mày

Khánh này là Khánh Đào

Khánh có nhọ đâu nào.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Viết văn để uống rượu

Rượu thay thế tục lụy

Đệ nhất tửu sắc yên đổ.

5.

Lê Thiết Cương tối giản

Tối giản không tối tăm

Đầu óc luôn sáng rỡ

Tư tưởng luôn sáng ngời

Lê Thiết Cương tối giản

Hiếm tìm được một người

Anh hùng trong thiên hạ

Chỉ có một Cương thôi.

Vợ tôi

6.

Đời người có số mệnh

Ta cứ giữ cho tròn

Biết đạo, lý, tình nghĩa

Đừng làm gì khó coi

Anh vẫn ngây thơ thế

Em vẫn cứ lo toan

Anh giữ vững tình nghĩa

Một tấm lòng sắt son

Nghĩ đời cũng hay nhỉ

Số phận thật éo le

Tu đạo như không vậy

Vẫn giữ được danh tròn

Em chính là thử thách

Ghê gớm nhất đời anh

Anh chính là quyển sách

Anh giữ gìn từng trang.

7.

Vợ tôi như mẹ tôi

Chăm sóc lo từng tí

Cho ăn rồi cho uống

Cho ngủ lại cho nằm

Suốt ngày ăn lại ỉa

Đái dầm vẫn cười tươi

Ôi người vợ tần tảo

Tôi thương yêu suốt đời

Ốm đau rồi mới biết

Nghĩa sâu nặng vợ chồng

Ở trên đời có một

Chắc chắn là vợ tôi

Hai vợ chồng như thể

Hai con chim sinh đôi

Thơ không nói hết được

Biết thương thầm vậy thôi.

8.

Em cầm cành hoa

Lại mặc áo dài

Nụ cười cởi mở

Ánh sáng lòng tôi

Vẽ Trang vài nét bút

Cốt tập để khỏe người

Cho đầu óc khỏi bí

Vẽ chỉ là đùa thôi.

Nguồn: vanviet.info

This entry was posted in Nguyễn Huy Thiệp, Văn học thời đổi mới. Bookmark the permalink.